Vương Duy với tư cách là người đại diện tiêu biểu cho trường phái Sơn thủy điền viên, kết hợp với tư tưởng phóng khoáng thoát tục của nhà Phật, tư tưởng hướng về tự nhiên của Lão Trang nên tình yêu thiên nhiên trong thơ ông là vấn đề không cần bàn cãi. Vương Duy hoàn toàn hòa mình vào thiên nhiên, dành trọn vẹn tình yêu cho thiên nhiên. Xuyên suốt các bài thơ của Vương Duy, hình ảnh thiên nhiên luôn hiện hữu bên cạnh con người, không chỉ vậy nó còn nhiều lần “vượt quyền”, đẩy con người ra khỏi vị trí trung tâm và độc chiếm vị trí độc tôn trong thơ.
Vương Duy mượn thiên nhiên để nói Đạo, nói đời, nói tấm lòng nhung nhớ quê nhà và cả cuối cùng thể hiện tình yêu đối với thiên nhiên, sông núi. Chúng tôi tiến hành khảo sát và thống kê được 54/170 (khoảng 32%) bài thơ Vương Duy lấy thiên nhiên làm đối tượng chính tức là hình ảnh thiên nhiên lấn át tất cả những yếu tố khác, đồng thời con người hòa vào cảnh vật, đạt đến trạng thái “vô ngã chi cảnh”. Trong số đó có những bài thơ đại diện cho phong cách thi tăng của Vương Duy như: Điểu minh giản, Lộc trại, Mộc lan sài, Trúc Lí quán, Văn hạnh quán, Tân Di ổ…
Vương Duy ở đằng sau cảnh vật say sưa ngắm cảnh, ngâm ngợi và hòa tan bản thân vào thiên nhiên.
Mộc mạt phù dung hoa Sơn trung phát hồng ngạc Giản hộ tịch vô nhân Phân phân khai thả lạc
(Tân Di ổ)
(Hoa phù dung nơi ngọn cây Giữa núi nẩy những đài đỏ
Cửa bên khe núi vắng teo không bóng người Bời bời hoa cái nở, cái rụng)
Chỉ với bốn câu thơ ngắn song bức tranh thiên nhiên mà Vương Duy vẽ ra quả có sức hút mạnh mẽ với giác quan người đọc. Thị giác bị tác động bởi màu đỏ của đài hoa, thính giác dường như lắng xuống để có thể cảm nhận được âm thanh rơi rụng nhịp nhàng, bời bời của hoa. Không gian núi vắng vẻ không bóng người đã tạo nên sự tĩnh mịch và êm ái, cũng như rộng lớn là thế giới riêng của những cánh hoa thi nhau nở rồi rụng. Người đọc dường như có thể thoải mái hình dung ra khung cảnh khe núi nơi có vô số đài hoa đỏ nở rực rỡ và rụng bời bời, trải đầy trên mặt đất. Nơi đây không có bóng người nhưng người đọc vẫn cảm nhận được có một đôi mắt đang ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời này từ xa với ánh mắt dịu dàng, đằm thắm. Cùng một hình ảnh cánh hoa rơi, nếu người hữu ý thì thấy
hoa bay bay nhè nhẹ rất đẹp, song nếu là người vô ý thì nào cảm nhận được gì từ chi tiết nhỏ nhặt ấy. Chính vì vậy để viết được những dòng thơ thanh thoát này, đôi mắt thi nhân phải chứa chan tình cảm với đối tượng mà mình đặt bút vào. Bên cạnh đó, đọc thơ chúng ta có thể nhận thấy, thiên nhiên không chỉ là đối tượng để thi nhân ngắm nhìn, nâng niu, mà thiên nhiên còn là đối tượng để thi nhân suy ngẫm, triết lý. Nhìn những cánh hoa sớm nở tối tàn nơi núi vắng, Vương Duy cũng đồng thời nhìn được quy luật của tự nhiên. Sự vận động ấy là vô hạn, trong khi cuộc đời con người là hữu hạn. Có người hay không hoa vẫn cứ nở rồi rụng, chỉ có con người mất đi rồi sẽ không thể ngắm hoa được nữa mà thôi. Nếu đã vậy thì sao không bỏ hết sầu lo mà thưởng thức vẻ đẹp vĩnh hằng của tự nhiên, cuộc đời hữu hạn của con người liệu được bao lăm mà ngần ngại.
Có đôi lần thi nhân mải mê ngắm cảnh nên đã quên cả lối về: Ngôn nhập Hoàng Hoa Xuyên
Mỗi trục Thanh khê thủy Tùy sơn tương vạn chuyển Chiếp đồ vô bách lý
Thanh huyên loạn thạch trung Sắc tĩnh thâm tùng lí
Dạng dạng phiếm lăng hành Trừng trừng ánh hà vĩ Ngã tâm tố dĩ nhàn
Thanh xuyên đạm như thử Thỉnh lưu bàn thạch thượng Thùy điếu tương dĩ hĩ
(Thanh khê)
(Mỗi lần vào Hoàng Hoa Xuyên Là theo dòng Thanh khê
Quanh theo núi chuyển hướng rất nhiều lần Mới qua được chưa đầy trăm dặm đường
Tiếng ồn ào vang dội giữa muôn tảng đá Một mầu im chìm giữa những cây thông xanh Dọc súng đong đưa trên mặt nước
Dòng nước trong soi bóng những tàn sen cụm lau Lòng ta vốn an nhàn điềm đạm
Con sông trong cũng in như thế
Xin dành cho một chỗ ngồi trên bàn đá Để lấy chỗ buông câu cho rồi)
Bài thơ thật đáng yêu, đáng yêu ở câu chuyện say mê thiên nhiên mà Vương Duy thuật lại. Đi đến con sông Hoàng Hoa xuyên phải ngang qua Thanh khê, nhà thơ đắm mình vào khung cảnh trên đường đi: núi quanh co, nước sông trong vắt, hoa súng đong đưa hữu tình, cụm lau in bóng xuống dòng suối trong…Ấy vậy, cảnh trong sáng, thanh mát và nhàn tản như tâm tình thi nhân. Ông tự nhận lòng vốn nhàn sẵn, tiện cảnh đẹp xin buông câu ngồi một chỗ hà cớ gì phải đi đâu nữa. Thật ra ngồi trên đá buông câu chỉ là cái cớ mà thôi, với tâm hồn Vương Duy thì không cần buông câu mà chỉ cần thả mình xuống đá, ngồi lặng một chỗ và thưởng thức phong cảnh thôi là quá đủ để quên hết mọi thứ, ngay đến lối về cũng không bận tâm dù quanh co nhiều lần.
Thiên nhiên trong thơ Vương Duy luôn là người bạn thân thiết với ông: Độc tọa u hoàng lí
Đàn cầm phục trường khiếu Thâm lâm nhân bất tri
Minh nguyệt lai tương chiếu
(Trúc Lí quán)
(Ngồi một mình trong đám tre rậm Gảy đàn cầm lại huýt sáo
Rừng sâu không ai biết tới Chỉ có vầng trăng sáng soi)
Thú vui của con người trong bài thơ là ngồi một mình gảy đàn và huýt sáo, nhưng không gian lại khá đặc biệt. Chính là ngồi thực hiện những thú vui ấy chỉ một mình trong rừng tre rậm rạp không bóng người. Nơi rừng sâu không có ai biết đến con người đang gảy đàn và huýt sáo kia. Con người đã tách ra khỏi cuộc sống thường nhật mà chọn thiên nhiên làm nơi nghỉ ngơi, không cần ai biết đến, chỉ có “minh nguyệt lai tương chiếu”, là chỉ có ánh trăng sáng cùng soi vào con người mà thôi. Và trong không gian ấy, cũng chỉ có người và trăng là trung tâm đối diện với nhau, cùng nhau hưởng thụ không gian thiên nhiên trong trẻo, tuyệt đối tĩnh mịch và xa vắng này. Người đã lẫn với cây cỏ, tiếng đàn đã hòa với ánh trăng, cùng cỏ cây và người. Tất cả tạo nên một thể hòa hợp thống nhất giữa thi nhân và thiên nhiên, tạo nên mối quan hệ khăng khít thâm giao giữa con người và thiên nhiên vậy. Vương Duy thân thì ở triều đình nhưng tâm hồn bao giờ cũng hướng về chốn rừng sâu, nơi có non xanh nước biếc, có hoa rơi, chim hót. Làm thơ về thiên nhiên Vương Duy không dùng ngôn ngữ chau chuốt, không tô bóng ảnh vật, song chính nhờ sự giản dị, Vương Duy đưa vào thơ những gì chân thật nhất, tự nhiên nhất, cũng là đẹp đẽ nhất của tạo vật.
Thiên nhiên trong thơ Vương Duy đa phần là những hình ảnh trong sáng, tĩnh nhàn. Trong 170 bài thơ Vương Duy mà chúng tôi khảo sát thì chỉ có hai lần nhà thơ miêu tả thiên nhiên với sắc thái mạnh mẽ (trong hai bài thơ là Loan Gia lại và
Hán giang lâm phiến). Trong bài Loan Gia lại, Vương Duy viết: Táp táp thu vũ trung
Thiển thiển thạch lưu tả Khiêu ba tự tương tiễn Bạch lộ kinh phục há
(Loan Gia lại)
(Trong tiếng mưa thu sầm sập
Từ kẽ đá nước chảy ra thành dòng sông Sóng chờm tung tóe lên nhau
Thiên nhiên trong bài thơ ở trạng thái luôn động. Đó là nước chảy từ lòng đá ra thành sông, mưa rơi và gió thổi. Sóng nước vì mưa và gió nên bắn tung tóe. Điều đó khiến cho chú cò trắng đang đậu phải giật mình bay lên rồi sà xuống. Trong bức tranh thiên nhiên chỉ toàn những động thái ấy người đọc lại cảm nhận được cái tĩnh lặng tuyệt đối. Đó chính là cái tĩnh lặng của thi nhân đang đứng ngoài quan sát kia. Thi nhân hẳn phải rất chú tâm cũng như rất tinh tế và tĩnh tâm tuyệt đối thì mới nhìn ra trong bao nhiêu cái ba động ấy sự sợ hãi của con cò. Con cò giật mình vỗ cánh bay lên. Cái sự giật mình vì kinh sợ ấy hẳn là diễn ra rất nhanh chóng, để có thể thu được vào tầm mắt chút diễn biến nhanh chóng ấy chắc chắn Vương Duy phải tập trung hết tinh lực cũng như khả năng cảm nhận tinh tế đối với tự nhiên. Như vậy bài thơ là thiên nhiên với những sắc thái linh động song người đọc lại nhìn ra cái tĩnh lặng tuyệt vời của chủ thể trữ tình đằng sau cảnh vật ấy. Nó khiến cho những sắc thái cảm giác mạnh kia chuyển sang nhẹ nhàng và êm dịu bất ngờ.
Hầu như không có những đối tượng thiên nhiên khiến con người lâm vào lo buồn, sợ hãi như trong thơ Nguyễn Du. Ngay cả khi Vương Duy viết về những hình ảnh thiên nhiên rộng lớn, mênh mông thì con người cũng không cảm thấy xa lạ, hoảng sợ:
Sở tái tam Tương tiếp Kinh môn cửu phái thông Giang lưu thiên địa ngoại Sơn sắc hữu vô trung Quận ấp phù tiền phố Ba lan động viễn không
(Hán giang lâm phiếm)
(Nơi ải Sở, ba dòng Tương gặp nhau Tới Kinh Môn, chín nhánh chụm lại Dòng sông chảy (như ở) ngoài trời đất Mầu núi (lờ mờ) giữa “có” và “không” Quận ấp nổi trên bãi sông trước
Sóng vỗ tận chân trời xa)
Hiện lên trước mắt người đọc là khung cảnh núi sông hùng vĩ. Có thể hình dung được nhà thơ đang ngồi thuyền trên sông Hán và xuôi về Trường giang. Nhà thơ miêu tả địa thế ba sông chụm lại rồi sông Trường giang từ Lư Giang lại chia ra làm chín nhánh chảy xuôi. Dòng nước mênh mông, rộng lớn tựa như vượt khỏi ranh giới trời đất, nhà thơ nhìn thấy quận ấp chìm trong nước. Núi cao, sông rộng, nước xiết là vậy song tư thế của con người thật sảng khoái:
Tương Dương hảo phong nhật Lưu túy dữ Sơn ông
(Hán giang lâm phiếm)
(Nắng gió ở Tương Dương đẹp Ở lại mà say cùng ông Sơn)
Chính cái tư thế sảng khoái, phóng khoáng cùng say giữa trời đất mênh mông rộng lớn ấy đã tạo nên khí khái hào hùng, lãng mạn cho bài thơ. Có thể thấy trong bất kì hoàn cảnh nào Vương Duy cũng nhìn thiên nhiên với đôi mắt hòa hợp, nâng niu và dành một tình yêu sâu đậm với thiên nhiên, luôn hòa quyện bản thân vào non xanh để tìm thấy chính mình.
Có thể kết luận rằng đối với Vương Duy thì thiên nhiên là chốn thần tiên lí tưởng nhất, là bồng lai tiên cảnh cũng như đất Phật. Bởi chỉ cần hòa mình vào thiên nhiên là mọi ý niệm phức tạp trong con người Vương Duy tan biến hết, thay vào đó là trạng thái vượt thoát hoàn toàn hòa nhập với lí tưởng của đạo mà thi nhân yêu mến. Đây là điểm khác biệt lớn so với Nguyễn Du. Còn Nguyễn Du với tấm lòng khắc khoải, nặng tình người, tình đời nên thiên nhiên không dành được trọn vẹn tâm hồn thi nhân. Không chỉ vậy đối với Nguyễn Du thiên nhiên là đối tượng hoàn toàn có vị trí độc lập với ông, thiên nhiên được Nguyễn Du tả thật với tất cả những cái đáng sợ vốn có của nó. Cảm hứng đối với thiên nhiên của Nguyễn Du mang tính khách quan.