Sự kế thừa từ truyện cổ tích

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật truyện kể andersen (Trang 61)

Hệ thống nhân vật trong kho tàng truyện cổ tích thế giới cũng như cổ tích Việt Nam được biết đến thật phong phú và đa dạng với nhiều kiểu nhân vật khác nhau như các nhóm nhân vật mồ côi, nghèo khổ, nhóm các nhân vật thần tiên, các nhân vật hoàng cung, trong đó có người thiện, có kẻ ác, có nhóm hại người và nhóm phù trợ cho con người. Như vậy, Andersen đã kế thừa được điều đó vào trong các truyện kể của mình. Ông nắm bắt được rất rõ tâm lí của bạn đọc nhỏ tuổi, trong mơ ước của các em về cuộc sống, luôn xuất hiện những phép thần tiên nhiệm màu, các em mong ước

người tốt sẽ gặp hạnh phúc, còn kẻ xấu sẽ bị trừng trị đích đáng. Trong những phút nguy nan nhất, thì ngay lập tức sẽ có một lực lượng siêu nhiên đứng ra làm đảo lộn tất cả tình thế. Cái ác ban đầu tưởng đâu mạnh mẽ, thắng thế nhưng cuối cùng sẽ thất bại thảm hại. Niềm tin trong trẻo và hồn nhiên ấy luôn sống trong lòng mỗi em nhỏ và tạo thành động lực, niềm tin, sức mạnh cho các em trong cuộc đời. Chúng ta có thể tìm thấy điều ấy trong các tác phẩm của Andersen, chính vì vậy mà từ rất lâu rồi, ông được gọi là người kể chuyện cổ tích thiên tài dành cho thiếu nhi, và người ta vẫn hồn nhiên gọi truyện của ông là truyện cổ tích, bất kể những tính chất đa dạng của nó. Điều đó cũng có thể gọi là một thành công của ông, giúp ông chiếm một vị trí vĩnh cửu trong lòng bạn đọc, khắp thế giới và mọi thế hệ.

Đối với truyện cổ tích, có một sự phân định rõ ràng giữa hai tuyến nhân vật chính và phụ, đó là nhân vật chính luôn là những con người bình thường, nghèo khổ, bất hạnh, còn nhân vật thần tiên chỉ đóng vai trò là nhân vật phụ, họ xuất hiện để giải quyết mọi khúc mắc cho nhân vật chính. Nhân vật anh Khoai trong « Cây tre trăm đốt » là một anh nông dân bình thường, thậm chí ngu ngốc, cô Tấm cũng chỉ là một đứa trẻ mồ côi, bị dì ghẻ hành hạ, ức hiếp, nếu không có nhân vật ông Bụt, bà tiên xuất hiện thì họ mãi mãi vẫn chỉ là những người vô danh, chìm đắm trong nghèo khổ, bất hạnh mà thôi. Nhân vật ông lão đánh cá trong truyện cổ tích « Ông lão đánh cá và con cá vàng » của Puskin cũng thế, ông hiền lành, chỉ biết làm theo những lời của vợ, ông cũng chẳng màng tới vinh hoa, phú quí, những ảo tưởng của người vợ tham lam và ngu ngốc. Thế nhưng tất cả họ đều là nhân vật chính, truyện cổ tích dành để phản ánh số phận và cuộc đời của họ, qua đó gởi gắm ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, công bằng hơn dành cho những người nông dân nghèo khổ trong xã hội lúc bấy giờ. Andersen cũng đã thể hiện được điều ấy trong một số tác phẩm của mình, nhân vật chính của ông là Ruydy và Babét, là hai con người bình thường trong « Nữ chúa tuyết», họ xuất thân bình thường, họ biết yêu thương nhau và khát vọng hạnh phúc, thế nhưng nhân vật phụ là nữ chúa tuyết đã chia lìa họ , đã cướp mất Ruyddy ngay khi đôi trẻ đang hạnh phúc. Hay như trong «Ip và Crixtin »cũng vậy, có sự xuất hiện của người đàn bà Bôhêmiêng trao cho hai đứa trẻ những quả lạc tây thần diệu, chứa đựng những điều quí giá, đặc biệt có thể dự báo tương lai của chúng. Nhân vật

nữ chúa tuyết hay nhân vật người đàn bà BôhêMiêng đều thuộc nhóm nhân vật thần tiên, họ xuất hiện để làm nổi bật thêm cho hệ thống các nhân vật chính trong tác phẩm. Như vậy, cho dù là những truyện thần tiên, mang sắc màu huyền thoại thì truyện cổ tích vẫn đề cập đến con người bình thường với những ước mơ và khát vọng trong cuộc sống hiện thực. Và Andersen cũng đã tiếp nối được tinh thần ấy, ông đã nói lên được tiếng nói đồng cảm với những con người nghèo khổ, bất hạnh mà ông đã gặp trên mỗi bước du hành của cuộc sống.

Truyện cổ tích thường tạo ra những nhân vật kiểu « chàng ngốc gặp may », anh ta luôn là đứa con chịu nhiều thiệt thòi nhất trong gia đình, anh ta ngu ngốc, bị anh em bạn bè chế giễu. Thế nhưng anh ta lại có tấm lòng nhân hậu, và sự hồn nhiên, không tư lợi. Cho nên cuối cùng anh ta được giúp đỡ, được lấy công chúa, lên làm vua trong khi các anh em mình thường thất bại thảm hại. Trong các tác phẩm của Andersen cũng không thể không kể đến những nhân vật ngốc nghếch nhưng thực thà, tốt bụng và cuối cùng gặp may. Như câu chuyện về anh chàng Jack đần độn đi tán tỉnh công chúa. Hai người anh của Jack hết sức thông minh, tài giỏi nhưng cuối cùng lại tỏ ra ngu ngốc, lố bịch trước những thử thách của công chúa. Còn Jack, những hành động vô tình, những lời nói chân thật không ngờ lại động đến trái tim công chúa, rồi chàng được lấy công chúa và lên ngôi vua. Hay câu chuyện « Ông già làm gì cũng đúng » kể về một ông lão đem một con ngựa tốt, đi đổi lấy một con bò, rồi lại đổi lấy cừu, ngỗng, gà mái, cuối cùng là những quả táo thối. Hành động của ông già ngu ngốc đến nỗi những người chứng kiến câu chuyện chắc chắn rằng vợ của ông sẽ nổi điên lên, và họ cá cược một số lượng vàng rất lớn nếu vợ của ông lão không tức giận trước chuyện này. Và kết thúc truyện dĩ nhiên là ông lão có được thứ còn quí hơn con ngựa lúc ban đầu, đó là túi vàng của những người cá cược. Truyện cổ Grimm cũng có những tác phẩm tương tự như « Chàng ngốc gặp may », anh chàng này cũng đổi từ một cục vàng to bằng đầu mình lấy một con ngựa, con bò cái, một con lợn, một con ngỗng, cuối cùng là một tảng đá mài nặng trịch, anh ngốc cảm thấy rất đỗi phiền hà với nó. Và khi anh đánh rơi nó xuống suối, ngốc cảm thấy nhẹ người, anh hạnh phúc chạy về với mẹ. Bức thông điệp của câu chuyện phải chăng là mọi của cải chỉ là vật ngoài thân, những ràng buộc khiến cho con người nhàm chán, vướng bận.

Con người chỉ tìm thấy được niềm vui khi giải phóng khỏi nó ? Môtíp này cũng đã được nhà sưu tầm truyện cổ Nguyễn Đổng Chi nhắc đến trong câu chuyện « Chàng ngốc gặp may ». Ngốc đi ở đợ cho nhà giàu có suốt mười lăm năm, nhưng khi trở về quê lại được chủ nhà trả công cho ba nén vàng giả. Trên đường trở về, Ngốc bị lừa đổi vàng giả để lấy bạc nhưng thực chất là chì, đổi chì lấy một nghìn tờ giấy, rồi chong chóng, và cuối cùng Ngốc có được một con niềng niễng nhưng bị lừa đó là viên ngọc quí. Ngốc đem ngọc dâng cho vua, như đến cổng vua, viên quan trong triều sai Ngốc mở ra xem và con niềng niễng bay mất. Ngốc khóc lóc bắt đền, vua biết chuyện, ban thưởng cho Ngốc nhiều vật quí giá vì đã có tấm lòng nghĩ tới đức vua. Những nhân vật được nhắc đến tuy ngốc nghếch nhưng vốn thật thà, lương thiện, vì vậy kết thúc của họ thường là hạnh phúc, vui vẻ, đây cũng chính là một bài học về nhân cách sống dành cho mỗi con người.

Các nhân vật được kể ra ở trên cũng được tạo ra nhằm thực hiện một số chức năng trong truyện, chứ thật ra nhân vật không có tính cách rõ rệt. Đây cũng là một đặc điểm của cổ tích. Nhân vật trong các truyện này hành động có những « hằng số » về chức năng và « biến số » về phương tiện thực hiện chức năng. Nhân vật trong truyện cổ thường được nhấn mạnh về hành động, bao gồm cả động tác, đối thoại và cả thế giới tâm lí. Câu chuyện của anh chàng Jack thuộc môtíp quen thuộc của cổ tích : ai giải được câu đố sẽ được cưới công chúa. Có thể kể thêm một tác phẩm nữa của Andersen để chứng minh cho điều này, đó là câu chuyện « Người bạn đồng hành ». Cha của Giăng ốm nặng, trong giấc mơ, Giăng thấy một cô gái xinh đẹp đội mũ miện, cha bảo « Vị hôn thê cha cưới cho con đẹp nhất trần gian như thế đấy ». Tỉnh dậy thấy cha đã chết, Giăng đi chu du thiên hạ. Anh nhổ cỏ trên một ngôi mộ lạ và tin là ở quê hương cũng có người nhổ cỏ trên mộ cha mình. Giăng cho ăn mày tiền. Anh trả tiền để cứu một xác chết khỏi bị hành hạ…Anh tiếp tục đi chu du và có được một người bạn đồng hành. Trên đường đi họ đã giúp đỡ cho nhiều người nhờ có phép lạ của người bạn đồng hành. Đến kinh thành, nhờ sự giúp đỡ của người bạn, Giăng đã cưới được công chúa. Sau đó anh mới biết người bạn chính là xác chết mình đã cứu trước đó. Đây có lẽ là câu chuyện « cổ xưa nhất » vì có thêm những chi tiết yêu thuật. Các nhân vật giống với cổ tích ở chỗ là đều phải trải qua thử thách (cái

bất biến), còn trải qua như thế nào là do mỗi sự trợ giúp khác nhau (cái khả biến). Cuộc đời của các nhân vật diễn ra theo các thứ tự chức năng : gặp gỡ, chia tay, tới đích, hôn nhân, giàu có, hạnh phúc hoặc không hạnh phúc. Bao giờ các nhân vật cũng tiến đến đích trên trục nằm ngang của thời gian tuyến tính một mạch đúng theo trình tự của cổ tích dân gian.

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật truyện kể andersen (Trang 61)