Về Tổ quản lý và thanh lý tài sản

Một phần của tài liệu Kế thừa những ưu điểm của luật phá sản năm 2004 và tăng cường tính khả thi trong thực tiễn thi hành (Trang 59)

5. Kết cấu của luận án

3.1.2. Về Tổ quản lý và thanh lý tài sản

Có thể thấy, mục đích của các nhà làm luật nước ta khi quy định về Tổ quản lý và thanh lý tài sản là vừa nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, tính quyền lực nhà nước (sự tham gia của Chấp hành viên cơ quan thi hành án với vai trò là Tổ trưởng) vừa đảm bảo tính chuyên môn và tính dân chủ rộng rãi (sự tham gia của đông đảo các thành phần thuộc các cơ quan chuyên môn cũng như đại diện công đoàn, người lao động và cả chủ nợ) hướng tới việc thực hiện có hiệu quả nhất thủ tục quản lý và xử lý tài sản phá sản, nâng cao hiệu lực của Luật Phá sản.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Phá sản những năm qua cho thấy, những quy định về địa vị pháp lý của Tổ quản lý và thanh lý tài sản còn nhiều bất cập, hạn chế, dẫn tới hiệu quả hoạt động trên thực tế chưa tốt. Cụ thể là:

Thứ nhất: Tổ quản lý và thanh lý tài sản do Thẩm phán ra quyết định

thành lập cùng với quyết định mở thủ tục phá sản và chịu trách nhiệm trước Thẩm phán về hoạt động của mình. Điều này thể hiện Tổ quản lý và thanh lý tài sản có mối quan hệ ràng buộc với Toà án, hoạt động của Tổ nhằm thực hiện các quyết định pháp lý của Thẩm phán, mặt khác, trên cơ sở hoạt động của Tổ, Thẩm phán có được những thông tin, cơ sở cần thiết quyết định các vấn đề pháp lý cơ bản trong quá trình tố tụng phá sản. Tuy nhiên, các thành viên của Tổ không chỉ chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, mà còn chịu sự quản lý của cơ quan nơi công tác. Đặc biệt là Chấp hành viên, người giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động của Tổ, Chấp hành viên vừa chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, vừa chịu trách nhiệm với Thủ trưởng cơ quan thi hành án. Điều 21 Nghị định số 67 của Chính phủ quy định: “Tổ trưởng Tổ quản lý và thanh lý tài sản vẫn sinh hoạt chuyên môn tại cơ quan thi hành án và chịu trách nhiệm chuyên môn trước thủ trưởng cơ quan thi hành án, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản trước Thẩm phán”. Như vậy, dù là một chủ thể trong quá trình giải quyết việc phá sản nhưng Tổ quản lý và thanh lý tài sản mang tính chất hỗn hợp với các thành

viên kiêm nhiệm. Việc quy định địa vị pháp lý không rõ ràng đối với chủ thể này đã gây ra những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của Tổ. Cùng với điều đó, thẩm quyền quản lý, sự phối hợp hoạt động giữa Tổ trưởng và các thành viên không được quy định cụ thể, rõ ràng dẫn tới nhiều trường hợp các thành viên của Tổ tham gia một cách tuỳ tiện, tự phát, làm chậm trễ tiến độ giải quyết công việc. Điều 20 Nghị định số 67 quy định phiên họp của Tổ quản lý và thanh lý tài sản chỉ được tiến hành khi có sự tham gia của ít nhất 2/3 tổng số thành viên. Nhiều trường hợp các cơ quan không cử người tham gia, hoặc khi họp Tổ, cán bộ được cử tham gia lại phải thực hiện nhiệm vụ khác của cơ quan nên không tham gia được và việc họp Tổ có thể bị hoãn nhiều lần.

Thứ hai: Từ việc xác định địa vị pháp lý không rõ ràng của Tổ quản lý

và thanh lý tài sản đã kéo theo hàng loạt các quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể khiến cho hoạt động của Tổ càng thêm vướng mắc. Theo quy định tại khoản 6, Điều 20 Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11/7/2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý và thanh lý tài sản (sau đây gọi chung là Nghị định 67) thì Tổ trưởng Tổ quản lý và thanh lý tài sản có quyền sử dụng con dấu của Tòa án trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động của Tổ. Trên thực tế, nhiều mâu thuẫn, tranh cãi nảy sinh bởi Chấp hành viên là chức danh tư pháp, được sử dụng dấu quốc huy và dấu chức danh của cơ quan thi hành án, đồng thời chữ ký của Chấp hành viên chỉ được bảo chứng tại cơ quan thi hành án, vậy Chấp hành viên sử dụng con dấu của Tòa án sẽ không phù hợp cả về lý luận và thực tiễn; nhiều trường hợp tranh luận để thống nhất việc sử dụng con dấu mất nhiều thời gian, làm chậm trễ thủ tục giải quyết phá sản. Mặt khác, quy định này cũng không nêu rõ loại văn bản nào sẽ đóng dấu Tòa án và văn bản nào được đóng dấu của cơ quan thi hành án.

Việc quản lý hồ sơ phá sản cũng là vấn đề vướng mắc. Khoản 4 Điều 2 Nghị định 67 quy định sổ sách liên quan đến hoạt động của Tổ quản lý và thanh lý tài sản được lưu giữ tại cơ quan thi hành án và Tòa án do Tổ trưởng Tổ quản lý và thanh lý tài sản quản lý. Trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản và Tổ quản lý và thanh lý tài sản giải thể thì hồ sơ liên quan đến hoạt động của Tổ được lưu giữ tại Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Quy định như vậy là không rõ ràng, dẫn đến khó xác định loại nào do Tòa án quản lý, loại nào do cơ quan thi hành án quản lý.

Ngoài ra, đó là sự không tương xứng giữa nhiệm vụ, quyền hạn, giữa trách nhiệm với quyền năng và các điều kiện khác của Tổ trưởng và các thành viên trong quá trình hoạt động. Nhiều hoạt động mang tính kinh tế - kỹ thuật nằm ngoài khả năng của Tổ với đặc điểm là các cán bộ chuyên môn kiêm nhiệm. Trong khi đó, pháp luật lại quy định nhiều trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại trong hàng loạt các hoạt động đó. Điều 32 Nghị định 67 của Chính phủ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Chấp hành viên và thành viên Tổ quản lý và thanh lý tài sản trong các trường hợp: “Lập bảng kê tài sản không đúng tình hình thực tế; lập danh sách chủ nợ, người mắc nợ sai sự thật; không phát hiện và không đề nghị Thẩm phán ra quyết định thu hồi lại tài sản đã bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Phá sản 2004”. Điều này gây tâm lý e ngại, làm giảm tính chủ động, tích cực trong hoạt động của các thành viên.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, hiệu quả điều chỉnh của Luật Phá sản năm 2004 còn rất thấp và một trong những nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự chưa hợp lý trong các quy định của Luật Phá sản 2004, trong đó có các quy định về Tổ quản lý và thanh lý tài sản. Từ thực tế đó, đòi hỏi phải có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nâng cao hiệu lực để Luật Phá sản thực sự trở thành công cụ tin cậy để doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan bảo vệ được quyền lợi của mình một cách hiệu quả nhất.

Một phần của tài liệu Kế thừa những ưu điểm của luật phá sản năm 2004 và tăng cường tính khả thi trong thực tiễn thi hành (Trang 59)