Nguyễn Du – tả thực và độc lập với thiên nhiên

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du và thơ vương duy dưới góc nhìn so sánh (Trang 120)

Trong khi Vương Duy hòa mình vào thiên nhiên thì Nguyễn Du lại thể hiện một thái độ khác với thiên nhiên. Không phải Nguyễn Du không yêu thiên nhiên, yêu lắm chứ, thiên nhiên quê nhà đã đủ để “ngâm ngợi”, trăng luôn theo ông trong mọi hoàn cảnh kia mà. Thế nhưng Nguyễn Du không hòa tan bản thân vào thiên nhiên như Vương Duy, ngược lại thi nhân đứng ngoài mà quan sát thiên nhiên một cách độc lập và tả thực một cách khách quan với những gì vốn có của nó. Thiên nhiên trở thành đối tượng để ông suy ngẫm, đánh giá, và thiên nhiên cũng lạnh lùng, hờ hững không hòa điệu với con người.

Con người u buồn, nhưng không nhận được sự đồng cảm của thiên nhiên: Nhân tự bi thê thảo tự thanh

Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng

(Thanh minh ngẫu hứng)

(Người cứ buồn thương, cỏ cứ xanh

Ngày xuân nhưng thân mình không còn trai trẻ nữa)

Thiên nhiên không những không thông cảm, mà ngược lại nó đang vào độ khoe hết vẻ đẹp vốn có của mình. Người buồn thương, nhưng cỏ vẫn cứ xanh, cứ tươi tốt, cứ mọc lan phủ khắp thềm, người dù muốn cỏ cũng không dừng lại. Thời tiết đang vào xuân nên tràn trề nhựa sống, mùa của sự tươi trẻ nhưng thân người thì lại đã già, người qua tuổi trẻ rồi. Người đọc nhận thấy trạng thái đối lập rõ rệt giữa người và tự nhiên: “nhân tự bi thê” – “thảo tự thanh” (người buồn – cỏ xanh), “thân phi thiếu tráng – xuân nhật” (người không còn trẻ nữa – ngày xuân). Con người và thiên nhiên hoàn toàn tách biệt với nhau, người một tâm trạng, thiên nhiên một trạng thái, hai thứ hoàn toàn đối nghịch với nhau. Khi Nguyễn Du đi sứ, thiên nhiên nơi đất khách cũng bao lần khiến nhà thơ cảm nhận sâu sắc thêm thân phận li hương của ông:

Tứ vọng vân sơn, nhân độc lão

(Tam Giang khẩu đường dạ bạc)

Giữa bốn bề núi non trùng điệp mà thân lữ khách chỉ cô độc một mình, thêm tuổi già khiến con người càng thấy bất lực, quạnh quẽ, choáng ngợp. Hết cô độc giữa núi rừng lại là:

Cộng chỉ mai hoa báo tiêu tức Xuân hà tằng đáo dị hương nhân

(An Huy đạo trung)

(Cùng trỏ hoa mai báo tin xuân

Nhưng xuân có bao giờ đến với người từ nơi đất khách)

Nhà thơ mỉa mai hay buồn thương cho mình đây, yêu hoa, yêu xuân nhưng lại nghẹn ngào nói xuân có bao giờ đến với người lữ khách, ở đất khách thì làm gì có xuân. Ấy thế nhưng hoa mai vẫn báo tin và xuân vẫn đến, còn người có đón xuân được hay không thì chúa xuân nào có quản. Dường như thi nhân yêu thiên nhiên nhưng tình cảnh và cảm xúc của ông không được thiên nhiên đáp lại, mà nó thường đưa đến một trạng thái đối lập hoàn toàn với mong muốn của ông. Thiên nhiên vô tình hay hữu ý mà trong thơ Nguyễn Du nó luôn thể hiện một trạng thái khác biệt. Nó như cố tình xoáy sâu vào nỗi niềm của con người. Nơi đất lạ, xuân không chỉ hờ hững với người có tâm mà thiên nhiên cũng cản trở đường đi của sứ thần nhà Nguyễn.

Sơn lộc tích nê thâm một mã

Khê tuyền phục quái lão thành tinh

(Mạc phủ tức sự)

(Đường chân núi đầy bùn sâu ngập cả chân ngựa Yêu quái ẩn núp trong khe suối lâu đời đã thành tinh)

Đường đi đến non Yên còn rất dài và rất xa, những chướng ngại như thế này gợi cho người lữ khách bao cảm xúc khó tả được. Thậm chí có lúc ông tưởng như sự dữ dội của tự nhiên muốn nhấn chìm cả mối tình nhà bởi càng ngày nó càng chia cách thi nhân với cố hương. Đường đi của Nguyễn Du không phải chỉ có núi non hiểm trở mà sông nước cũng dữ dội và “hành hạ” con người không kém:

Dũng đào phún mạt nhật dạ tranh hôi huyên Hạ lạo sơ trướng phí như tiên

Nhất hành tam nhật tâm huyền huyền Tâm huyền huyền sở đa úy

(Ninh Minh giang chu hành)

(Thuồng luồng, li long ra vào thành vực sâu Sóng vỗ bọt phun ngày đêm ầm ầm

Nước lụt mùa hè vừa dâng nước sôi sục Một mạch ba ngày đi lòng chơi vơi Lòng chơi vơi vì sợ nhiều)

Có khi đường đi bằng phẳng, người lữ khách không gặp núi non hiểm trở hay sông nước hung bạo, những tưởng sẽ được thư nhàn thì lại gặp trời nắng gắt như thiêu như đốt:

Nhân hành liệt nhật trung Đồ trường tê quyện mã

(Hà Nam đạo trung khốc thử)

(Người đi trong ánh nắng gắt của mặt trời Trên đường dài mệt ngựa hí vang)

Từ sơn thần cho đến thủy thần rồi thời tiết gay gắt đua nhau nổi cơn thịnh nộ để đe dọa con người. Sự hung bạo ấy khiến cho con người dẫu có mạnh mẽ đến đâu cũng phải kinh hãi.

Thiên nhiên không chỉ lạnh lùng, xa cách con người mà bên cạnh vẻ đẹp khiến con người say đắm nó còn thể hiện sự đáng sợ, hiểm nguy vốn có khiến con người sợ hãi. Dường như thiên nhiên nơi đây đang cố gắng phô bày hết tất cả những gì nguy hiểm nhất của nó để cản bước chân của con người. Nó chẳng ngại ngần thể hiện sức mạnh nguyên thủy có thể nhấn chìm tất cả.

Không phải chỉ thiên nhiên đất lạ mới hung tàn và hiểm nguy đối với con người. Ngay đến cảnh vật quê nhà cũng được nhà thơ nhìn một cách chân thực nhất khía cạnh đáng sợ của chúng:

Lam Giang trướng thu thủy Ngư miết du khâu lăng Ngưu mã mê nhai sĩ Dĩ ngạn băng bảo lôi Hồng đào kiến kỳ quỉ

(Lam giang)

(Sông Lam tràn đầy nước lụt mùa thu Cá giãi bơi đùa nơi gò đẫy

Trâu ngựa không nhận ra bờ nước Bờ sông lở sụt ầm ầm như sấm dữ Sóng lớn thấy như có quỷ lạ)

Nguyễn Du như nhìn thấy một dòng sông Lam lạ lùng và hoàn toàn khác biệt khi mùa nước về. Nước nhiều gây lụt, nước cuồn cuộn chảy cũng như cuộn mình, vùng vẫy đe dọa động vật, đe dọa cả con người. Nhà thơ có cảm giác như dòng sông ngày nào yên bình giờ biến hình thành quỉ lạ. Điều đó khiến con người chùn chân vì sợ hãi. Sông Lam, núi Hồng đủ để thi nhân ngâm vịnh nhưng nó cũng không phải luôn ở trạng thái hiền hòa ấy mà còn có bộ mặt khác đáng sợ thế này. Nguyễn Du không thiên vị, không ngần ngại trong việc tả thiên nhiên như thế đấy.

Có thể nói thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du được tả thực với một cảm hứng mãnh liệt. Ngoài thể hiện sự khắc nghiệt và hiểm nguy thì nó cũng có mặt hiền hòa, êm dịu khiến con người say đắm:

Sơn thượng hữu đào hoa Xước ước như hồng ỷ

(Hành lạc từ 2)

(Trên núi có hoa đào Mềm mại như lụa đỏ)

Thiên nhiên là đề tài ngâm vịnh vô tận của thi nhân, nhất là thiên nhiên quê nhà càng khiến thi nhân yêu mến hơn nữa:

Bằng quân thu thập trợ thanh ngâm

(Phúc Thực Đình)

(Sông Lam núi Hồng đẹp vô hạn

Nhờ anh thu lượm để giúp thêm vào việc ngâm vịnh thanh tao) Khi thì thiên nhiên trở thành nhân chứng cho tình bằng hữu bền chặt:

Lưu thủ giang nam nhất phiến nguyệt Dạ lai thường chiếu lưỡng nhân tâm

(Lưu biệt Nguyễn đại lang 1)

(Xin giữ lấy một mảnh trăng ở phía nam sông Đêm đến thường soi lòng hai ta)

Nếu nói hình ảnh thiên nhiên được Nguyễn Du gửi gắm tình cảm nhiều nhất và có lẽ là ngoại lệ duy nhất được nhà thơ coi là bạn thì chỉ có trăng. Trăng có khi là minh chứng cho tình bạn, trăng có lúc lại soi chiếu cảnh vật hiện rõ sắc thu cho con người ngắm nghía:

Mãn phục giai thu sắc

Mãn giang giai nguyệt minh

(Tương Âm dạ) (Đầy mắt toàn là sắc thu

Khắp sông nơi nào cũng sáng trăng)

Có lúc thi nhân cảm nhận mọi thứ đều thay đổi, duy chỉ có ánh trăng vẫn là trăng “ngày xưa”:

Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành

(Thăng Long 2)

(Mảnh trăng sáng ngày xưa chiếu xuống tòa thành mới)

Nhờ có ánh trăng vẫn chiếu sáng nơi đây mà Nguyễn Du như cảm thấy Thăng Long vẫn còn chút gì đó của quá khứ, và gật gù “đây vẫn còn là Thăng Long kinh đô cũ” dẫu cho những biến đổi đường phố bốn bề đã làm mờ hết những dấu vết xưa cũ. Và thi nhân tìm lại được những dấu vết ấy là nhờ có mảnh trăng kia. Thế nhưng chút êm dịu hiền hòa này không đủ để xoa dịu những thực tại ở trên cũng như ấn

tượng về sự khác lạ của Nguyễn Du trong ứng xử cùng thiên nhiên. Chúng tôi đồng tình với nhận định của tác giả Lê Thu Yến khi cho rằng thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du “thực đến độ trở thành tàn nhẫn”, và ông hoàn toàn khác những nhà thơ trung đại. Ví như với Nguyễn Trãi thiên nhiên là đối tượng bầu bạn thân thiết:

Hái cúc, ương lan hương bén áo Tìm mai, đạp nguyệt tuyết xâm khăn

(Thuật hứng 15)

Hay với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì thiên nhiên là chốn nghỉ ngơi và vui sống lý tưởng:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

(Nhàn)

Chúng ta không cần nói đâu xa xôi, chính trong kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du thái độ của thi nhân đối với thiên nhiên cũng hoàn toàn khác trong thơ chữ Hán:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

(Truyện Kiều)

Như vậy, có một sự khác biệt rõ rệt giữa việc thể hiện cảm hứng trước thiên nhiên trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du với các nhà thơ khác thời kỳ trung đại, gần hơn nữa là của chính ông trong Truyện Kiều. Phải chăng thơ chữ Hán là nơi Nguyễn Du thể hiện thật nhất bản thân mình, nó không giống những nhà thơ khác vì đó chính là cái khác giữa con người Nguyễn Du và họ. Quả là nếu đi sâu tìm hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du chúng ta sẽ còn khai thác được nhiều điều mới mẻ hơn nữa về đại thi hào dân tộc của chúng ta. Ở đây chúng tôi chỉ nói đến sự khác biệt trong việc nhà thơ ứng xử với thiên nhiên, những vấn đề khác chúng tôi chưa có cơ hội đi sâu tìm hiểu.

Nguyễn Du đã say mê với thiên nhiên nhưng trong sự say mê ấy là một trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Ông yêu thiên nhiên nhưng không vì yêu mà chỉ nói về cái đẹp, cái đáng yêu mà ông còn không ngần ngại thể hiện một cách chân thực nhất cái hoang sơ, cái nguyên thủy cùng hoang dã của tự nhiên. Trong thơ chữ Hán người đọc còn nhận thấy sự khách quan và độc lập giữa Nguyễn Du với thiên nhiên. Ông đứng ngoài quan sát, đẹp thì ông khen, đáng sợ thì ông kinh hãi. Sự độc lập ấy có lúc trở thành lạnh lùng vì thiên nhiên và con người không thể chia sẻ tâm tư với nhau. Chính vì vậy mà chúng ta mới thấy một Nguyễn Du luôn khắc khoải, cô độc khi đối diện với thiên nhiên khiến người đọc xót xa:

Dao không thất cố hương Hạc lai nhân bất kiến

Vãn thu uất thương thương

(Tương giang dạ bạc)

(Vời trông phía trời xa chẳng thấy quê hương Hạc đến người không thấy đến

Cây trong chiều hôm cứ xanh ngăn ngắt)

Tóm lại, nếu Vương Duy hòa mình vào thiên nhiên đến quên thế sự thì Nguyễn Du không có cách nào để hòa tan vào thiên nhiên. Đối với ông, thiên nhiên là đối tượng để đối diện và đối thoại, để đánh giá, ông không thể vứt bỏ mọi u uẩn mà chìm đắm trong tự nhiên dù lòng cũng khao khát “xuống tóc vào rừng, nằm nghe tiếng thông reo”. Nhưng đó chỉ là mơ ước, Nguyễn Du chưa một lần thực hiện được mơ ước ấy. Nếu cảnh giới trong thơ sơn thủy Vương Duy là vô ngã thì Nguyễn Du là hữu ngã, nếu Vương Duy hòa tan vào thiên nhiên hoàn toàn thì Nguyễn Du chỉ đứng ngoài quan sát và tả thực một cách khách quan.

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du và thơ vương duy dưới góc nhìn so sánh (Trang 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)