Phân loại phá sản

Một phần của tài liệu Kế thừa những ưu điểm của luật phá sản năm 2004 và tăng cường tính khả thi trong thực tiễn thi hành (Trang 38)

5. Kết cấu của luận án

2.1.4. Phân loại phá sản

Cũng như việc phân loại các hiện tượng khác trong xã hội, khi phân loại phá sản, chúng ta có thể dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau. Nhìn chung, việc phân loại này chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật: giúp cho việc nghiên cứu về phá sản được cặn kẽ và đầy đủ, qua đó có thế thấy được những hợp lý và những bất cập của pháp luật về phá sản hiện nay và tìm ra phương hướng hoàn thiện chúng trong tương lai. Dựa vào các tiêu chí khác nhau, chúng ta đưa ra một số cách phân loại phá sản phổ biến hiện nay như sau:

Thứ nhất, căn cứ vào tính chất của tình trạng mất khả năng thanh toán

của các khoản nợ đến hạn, chúng ta có thể chia phá sản thành hai loại là phá sản trung thực và phá sản gian trá:

Phá sản trung thực: Đây là việc phá sản của chủ thể kinh doanh mà

tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của họ là có thực. Việc mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của các chủ thể này là hậu quả khách quan của những nguyên nhân khác nhau như: tình trạng làm ăn

thua lỗ kéo dài hoặc gặp những rủi ro không thể lường trước được (những nguyên nhân khách quan) như: thiên tai, lũ lụt, bão, do rủi ro của thị trường...

Phá sản gian trá: Đây là việc một chủ thể kinh doanh bị tuyên bố phá

sản dựa trên tình trạng mất khả năng thanh toán không có thật. Hiện tượng mất khả năng thanh toán của con nợ thực chất là hậu quả của những thủ đoạn gian trá, có sự sắp đặt trước của con nợ thông qua các hành vi bất hợp pháp để tẩu tán tài sản, nhằm lợi dụng cơ chế phá sản để chiếm đoạt tài sản của chủ nợ. Chủ thể đại diện thực hiện hành vi này trong chừng mực nào đó đã có dấu hiệu hình sự của các tội danh như: lừa đảo; lạm dụng tín nhiệm…

Thứ hai, căn cứ vào chủ thể đệ đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, chúng ta

có thể chia phá sản thành hai loại là phá sản tự nguyện và phá sản bắt buộc:

Phá sản tự nguyện là việc một chủ thể kinh doanh bị tuyên bố phá sản

do chính đơn yêu cầu tuyên bố phá sản của chủ sở hữu của chủ thể kinh doanh (hoặc đơn yêu cầu của một trong những người chủ chủ thể kinh doanh, trong trường hợp đó là chủ thể kinh doanh có nhiều chủ sở hữu). Trường hợp này, các nhà đầu tư muốn tự giải thoát cho mình khỏi các ràng buộc về nợ nên đã tự làm đơn yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành việc giải quyết phá sản đối với chủ thể kinh doanh do mình làm chủ sở hữu (hoặc đồng chủ sở hữu).

Phá sản bắt buộc là việc một chủ thể kinh doanh bị tuyên bố phá sản

dựa trên đơn yêu cầu của các chủ nợ của chủ thể kinh doanh đó. Trường hợp này, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không phải là những người chủ của chủ thể kinh doanh mắc nợ mà là chính những chủ nợ (hoặc người lao động làm thuê trong trường hợp họ là chủ nợ lương) của chủ thể kinh doanh đó. Những người này nhận thấy, chủ thể kinh doanh này lâm vào tình trạng phá sản nên đã nộp đơn yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với chủ thể đó để học có thể thu được một phần các khoản nợ của mình.

Thứ ba, căn cứ vào đối tượng bị phá sản có thể chia phá sản thành phá

sản doanh nghiệp, phá sản hợp tác xã và phá sản hộ kinh doanh:

Phá sản doanh nghiệp: Đối tượng bị tuyên bố phá sản trong trường hợp

này có hình thức pháp lý là doanh nghiệp.

Phá sản hợp tác xã: Đối tượng bị tuyên bố phá sản có hình thức pháp lý

là hợp tác xã.

Phá sản hộ kinh doanh: Đối tượng bị tuyên bố phá sản là các hộ gia

đình kinh doanh, nhóm người kinh doanh và cá nhân kinh doanh - đây chỉ là cách nhìn nhận theo hình thức pháp lý của các chủ thể kinh doanh đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay mà thôi, vì không có nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận hộ gia đình là một chủ thể độc lập của pháp luật về kinh doanh.

Cần phải lưu ý, tiêu chí được dùng để phân loại phá sản trong trường hợp này có liên quan tới đối tượng điều chỉnh của Luật Phá sản [22, Tr442]. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới không có sự phân biệt này vì, bất kể là cá nhân hay doanh nghiệp, thương gia hay không phải là thương gia khi lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phá sản. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 2 Luật Phá sản năm 2004 và Luật Phá sản năm 2014 thì thủ tục phá sản được áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (được gọi tắt là hợp tác xã) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Như vậy, khác với Luật Phá sản của một số nước, pháp luật về phá sản của Việt Nam đã xác định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp và hợp tác xã. Như vậy, điều này cũng không có gì mới so với Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993. Có chăng, sự khác biệt chỉ là: Luật Phá sản 2004 và Luật Phá sản hiện hành quy định cụ thể ngay khi xác định đối tượng áp dụng của văn bản bao gồm cả doanh nghiệp và hợp tác xã (Điều 2), còn trước đây Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 xác định đối tượng áp dụng chỉ là doanh nghiệp để rồi nghị định số 189/CP

ngày 23/12/1994 của Chính Phủ (văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản doanh nghiệp) giải thích cụ thể là, doanh nghiệp trong Luật Phá sản doanh nghiệp 1993 được hiểu là doanh nghiệp và hợp tác xã.

Như vậy, pháp luật về phá sản của Việt Nam hiện nay không thừa nhận vấn đề phá sản đối với hộ kinh doanh - một hình thức pháp lý khá phổ biến của hoạt động kinh doanh hiện nay - mà chỉ thừa nhận các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã khi lâm vào tình trạng phá sản thì có thể được áp dụng các quy định của Luật Phá sản để khắc phục khả năng kinh doanh hoặc chấm dứt sự tồn tại của mình. Có vẻ như, đây không phải là một ý tưởng hay của Luật Phá sản Việt Nam khi mà chúng ta đang cố gắng để tạo ra sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế [20, Tr49]. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam thì việc giới hạn hay mở rộng đối tượng áp dụng của luật phá sản cũng là vấn đề phải bàn thêm.

Xin lưu ý rằng, đối với các doanh nghiệp đặc biệt trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng; những doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và trong lĩnh vực khác thường xuyên, trực tiếp cung cấp sản phẩm dịch vụ công cộng thiết yếu thì việc áp dụng thủ tục phá sản sẽ do Chính Phủ quy định cụ thể. Việc đưa ra các quy định mang tính ngoại lệ này là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, đây là những doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, nó có thể gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội hoặc có thể ảnh hưởng đến bí mật của Nhà nước, đến an ninh quốc gia [22,Tr 450].

Một phần của tài liệu Kế thừa những ưu điểm của luật phá sản năm 2004 và tăng cường tính khả thi trong thực tiễn thi hành (Trang 38)