Nhân vật là trung tâm, linh hồn, sự sống của bất cứ một tác phẩm nào, trong đó con người lại là những hình tượng trung tâm, tạo nên sức sống cho tác phẩm. Andersen đã xây dựng một tập thể nhân vật vô cùng đa dạng với nhiều loại người, nhiều hình thức khác nhau. Các nhân vật của ông tạo nên một thế giới muôn màu sắc, khiến cho người đọc dù là bất cứ ai cũng có thể say mê, thỏa mãn và có thể tìm thấy mình trong đó.
Trước hết phải kể đến những nhân vật thuộc thế giới cổ tích như vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử, bà tiên, mụ phù thủy…Andersen đã rất hiểu tâm lí của thiếu nhi khi xây dựng nên những không gian cổ tích với cung điện, đền đài, thủy cung, thiên đàng…, với những vật dụng màu nhiệm như chiếc hòm biết bay, chiếc bật lửa thần, lọ thuốc có thể làm biến hình của mụ phù thủy…Những gì mà trẻ thơ mong muốn ở một câu chuyện cổ tích, thì Andersen đã có thể đem đến được, với cách mở đầu « ngày xửa ngày xưa » và lối kể chuyện hồn nhiên, hóm hỉnh, ông đã góp phần
xây đắp ước mơ, bồi đắp tâm hồn cho lứa tuổi nhỏ. Có câu chuyện kết thúc có hậu như anh lính trong « Chiếc bật lửa » đã đánh lừa được mụ phù thủy, và trở nên giàu có nhờ kho báu tìm được, nhưng cũng có chuyện kết thúc buồn như « Nàng tiên cá », nhưng tất cả đều đậm chất huyền ảo, lung linh. Chính vì vậy mà người ta không ai phân vân, thắc mắc khi gọi các sáng tác của ông là truyện cổ tích, hơn nữa là truyện cổ tích dành cho thiếu nhi.
Thế nhưng không chỉ dừng lại ở đó, con người xuất hiện trong các tác phẩm của Andersen còn là những con người bình dân, tầm thường, họ là bất cứ ai mà ông gặp trong cuộc sống như người thợ giặt, anh gác cổng, chủ cửa hàng tạp hóa, người thủy thủ, bà cụ già neo đơn… Hơn thế nữa, Andersen còn đem vào sáng tác của mình một thế giới nhân vật trẻ thơ với nhiều hoàn cảnh, số phận khác nhau. Một em bé bán diêm chết cóng trong đêm mùa đông lạnh giá, một cậu bé với tên họ có vần « sen » thấp hèn không được dự tiệc cùng với những bạn nhỏ con nhà quyền quý, cậu bé con người gác cổng có năng khiếu vẽ những bức tranh tuyệt đẹp, cả những cậu bé ốm đau bị thần chết đem về thiên đường để lại nỗi đau đớn không nguôi trong lòng bà mẹ…
Trái tim của Andersen đã dành tình cảm cho những kiếp người nhỏ bé, bất hạnh, tội nghiệp. Xuất phát từ tuổi thơ không có nhiều niềm vui sướng do cuộc sống nghèo nàn, xuất phát từ những chuyến đi với bao điều trông thấy trên mỗi bước chân qua, Andersen đã thấu hiểu và cảm thông với tất cả. Ông hiểu họ đều có một cuộc sống, một ước mơ, hoài bão khác nhau, và số phận của họ cũng là những mảng màu sắc sinh động của cuộc đời. Cho nên ông không ít lần dành cho họ những điều tốt đẹp, con trai người gác cổng cuối cùng trở thành nhà kiến trúc vĩ đại, cậu bé mặc cảm với tên họ có vần « sen » của mình sau này là một họa sĩ tài ba, ngay cả cô bé bán diêm, dù chết đi nhưng cũng được chết trong hạnh phúc được gặp lại bà, và không phải tiếp tục chuỗi ngày đau khổ. Phải chăng Andersen đã nói dùm ta những ước mơ thầm kín, sâu xa, người ấy có thể nói dùm ta những điều mà ta không thể diễn đạt nổi. Cho nên, không chỉ là cổ tích dành cho trẻ em, truyện Andersen có thể tìm thấy chỗ đứng trong tim bất cứ mỗi độc giả nào.