Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt

Một phần của tài liệu Kế thừa những ưu điểm của luật phá sản năm 2004 và tăng cường tính khả thi trong thực tiễn thi hành (Trang 98)

5. Kết cấu của luận án

3.2.4. Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt

Luật Phá sản 2004 mới chỉ đưa ra khung pháp lý chung nhất để xử lý phá sản cho các Doanh nghiệp nói chung. Nghị định 05/2010/NĐ- CP ngày 18/01/2010 của Chính Phủ quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng đã cụ thể hóa các điều kiện và việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và các biện pháp bảo toàn tài sản trong thủ tục phá sản; điều kiện, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tổ chức tín dụng bị yêu cầu tuyên bố phá sản và của người tham gia giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, điển hình là các ngân hàng thương mại (NHTM) đóng vai trò không hề nhỏ trong việc đảm bảo sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Có thể nói, các doanh nghiệp này là những trung gian tài

chính trên thị trường đảm bảo sự luân chuyển vốn nhịp nhàng trong nền kinh tế, đáp ứng các như cầu thanh toán, tín dụng của doanh nghiệp, trên cơ sở đó thúc đẩy các hoạt động thương mại trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng cũng là một hoạt động hết sức nhạy cảm, bởi lẽ các Tổ chức tín dụng không chỉ sử dụng vốn của mình mà chủ yếu là sử dụng vốn của khách hàng (công chúng) để hoạt động - đầu tư, cho vay. An toàn của một Tổ chức tín dụng phụ thuộc phần lớn vào lòng tin của công chúng, nhất là người gửi tiền.

Ngoài ra, với những quan hệ chặt chẽ giữa các Tổ chức tín dụng, an toàn của hệ thống Tổ chức tín dụng phụ thuộc nhiều vào sự an toàn của một Tổ chức tín dụng cụ thể. Đặc biệt, các ngân hàng có một mối quan hệ khá mật thiết với nhau về mặt tài chính thông qua việc nhận tiền gửi và cho vay lẫn nhau, giữ tiền gửi của nhau và phụ thuộc lẫn nhau thông qua việc cùng tham gia vào hệ thống thanh toán. Sự đổ vỡ của bất kỳ một ngân hàng nào sẽ có nguy cơ đe dọa kéo theo sự đổ vỡ của một số các ngân hàng khác một cách nhanh chóng [17].

Nếu như lòng tin của dân chúng đối với hệ thống ngân hàng của một quốc gia còn chưa cao thì việc xử lý các Tổ chức tín dụng hoạt động không hiệu quả phải hết sức thận trọng. Chính vì lý do trên đây, an toàn trong hoạt động ngân hàng và của hệ thống các Tổ chức tín dụng là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan quản lý. Việc xử lý những khó khăn của từng Tổ chức tín dụng cũng như quyết định về việc cho phá sản một Tổ chức tín dụng cũng cần được đặt ra trong mối quan hệ này nhằm đưa ra được những khả năng giải quyết phù hợp nhất trong từng hoàn cảnh và với những chi phí thấp nhất cả về mặt kinh tế lẫn xã hội.

Luật Phá sản của Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc xử lý phá sản đối với một Tổ chức tín dụng. Về cơ bản, Tổ chức tín dụng vẫn được coi như một doanh nghiệp như mọi doanh nghiệp khác và như vậy, khi giải quyết

vấn đề phá sản của một Tổ chức tín dụng tất yếu sẽ đặt ra hàng loạt các vẫn đề mà hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để xử lý hoặc đã có nhưng chưa hoàn toàn phù hợp. chính vì vậy, việc tìm ra những quy định liên quan đến vấn đề phá sản các tổ chức tín dụng phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của nước ta là rất cần thiết [17].

Những quy định của Luật phá sản năm 2004 không phù hợp đối với việc giải quyết phá sản các Tổ chức tín dụng:

Luật phá sản thường đề cập đến hai thủ tục, thủ tục phục hồi và thủ tục thanh lý. Mục đích của các thủ tục này có khác nhau: trong khi mục tiêu ưu tiên của thủ tục phục hồi là nhằm tạo điều kiện cho con nợ có thể giải quyết được những khó khăn của mình ở một giai đoạn thật sớm để có thể trở lại hoạt động bình thường, thì mục tiêu ưu tiên của thủ tục thanh lý là nhằm xử lý tài sản của con nợ theo một phương thức sao cho có thể thanh toán được nhiều nhất các khoản nợ cho các chủ nợ, theo những trình tự và thứ tự ưu tiên nhất định.

Luật Phá sản Việt Nam cũng quy định theo hướng bao gồm hai thủ tục như vậy. Tuy nhiên, các quy định này dường như khá cứng nhắc trong việc quy định trình tự áp dụng bắt buộc các thủ tục này theo hướng mọi trình tự phá sản phải được bắt đầu bằng thủ tục phục hồi [44, Điều 20]. Việc quy định cứng nhắc như vậy đã hạn chế thẩm quyền của Tòa án trong việc linh hoạt áp dụng các thủ tục để xử lý phá sản một doanh nghiệp căn cứ vào thực trạng tài chính và khả năng phục hồi của nó. Đối với một tổ chức tín dụng, việc quy định như vậy đã tạo ra sự trùng lặp của quá trình phục hồi một Tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, kéo dài sự tồn tại của một doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý xác nhận là không còn khả năng tồn tại, tạo ra nguy cơ thất thoát tài sản và những bất hợp lý khác trước đòi hỏi phải xử lý gấp những đối tượng không còn khả năng phục hồi này.

Khác với các doanh nghiệp khác, Tổ chức tín dụng chịu sự giám sát chặt chẽ của NHNN trong suốt quá trình hoạt động kể từ khi thành lập đến khi kết thúc hoạt động. Đối với một Tổ chức tín dụng bị lâm vào tình trạng phá sản, sự kiểm soát của NHNN được xem là “thứ yếu” [17] kể từ thời điểm Tổ chức tín dụng liên quan nằm dưới sự quản lý của Tổ quản lý và Thẩm phán do Tòa án thành lập. Tuy nhiên ngay cả trong giai đoạn này, sự giám sát của NHNN cũng không phải là chấm dứt hoàn toàn, vì theo Luật Phá sản năm 2004, Tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Đối chiếu với các quy định của Luật Tổ chức tín dụng, sự giám sát của NHNN chỉ chấm dứt khi Tổ chức tín dụng liên quan bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Với vai trò là người quản lý, giám sát hoạt động của các Tổ chức tín dụng, ý kiến của NHNN đối với việc một Tổ chức tín dụng có thể bị lâm vào tình trạng phá sản hay không là vô cùng quan trọng. Mặc dù vai trò của cơ quan quản lý, giám sát đã được khẳng định, nhưng chính tại thời điểm này, Luật Phá sản năm 2004 dường như còn thiếu sót trong việc quy định thật rõ tư cách của cơ quan quản lý như là một đối tượng có đầy đủ quyền yêu cầu Tòa án xem xét xử lý phá sản một Tổ chức tín dụng. Lập luận này sẽ có ý nghĩa hơn nữa, nếu thấy rằng theo Luật Tổ chức tín dụng, NHNN trong một số trường hợp còn có trách nhiệm phải cho vay đặc biệt đối với các Tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc chi trả. Liên quan tới vấn đề này, quy định của Luật Phá sản hạn chế đối tượng được yêu cầu Tòa án xem xét phá sản trong số các chủ nợ không có bảo đảm và có bảo đảm một phần có vẻ như chưa thật sự hợp lý [17].

Điều 151 Luật các Tổ chức tín dụng quy định: Tổ chức tín dụng được

vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng;

b) Tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả do các sự cố nghiêm trọng khác.

2. Khoản vay đặc biệt được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng hoặc được chuyển đổi thành phần vốn góp, vốn cổ phần tại tổ chức tín dụng liên quan quy định tại Điều 149 của Luật này.

Điều 28 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: Thu hồi số tiền bảo hiểm

phải trả từ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi: 1. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi trở thành chủ nợ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với số tiền bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm tiền gửi, kể từ ngày trả tiền bảo hiểm theo thông báo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này.

2. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được phân chia giá trị tài sản theo thứ tự như người gửi tiền và thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Luật Phá sản năm 2004 cũng cần phải có quy định phù hợp về việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được phân chia giá trị tài sản theo thứ tự như người gửi tiền và thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả sau khi tài sản theo thứ tự như người gửi tiền và thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả sau khi tài sản của Tổ chức tín dụng bị phá sản được xử lý theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, một số những quy định nêu ra trên đây phần nào cho thấy sự chưa phù hợp của các quy định ở Luật Phá sản năm 2004 khi áp dụng để xử lý các Tổ chức tín dụng. Luật phá sản Việt Nam năm 2004 chưa tính tới được những đặc thù của hoạt động ngân hàng, vai trò của cơ quan quản lý trong toàn bộ quá trình quản lý, giám sát hoạt động của các Tổ chức tín dụng, yêu cầu phải xử lý nhanh chóng những khó khăn của Tổ chức tín dụng trong suốt quá trình hoạt động của nó cũng như vào giai đoạn phá sản.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Báo cáo mới nhất về môi trường kinh doanh “Doing Bussiness 2014” mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố ngày 29 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội, thứ hạng của Việt Nam không có thay đổi so với năm 2012 .Như vậy, theo báo cáo của tổ chức này thì môi trường kinh doanh của Việt Nam không hề được cải thiện trong nhiều năm qua. Trong đó lĩnh vực về giải quyết phá sản ở Việt Nam bị đánh giá rất thấp (149/189 nền kinh tế)[1].

Về phía Việt Nam, con số 620 đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản trên toàn quốc kể từ ngày Luật Phá sản 2004 có hiệu lực (15/10/2004) đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2014 đã phần nào nói lên thực trạng thực thi pháp luật phá sản ở nước ta trong suốt một thập kỷ qua.

Cơ sở pháp lý chủ yếu và quan trọng nhất điều chỉnh mảng quan hệ xã hội liên quan đến phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam trong khoảng thời gian nói trên là Luật Phá sản 2004. Từ những số liệu thống kê đã trình bày, cho thấy hiệu quả điều chỉnh của văn bản này chưa tương xứng với những gì mà nền kinh tế đã và đang đòi hỏi. Cơ cấu lại thị trường, tái cấu trúc nền kinh tế, thủ tục đóng cửa các doanh nghiệp yếu kém để tạo ra một môi trường kinh doanh tốt, chưa đáp ứng được kỳ vọng của của các chủ thể có liên quan. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này xuất phát từ những hạn chế của Luật Phá sản năm 2004, trong đó có các vấn đề cơ bản như:i) về các quy định về thiết chế thực thi pháp luật phá sản, mối quan hệ về chức năng, nhiệm vụ và vai trò giữa Tòa án và Tổ quản lý và thanh lý tài sản. Vị trí, vai trò của Tòa án là tương đối lớn, trong khi vai trò của Tổ quản lý và thanh lý tài sản có phần hạn chế so với thiết chế tương ứng ở nhiều nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Với cơ chế hình thành Tổ quản lý và thanh lý tài sản như thời gian qua, không phát huy được trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của chủ thể

này; ii) về tiêu chí xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản chưa rõ ràng, ít tính định lượng; iii) về các chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn, chưa có sự bình đẳng giữa các chủ nợ, quy định về điều kiện nộp đơn của người lao động chưa thật sự tạo sự thuận lợi để họ hưởng quyền nộp đơn với tư cách là chủ nợ không có bảo đảm khi doanh nghiệp nợ lương; iv) về vấn đề bảo toàn tài sản, chưa có định nghĩa một cách khái quát cao và chính xác về các giao dịch bị coi là vô hiệu, các giao dịch có mục đích tẩu tán tài sản, dẫn đến hiệu quả thu hồi nợ thông qua phá sản không cao; v) đối với phá sản Tổ chức tín dụng, các quy định của Luật Phá sản năm 2004 chưa có các quy định chuyên biệt cho đối tượng này, chưa tính tới yếu tố đặc thù của hoạt động ngân hàng cũng như vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý giám sát hoạt động của các Tổ chức tín dụng. Tất cả những phân tích, đánh giá về thực trạng thực thi Luật phá sản năm 2004 cũng như những hạn chế, vướng mắc đã được tác giả luận án trình bày ở chương này sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn để tác giả tiếp tục tiếp cận và làm rõ các nội dung của chương 4.

CHƯƠNG 4:

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP

Một phần của tài liệu Kế thừa những ưu điểm của luật phá sản năm 2004 và tăng cường tính khả thi trong thực tiễn thi hành (Trang 98)