Tinh thần Lão Trang

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du và thơ vương duy dưới góc nhìn so sánh (Trang 104)

Ở trên chúng tôi đã tiến hành phân tích và khảo sát để chỉ ra sự khác biệt đậm – nhạt của tinh thần Phật giáo trong thơ Vương Duy và thơ chữ Hán Nguyễn Du. Có thể thấy rõ rằng dấu ấn Phật giáo trong thơ Vương Duy đậm hơn Nguyễn Du rất

nhiều, vậy sự thể hiện ảnh hưởng của tinh thần Lão Trang thì giữa họ có gì khác biệt?

Ở Vương Duy, con người nhà Phật chiếm ưu thế rõ ràng nhất song không thể quên rằng dấu ấn của Đạo giáo cũng chiếm một vị trí khá quan trọng. Phật hòa với Đạo biểu hiện ở tâm thế ẩn dật của thi nhân. Như chúng ta đã biết, Đạo gặp Thiền ở chữ “vô”. Nhân sinh phải tuân theo tự nhiên, theo chuyển động của trời đất, ở điểm này Phật giáo không hẹn mà cùng gặp gỡ với Lão Trang. Lão Tử nói: “Nhân pháp

địa; địa pháp thiên; thiên pháp Đạo; Đạo pháp tự nhiên” (Con người lấy đất làm

khuôn phép; đất lấy trời làm khuôn phép; trời lấy Đạo làm khuôn phép; Đạo lấy Tự nhiên làm khuôn phép) [71, tr.37]. Với Đạo giáo, thế giới tự nhiên là tối thượng, đây cũng chính là cơ sở nảy sinh thuyết vô vi.

Coi trọng quy luật tự nhiên và hướng về tự nhiên, chính vì vậy một cuộc sống chốn non xanh đối với người tu hành như Vương Duy là cuộc sống lí tưởng nhất. Trong 170 bài thơ của Vương Duy chúng tôi thống kê được 54/170 bài ông đề cập đến chuyện ở ẩn, đến tâm trạng lánh đời về với thôn dã. Đây chính là dấu ấn đậm nhất của tinh thần Lão Trang nổi lên trong thơ Vương Duy. Nguyễn Du thì lại tiếp thu tinh thần Lão giáo theo hướng khác, dấu ấn của tinh thần Lão Trang nổi lên trong thơ ông là chiêm nghiệm về mộng và thái độ “tri túc giả phú”.

Con đường hoạn lộ của Vương Duy cũng khá gập ghềnh, sau loạn An Lộc Sơn ông không còn quá tha thiết với công danh. Thế sự khiến ông chán ngán:

Trướng trần sự hề đa vi Trú mã đề song thụ

Vọng thanh sơn hề bất quy

(Tặng Tử trung thư vọng Chung Nam sơn ca)

(Bực vì việc đời nhiều ngang trái Dừng ngựa bên cây song thụ Mải ngắm non xanh chẳng về)

Vương Duy đối với thế sự, với phú quý vinh hoa, quan tước là thái độ: Phù sinh tín như ký

Bạc hoạn phù hà hữu

(Tư Thánh tự tống Chấp Nhị)

(Cuộc sống nổi, đúng là cuộc sống gửi (ở đậu) Chức quan còm có đáng gì đâu)

Việc đời thay đổi, nhân tình thế thái vốn không chừa cá nhân nào, đã bị cuốn vào vòng xoáy ấy, con người rất dễ quên mất bản thân. Song đối với Vương Duy, tất cả không bằng ăn một bữa cơm vui vẻ, uống một ly rượu say:

Thế sự phù vân, hà túc vấn Bất như cao ngọa thả gia xan

(Chước tửu dữ Bùi Địch)

(Việc đời biến thiên như làn mây nổi, đáng gì mà hỏi Nằm khểnh mà ăn thêm cho no còn hơn)

Chính vì cuộc sống nhân sinh tạm bợ, chỉ là sống nhờ, sống gửi cho nên thi nhân chỉ muốn tìm về với tự nhiên, muốn cuộc sống an nhàn, ẩn dật nơi thôn cùng ngõ hẻm. Vương Duy tuy không từ quan nhưng sau những biến cố trong cuộc đời ông trở thành một người bán quan bán ẩn.

Từ thái độ chán ngán thế sự, Vương Duy hướng đến một cuộc sống chốn non xanh, vui thú điền viên bất tận:

Thái lăng độ đầu phong cấp Xách trượng thôn tây nhật tà Hạnh thụ đàn biên ngư phủ Đào Hoa Nguyên lí nhân gia

(Điền viên lạc 1)

(Hái súng về bến đò gió gắt

Chống gậy ven thôn lúc mặt trời xế chiều Bên đàn cây Hạnh kìa ông già đánh cá Nơi nguồn Đào Hoa kìa nhà dân cư)

Nhà thơ tìm về với thiên nhiên trong tâm trạng thư thái, hưởng an nhàn: Đào hồng phục hàm túc vũ

Liễu lục cánh đái xuân yên Hoa lạc, gia đồng vị tảo Oanh đề sơn khách do miên

(Điền viên lạc 4)

(Hoa đào đỏ lại ngậm những hạt mưa cũ Tơ liễu xanh vẫn đeo những làn khói xuân Hoa rụng, trẻ nhà chưa quét

Chim oanh hót, người sơn khách còn ngủ)

Trở về với thiên nhiên, thi nhân tinh tế nhận ra những nét đẹp còn e ấp của thiên nhiên. Hoa đào đỏ sau mưa xuân vẫn còn ngậm những hạt mưa, hàng tơ liễu xanh vẫn mờ ảo trong làn khói xuân, vẫn quấn quýt đeo bám lẫn nhau. Trong khung cảnh tự nhiên dịu dàng, tươi tắn song không kém tinh tế ấy, thi nhân mặc hoa rụng, mặc oanh hót mà say ngủ. Dường như người sơn khách ấy đã hoàn toàn thoát khỏi cõi trần, đang tiêu dao tự tại trong cơn ngủ say.

Vương Duy luôn nói đến tâm trạng lánh đời cùng mong ước được sống ẩn dật tại chốn non xanh, ông đặc biệt yêu thích những tấm gương người xưa có lối sống tìm về tự nhiên như:

Ngũ liễu cao thả sơ Vọng thử khứ nhân thế

(Hí tặng Trương ngũ đệ 2)

(Năm gốc liễu của chú vừa cao vừa thưa Có vậy, mà cứ thế từ tạ đời)

Đối với người Trung Quốc, có lẽ không ai là chưa từng nghe qua về Đào Tiềm, tự Uyên Minh, biệt hiệu là Ngũ liễu tiên sinh. Sở dĩ có tên gọi Ngũ liễu tiên sinh là do khi Đào Tiềm viết truyện về mình đã nói về bản thân “không biết là người thời nào, tên họ là gì; bên nhà có trồng năm cây liễu, cho nên lấy hiệu là Ngũ liễu tiên sinh”. Đào Tiềm là tấm gương người xưa thà chết trong đói nghèo, phải đi xin ăn cũng không ra làm quan do chán ngán chốn quan trường phải khom lưng trước kẻ

tiểu nhân. Ông kiêu hãnh trở về với thú vui ruộng vườn, với thiên nhiên, đọc sách, làm thơ. Do đó mà Ngũ liễu trở thành danh từ để chỉ những người ở ẩn.

Cuộc sống vui với ruộng vườn song vẫn tham gia triều chính của Vương Duy khiến người đời khâm phục, ông giữ vững tâm dù cho không cách ly hẳn với cuộc đời. Có một số ý kiến nhận định về Vương Duy cho rằng thơ ông đề cập quá nhiều đến chuyện ở ẩn, đến sự lánh đời, cho rằng Vương Duy tiêu cực, yếm thế:

Trước loạn An – Sử, Vương Duy và Đỗ Phủ đều ở Trường An, nhưng trong những bài như Binh xa hành, Lệ nhân hành v.v…Đỗ

Phủ đã vạch trần tội ác của giai cấp thống trị và có tinh thần phê

phán sâu sắc, còn Vương Duy tuy ở cùng một thời, cùng một chỗ,

nhưng bấy giờ đang sống nhàn hạ, ẩn dật trong biệt thự của mình. Thái độ tiêu cực xuất thế của ông khiến cho ông ít quan tâm đến

những vấn đề to lớn của hiện thực…” [38, tr.457].

Chúng tôi cho rằng nhận xét như vậy quả thật có mang tính chất chủ quan, Vương Duy nhàn hạ ẩn dật nhưng một mặt ông vẫn làm tròn chức trách chốn quan trường. Cuộc sống của ông đâu phải hoàn toàn lánh đời, thêm vào đó, với tư tưởng nhà Phật cùng tư tưởng Lão Trang thấm nhuần, Vương Duy hướng về thiên nhiên, còn Đỗ Phủ với tinh thần đậm đặc của một nhà Nho, cách nhìn hiện thực cuộc sống và thơ văn của ông ắt hẳn phải khác Vương Duy. Nếu so sánh như trên thì bất kì nhà thơ nào không phản ánh những vấn đề hiện thực to lớn của cuộc sống thì đều là nhà thơ tiêu cực chăng? Và nếu ai cũng sáng tác như Đỗ Phủ thì làm gì có một Đỗ Phủ vĩ đại, một Vương Duy Thi Phật và hơn hết là một bức tranh phong phú về thể loại, đa dạng về phong cách của Đường thi.

Trong thời loạn, mỗi người đều tìm cho bản thân một điểm tựa tinh thần và hướng mình đi theo điểm tựa ấy. Với Vương Duy, điểm tựa là Phật giáo, Đạo giáo, cả hai đã hướng thi nhân đến với cuộc sống của một cư sĩ ẩn dật. Ông thường xuyên nói đến chúng như thể sợ người khác sẽ không hiểu cho mình.

Nguyễn Du không giống với Vương Duy, ông hay nói đến mộng trong ba tập thơ chữ Hán. Xem cuộc đời như mộng ảo là tinh thần của Đạo gia. Chúng tôi thống

kê được Nguyễn Du đã 27 lần nói đến mộng trong 23 bài thơ rải đều trong ba tập thơ chữ Hán. Dường như hiện thực cuộc sống quá đau khổ, có những điều khiến con người muốn trốn tránh để đưa vào mộng. Nguyễn Du hay mộng, đến độ tự bản thân ông cũng lên tiếng:

Tri giao quái ngã sầu đa mộng Thiên hạ hà nhân bất mộng trung?

(Ngẫu đề)

(Bạn bè thân thiết lấy làm lạ rằng sao ta hay sầu mộng Nhưng thiên hạ ai là người không ở trong mộng)

Nguyễn Du cho rằng con người ai cũng ở trong mộng, ai cũng chìm đắm trong giấc mộng cuộc đời cả. Làm gì có ai thoát khỏi mộng mị đâu, vì sao ư? Vì “nhân sinh giai như mộng”, tất cả đều sẽ trở về một chữ “vô”, có gì là thật mà không phải mộng.

Trần thế bách niên khai nhãn mộng

(La Phù giang thủy các độc tọa)

(Cuộc đời trăm năm trên trần thế chỉ là giấc mộng vừa mở mắt)

Thời gian luôn trôi chảy, thời gian trở thành nỗi ám ảnh đối với Nguyễn Du, ông sợ già, sợ thân yếu bởi có thân nên luôn phải lo:

Táp tải phù sinh hoạn hữu thân

(Mạn hứng 1)

(Cuộc phù sinh ba mươi năm có mối lo vì có thân)

Lão Tử trong Đạo đức kinh đã nói thế này “Hà vi quý đại hoạn nhược thân?

Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?

(Tại sao nói “Ta có mối lo lớn là vì ta có thân?”. Đó là vì, ta có thân nên có mối lo lớn, nếu như ta không có thân thì ta có gì phải lo?) [71, tr.25]. Con người sống sở dĩ phải lo vì con người có thân, mà cái thân là mối lo lớn nhất. Nguyễn Du hiểu điều này, có lẽ ý nhà thơ muốn nói vì sao ông phải tham gia vào cuộc phù sinh, vào giấc mộng nhân sinh dù biết bản chất của tất cả. Đó là vì có thân nên phải lo, nếu phủ nhận thì con người còn ý nghĩa gì trong cuộc đời. Mỗi con người trong cuộc đời

luôn phải bươn chải, tranh đấu với nhau há cũng chẳng phải đó là phương thức để họ lo cho thân mình hay sao?

Nguyễn Du cũng chẳng thể đứng ngoài vòng tuần hoàn vĩnh viễn ấy của cuộc đời. Song ông cũng không thể tiếp nhận tất cả, Nguyễn Du hay mộng vì thế chăng? Ngay cả nỗi nhớ người vợ cũng xuất hiện trong mộng (Ký mộng), nhớ anh cũng tìm trong mộng (Ức gia huynh, Xuân tiêu lữ thứ), nhớ quê ông cũng đưa vào mộng (Bất mị, Nhiếp Khẩu đạo trung, Tam giang khẩu đường dạ bạc),…Bao nhiêu mộng mị Nguyễn Du đều trải qua, từ “hư túc mộng”, “tàn mộng” (mộng tàn), “ngọ mộng” (mộng trưa), “mộng trì” (mộng dài), “Lư sinh mộng” (mộng chàng Lư) rồi đến “tiêu lộc mộng” (mộng lá chuối dấu hươu), “phồn hoa mộng”, “Hồng Lĩnh mộng”…Mỗi một lần mộng là một lần ông cảm nhận được bản chất cuộc đời, mỗi lần mộng là một lần Nguyễn Du sống co mình lại một phần. Có những giấc mộng về gia đình, quê hương an ủi tâm tình con người tha hương là Nguyễn Du, song cũng có những giấc mộng về thế sự, công danh khiến người thêm e ngại cuộc đời và lại chìm vào mộng để tránh nhưng tỉnh mộng thì vẫn phải đối mặt với hiện thực. Nguyễn Du càng mộng thì hiện thực cuộc sống, nỗi đau nhân thế càng ăn sâu vào tâm hồn ông, bởi mộng dù có lạ lùng tới đâu cũng đều có nguồn gốc từ hiện thực cuộc sống, là sự phản ảnh có điều kiện của cuộc sống.

Với nỗi lo có thân, Nguyễn Du cũng học tập thái độ sống tích cực từ Lão Trang đó là thái độ “tri túc giả phú” (người biết đủ thì giàu). Giàu ở đây không hẳn là giàu về vật chất mà là hơn người, biết mình và biết người để mình sống được thanh thản hơn. “Tri nhân giả trí; tự tri giả minh. Thắng nhân giả hữu lực; tự thắng

giả cường. Tri túc giả phú, cưỡng hành giả hữu chí.” (Kẻ biết người là có chí; kẻ

biết mình là sáng suốt. Kẻ thắng người ta là có sức; kẻ tự thắng mình là mạnh. Kẻ tri túc (tự cảm thấy đủ) thì giàu; kẻ cố gắng thực hiện (Đạo) là người có chí) [71, tr.45]. Tiếp nhận tinh thần trên, trong thơ chữ Hán Nguyễn Du đã nói khá nhiều lần đến thái độ tri túc – biết đủ và giữ mình trong cuộc đời. Trong 250 bài thì có 14 lần thi nhân thể hiện quan điểm sống tích cực trên của Lão Tử. Những ngày lưu lạc xa quê, lo nghĩ vì thân đã già, nhà thơ tự nhủ:

Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân

(U cư 1)

(Ở nơi đất khách nên dưỡng cái vụng về để phòng thói đời

Sống đời loạn muốn bảo toàn sinh mệnh nên từ lâu phải sợ người) Ở đất khác nên phải vờ vụng về, không tranh đua phòng thói đời khó lường, tuổi đã già nên sinh ra sợ người. Vì đã già không còn sức để tranh đua với đời, với người hay vì già nên sinh ra e ngại? Có lẽ không phải vậy, một người đọc nhiều hiểu rộng như Nguyễn Du ắt hẳn phải hiểu thế nào là thời cuộc. Ông đã biết đây là thời loạn, có điều gì mà không thể xảy ra. Gia tộc họ Nguyễn ở Tiên Điền với truyền thống quý tộc, nhiều đời làm quan to, đến nỗi dân gian có câu ca ngợi:

Bao giờ ngàn Hống hết cây

Sông Rum hết nước, họ này hết quan

Chính bản thân Nguyễn Du thời thơ ấu cũng đã sống một cuộc sống phú quý, được nuôi dưỡng để theo nghiệp văn chương, phục vụ cho triều đình. Thế nhưng nhà Lê sụp đổ, kéo theo đó là sự thảm bại của chúa Trịnh, rồi lại đến Tây Sơn, cuối cùng là nhà Nguyễn lên ngôi. Giai cấp thống trị lần lượt hoán đổi, con người sống trong thời loạn nếu không khéo giữ mình thì sao còn lo mối lo “thân”. Tuổi già đi kèm với bệnh tật, không giấu mình thì còn biết làm sao? Và Nguyễn Du phải giấu bằng cách im lặng “giam mặc tàng sinh lão bệnh dư’ (sau hồi bệnh già phải sống giấu mình bằng cách giữ im lặng). Những năm tháng ra làm quan cho nhà Nguyễn ông cũng vẫn giữ thái độ biết mình, biết tự thỏa mãn và hài lòng, không xâm phạm đến cái gọi là tính tự nhiên tránh “chân con le bị nối dài”. Chính vì tự biết đủ nên Nguyễn Du nhìn ra sự khốc liệt, tranh đấu chốn quan trường, lòng người hiểm ác được che đậy đằng sau cái vỏ đẹp đẽ:

Ngoại lộ văn chương thể Trung tàng sát phạt ky

(Khổng tước vũ)

(Mã ngoài lộ ra vẻ đẹp

Có tài chớ nên cậy được yêu bởi bên cạnh hoa đẹp lúc nào cũng có dì gió chua ngoa, sẵn sàng tàn hại khiến cho hoa không còn tươi đẹp được nữa. Thái độ ấy kéo theo cách ứng xử nhún nhường, “vô bệnh cố câu câu” (không bệnh mà lưng khom khom). Nguyễn Du đã nêu lên một triết lí nhân thế “tri túc chi chỉ”, khi con người biết đủ, đã cảm thấy giàu thì cần phải biết dừng, biết nên tiến hay thủ, chớ có lún sâu mà chuốc lấy họa sát thân qua câu chuyện về con chó bị chết:

Niệm nhĩ thuộc thổ súc Dữ nhân mao cốt đồng Tham tiến bất tri chỉ Vẫn thân hàn sơn trung Vẫn thân vật thán uyển

(Điệu khuyển)

(Nghĩ mày thuộc giống gia súc Lông xương cũng như người Ham tiến không biết dừng Bỏ mình trong núi lạnh Bỏ mình chớ oán than)

Nguyễn Du làm quan được thăng chức liên tục, nhà Nguyễn vô cùng tin dùng ông. Ông được cử đón tiếp sứ bộ rồi lại cử đi sứ, tuy vậy ông lại hay cáo bệnh xin về, không xu nịnh mong thăng tiến mà khiêm tốn:

Bất tài đa khủng tốc quan phi

(Giang đầu tản bộ 1)

(Bất tài nên hay sợ rước lấy sai lầm trong việc quan)

Nếu nói rằng Phật giáo đối với Nguyễn Du là cơ sở để ông lí giải cuộc đời và để xoa dịu tâm hồn thì Đạo giáo là cơ sở để ông hành xử với bản thân và đối với cuộc đời. Đó chính là lối sống biết dừng đúng lúc, biết thế nào là đủ với sức lực để bảo toàn cho “thân” không bị nhuốm bụi trần.

Tóm lại, Nguyễn Du và Vương Duy đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của Đạo giáo, song mỗi người lại biểu hiện một khía cạnh khác nhau của sự ảnh hưởng ấy. Với

Vương Duy, Đạo và Phật đã hòa vào nhau, ông hướng về cuộc sống ẩn dật, nhàn tàn với núi non, kinh kệ đến cuối đời sống trong niềm vui thư thái. Ngược lại, Nguyễn Du lại tìm đến Lão Trang để lí giải những nỗi niềm của bản thân về cuộc

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du và thơ vương duy dưới góc nhìn so sánh (Trang 104)