Cảm hứng về thời gian nổi bật trong thơ Vương Duy là đi từ thời gian hiện tại bị quên lãng cho tới “vô thời gian” là thời gian đặc trưng của thơ mang Thiền vị. Thời gian ở đây luôn trong trạng thái ngưng đọng, lãng quên. Chính vì thơ Thiền phải bộc lộ được cái thanh thoát trong mọi sự, nếu đã vậy thì cần gì phải chú ý đến khái niệm được gọi là thời gian.
Người xưa luôn cảm thấy thời gian có một sức mạnh vô hình đè ép con người. Con người hữu hạn trong vũ trụ vô hạn, chính vì nhận biết được sự hữu hạn ngắn ngủi ấy mà con người trở nên lo lắng:
Hốt trì vụ dĩ truy trục hề Phi dư tâm chi sở cấp
Lão nhiễm nhiễm kỳ tương chí hề Khủng tu danh chi bất lập
(Ly tao – Khuất Nguyên)
(Vội rong ruổi mà đuổi theo a,
Chẳng phải cái mà lòng ta muốn gấp; Già sồng sộc sắp đến a,
Sợ danh hay chửa dựng được) (Đào Duy Anh dịch)
Đối với một nhà Nho có tinh thần trách nhiệm luôn phấn đấu vì sự nghiệp lo cho đời như Khuất Nguyên thì việc lo lắng trước thời gian là tất yếu. Ông lo lắng cái già sẽ sồng sộc kéo đến trong khi con người chưa có chút danh gì để lại cho đời. Ngược lại tinh thần Nho giáo ở trên Phật giáo cho rằng cuộc đời con người chỉ là một khoảnh khắc trong vòng tuần hoàn của tự nhiên, tất cả chỉ là sương sa, sấm chớp hay ảo mộng. Nó trôi qua rất nhanh và thường không để lại dấu vết. Đạo gia với quan niệm “nhân sinh giai như mộng” cũng coi đời người như một giấc mộng, ngắn ngủi và chớp nhoáng. Vương Duy là con người sau khi đạt đạo mọi chấp niệm về thời gian dường như không có xuất hiện trong thơ ông.
Thơ Vương Duy là sự hòa hợp tất cả những tinh thần ấy, người đọc nhiều lần bắt gặp con người trong thơ ông say sưa với đạo, với nhàn thú mà quên tất cả:
Nhân nhàn quế hoa lạc Dạ tỉnh xuân sơn không Nguyệt xuất kinh sơn điểu Thời minh xuân giản trung
(Điểu minh giản)
(Người nhàn rỗi trước cảnh hoa quế rụng Đêm tĩnh mịch, núi xuân vắng teo
Trăng mọc làm chim núi sợ
Thỉnh thoảng kêu trong khe xuân)
Trong không gian tĩnh lặng của đêm, người nhàn nhã ngồi ngắm hoa quế rụng, núi vắng, đêm lặng. Tất cả không gian yên tĩnh tuyệt đối, con người đã thả hồn vào khung cảnh. Trong tĩnh có động, trong động bật lên cái tĩnh vốn có. Thế nhưng vào khoảnh khắc này con người dường như không hề bị ảnh hưởng mà vẫn duy trì một
tư thế nhàn ban đầu. Con người ấy thả hồn vào hoa, trăng, đêm, không khí xuân và cả âm thanh vội của chú chim nào đó. Trong trạng thái ấy khái niệm thời gian đang trôi chảy không hề tồn tại, tất cả lặng đi để thưởng thức khung cảnh giao hòa tuyệt vời này. Và cũng chính giây phút này tất cả ngưng đọng, thời gian bị quên đi hoàn toàn. Bởi có quên thì âm thanh hoa rụng và trăng lên thi nhân mới cảm nhận được, con người ấy không dùng thính giác thông thường để cảm nhận mà dùng tâm để cảm nhận, để quan sát sự tinh tế của tự nhiên.
Con người ấy ngày thường vẫn mải mê với công việc của mình, không quan tâm đến chuyện thiên hạ có hay không ai là người ở ẩn:
Triêu canh thượng bình điền Mộ canh thượng bình điền Tá vấn vấn tân giả
Ninh tri Thư Nịch hiền
(Thượng bình điền)
(Sáng cầy ruộng cao thấp Chiều cầy ruộng thấp cao Hỏi người người hỏi bến đò Ai cần biết đến Nịch Thư là hiền)
Lúc thì con người mải vui cảnh quên thời gian, khi thì thời gian được dành cho công việc, lúc thì thời gian chỉ để say giấc:
Thanh trú do tự miên Sơn điểu thì nhất chuyển
(Lý xử sĩ sơn cư)
(Sáng bạch rồi còn ngủ
Thỉnh thoảng có tiếng chim núi hót)
Con người cứ chìm trong giấc ngủ thật say, say đến mặc kệ thế sự, say không còn biết đất trời. Con người hòa tan vào thiên nhiên trong giấc nồng:
Hoa lạc gia đồng vị tảo Oanh đề sơn khách do miên
(Điền viên lạc 4)
(Hoa rụng, trẻ nhà chưa quét
Chim oanh hót, người sơn khách còn ngủ)
Con người với một tâm thái Thiền định, chỉ biết đến thực tại, không màng quá khứ, không lo nghĩ đến tương lai. Trong 170 bài thơ của Vương Duy, ông ít khi nhắc đến quá khứ. Trong thơ ông hầu chỉ có khoảnh khắc hiện tại với những hoạt động của con người đang diễn ra. Không nhớ tiếc những gì đã qua, chỉ tiêu dao
trong thực tại đến say sưa quên thời gian. Thời gian dường như không có năng lực khiến con người phải lo âu, con người
cứ vui mà lơ đi:
Ngẫu nhiên trị lâm tẩu Đàm tiếu vô hoàn kì
(Chung Nam biệt nghiệp)
(Bất thần gặp một cụ già miền rừng núi Cùng Cụ vui chuyện không dứt ra được)
Gặp người tri kỉ thì trò chuyện không dứt ra được, cũng không biết là bao lâu mới kết thúc. Thời gian có thể cản được cuộc vui này sao?
Khái niệm thời gian ở đây là thời gian của tâm Thiền. Thời gian như ngưng đọng lại, nó không sinh cũng không diệt, nó bất biến và có xu hướng bị coi như không tồn tại. Với Vương Duy thời gian dẫu có vù vù trôi qua thi nhân cũng mặc nó trôi mà bình thản không sợ hãi:
Nhật, nhật, nhân không lão Niên niên cánh xuân quy Tương quan hữu tôn tửu Bất dụng tích hoa phi
(Tống xuân từ)
(Ngày lại ngày con người già đi hoài Năm rồi năm, mùa xuân vẫn trở lại Cùng vui với nhau, có bầu rượu đấy
Tiếc làm chi những cánh hoa tàn bay)
Ngày ngày trôi qua, con người cũng già đi, thế mà thi nhân không lo sợ cái già. Ngược lại ông vui với bạn hữu, với rượu ngon, hoa đã rụng theo thời gian úa tàn thì hà cớ gì con người phải tiếc nuối? Con người sống phải tuân theo quy luật “sinh lão bệnh tử” thì sớm muộn cũng sẽ chấm hết cuộc sống (theo Vương Duy là cuộc sống gửi) vậy thì con người có lo lắng, sợ hãi nó vẫn sẽ diễn ra. Con người thay vì cứ nuối tiếc thời gian sao không quên đi tất cả những nỗi âu sầu ấy mà tận hưởng thời gian hiện tại đi. Hoa rơi thì hãy cứ ngắm đi, có rượu ngon thì cứ nên thưởng thức đi. Đời người với chiếc thân hữu hạn mong manh ngắn ngủi vô cùng.
Những bài thơ Thiền khác của Vương Duy như Lộc trại, Mộc Lan trại, Tân Di ổ, Sơn thù du…đều hiện ra hình tượng thời gian ngưng đọng, bị quên lãng không nói đến. Trạng thái con người đạt được thấu hiểu về thơ Vương Duy cũng là lúc con người hòa vào thiên nhiên mà quên đi thời gian hiện hữu. Vương Duy cũng đôi lần nói về thời gian trôi đi trong những câu thơ cảm thán về tuổi già hay những cuộc tiễn đưa, song những khoảnh khắc đó rất ít và mục đích cũng là nhắc nhở chính bản thân nhà thơ quý trọng thời gian hiện tại. Có lẽ thi nhân muốn gửi gắm thông điệp riêng rằng con người hãy quên đi nỗi lo về tương lai, không u sầu về quá khứ mà hãy vui với hiện tại và mở lòng để cảm nhận cuộc sống một cách trọn vẹn. Vương Duy không phải vô tâm trước cuộc sống, trước quy luật của vạn vật nhưng với cái tâm đã thông hiểu đạo đời thì ông biết buông và thả những chấp niệm không đáng bận của thế sự. Chỉ có khi nào con người buông được, ngộ được ý chỉ đơn giản của cuộc sống thì mới thảnh thơi mà tận hưởng cuộc sống được. Đọc thơ Vương Duy người đọc chỉ còn cảm nhận được niềm vui của thi nhân qua mỗi ngày, ông không vướng bận, không quá u sầu cũng không quá hào hứng. Tâm Vương Duy luôn an định như hình tượng núi trong thơ ông vậy. Thơ Vương Duy luôn toát ra ý vị nhàn nhã, bình đạm, nhịp thơ thong dong như chính con người thi nhân: “Phẫn nhi bất lệ, ai nhi bất thương, lạc nhi bất dâm, nộ nhi bất oán” (Tức bực mà không dữ dằn – Xót thương mà không quá độ đến đau đớn – Vui mà không nhả nhớt – Giận mà không oán hờn) [6, tr.30].