Thiết kế các bài tập có sử dụng PPDH hợp tác nhóm cần chú ý các nguyên tắc sau:
Việc xác định đúng mục tiêu của bài luyện tập sẽ giúp GV lựa chọn những bài tập điển hình, trọng tâm cũng như các kĩ năng cần rèn luyện cho HS, từ đó GV có thể lựa chọn các phương pháp phù hợp với bài.
Nội dung ôn, luyện tập cần đảm bảo tính chính xác khoa học, vừa sức, phù hợp với trình độ nhận thức của HS.
- Trong giờ bài tập, GV tổ chức các hoạt động học tập nhằm hệ thống hóa kiến thức cần nắm vững cho HS, vì thế nội dung bài luyện tập cần tuyệt đối chính xác.
- Nội dung luyện tập cần có độ khó nhất định mà một cá nhân khó có thể tự mình giải quyết, cần phải có sự hợp tác với nhau. Nếu nội dung quá khó hoặc quá dễ sẽ không kích thích được tính tích cực của HS.
Lựa chọn phương pháp đặc thù với tiết bài tập.
Để lựa chọn được phương pháp phù hợp, hiệu quả, trước hết GV phải dựa trên cơ sở mục tiêu đề ra và trên cơ sở xác định đúng nội dung trọng tâm trong tiết luyện tập. Việc xác định PPDH sao cho đơn giản, giúp cho HS tự lực ở mức cao để tìm tòi phát hiện kiến thức mới đồng thời phù hợp với đối tượng HS.
Sử dụng PPDH hợp tác theo nhóm phối hợp với các PPDH khác một cách linh hoạt.
Mỗi PPDH có ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy, GV cần sử dụng hợp lí nhiều phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học khác nhau trong một giờ học sẽ phát huy được những mặt mạnh và khắc phục những mặt yếu của mỗi phương pháp để đạt hiệu quả cao trong quá trình dạy học.
Bên cạnh đó, việc thay đổi PPDH không những giúp thay đổi cách thức hoạt động tư duy của HS, giúp các em lâu mệt mỏi mà còn làm cho giờ học thêm sinh động, hấp dẫn.
Tạo điều kiện tối ưu cho HS được hoạt động hợp tác trong giờ học.
GV tổ chức các hoạt động hợp tác theo nhóm để người học vừa là đối tượng, vừa là chủ thể tham gia vào các hoạt động một cách tự giác, tích cực,
thông qua đó tự mình khám phá kiến thức, chứ không phải thụ động tiếp nhận kiến thức do GV sắp đặt. Từ đó, giúp HS bộc lộ những điểm mạnh và yếu của cá nhân. Dạy học theo cách này, vai trò của người GV không đơn thuần là truyền đạt tri thức mà phải là người hướng dẫn HS hành động để đạt mục đích đề ra.
Xây dựng hệ thống bài tập có nội dung phong phú, sâu sắc, đảm bảo tính phân hóa theo đối tượng HS.
Bài tập là một phương tiện dạy học quan trọng của người GV. Bài tập không những giúp HS hệ thống các kiến thức cơ bản mà còn rèn luyện cho các em năng lực tư duy, sáng tạo, kĩ năng vận dụng kiến thức, giải quyết vấn đề.
Để HS lĩnh hội được kiến thức, kĩ năng cần thiết qua quá trình dạy học thì GV nên soạn hệ thống bài tập đủ các dạng, từ dễ đến khó, phù hợp với trình độ HS.
Tăng cường sử dụng các phương tiện, đồ dùng dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học một cách hợp lí.
Chuẩn bị phương tiện, đồ dùng dạy học cần thiết cho một tiết học như: máy vi tính, máy chiếu, phiếu học tập có ghi các bài tập, các câu hỏi hoặc các nhiệm vụ yêu cầu HS. Cần ghi rõ nhiệm vụ của từng cá nhân hoặc của nhóm HS trong việc chuẩn bị này.