Thiên nhiên xuất hiện trong các tác phẩm của Andersen rất đỗi đa dạng, phong phú, từ bao la hùng vĩ đến nhỏ bé, gần gũi cuộc sống. Đất nước Đan Mạch xinh đẹp cùng với thiên nhiên mà tác giả đã trải nghiệm qua những chuyến đi đã tạo nên những bức tranh phong cảnh tuyệt vời trong truyện của ông, và hơn thế, thiên nhiên trở thành một nhân vật cụ thể với tiếng nói, hơi thở riêng. Trong khi các truyện cổ tích nói chung và truyện cổ Grimm nói riêng, thiên nhiên chỉ hiện hữu như những khung cảnh bình thường, tồn tại như một không gian địa lí bình thường. Người đọc có thể tìm thấy trong các sáng tác của Andersen những dãy núi phủ đầy tuyết ở đỉnh núi Anpơ, những ngôi nhà gỗ bên hồ nước xanh với đàn thiên nga bơi lội, những rừng thông xanh tít tắp và bạt ngàn hoa thạch thảo mỗi độ đông về. Thống kê trong 56 truyện kể của Andersen thì có đến 14 truyện được mở đầu bằng khung cảnh thiên nhiên (chiếm 25%). Rõ ràng thiên nhiên đã tham gia vào tình tiết, cốt truyện, và trở thành nhân vật không thể thiếu trong các sáng tác của người kể chuyện thiên tài này. Thiên nhiên trong truyện kể của ông cũng biết yêu, ghét, giận, hờn, biết hi vọng và thất vọng, thiên nhiên như một người bạn thực sự để con người gởi gắm vào đó nỗi niềm tâm sự, những mơ ước. Thiên nhiên hiền hòa nâng đỡ bước chân con người, và có đôi khi thiên nhiên cũng khắc nghiệt, dữ dội, tiêu diệt con người.
Thử so sánh văn bản câu chuyện « Sáu con thiên nga » của anh em Grimm và
« Bầy chim thiên nga » của Andersen. Trong khi văn bản của Grimm chỉ khoảng 2400 chữ, thì tác phẩm của Andersen gấp ba lần, gần 7200 chữ. Nguyên nhân khiến
cho văn bản « Bầy chim thiên nga» dài hơn hẳn là vì tác giả của nó đã dành phần lớn vào việc miêu tả thiên nhiên. Đó là khung cảnh khu rừng khi nàng Lidơ đi lạc vào, đó là cảnh biển khơi thay đổi nhiều lần khi bầy chim thiên nga đưa em vượt qua. Thiên nhiên không chỉ góp phần tạo dựng cảnh mà trở thành một nhân vật thực sự trong cuộc đấu tranh giành lại hạnh phúc của anh em nàng công chúa xinh đẹp nhưng bất hạnh này. Chính thiên nhiên đã bao bọc, che chở, và đứng về phía cái thiện trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác. Con người tồn tại được và trở nên mạnh mẽ hay không là nhờ một phần ở sự phù trợ của thiên nhiên.
Bên cạnh đó, thiên nhiên cũng có lúc chỉ chờ đợi để hạ gục, tiêu diệt con người. Đó là nữ chúa tuyết với chuỗi thời gian dài chờ đợi để hãm hại chàng Ruyđi dũng cảm, đó là bùn đen đã lôi kéo cô gái không biết hiếu thảo với cha mẹ trong câu chuyện « Cô gái dẫm lên bánh mì » xuống đáy sâu. Người xấu bị thiên nhiên trừng trị đó là lẽ phải, nhưng đôi khi kể cả người tốt cũng không tránh được. Đó phải chăng là những ẩn số trong cuộc sống mà con người luôn luôn phải đi tìm và lí giải. Thế nhưng dù sao đi nữa, dù có lúc thất bại nhưng con người vẫn luôn tự tin, mạnh mẽ để vui sống, để hòa hợp với thiên nhiên -người bạn thân thiết của chính họ.