Không gian lữ thứ

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du và thơ vương duy dưới góc nhìn so sánh (Trang 72)

Văn học trung đại Trung Quốc và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng bởi hệ thống học thuyết Nho – Phật – Đạo và có cùng một mô hình chiếm lĩnh không gian tạo thành một không gian đặc trưng là không gian vũ trụ, con người lấy mình làm trung tâm quan sát không gian theo “mô hình nhìn quanh đông tây nam bắc, trên dưới,

trước sau. Đó là mô hình tìm kiếm, phát huy sức sống trong vũ trụ” [57, tr.216].

Nguyễn Thị Bích Hải trong Thi pháp thơ Đường cũng đã chia không gian nghệ thuật thơ Đường thành hai loại là không gian vũ trụ và không gian đời thường. Không gian vũ trụ là không gian vô cùng rộng lớn, chiều cao dường như chiếm ưu thế. Đó còn là không gian của thiên nhiên, thi nhân mỗi khi bất đắc ý đều tìm về với thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên. Vương Duy là nhà thơ gần gũi với thiên nhiên, không gian trong thơ ông vừa là không gian vũ trụ đặc trưng của thơ Đường, vừa là không gian thoát tục, nhàn tản, không gian của tâm Thiền. Song nếu chỉ đề

cập đến các dạng cảm hứng trước không gian này mà không kể đến cảm hứng trước không gian lữ thứ trong thơ Vương Duy thì quả là thiếu sót. Phạm Vũ Lan Anh cho rằng hai không gian sáng tác của thi nhân thời đại hoàng kim của thơ Đường là không gian gia đình, làng họ và không gian lữ thứ. Trong đó không gian lữ thứ là không gian đặc trưng trong thơ của giới nho sĩ – trí thức, quan liêu. Vương Duy xuất thân là một nhà Nho, là một vị quan cho đến cuối đời, cuộc đời của ông gắn với những chuyến đi, nhà thơ đặt bản thân vào những không gian mới, hoàn cảnh mới để hoàn thành nhiệm vụ cũng như đó là một phần của cuộc sống. Cảm hứng trước dạng thức không gian lữ thứ trong thơ Vương Duy gắn liền với cảm hứng về quê hương, đây là cảm hứng chủ đạo trong văn học cổ trung đại.

Đối với Nguyễn Du, cảm hứng về quê hương là cảm hứng xuyên suốt ba tập thơ chữ Hán. Cả Nam trung tạp ngâm, Thanh hiên thi tập và Bắc hành tạp lục

đều ngập tràn hình ảnh quê hương núi Hồng, sông Lam. Trần Đình Sử trong Thi pháp văn học trung đại Việt Nam đã cho rằng không gian chủ đạo trong thơ chữ Hán Nguyễn Du chính là không gian “luân lạc, dãi dầu”. Những yếu tố hình thành nên không gian luân lạc trong thơ Nguyễn Du là độ to lớn mênh mông của thế giới, là những nơi xa lạ, tha hương, dị hương, là những cái nhìn bao quát xa xôi…

Từ cảm hứng về quê hương, tình cảm tha thiết đối với quê nhà, cùng với tính chất của việc quan nên trong thơ Nguyễn Du và Vương Duy hình thành một loại không gian đặc trưng đó chính là không gian lữ thứ. Theo Từ điển Hán Việt - Thiều Chửu thì “lữ” vừa có nghĩa là khách trọ, vừa có nghĩa là ở trọ, còn “thứ” có nghĩa là trọ, đi đến nơi đâu mà phải đỗ lại đến đêm thứ hai. “Lữ thứ” có nghĩa là đi đường ngủ trọ. Trong văn học thời kỳ trung đại người đọc bắt gặp hình ảnh này khá nhiều, nó thường được dùng để chỉ những người tha hương, sống trọ ở nơi đất khách, là chỗ tạm thời không ổn định và thường xuyên di chuyển, không gian lữ thứ trái ngược với không gian làng quê, họ hàng:

Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

Khi thi nhân có mặt tại không gian lữ thứ tức là họ đã bị chia cách với không gian quê nhà, sự xa cách này khiến họ cảm nhận được tình cảm đậm sâu của mình dành cho gia đình.

Con đường hoạn lộ của Vương Duy tuy không biến đổi mạnh mẽ nhưng cũng không coi là an nhàn. Thi nhân rời xa quê nhà lên kinh đô Trường An từ năm mười bảy tuổi, sớm xa quê. Trong thời gian làm quan ông bị biếm đi Tế Châu một lần, rồi lại một lần bị đổi ra biên cương, cho tới cuối đời ông sống tại dinh thự của mình ở Võng Xuyên, vừa làm quan, vừa làm ẩn sĩ. Hầu hết nhà thơ sống ở không gian gián cách với quê nhà. Chính không gian xa lạ này gợi cho nhà thơ nỗi nhớ:

Độc tại dị hương vi dị khách Mỗi phùng giai tiết bội tư thân Dao tri huynh đệ đăng cao xứ Biến sáp thù du thiếu nhất nhân

(Cửu nguyệt cửu nhật ức sơn trung huynh đệ)

(Một mình ở quê người làm thân khách lạ

Mỗi lần gặp ngày Tết lại nhớ anh em ruột thịt bội phần Ở xa, đoán biết rằng, lúc này các anh chị em đang leo núi Ai nấy khắp lượt cài hoa thù du, chỉ thiếu mỗi một người)

Đối với mỗi con người khi xa quê thường giấu trong lòng nỗi nhớ nhà, nhưng khi ở nơi đất khách, gặp dịp lễ, tết, thì nỗi nhớ ấy sẽ không ngừng thôi thúc khiến họ xao xuyến. Vương Duy nhân ngày tết trùng cửu trước không khí đón tết ở nơi mình sống lại nhớ đến quê nhà, nhớ đến anh chị em trong gia đình. Đây vốn là dịp mọi thành viên đoàn tụ cùng nhau.

Người Trung Hoa cổ vào tết trùng cửu có tục lệ “trùng cửu đăng cao” (ngày 9 tháng 9 lên cao). Phong tục này gắn với truyền thuyết từ thời Đông Hán. Phí Trường Phòng nói với người đệ tử của mình là Hoàn Cảnh rằng người nhà anh ta sắp gặp tai họa, để tránh tai họa phải dời nhà ở lên cao, tay đeo hột thù du, uống rượu cúc thì tránh được họa. Sau đó mọi sự đúng như lời Phí Trường Phòng, và “trùng cửu đăng cao” dần trở thành phong tục đẹp của người Trung Hoa. Nó trở

thành ngày để những người trong gia đình đi xa nhớ về nhau, quan tâm về sự bình an của nhau [93, tr.3].

Nhà thơ một mình nơi đất khách và nếm trải sự cô đơn, trống vắng, thiếu thốn tình cảm gia đình. Nỗi niềm ấy càng nhân lên gấp bội khi tết đến. Chứng kiến ở nơi đây người ta cài thù du, mọi gia đình cùng sum họp với nhau khiến người đi xa là Vương Duy chạnh lòng. Anh, chị, em trong gia đình giờ này chắc đang cài hoa thù du nhưng chỉ thiếu “nhất nhân”, thiếu một mình ông, mà “nhất nhân” ấy đang một mình ở xứ lạ. “Độc tại” - cô độc tại “dị hương” làm “dị khách”, từ “độc” được nhà thơ dùng để chỉ sự lẻ loi, chỉ có một mình ông, nó làm rõ sự cô đơn ấy. Nếu ở nơi xa lạ mà có một hay vài người thân quen có lẽ thi nhân cũng không cảm thấy đơn độc đến thế. Không gian mà con người lẻ loi đang sống là “dị hương”, là quê hương của người khác, bản thân thi nhân chỉ là “dị khách” trên quê hương kẻ khác và trong trạng thái hoàn toàn cô đơn.

Bài thơ được làm theo thể tứ tuyệt luật bằng vần bằng, nhà thơ không sử dụng phép đối cũng như chỉ có hai vần là “thân” – “nhân”. Dường như với tâm trạng của một người đang hồi tưởng về người thân trong gia đình và quê hương thì những vần thơ bình lặng phù hợp để diễn tả tâm tình hơn hết. “Thân” là người, mà “nhân” cũng là người, điệp từ “dị” được dùng hai lần. Một bài thơ tứ tuyệt vốn đã ít chữ , sao nhà thơ lại bớt đi phương tiện để biểu đạt? Đây được coi là “nghịch lí giữa chữ

và nghĩa trong thơ tứ tuyệt” và là “thủ pháp nghệ thuật được ưa chuộng

[12,tr.167]. Điều này thoạt nhìn có thể thấy là nghịch lí nhưng là nghịch lí có ý nghĩa đối với thể thơ như Đường luật vốn lời ít mà ý nhiều, gợi nhiều hơn tả. Vương Duy điệp lại hai lần từ “dị” để khắc sâu cảm giác xa lạ mà nhà thơ đang nếm trải, lạ quê, lạ người, không quen thân nên tự coi mình là khách, mà “dị” không chỉ mang ý nghĩa khác lạ mà còn có ý nghĩa là chia lìa. Vậy nên, chỉ với một từ “dị”, Vương Duy đã cho người đọc nhận thấy được hoàn cảnh của bản thân ông: vừa là khách lạ, vừa chịu cảnh chia lìa gia đình, quê hương, vừa cô độc. Cũng với hai lần điệp lại từ “dị”, nhà thơ đã khắc họa rõ nét không gian xa cách, không gian lữ thứ. Lại nói về vần mà Vương Duy sử dụng “thân” và “nhân” ở cuối câu thơ thứ

hai và câu thứ tư. “Thân” ở câu hai là chỉ những người thân đang ở quê của Vương Duy, còn “nhân” ở câu cuối là nhà thơ, mà chỉ có “nhất nhân”, trong khi “thân” là toàn bộ người thân trong gia đình, ở đây sự lẻ loi thiếu vắng lại được tô đậm thêm.

Bài thơ không bóng bẩy, không có ngôn từ mỹ lệ, đơn giản chỉ là một đoạn diễn biến tâm lí của người con xa quê: thấy lễ tết nơi này, nhớ về gia đình, người thân đang đón lễ, nhưng chỉ thiếu mình ta. Đơn giản nhưng sâu sắc, cho nên bài thơ này của Vương Duy đã nhận được sự yêu thích của những người đọc cùng cảnh ngộ như ông.

Với trọng trách làm một vị quan của triều đình, Vương Duy không ít lần bị đổi đi biên cương, bị biếm đi nơi khác cho nên việc phải lưu lại trên đường đi là không tránh khỏi. Không gian được nhà thơ tái hiện lại trong những chuyến đi này cho người đọc cảm nhận rõ dặm trường lữ thứ mà ông đã trải qua:

Triêu dữ Chu nhân từ Mộ đầu Trịnh nhân túc Tha hương tuyệt trù lữ Cô thân khách đồng bộc

(Túc Trịnh Châu)

(Sáng, giã từ người Chu

Chiều, đến ngủ nhà người Trịnh Nơi quê người không có bạn bè

Người lữ khách (vì thế) dễ thân với tôi tớ)

Thời gian Vương Duy làm bài thơ này có lẽ là năm Khai Nguyên thứ 25, năm này tể tướng Trương Cửu Linh bị biếm làm Trưởng sử Kinh Châu, cũng mùa thu năm đó Vương Duy phải đi sứ ngoài biên ải, ở lại Lương Châu một thời gian. Chính ông đã bày tỏ thái độ với chuyến đi của mình:

Thử khứ dục hà ngôn? Cùng biên tuần vi lộc

(Túc Trịnh Châu)

(Nói rằng: ) đi cùng biên cương để kiếm đồng lương còm!)

Trương Cửu Linh là vị quan có tài, tính tình cương trực, không thích xu nịnh nên bị tên gian thần Lý Lâm Phủ gièm pha đẫn đến mất chức. Vương Duy là người được Trương Cửu Linh nâng đỡ nên khi Trương Cửu Linh gặp nạn, Vương Duy cũng bị giáng theo và phải đi biên ải. Tâm trạng của ông qua hai câu thơ trên cho thấy ông không mặn mà với chuyến đi này, và nó lẽ nào còn hàm chứa sự mỉa mai của nhà thơ với chính mình chăng? Vì thế mà chặng đường ấy dưới con mắt thi nhân là một chuỗi dài những ngày lưu lạc. Mới sáng còn ở đất người Chu mà chiều đến đã ngủ nhờ nhà người Trịnh. Không gian lữ thứ được hiện ra ở một loạt các hành động của nhà thơ. Sáng tiễn biệt ở một nơi, chiều tối ngủ nhờ một nơi, tự xưng bản thân là “cô khách” – người khách cô độc, ở chốn “tha hương” – nơi quê hương của người khác.

Người “cô khách” là Vương Duy không có bạn bè ở nơi xa lạ này, chỉ dễ làm quen với tôi tớ. Phải chăng khi tâm trạng bất mãn với quan trường đã cộng hưởng với việc phải sống trong không gian gián cách với chốn yên bình cũ khiến thi nhân càng cảm thấy cô quạnh, cảm giác mạnh mẽ về sự lạc lõng của “chiếc thân” làm li khách càng lúc càng khiến ông thêm nặng nề ưu tư. Không gian ấy làm nổi bật sự bơ vơ của con người. Không gian cách biệt, lưu lạc ấy còn khiến cho con người phải lo âu về thời gian, về cuộc đời:

Túng hữu quy lai nhật Đa sầu niên mấn xâm

(Bị xuất Tế Châu)

(Mai đây có về được đi nữa

Buồn nhiều chắc tóc bạc phơ (mang màu năm tháng))

Bài thơ này làm khi Vương Duy bị biếm đi Tế Châu , ở đó thi nhân u sầu khi nghĩ đến thời gian ngày một trôi, tóc bạc màu năm tháng mà không biết bản thân còn phải chịu cảnh tha hương này đến bao giờ. Dẫu có về được thì tất cả cũng đã thay đổi khác xưa.

Trong thơ Vương Duy người đọc bắt gặp nhiều lần hình ảnh gợi lên không gian ly biệt, lữ thứ như “khách xá” (Tống xuân từ), “tha hương” (Túc Trịnh Châu), “cố hương” (Tạp thi), “cựu hương quốc” (Độ hà đáo Thanh Hà), “nghịch lữ” (Thiên tháp chủ nhân)…Trong không gian lữ thứ ấy, tình yêu đối với gia đình, nỗi niềm khao khát trở về với không gian quen thuộc khi xưa trở thành mối quan tâm hàng đầu của thi nhân:

Quân tự cố hương lai Ưng tri cố hương sự Lai nhật ỷ song tiền Hàn mai trược hoa vị?

(Tạp thi)

(Anh từ quê nhà đến Chắc rõ chuyện quê nhà

Hôm anh rời làng, lại đây, thì trước cái cửa sổ có rèm lụa trắng Thấy cây mai gầy đã đơm hoa chưa?)

Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt chỉ có hai mươi từ nhưng ý nghĩa và dư vị nó để lại cho người đọc thì gấp nhiều lần số từ của nó. Vương Duy tiếp tục dùng phép điệp, vỏn vẹn hai mươi từ nhưng “cố hương” đã lặp lại hai lần tức là chiếm mất bốn từ. Ở đây có một sự nhấn mạnh đầy ngụ ý khi “cố hương” được nói đến, vừa là quê cũ của nhà thơ đồng thời nó cũng chính là sự khẳng định không gian hiện tại không phải là quê nhà mà là đất khách. Quê nhà càng được nói nhiều bao nhiêu thì sự tồn tại của tác giả tại nơi xa xôi này càng lâu bấy nhiêu. Không gian ở cố hương được gợi lên với hình ảnh thiên nhiên “hàn mai”, tức là mai lạnh, hoa mai vào mùa đông chứ không phải mùa xuân. Phải chăng nơi xứ người thi nhân đang chịu đựng mùa đông lạnh lẽo nên tìm chút hơi ấm từ tin tức của quê cũ. Ông không hỏi nhiều, chỉ hỏi cây mai lạnh nơi cửa sổ hoa đã nở chưa. Có thể trước đây nhà thơ từng ngồi nơi cửa sổ ấy và ngắm mai gầy đơm bông chăng? Người đọc nhận ra một điều rằng tình quê càng đậm bao nhiêu, tình nhà càng sâu đậm bấy nhiêu.

Như vậy, không gian lữ thứ trong thơ Vương Duy không đơn thuần là không gian địa lý mà còn là không gian chất chứa tâm trạng, chứa chan tình cảm của thi nhân với quê hương và cũng chất chứa nỗi buồn của người cô khách chốn tha hương.

Trên đây là không gian lữ thứ mà Vương Duy trải nghiệm và đó là sự chọn lựa của chính ông. Còn về Nguyễn Du có như Vương Duy hay không? Nếu có thể chọn thì Tố Như có rời xa chốn núi Hồng, sông Lam gắn bó máu thịt chăng?

Cuộc đời Nguyễn Du trải qua nhiều thăng trầm biến đổi. Thời đại nhà thơ sống cũng trải qua bao cuộc đổi thay chế độ chính trị, nhà thơ đã chứng kiến nhiều phen “thương hải tang điền”. Chính bản thân ông cũng nhiều phen lao đao như thời đại ấy. Xuất thân trong một gia đình quý tộc nhiều đời làm quan, bản thân Nguyễn Du cũng thi cử và mong muốn lập thân giúp đời. Song loạn lạc khiến gia đình ông tan nát, anh em chia lìa mỗi người một ngả. Nguyễn Du chạy loạn về quê vợ, rồi bị giam trong tù, sau này ra làm quan cho nhà Nguyễn ông cũng ở nhiều nơi khác nhau, nhưng quê nhà thì vẫn không thể trở về. Chính vì vậy mà trong thơ Nguyễn Du không gian chủ yếu là không gian “luân lạc”, không gian “đường đi”, hay chính là không gian lữ thứ, không gian xa lạ. Nỗi nhớ quê nhà, tình yêu với chốn non Hồng, Lam giang ấy dường như là nỗi niềm không bao giờ nguôi của Nguyễn Du. Trong thơ ông, con người luôn bị bứng ra khỏi không gian quê hương quen thuộc và đặt vào không gian xa cách:

Trú cửu đốn vong thân thị khách Niên thâm cánh giác lão tùy nhân Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục

(U cư 1)

(Ở trọ lâu ngày bỗng quên bẵng mình là khách Năm chầy càng biết là cái già đã đến với mình

Ở đất khách nên dưỡng cái vụng về để phòng thói đời)

Con người lưu lạc đến nỗi ở trọ lâu ngày quá nên quên mất mình là khách trọ, thời gian cứ trôi, tuổi già đến nhưng không biết mình còn phải làm khách bao lâu

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du và thơ vương duy dưới góc nhìn so sánh (Trang 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)