Tổ chức nhóm theo mô hình trò chơi sẽ tạo điều kiện cho HS được làm việc nhiều hơn, khơi dậy tính tích cực, chủ động của HS trong quá trình học tập. Giờ học biến thành cuộc so tài giữa các đội chơi, vì thế các em sẽ hăng hái tham gia, nỗ lực tư duy để tìm ra câu trả lới đúng, ghi điểm cho đội mình. Có như thế, giờ học sẽ đạt kết quả cao hơn nhiều so với các giờ học thông thường.
Có thể tổ chức hoạt động nhóm theo mô hình trò chơi theo các bước sau:
Bước 1: Chia nhóm
- Tùy theo mục đích và thời gian của trò chơi mà GV chia lớp thành nhóm nhỏ hay nhóm lớn. Mỗi nhóm là một đội chơi, được đặt tên và đánh số thứ tự cho các thành viên: các thành viên cùng số của các nhóm có sức học tương đương nhau. Để làm việc này, GV có thể căn cứ bảng điểm kiểm tra 1 tiết gần nhất để sắp xếp danh sách HS theo điểm từ cao đến thấp.
- GV bố trí chỗ ngồi hợp lí cho các đội chơi sao cho đảm bảo đủ vị trí, trao đổi trực diện, đồng thời việc di chuyển phải thuận tiện, không làm mất thời gian hoạt động của nhóm hay mất trật tự lớp học.
Bước 2: GV phổ biến luật chơi và hướng dẫn HS cách thức hoạt động nhóm.
- Mỗi trò chơi có cách thức tổ chức khác nhau, có luật chơi khác nhau. Việc tổ chức và điều khiển hoạt động của các nhóm như thế nào tùy thuộc vào sự sáng tạo của GV. GV có thể tham khảo cách thức tổ chức trò chơi giải trí trên truyền hình. Tuy nhiên cần thiết kế lại phù hợp với đối tượng HS.
- GV cần cử thư kí cho mỗi nhóm để ghi và tổng kết điểm.
Bước 3: HS tham gia vào trò chơi học tập.
- Nội dung học tập là các câu hỏi, bài tập liên quan đến các vấn đề cần ôn tập. - Các nhóm HS cùng nhau thảo luận để hoàn thành nhiệm vụ theo luật chơi đã
đề ra.
Bước 4: Nhận xét, đánh giá kết quả hoạt động nhóm.
- Kết quả hoạt động của nhóm được đánh giá bằng kết quả thi đua giữa các đội chơi, cuộc so tài nhỏ giữa các thành viên cùng số ở các nhóm.
- Sau khi kết thúc trò chơi, GV cần nhận xét, rút kinh nghiệm và chọn 2 đội có số điểm cao nhất để khen thưởng trước lớp nhằm khuyến khích HS học tập tốt hơn.
Một số điều GV cần chú ý để tổ chức hoạt động nhóm theo mô hình trò chơi đạt kết quả:
- Trong một trò chơi cần có các vòng thi dành cho cá nhân cùng số (sức học tương đương) do GV chỉ định để tất cả HS dù giỏi hay yếu đều tích cực tham gia hoạt động.
- Với các vòng thi dành cho cả đội, GV nên chỉ định thành viên bất kì trong đội trả lời câu hỏi nhằm tránh hiện tượng “ăn theo”.
- Mọi trò chơi đều phải có luật chơi. Luật chơi là những quy định mà tất cả người chơi đều phải tự giác chấp hành. Những quy định ấy nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ đảm bảo cuộc chơi đoàn kết, vui vẻ, an toàn, công bằng, khách quan. Luật chơi và quy tắc chơi cần dễ hiểu, tự nhiện tránh gò bó và được HS hiểu rõ, chấp nhận trước khi tiến hành trò chơi.
- Để tạo động lực thúc đẩy, kích thích HS tham gia vào trò chơi, GV cần lựa chọn những nội dung chơi thật hấp dẫn, gây được hứng thú. Bên cạnh đó, các yếu tố như phần thưởng, điểm thưởng cho đội giành chiến thắng trong trò chơi cũng phải được coi là quan trọng.
- GV cần chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, từ dụng cụ đến cách diễn đạt luật chơi, hướng dẫn và điều chỉnh quá trình chơi, dự đoán các thắc mắc của HS để có khả năng giải đáp.