Hình thái nghệ thuật truyện kể và vai trò vị trí riêng của Andersen

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật truyện kể andersen (Trang 29)

Toàn bộ tác phẩm của Andersen được xuất bản gồm nhiều thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, thơ, tùy bút, kí sự, nhật kí, kịch…Riêng phần truyện kể chiếm vị trí quan trọng, đã làm nên tên tuổi của Andersen trên khắp thế giới.

Thực tế cho thấy rằng, tên gọi “Truyện cổ tích Andersen” như xưa nay chúng ta vẫn hay dùng chỉ là một cách gọi dựa theo những đặc trưng truyện kể của ông mà thôi. Bởi bên cạnh những câu chuyện chế tác theo môtip cổ tích, ông còn có rất nhiều các tác phẩm theo thể loại ngụ ngôn, tiểu thuyết…

Trong số các truyện kể, có khoảng 25% số truyện được mở đầu theo môtíp “ngày xửa ngày xưa” như các câu chuyện cổ tích dân gian của rất nhiều nước trên thế giới. Bởi lẽ ông viết những câu chuyện đó để dành cho trẻ em, cho nên cách tạo một không gian quen thuộc với những qui cách thân thuộc thì còn gì thích hợp hơn? Khảo sát một số truyện của ông, chúng ta có thể thấy cách mở đầu quen thuộc này: “Ngày xưa, có một lão lái buôn giàu có đến nỗi có thể lấy bạc ra lát kín cả khu phố lão …”(Chiếc hòm bay), “Ngày xưa, có một vị hoàng đế thích quần áo mới đến nỗi có bao nhiêu tiền của đều tiêu pha vào việc may mặc hết…”(Bộ quần áo mới của hoàng đế), “Ngày xưa, có một hoàng tử rất nghèo chỉ có một giang sơn chật hẹp…”(Anh chàng chăn lợn).[6]. Những cách mở đầu như thế này sẽ dẫn dắt người đọc vào một không gian quen thuộc, đầy cảm tình để con người có thể chiêm nghiệm, ước mơ, hoài bão…

Tương tự, Andersen cũng có những cách kết thúc truyện đậm chất cổ tích, nghĩa là người tốt, người bị áp bức bất công thì cuối cùng sẽ có hạnh phúc, và kẻ ác tất nhiên sẽ bị trừng trị. Khảo sát cho thấy ông đã dành cho nhiều câu chuyện của mình một kết thúc viên mãn như truyện cổ tích thương đem đến. Truyện “Ông già làm gì cũng đúng” gợi liên tưởng về kiểu truyện chàng ngốc gặp may, truyện “Người bạn đồng hành” kể về cuộc phiêu lưu của Giăng, lòng tốt của anh cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng, Giăng trở thành vua, giàu có, quyền lực và được vợ như ý. Như là món quà dành tặng cho mỗi độc giả, mỗi câu chuyện cổ tích như vậy sẽ đem đến cho người đọc cảm giác bình yên, thanh thản, nhất là với độc giả nhỏ tuổi, sẽ tạo dựng thêm cho các em niềm tin yêu ở cuộc sống này.

Thế nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì tên tuổi Andersen cũng sẽ chìm khuất trong rất nhiều những tên tuổi khác với hàng nghìn câu chuyên cổ tích trên khắp thế giới. Điều đặc biệt khiến cho tên tuổi Andersen nổi bật trên văn đàn là ở chỗ ông đã khéo léo có những sáng tạo cho riêng mình. Các nhà nghiên cứu đã mất nhiều công

sức khi xác định thể loại cho các tác phẩm của Andersen. Năm 1835, khi xuất bản những truyện kể đầu tiên, ông đã gọi là “Eventyr cho trẻ em”, Eventyr là tiếng Đan Mạch, tiếng Anh có nghĩa là fairy tale, tiếng Pháp được dịch là conte de fees, mà nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã gọi rất hay là “huyền truyện”, những huyền truyện ngắn dành cho bất cứ ai (a short fantastic story for any age of reader).[42].

Song song với những truyện hướng về những độc giả nhỏ tuổi, Andersen còn có hàng loạt truyện hướng về rộng rãi công chúng, nhiều truyện của ông nếu tách riêng ra có thể thành một truyện ngắn có giá trị độc đáo. Cho nên các nhà nghiên cứu văn học dân gian không nhìn Andersen như là một Perrault hay Grimm của Đan Mạch, ông hầu như nằm ngoài phạm vi quan tâm của họ. Còn đối với các nhà nghiên cứu văn học viết thì Andersen cũng không nằm trong danh sách những cây bút truyện ngắn chuyên nghiệp. Tuy nhiên điều đó càng làm cho tên tuổi của ông thêm nhiều vinh dự, ông đã xác định cho mình một vị trí riêng.

Andersen bước vào văn đàn với thiên chức để tôn vinh cuộc sống, tôn vinh cái đẹp. Ông say mê những gì đem đến cho thế giới cái đẹp và sự cứu rỗi. Ông không thể không nhắc tới cái ác, cái xấu xa…nhưng tất cả những điều ấy chỉ là bước nền để tôn vinh những gì là cái đẹp vĩnh hằng. Thêm vào đó, đối với Andersen, ông đã giải phóng các mô típ huyền thoại trong kinh thánh, thần thoại, cổ tích, đưa chúng vượt qua những giới hạn của tín ngưỡng để tái tạo trên một bình diện thẩm mĩ mới. Con quỉ trong truyện của Andersen có thể liều chết xông vào đám cháy để cứu một tập thơ (Con quỉ và cửa hàng tạp hóa), thần Chết trở thành người chăm sóc linh hồn con người trước khi tiễn đưa họ về thiên đường (Chuyện về một người mẹ). Quan niệm nghệ thuật của Andersen rất đỗi đơn giản nhưng chứa đựng rất nhiều thi vị, với ông con người chỉ có thể hòa hợp với thiên nhiên, mạnh mẽ trong thiên nhiên. Nghệ thuật phản ánh cuộc sống chính vì vậy nghệ thuật đẹp nhất, nghệ thuật đích thực vẫn là cuộc sống. Con chim họa mi giả dù hót hay đến đâu chăng nữa thì cũng không thể giữ mãi tiếng hót trong trẻo như con chim họa mi thật, con chim nhỏ bé của đất trời tự do bao la (Con chim họa mi).

Andersen kết cấu các truyện kể của mình theo lối kết cấu dân gian, tuân theo logic nhân quả. Tuy nhiên, các sáng tác truyền miệng thường được tổ chức một cách

ngắn gọn, đơn giản hơn. Truyện của Andersen thường được xây dựng theo lối kết cấu dài. Có khi ông đi vào đề là một câu chuyện khác, nhưng toàn bộ diễn biến lại là những câu chuyện tưởng chừng như không đi vào vấn đề chính, vậy mà cuối cùng lại nổi bật ý nghĩa của câu chuyện mà tác giả không cần kể, không cần phải bình xét. Câu chuyện “Dòng họ nhà chị vịt Meg” là một ví dụ điển hình. Câu chuyện về sự phát triển hưng thịnh đến suy vong của một dòng họ, cuộc đời của một thiếu nữ xinh đẹp, có nghị lực nhưng không hạnh phúc trong cuộc đời được tái hiện lên trong quá khứ, mà hiện tại chỉ còn là một khu nhà đổ nát làm chuồng cho vịt ở. Lẽ hưng phế trong cuộc đời và sự lãng quên của hiện tại đối với quá khứ thật chua xót biết bao nhiêu. Andersen cho xuất hiện trong tác phẩm của mình rất nhiều những nhân vật bình dân, ông cho họ những kết thúc không có hậu, ông đặt vào truyện những lời tự sự, những triết lí thiết tha, cháy bỏng. Chính vì vậy, người đọc thưởng thức truyện của ông như những lát cắt của cuộc sống, chân thật đấy nhưng vẫn không kém phần mộng mơ, thi vị.

Về cách mở đầu, phần nhiều các sáng tác của Andersen có mở đầu theo một phong cách riêng, không như cổ tích. Ở đây, chúng tôi tạm thời phân loại một số cách mở đầu truyện của ông như sau:

- Câu chuyện mở đầu bằng sự hiện diện trực tiếp của cái tôi tác giả: “Các bạn hãy chú ý, tôi bắt đầu kể…”(Nữ chúa Tuyết)

- Mượn lời của một nhân vật để kể lại câu chuyện mà nhân vật từng trải qua hoặc chứng kiến: “Bác kể cho các cháu nghe một chuyện bác được nghe từ nhỏ…”(Ông già làm gì cũng đúng)

- Mở đầu bằng cách nói có tính chất nửa vời: “Câu chuyện này gồm có hai phần, phần đầu có thể lặng lẽ lướt qua…”(Một chuyện đau lòng)

- Mở đầu bằng cách gợi mở: “Câu chuyện này xảy ra lâu lắm rồi, chính vì vậy càng phải nên kể lại kẻo mọi người quên mất…”(Chim họa mi)

- Mở đầu bằng lời khẳng định: “Bây giời chúng sắp sửa xem chuyện gì đã xảy đến với họ, vì đây là một chuyện có thật…”(Cu nhớn và cu con)

- Mở đầu bằng cách nói giản dị, ngắn gọn: “Các bạn hãy lắng nghe câu chuyện nhỏ này…”(Bông cúc trắng)..

Mỗi cách mở đầu khác nhau đều tạo nên một tác dụng riêng, và điều dặc biệt là tạo nên một phong cách rất riêng của Andersen mà người đọc không thể nhầm lẫn với bất cứ ai.

Bên cạnh đó, ở phần kết thúc truyện, Andersen cũng đã có phần lớn các tác phẩm kết thúc không có hậu. Bởi lẽ trong thực tế không phải lúc nào cái thiện cũng chiến thắng, và cái ác bị tiêu diệt. Ông khơi gợi lòng hướng thiện trong mỗi con người bằng cách đề cao lòng nhân ái, nói lên tiếng nói của lương tâm con người. Ngay cả nhân vật xấu xa, độc ác nhất vẫn có những phút hướng thiện tốt đẹp, và những nhân vật lương thiện vẫn có các thói hư tật xấu riêng. Cho nên điều quan trọng không phải là thiện hay ác chiến thắng, mà quan trọng là con người ta phải làm sao càng ngày càng tới gần cái thiện và rời xa cái ác. Cái thiện có thể bị tiêu diệt nhưng là bước chuẩn bị cho những điều tốt đẹp hơn sau đó ra đời.

Truyện của Andersen không quá xa rời với hiện thực, bởi theo ông “Truyện phiêu lưu kỳ diệu nhất cũng từ thực tại mà ra”. [10, 126]. Ông đã từng bước xóa bỏ sự ngăn cách giữa hiện thực và ước mơ, giữa thế giới thần kì với cuộc sống hiện tại. Tất cả những hình tượng trong tác phẩm đều xuất phát từ cuộc sống và cuối cùng quay trở về phục vụ chính cuộc sống.

Với sự kết hợp giữa tình cảm và triết lí, Andersen đã đem đến cho biết bao thế hệ người đọc trên khắp thế giới những giấc mơ cao đẹp, những bài học giản dị nhưng sâu sắc trong quá trình hoàn thiện nhân cách con người mình. Con người theo Andersen phải biết làm chủ bản thân, phải hiểu được vị trí của mình, phải làm tròn trách nhiệm mà cuộc đời giao phó. Thế nhưng những triết lí đó không phải như một thứ triết học trừu tượng khô khan. Andersen có thể gởi gắm qua một câu chuyện đẹp như một bài thơ với cảnh thiên nhiên thơ mộng, qua những lời tâm sự, dặn dò thiết tha, qua sự phê phán, châm biếm…Cho nên thế hệ độc giả lớn tuổi vẫn thích đọc truyện cổ Andersen, bởi họ vẫn tìm thấy ở đó những điều để răn mình, nhưng không giáo điều khô khan, mà chân tình, nhẹ nhàng, thâm thúy…

Những câu chuyện của Andersen đã làm được việc mà ông hằng mong mỏi, đó là tìm ra con đường liên kết mọi trái tim. Không còn là “chuyện con nít”, không phải là chuyện của xứ sở Bắc Âu xa xôi, mà đó là chuyện của con người, của mỗi chúng

ta. Và chính điều đó đã đưa tên tuổi của ông lên một vị trí đặc biệt trên văn đàn thế giới.

Qua những điều đã khảo sát về truyện của Andersen cũng như những nét đặc sắc riêng của ông, chúng ta có thể nhận thấy không thể gọi những truyện kể của Andersen là truyện cổ được. Điều đó cũng được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận và chọn một tên gọi đúng đắn nhất : truyện kể Andersen.

1.2.2.Yếu tố tự nhiên xã hội ảnh hưởng tài năng của Andersen

Đan Mạch nằm ở Bắc Âu, một vùng đất lạnh lẽo khiến cho con người dễ cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, Đan Mạch ít chịu rét hơn, lại ảnh hưởng từ đại dương. Andersen sinh ra tại thành phố Odense, một thành phố nằm trong thung lũng giữa những quả đồi thấp trên đảo Fiun. Những thung lũng đó hầu như quanh năm sương mù lẩn quất, còn trên đỉnh những quả đồi lại nở hoa thạch thảo. Pauxtôpxki đã ví Odense như một thành phố đồ chơi của trẻ con bằng gỗ sồi đen. Bởi vì nơi đây nổi tiếng với nghề chạm gỗ. Những người thợ lành nghề đã chạm trổ một bàn thờ đồ sộ cho thánh đường Odense, và làm những pho tượng lớn để trang trí cho mũi của những con tàu buồm rong ruổi khắp đại dương. Chính cái thành phố đồ chơi ấy phải chăng đã hun đúc cho tâm hồn thơ trẻ của Andersen trí tưởng tượng phong phú, bay bổng về những điều kì diệu, để ông sáng tạo nên nhiều kiệt tác?

Đất nước Đan Mạch với những rừng dẻ gai, những ao hồ núi non, hải đảo và biển cả với sương mù, băng tuyết đã giúp Andersen tạo nên một thế giới thiên nhiên sinh động, đầy màu sắc, thiên nhiên hơn lúc nào hết trở thành con người, thành nhân vật trong các câu chuyện kể của ông với đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Trong rất nhiều câu chuyện của mình, Andersen đã tập trung miêu tả tỉ mỉ cảnh thiên nhiên, và thiên nhiên chính là bước chuẩn bị, là cái cớ cho con người xuất hiện. Họ gắn bó trong thiên nhiên không thể tách rời.

Andrsen lớn lên trong một gia đình lao động nghèo khổ, thuộc lớp người dưới đáy xã hội. Ông không được nuôi dưỡng chu đáo. Từ nhỏ, cậu bé Andersen hay bám theo bà nội đến bệnh viện để chăm sóc mảnh vườn hoa nơi đó. Bà nội vốn là người có tài kể chuyện và bịa chuyện. Thêm vào đó là những câu chuyện không đầu không đuôi của các bà lão lẩn thẩn trong viện. Thế nhưng chừng ấy cũng đủ cho ông nguồn

vốn văn chương bất tận để sáng tạo. Người bố làm thợ giày vốn hiền lành và ít nói của Andersen lại luôn mong ước con trai có được tương lai xán lạn. Ông đã làm cho Andersen những món đồ chơi đẹp, và đọc cho nghe những câu chuyện, những vở kịch nổi tiếng. Cùng với những huyền thoại, những lễ hội phong phú của quê hương đã đem đến cho Andersen trí tưởng tượng bay bổng, phong phú.

Vào những năm 30 của thế kỉ XIX, nền văn hóa nghệ thuật Đan Mạch bước vào thời kì hoàng kim, giã từ chủ nghĩa cổ điển hướng theo chủ nghĩa lãng mạn đang phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu. Andersen đã chịu ảnh hưởng lớn từ các thế hệ đi trước như nhà thơ, nhà tiểu thuyết lịch sử B.S.Ingemann(1789- 1862),A.Ochoehlenslhager(1779-1850),N.Grudtvig (1783-1872)…

Không dừng lại trong phạm vi Đan Mạch, trong suốt 70 năm của cuộc đời, Andersen đã từng du lịch 29 lần ra nước ngoài như Đức, Anh, Ý, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đến tận Trung Cận Đông…Ông nói “Những chuyến đi thật cần thiết đối với tôi, không phải là để tạo nguồn cảm hứng mới, bởi nguồn mạch khá phong phú mà cuộc sống ngắn ngủi sẽ làm khô cạn, mà cốt để tạo cho mình một ý tưởng, một hình thức mạnh mẽ và mới lạ trong một khung cảnh chưa quen biết”. [10, 9].Những chuyến đi với những lần gặp gỡ các nhà văn, nhà tư tưởng vĩ đại như Henrik Heine (1797-1856), V.Huygo(1802-1885), hay Lamartine, Balzac, A.Dumas.. đã giúp cho ông mở rộng tầm mắt, và chính vì vậy, tác phẩm của ông có sự pha trộn của cả văn hóa Đan Mạch, văn hóa Bắc Âu và cả văn hóa Châu Âu.

Được nổi tiếng và tôn vinh như một công dân danh dự khắp Châu Âu, nhưng trong tâm hồn Andersen vẫn mang một điệu buồn, một “nỗi buồn cô đơn man mác triền miên”. Điều đó bắt nguồn từ nỗi buồn gia đình, đến giai cấp xuất thân mà Andersen luôn mặc cảm. Cho nên Andersen đã tạo nên một thế giới nhân vật với đầy đủ các tầng lớp người trong xã hội, và bao giờ ông cũng mang đến cho họ niềm mơ ước lạc quan của cuộc sống. Vì thế mà truyện của ông không chỉ mang nặng chất tự truyện của riêng ông mà là dáng dấp của tất cả những ai còn bất hạnh nhưng luôn khao khát được vươn lên trong cuộc đời.

Lẽ đương nhiên, điều quan trọng nhất tạo nên thiên tài Andersen chính là khả năng thiên bẩm của ông. Và tài năng ấy trải qua bao nhiêu thời gian, bao nhiêu thử

thách, vẫn luôn là bạn đồng hành tin cậy cho bất cứ những ai yêu cái thiện và ước mong hướng tới Chân,Thiện, Mĩ trong cuộc đời này.

Khác với truyện cổ tích dân gian, truyện cổ tích nhà văn ghi nhận những dấu ấn riêng trong sự sáng tạo của từng tác giả. Bên cạnh Perrault của Pháp, anh em Grimm của Đức, hay các tác giả của Nga, Việt Nam…Andersen là nhà kể chuyện cổ tích thiên tài với những đặc trưng rất riêng. Sức sống của các tác phẩm từ tài năng sáng tạo của ông mà hình thành nên lẽ đương nhiên không bao giờ phai nhạt trong tim mỗi người đọc qua bao thế hệ.

CHƯƠNG 2 : TỪ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật truyện kể andersen (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)