Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật truyện kể andersen (Trang 65)

Truyện cổ tích thường chỉ cần một vài câu mở đầu là có thể giới thiệu được về ngoại hình, tính cách của nhân vật, và thường miêu tả nhân vật chung chung, không cụ thể, nếu đẹp là đẹp tuyệt trần, đẹp nhất, nếu xấu thì là rất xấu xí, kinh tởm…Truyện cổ Grimm là một trường hợp tiêu biểu. Đây là cách giới thiệu các nhân vật của Grimm : Một hoàng hậu già, chồng chết đã lâu, có một cô con gái rất đẹp

(Cô gái chăn ngỗng). « Có một cô gái tên là Jorinde, đẹp nhất trong những cô gái và một chàng trai tuấn tú tên là Joringel đã hứa hôn với nhau, sống hạnh phúc bên nhau » .(Jorinde và Joringel). « Tôi có một cô con gái đẹp trên đời không ai sánh bằng », « Thấy cô rất đẹp, ông vua cảm động, yêu cô say đắm » (Sáu con thiên nga ). Hay khi miêu tả vẫn chỉ bằng những hình ảnh ước lệ « ít lâu sau bà sinh được một đứa con gái rất đẹp, da trắng như tuyết, tóc đen như mun, môi đỏ như máu ». « Một ông vua có cô con gái đẹp hơn thiên nhiên nhưng tự hào và kiêu căng tới mức không xác nhận người cầu hôn nào xứng đáng với nàng ».[9] (Mỏ chim họa mi). Truyện cổ tích thường cũng ít gọi tên nhân vật một cách cụ thể, mà thường gọi theo giới tính (cô gái, chàng trai, cậu bé), gọi theo nghề nghiệp (người đánh giày, người thợ săn…), theo chức tước, vai vế (vua, hoàng hậu, công chúa). Những trường hợp này cũng thường thấy trong truyện cổ tích Việt Nam : « Ngày xưa có một gia đình nọ có một người con gái xinh xắn nết na…». (Trinh phụ hai chồng) ; « Ngày xưa ở làng Chèm có một người họ Lý khỏe mạnh lạ thường ». (Lý ông Trọng hay sự tích thánh Chèm)…[4]Chính vì nhân vật thường được giới thiệu một cách chung chung như vậy nên khi muốn nhắc tới một nhân vật nào người ta thường phải kèm theo tên truyện chẳng hạn như « nhân vật người em trong truyện « Hà rầm hà rạc », mụ dì ghẻ trong truyện « Tấm Cám »…

Truyện của Andersen có một phong cách riêng, trước hết ông thường miêu tả nhân vật một cách cụ thể, sinh động. Thử so sánh truyện « Sáu con thiên nga » của Grimm và « Bầy chim thiên nga» của ông người đọc sẽ thấy có những sự khác biệt rõ rệt. Grimm mở đầu câu chuyện bằng việc vua cha đi săn bị lạc trong khu rừng rậm, và để tìm đường về nhà, vua phải thực hiện lời hứa cưới con gái mụ phù thủy. Sợ các con mình bị dì ghẻ hắt hủi, vua đưa sáu con trai và đứa con gái út vào rừng sống. Sau đó mụ dì ghẻ đã tìm đến được và biến các hoàng tử thành thiên nga. Grimm không hề miêu tả hình ảnh các hoàng tử và nàng công chúa như thế nào ngoài cách giới thiệu chung chung « nàng rất đẹp ». Còn trong câu chuyện của Andersen, ông lại giới thiệu như sau : « Ở xa, xa đây lắm, nơi chim nhạn bay đến vào mùa thu, có một nhà vua có mười một con trai và một con gái tên là Lidơ. Mười một chàng trai trẻ tuổi ấy đều đeo thánh giá bên ngực và gươm bên mình. Ở trường, họ viết trên những tấm bảng bằng vàng với những con dao nhọn bằng kim cương; họ đọc thông và rất thuộc bài. Họ thật xứng đáng là những hoàng tử. Cô em út, nàng Lidơ, thường ngồi trên một chiếc ghế bằng thuỷ tinh...Trên tay nàng cầm một cuốn sách có nhiều tranh vẽ, riêng cuốn sách ấy cũng đáng giá bằng một nửa giang sơn của bất cứ một vị vua chúa nào. »

Và Andersen cũng đã đành khá nhiều « đất » cho việc miêu tả nhân vật của mình, để rồi thông qua việc miêu tả các nhân vật, ông còn gởi gắm vào đó tình cảm, những lời bình luận, cả nụ cười hóm hỉnh của mình qua cách miêu tả. « Dưới cái gương có để một cô gái chăn cừu bằng sứ nhỏ xíu rất đẹp. Đôi giày của cô bé được mạ vàng và bộ xiêm y của cô bé có đính một bông hồng để trang điểm. Cô ta đội mũ, tay cầm một cái gậy để chăn cừu, và cả hai thứ đều được mạ vàng, sáng đẹp hẳn lên ».(Cô bé chăn cừu và người nạo ống khói).

« Vua Thủy Tề góa vợ từ lâu, công việc trong cung do Hoàng Thái hậu điều

khiển. Bà là người khôn ngoan, nhưng rất kiêu hãnh về dòng dõi quý tộc của bà. Bà cài tới mười hai con ngọc trai ở đuôi, trong khi những bà khác trong hoàng tộc chỉ đeo đến sáu con là cùng. Bà có nhiều đức tính tốt, nhưng tốt nhất là bà rất mực yêu thương các cô cháu gái, các nàng công chúa nơi thủy cung. Các cô nàng đều xinh đẹp, riêng nàng út đẹp hơn cả. Nàng có làn da nhỏ mịn như cánh hồng, có đôi mắt

xanh thẳm như nước biển. Nhưng nàng cũng giống các chị, không có chân, chỉ có

một cái đuôi như đuôi cá ». (Nàng tiên cá).

Cách miêu tả ngoại hình chi tiết, rõ ràng là nét đặc trưng của Văn học bác học, là điểm khác biệt so với văn học dân gian. Bởi vì nhân vật trong các tác phẩm văn học viết mang dấu ấn cá nhân riêng, không hề bị trùng lắp với bất cứ nhân vật nào khác. Thậm chí có khi các nhân vật còn vượt qua khỏi giới hạn của trang sách mà hòa vào trong đời sống của con người, tên của họ thành tên của những ai có nét tính cách tương tự. Truyện kể của Andersen đã làm được điều đó, nên ông đã đưa các nhân vật của mình thoát ra khỏi tính chức năng của truyện cổ, để có đời sống riêng, tiếng nói riêng.

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật truyện kể andersen (Trang 65)