5. Kết cấu của luận án
2.3.2. Pháp luật phá sản Cộng hòa Pháp
Cộng hòa Pháp là quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển lâu đời. Phá sản và pháp luật về phá sản đã được nhà làm luật quan tâm và được nhà nước thể chế hóa tương đối sớm. Qua nhiều thời kỳ với nhiều thay đổi, bổ sung pháp luật phá sản hiện đại của Pháp chủ yếu hướng tới thủ tục tái tổ chức lại hoạt động của con nợ. Luật Phá sản Pháp năm 1985 quy định: theo những chứng cứ do người nộp đơn đưa ra, tòa án sẽ quyết định áp dụng theo thủ tục nào. Nếu áp dụng thủ tục phục hồi thì tòa án sẽ chỉ định người giám sát doanh nghiệp. Người giám sát doanh nghiệp sẽ đánh giá khả năng của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp thực sự có khả năng phục hồi, người giám sát sẽ đề nghị tòa án phê chuẩn phương án phục hồi. Người đề nghị sẽ xây dựng thủ tục phục hồi. Trong trường hợp ngược lại doanh nghiệp sẽ xây dựng và chuẩn bị kế hoạch bán doanh nghiệp [67].
Năm 1994, Luật Phá sản của Pháp tiếp tục được hoàn thiện theo hướng củng cố các quyền lợi của chủ nợ cũng như tình trạng của người có quyền đòi nợ trong giai đoạn giám sát. Ngày 10/6/1994 Pháp ban hành Luật số 94-975 nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục phá sản. Theo đó, tòa án có thể tuyên bố quá trình phục hồi doanh nghiệp mà không cần giai đoạn giám sát.
Năm 2005, Pháp ban hành đạo luật về doanh nghiệp trong tình trạng khó khăn, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của pháp luật phá sản Pháp [14].
Luật năm 2005 đưa ra 3 thủ tục để doanh nghiệp có thể tiến hành nhằm giải quyết tình trạng khó khăn:
- Thủ tục cứu doanh nghiệp. - Thủ tục phục hồi hoạt động. - Thủ tục thanh lý tài sản.
Với việc bổ sung thêm thủ tục cứu doanh nghiệp, Luật năm 2005 cho phép doanh nghiệp có thể tiến hành thủ tục phá sản sớm hơn, ngay khi xuất hiện dấu hiệu mất khả năng thanh toán, chứ chưa cần doanh nghiệp phải thật sự lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Điều này cho thấy pháp luật phá sản Pháp ngày càng tiến tới việc cứu vớt doanh nghiệp hơn là tiến hành các thủ tục để đóng cửa doanh nghiệp.