Thời gian quá khứ trong thơ Nguyễn Du

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du và thơ vương duy dưới góc nhìn so sánh (Trang 145)

Nếu cảm hứng về thời gian trong thơ Vương Duy là đi từ thực tại đến trạng thái lãng quên hoàn toàn thì trong thơ chữ Hán Nguyễn Du ngược lại. Con người Nguyễn Du bộc lộ cả trong cách ông nhận thức và xúc cảm trước những khoảnh khắc thời gian khác nhau. Với Nguyễn Du thời gian dĩ vãng đã lùi xa luôn là thời gian khiến ông đau đáu nhung nhớ.

Tác giả Lê Thu Yến chia thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Du thành những dạng như: thời gian úa tàn, thời gian ký ức, thời gian khoảnh khắc; tác giả Trần Đình Sử cho rằng cảm thức thời gian bao trùm trong thơ chữ Hán Nguyễn Du

là “tàn tạ, phôi pha” và đó là thời gian của con người, không phải thời gian vũ trụ

bất biến. Trên cơ sở hai nhận định ấy chúng tôi cũng đồng tình cho rằng thơ Nguyễn Du thời gian quá khứ luôn chiếm ưu thế so với những dạng thức thời gian khác.

Nguyễn Du ít khi nói về tương lai, hiện tại. Thời gian được ông nói đến nhiều nhất là thời gian đã qua, thời gian của quá khứ. Với một tâm trạng đau buồn trước thời cuộc nhà thơ luôn hoài niệm về thời gian đã qua với đầy nỗi niềm riêng:

Ức tích ngô ông tạ lão thì Phiêu phiêu bồ tứ thử giang mi

(Giang đình hữu cảm)

(Nhớ xưa khi cha ta từ tạ vì già mà về hưu Ở bến sông này phơi phới xe bồ ngựa tứ)

Đó là quá khứ huy hoàng thời cha Nguyễn Du còn tại thế, gia đình chưa lâm vào cảnh tan nát, chia lìa. Quá khứ ấy liệu có phải luôn ám ảnh thi nhân nên trước những thay đổi ông đều ngậm ngùi chứ không vui mừng:

Thiên niên cự thất thành quan đạo Nhất phiến tân thành một cố cung Tương thức mỹ nhân khan bão tử Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông

(Những ngôi nhà lớn nghìn xưa nay thành đường cái quan Những tòa thành mới xóa đi cung điện cũ

Những cô gái xinh đẹp mà ta quen biết trước kia nay đã thành những bà mẹ ẵm con

Những bạn trẻ hào hiệp cùng chơi với nhau nay đã thành bố rồi)

Những dấu tích của triều đại xưa kia như cung điện, thành quách đều biến đổi, con người cũng vậy. Thế sự đổi thay, lòng người cũng phức tạp khôn lường. Càng lăn lộn trong cuộc đời Nguyễn Du càng nhận ra bản chất của nó. Phải chăng thực tại khiến ông càng nhận thức sâu sắc hơn nỗi đau nhân loại và muốn khước từ nó. Trước sự thay đổi ở hiện tại, thi nhân không tránh khỏi tiếc nuối, mất mát:

Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy

(Thăng Long 1)

(Suốt đêm bận lòng khổ tâm không ngủ được)

Dường như quá khứ khiến con người thoải mái, không có nỗi nhớ nhà, nhớ anh em, hay buồn vì bất đắc chí như hiện tại. Nguyễn Du lưu luyến thời gian đã qua, gặp lại người cũ ông không khỏi xúc động dù chỉ là nàng hầu cũ của người em:

Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử Khả liên do trước khứ thời y

(Ngô gia đệ cựu ca cơ)

(Thương ôi ngó sen tuy gãy nhưng tơ vẫn chưa đứt Nghe nói nàng lấy người khác đã có ba con

Đáng ái ngại là vẫn còn mặc chiếc áo ngày ra đi)

Quá khứ của Nguyễn Du có những ký ức êm đềm, có hình ảnh người thân, có gia đình và có cả tuổi trẻ. Hiện tại phũ phàng càng thúc đẩy ông hoài niệm quá khứ. Đó là hiện tại với tình cảnh ở trọ lâu ngày quên mình là khách, là thực tại với “thân dĩ suy”, “thập tải phong trần”, là bặt tin người thân:

Cố hương đệ muội âm hao tuyệt Bất kiến bình an nhất chỉ thư

(Sơn cư mạn hứng)

(Em trai em gái nơi quê nhà bặt hẳn tin tức Chẳng thấy một bức thư báo bình an)

So sánh với quá khứ tươi đẹp cũ thì thực tại quá đau khổ, quá phũ phàng. Thực tại không tươi đẹp, để có thể duy trì được hiện tại Nguyễn Du hướng về thời gian đã qua để an ủi có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

Thơ ông xuất hiện nhiều những từ ngữ chỉ thời gian quá khứ như: “khứ niên”, “vãng sự”, “tiền sự”, “thập niên”, “tam niên”, “khứ thời”…cũng như những động từ thể hiện trạng thái nhớ nhung về những ký ức như: “ức”, “hoài”, “niệm”, “thương”, “tư”…Những gì cũ đều được nhà thơ cất giữ kĩ càng và thường mang ra ôn lại. Ông nhớ chuyện xưa cũ để làm gì? Phải chăng nhớ để mà an ủi mình, để xoa dịu thực tại:

Đề bào trân trọng cố nhân tâm

(Tặng Thực Đình)

(Chiếc áo bào thêu vải thô trân trọng tấm lòng người cũ)

Chính vì thương tiếc những gì trong quá khứ mà Nguyễn Du hoài cổ, ông bàn luận chuyện người xưa khá nhiều. Ông không ngần ngại là đánh giá lại lịch sử Trung Hoa theo cách riêng của mình. Trong tập Bắc hành tạp lục viết vào thời gian đi sứ Trung Quốc, mỗi lần đi đến địa danh cũ gắn với người xưa đều khiến ông bồi hồi cảm xúc. Với người ngay thì ông xót thương, với kẻ gian thì ông lên án. Có lúc Nguyễn Du nhìn chuyện xưa mà ngao ngán cho thế sự đương thời:

Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan Đại địa xứ xứ giai Mịch La

(Phản chiêu hồn)

(Đời sau người đều là Thượng quan

Mặt đất này đâu đâu cũng là sông Mịch La)

Đối với con người ấy, chuyện cũ, việc cũ hay sầu cũ đều còn mãi, đã cũ nhưng không biến mất mà luôn đeo bám dai dẳng, trở thành nỗi trăn trở ngàn thu của Nguyễn Du, và của cả những người yêu thơ ông sau này. Về cơ bản Nguyễn Du

vẫn là một nhà Nho, một nhà Nho luôn đau đời, dù có thẩm thấu tinh thần của nhà Phật hay Lão Trang thì chất Nho nặng về ứng xử với đời vẫn luôn thường trực trong ông.

Có thể thấy rằng giữa Vương Duy và Nguyễn Du có một sự khác biệt lớn trong cảm nhận cũng như đưa thời gian vào thơ. Nếu ở Vương Duy là một cảm hứng dạt dào đối với thời gian hiện tại đến không còn ý niệm về thời gian thì trong thơ Nguyễn Du là cảm hứng mãnh liệt đến từ quá khứ. Quá khứ được thi nhân dựng lại bằng ngòi bút đầy xúc cảm với những nỗi niềm, tâm sự được gửi gắm vào đó. Vương Duy vui với đạo và đời, thời gian đối với ông không có sức ám ảnh, Nguyễn Du luôn mang nỗi buồn về bản thân, về thế thái nhân tình và đồng thời còn sợ hãi tuổi già. Chính vì vậy mà thời gian đối với ông là một áp lực luôn đè nén. Phải chăng Nguyễn Du tìm về quá khứ để tránh đi thực tại với đầy rẫy những bất công và ngang trái? Nguyễn Du cũng là người tinh thông Phật, Đạo như Vương Duy, đâu phải Tố Như không biết quy luật cuộc sống và vũ trụ. Thế nhưng ông không thể buông bỏ tình đời, ông không thể thực hiện triệt để chân lý của đạo mà ông đã thấu đạt như Vương Duy bởi vì đó chính là Nguyễn Du. Là một nhà thơ tài tình và cũng nặng tình, là con người trải đời, trông thấu cõi đời nên chẳng thể rũ bỏ được bao giờ.

Tiểu kết chương 3

Như vậy bên cạnh những gặp gỡ thì Nguyễn Du và Vương Duy còn có những khác biệt rõ rệt. Đó là sự khác biệt đậm nhạt trong thể hiện tinh thần của Đạo giáo, Phật giáo; khác biệt trong cảm hứng trước thiên nhiên và con người; khác biệt cả về cảm hứng trước thời gian (không phải toàn bộ). Tất cả những điểm dị biệt này góp phần lí giải sự thống nhất một cách xuyên suốt về phong cách riêng biệt của Nguyễn Du và Vương Duy cũng như tô rõ hơn nét riêng ấy. Với Nguyễn Du con người nặng nỗi đau đời, nhà Nho bất đắc chí nên cả Đạo và Phật đều chỉ dừng ở trong tư tưởng và bàng bạc trong thơ ông, ông chẳng thể để tâm vượt thoát theo đạo cũng như thực hiện ước vọng về cuộc đời vui đạo. Chính vì vậy nên cả thiên nhiên và con người, thời gian, không gian đều nặng nề chuyển tải tâm tình của con người ấy trong cuộc đời, trong thơ. Với Vương Duy thì khác, được người đời tôn xưng là Thi Phật, thơ ông đậm đặc tinh thần của Thiền tông, của Đạo, con người và thiên nhiên cũng thanh thoát, nhàn tản, vượt thoát khỏi ràng buộc của thế gian. Tuy có sự khác biệt rõ rệt nhưng giữa những điểm khác biệt ấy người đọc vẫn nhận ra tinh thần yêu cuộc sống, gửi tâm tư vào cuộc sống cũng như lối sống thanh bần của cả hai nhà thơ. Nếu nói giữa Nguyễn Du và Vương Duy có một sợi dây gắn kết thì đó chính là tình yêu sâu đậm đối với cuộc đời và một tâm hồn thanh khiết, cao quý không bị bụi trần che mờ.

KẾT LUẬN

Vấn đề so sánh giữa văn học trung đại Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã không còn quá mới mẻ. Đã có nhiều công trình nghiên cứu theo hướng này và thu hái được những thành quả nhất định. Vấn đề tiếp nhận và ảnh hưởng của văn học trung đại Việt Nam từ văn học Trung Quốc là điều hiển nhiên do lịch sử giao lưu văn hóa, văn học giữa hai nước. Tuy không còn mới mẻ song không phải đã cũ. Vẫn còn rất nhiều vấn đề dành cho người nghiên cứu khi đi vào nghiên cứu so sánh hai nền văn học này. Tiếp tục hướng đi đó chúng tôi với công trình của mình tìm hiểu thơ Vương Duy và thơ chữ Hán Nguyễn Du chỉ là bước đầu nghiên cứu, bước đầu nhìn dưới góc độ đối sánh về cảm hứng, vạch ra những tương đồng cũng như khác biệt cơ bản chứ chưa thật sự đi sâu giải quyết được trọn vẹn những vấn đề do nhiều hạn chế.

Bước đầu tìm hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du và thơ Vương Duy dưới góc nhìn so sánh từ cảm hứng, chúng tôi đã nhận thấy những điểm gặp gỡ và khác biệt giữa hai nhà thơ xuất sắc của hai đất nước. Vương Duy và Nguyễn Du đều là những “tập đại thành” của nền văn học Việt Nam và Trung Quốc, có ảnh hưởng nhiều đến những người sáng tác thơ văn thế hệ sau. Cả hai nhà thơ sử dụng Hán văn để sáng tác văn chương, đó là ngôn ngữ chung của cả ba học thuyết Nho, Phật và Đạo, nó gắn liền với thời đại, văn hóa và nền tri thức mà cả Nguyễn Du và Vương Duy tiếp nhận. Chính mối quan hệ đó đã thể hiện sự gắn bó giữa văn hóa kéo theo văn học giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nguyễn Du và Vương Duy đều là những nhà thơ có sự thấu hiểu và tinh thông Nho, Phật cũng như Đạo. Thế nhưng ở Vương Duy là một sự thể hiện đậm đặc tinh thần của Phật rồi đến Đạo, bản thân ông cũng hoàn toàn sống cuộc đời của một tu sĩ tại gia khi bước vào giai đoạn sau của cuộc đời. Ngược lại Nguyễn Du thể hiện tinh thần Phật, Đạo với một sắc thái nhạt hơn so với Vương Duy. Thơ ông bàng bạc tinh thần của Phật giáo, Lão giáo và nghiêng hẳn về truyền thống tiếp thu những

học thuyết ấy theo tinh thần dân tộc, ông đưa gần chúng đến với hiện thực cuộc sống, ứng xử với cuộc sống trên nền tảng tư tưởng của tam giáo.

Khi tiến hành phân tích và tìm hiểu thơ Vương Duy và Nguyễn Du chúng tôi cũng nhận thấy cảm hứng nổi bật của cả hai thi nhân là cảm hứng về thiên nhiên. Trong khi Vương Duy cho thấy một con người hoàn toàn thuận theo tự nhiên, hòa mình vào thiên nhiên thì ngược lại ở Nguyễn Du là một trạng thái tỉnh táo, độc lập và tả thực trước thiên nhiên. Đôi lúc ông tả thực đến trần trụi, thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du bộc lộ hết tất cả bản chất của nó, từ nguyên thủy, ban sơ đến hiền hòa, say đắm. Đặc điểm này của Nguyễn Du khác hẳn với những nhà thơ khác trong thời kì văn học trung đại, nó mang đậm dấu ấn cá nhân riêng biệt không lẫn được với ai của ông.

Con người trong thơ Vương Duy là con người nhàn, con người mà “thân” ở chốn hữu hình nhưng “tâm” đã vượt thoát khỏi chốn ấy. Ngược lại, con người trong thơ Nguyễn Du là con người của trăm mối lo âu, trăm sự ràng buộc, “tấm thân không thể thoát khỏi thế giới hữu hình”. Dẫu vậy cả hai nhà thơ đều thể hiện được một cách sâu đậm tình cảm đối với cuộc sống, luôn trân trọng cuộc sống dù thể hiện theo những quan niệm hay cách thức khác nhau người đọc vẫn nhận ra tâm hồn thanh cao và trong sáng của hai thi nhân trong cuộc sống.

So sánh Vương Duy và Nguyễn Du giúp chúng ta hiểu rõ hơn Nguyễn Du đồng thời cũng thấy được sự độc đáo của Vương Duy, ông không chỉ được biết đến với những bài thơ Thiền mà ông còn có những vần thơ mang cảm hứng cá nhân, những vần thơ gửi gắm tâm tình thắm thiết. Chúng ta hiểu Vương Duy qua Nguyễn Du và cũng hiểu Nguyễn Du qua Vương Duy. Đây chính là tinh thần của so sánh văn học. Sự giống nhau và khác nhau giữa họ giúp chúng ta nhận ra được quy luật vận động văn học ở hai đối tượng so sánh Vương Duy và Nguyễn Du là tương đồng không phải tiếp nhận ảnh hưởng trực tiếp, cả hai không ai tiếp nhận của đối phương mà tiếp nhận từ một nền văn hóa có sự tương đồng với nhau qua nhiều thời kỳ lịch sử, từ hai nền văn hóa, văn học Việt Nam – Trung Hoa có mối quan hệ gắn bó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoài Anh (2002), Giai thoại thơ Đường và tác giả, Nxb Văn nghệ Tp. HCM, Tp. HCM.

2. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

3. Đỗ Tùng Bách (2000), Thơ Thiền Đường Tống, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai. 4. Bùi Hạnh Cẩn, Việt Anh (biên dịch) (1999), Đường thơ - một thơ, Nxb Văn

hóa Thông tin, Hà Nội.

5. Lê Nguyên Cẩn, Nguyễn Thị Diệu Linh, Trần Thị Thu Hương (2006), Tác gia

tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường – Vương Duy, Nxb Đại học

Sư phạm, Tp. HCM.

6. Giản Chi (tuyển dịch) (1993), Vương Duy thi tuyển, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

7. Trương Chính, Nguyễn Thạch Giang (2001), Nguyễn Du cuộc đời và tác phẩm, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

8. Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.

9. Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân (Trần Đình Sử, Lê Tẩm dịch) (2000), Nghệ thuật

ngôn ngữ thơ Đường, Nxb Văn học, Hà Nội.

10. Nguyễn Văn Dân (2000), Lí luận văn học so sánh, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

11. Nguyễn Văn Dân (2006), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

12. Nguyễn Sĩ Đại (2007), Một số đặc trưng của thơ tứ tuyệt đời Đường, Nxb Văn học, Hà Nội.

13. Nguyễn Danh Đạt (1999), Bình và chú giải 100 bài thơ Đường hay nhất, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM.

14. Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh (1998), Nguyễn Du về tác gia và

15. Anh Đức, Bùi Bình Thi, Bùi Khánh Thế (2001), Bản sắc dân tộc trong văn hóa

văn nghệ, Nxb Văn học, Hà Nội.

16. Lâm Ngữ Đường (Nguyễn Hiến Lê dịch) (1994), Nhân sinh quan và thơ văn

Trung Hoa, Nxb Văn hóa, Tp. HCM.

17. Nguyễn Thị Bích Hải (1995), Thi pháp thơ Đường, Nxb Thuận Hóa, Huế.

18. GS.TS Nguyễn Văn Hạnh (2002), Văn học, văn hóa vấn đề và suy nghĩ, Nxb Khoa học Xã hội, Tp. HCM.

19. Phạm Thị Hảo (2008), Khái niệm và thuật ngữ lý luận văn học Trung Quốc, Nxb Văn học, Hà Nội.

20. Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh (Phạm Công Đạt dịch) (2000), Văn học sử

Trung Quốc (tập 2), Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

21. Trịnh Hoành (2009), Sổ tay điển văn học, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.

22. Hồ Sĩ Hiệp (2009), Đến với Đường thi tuyệt cú, Đại học Sư phạm Tp. HCM, Tp. HCM.

23. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

24. Nguyễn Duy Hinh (2003), Người Việt Nam với Đạo giáo, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

25. Hòa thượng Thích Huệ Hưng (2013), Duy Ma Cật sở thuyết kinh, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

26. Cao Xuân Huy (Nguyễn Huệ Chi soạn) (2005), Tư tưởng phương Đông gợi

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du và thơ vương duy dưới góc nhìn so sánh (Trang 145)