Con người ràng buộc, lo âu trong thơ Nguyễn Du

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du và thơ vương duy dưới góc nhìn so sánh (Trang 132)

Cảm hứng trước con người trong thơ Nguyễn Du không có cái nhàn như Vương Duy mà là cảm hứng về con người hiện ra với những mối lo âu, những ràng buộc của cuộc đời.

Nguyễn Du luôn khắc khoải trong lòng những tâm sự về bản thân, về cuộc đời, về con người. Khi sống cuộc sống lưu lạc xa quê Nguyễn Du phải vật lộn với nỗi lo về cơm áo, về gia cảnh nghèo khó:

Táo đầu chung nhật vô yên hỏa Song ngoại hoàng hoa tú khả xan

(Tạp ngâm 2)

(Bếp núc suốt ngày không khói lửa

Hoa cúc vàng ngoài cửa sổ, tươi đẹp tưởng có thể ăn được)

Gia cảnh Nguyễn Du lúc này có thể là vô cùng khó khăn, ông đang nói rất thật về hoàn cảnh bản thân. Bếp núc nguội lạnh không khói lửa vì không có gì để nấu, hoa cúc vàng ngoài sân trông rất đẹp nhưng cũng chẳng thể khiến con người no bụng. Cảnh nghèo khó đến chuột phải gặm sách:

Cơ thử duyên sàng khiết ngã thư

(Ngọa bệnh)

(Chuột đói leo sàng gặm sách vở của ta)

Cùng với nỗi lo về cái nghèo là nỗi lo về bệnh tật, dường như đói nghèo và bệnh tật luôn đi cùng với nhau, nó khiến cho gánh nặng nỗi lo của Nguyễn Du càng thêm chồng chất. Những cơn bệnh dai dẳng cứ trở đi trở lại tàn phá thân thể cũng như tâm hồn ông:

(U cư 2)

(Một nhà xuân lạnh bệnh cũ nhiều) Giang hồ bệnh đáo kim thời cửu

(Xuân dạ)

(Trong chốn giang hồ bệnh đến đã lâu ngày) Đa bệnh đa sầu khí bất thư

Thập tuần khốn ngọa Quế Giang cư

(Ngọa bệnh)

(Nhiều bệnh nhiều sầu thần khí không thư thái Mười tuần nằm co trong nhà bên sông Quế)

Con người ấy nào đâu chỉ có mối lo về đói nghèo và bệnh tật, tâm hồn đa sầu đa cảm ấy còn luôn lo âu trước thời gian, trước tuổi già. Công danh chưa thành, nghiệp văn chương dang dở trong khi hoàn cảnh khốn khó, bệnh tật. Tuổi già đã đuổi tới rồi mà vẫn chưa trả nợ “nam nhi”. Bao nhiêu mối lo âu chồng chất ấy đã khiến con người ấy chưa đến tuổi mà tóc đã bạc trắng cùng thời gian trôi vô tình:

Bạch đầu đa hận tuế thời thiên

(Quỳnh Hải nguyên tiêu)

(Đầu bạc nhiều giận nỗi ngày tháng trôi)

Cuộc sống của Nguyễn Du đã thay đổi khi ông được nhà Nguyễn vời ra làm quan. Tuy cảnh nghèo vẫn còn nhưng cũng đã bớt phần nào, lúc này nợ “nam nhi”, nợ công danh coi như đã được trả. Thế mà con người ấy vẫn không hết ưu tư. Tâm hồn ông vẫn trĩu nặng tâm sự. Lúc này nhà thơ lại lo lắng thân mình đã già vẫn lưu lạc nơi đất khách, biết ngày nào mới được trở về quê nhà:

Phao trịch như thoa hoán bất hồi Thiên lý xích thân vi khách cửu

(Thu chí)

(Ngày tháng thoi đưa gọi không quay lại

Có ai mà không muốn tuổi già được hưởng an nhàn, Nguyễn Du cũng vậy. Nhưng đáng thương thay cho ông tuổi già vẫn còn bôn ba. Tóc bạc trắng trong gió, bạc thêm mỗi ngày tháng qua nhưng thân lữ khách Nguyễn Du vẫn không thoát được. Giờ đây mỗi một ngày tháng qua là một ngày nhà thơ mong mỏi trở về cố hương. Không thực hiện được việc đó nên ông sâu sầu, thương tâm. Suốt chặng đường đi sứ Nguyễn Du vẫn luôn canh cánh trong lòng mối lo này.

Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du chúng ta như mường tượng ra chân dung của ông. Hiện lên trong thơ là hình ảnh một con người tuổi chưa già hẳn, chưa đến năm mươi mà tóc đã bạc trắng, nơi khóe mắt ánh lên cái nhìn sâu xa và nếp nhăn hằn trên vầng trán. Con người ấy thường thao thức đêm khuya, ngồi một mình đêm thu (thu dạ độc tọa), và tự nói chuyện, tự độc thoại với chính bản thân vì không có tri kỉ. Những niềm riêng khiến thi nhân phải lo âu đã đành, nhưng ngay cả chuyện nhân tình xưa nay cũng khiến ông bận tâm. Nguyễn Du không chỉ ràng buộc bản thân bởi những nỗi niềm của bản thân mà ông còn lo cả nỗi đau nhân tình thế thái. Con người với đôi mắt như trông thấu cả sáu cõi ấy bận tâm từ cảnh nghèo của ông cháu hát rong ở Thái Bình kiếm vài đồng lẻ cho đến ba mẹ con người ăn xin bên lề đường, nàng hầu cũ của em trai, người phu kéo xe…cho đến chuyện người xưa trong lịch sử. Cảnh nào cũng khiến Nguyễn Du thương tâm và lại ưu phiền khi tự vấn về thói đời:

Đàn tận tâm lực cơ nhất canh Sở đắc đồng tiền cận ngũ lục Tiểu nhi dẫn đắc há thuyền lai Do thả hồi cố đảo đa phúc Ngã sạ kiến chi, bi thả tân

(Thái Bình mại ca giả)

(Dốc hết tâm lực gần một trống canh Mà chỉ được năm sáu đồng tiền Đứa bé được dẫn ra khỏi thuyền Còn quay đầu lại chúc “đa phúc”

Ông xót cho người hiền, người chịu oan khuất, người bạc mệnh như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Tiểu Thanh, Liễu Hạ Huệ, Văn Thiên Tường…rồi lại lên án kẻ gian, kẻ ác như Tần Cối, Vương Thị, Tào Tháo, Mã Viện…Con người Nguyễn Du là vậy, yêu ghét rõ ràng, yêu thì đến tâm can cũng vạch ra để tỏ rõ:

Dị đại tương liên không sái lệ Nhất cùng chí thử khởi công thi

(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ)

(Sống khác thời đại thương nhau chỉ biết rơi nước mắt Cùng quẫn đến thế có phải vì giỏi làm thơ)

Nguyễn Du nói về Đỗ Phủ theo cách riêng của ông. Ông không bình về cuộc đời Đỗ Thiếu Lăng như người khác. Họ có thể thương cho Đỗ Phủ cuộc đời nghèo khó, nặng tâm sự với đời mà không được đền đáp, nhưng Nguyễn Du thì nhìn vào sự tương đồng trong số mệnh của ông để thương xót cho “cố nhân”. Đó là sự cảm thông về cái tài dẫn đến cái mệnh. Vì giỏi làm thơ nên chăng số phận long đong cực khổ? Vì mang nợ văn chương, sách vở nên chịu lụy đến thân mình? Nguyễn Du tìm câu trả lời cho Đỗ Phủ mà cũng là tìm câu trả lời cho chính bản thân ông.

Con người đa sầu đa cảm ấy làm thế nào dửng dưng khi đến nơi gợi nhớ về Khuất Nguyên, Nguyễn Du thương tiếc cho tấm lòng của người “cô trung” ấy muôn phần:

Thiên cổ thùy nhân liên độc tỉnh Tứ phương hà xứ thác cô trung Cận thời mỗi hiếu vi kì phục Sở bội tiêu lan cánh bất đồng

(Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu 2)

(Nghìn xưa có ai thương người một mình tỉnh táo Bốn phương chốn nào gửi được tấm lòng cô trung Gần đây mỗi khi người ta thích trang phục lạ

Nguyễn Du sáng suốt nhận ra rằng bi kịch của Khuất Nguyên không phải do tâm tính ông cao ngạo mà “kỳ thực đây không phải là bi kịch tính cách mà là bi

kịch xã hội, bi kịch thời đại” [69, tr.78]. Tấm lòng cô trung của Khuất Nguyên

khiến người đời sau thương cảm, Nguyễn Du vừa thương cảm tấm lòng ấy vừa thương cảnh tỉnh táo riêng mình của Khuất Nguyên. Có lẽ Nguyễn Du giống với người xưa, trước cuộc đời ông luôn tỉnh táo, bởi quá tỉnh nên nhận hết ba động của thế sự, thấy hết những điều đen tối cũng như đau khổ của nhiều kiếp người và rồi ôm tâm sự ấy trong lòng. Nguyễn Du tự đánh giá bản thân, tự hỏi mình sao phải tỉnh táo để nhìn đời làm gì để rồi nhìn thế sự lại thấy khổ đau:

Hà dĩ thanh tinh khan thế sự

Phù bình nhiễu nhiễu cánh kham ai

(Lưu Linh mộ)

(Sao ta phải đem cái trong sạch tỉnh táo để nhìn đời Để phải như cánh bèo trôi giạt rất đáng thương)

Chính những tâm sự ấy, những tình cảm cho đi ấy đã ràng buộc Nguyễn Du với cuộc đời trần thế mãi mãi. Ông không thể nào thoát được sự ràng buộc mạnh mẽ ấy. Bất luận yêu hay ghét Nguyễn Du cũng không ngại che giấu. Ông thương đến tê tái cõi lòng nhưng khi ghét thì không tiếc lời lên án:

Nhất sinh tâm tích đồng phu tế Thiên cổ hình hài nhục nữ nhi

(Vương thị tượng)

(Bụng dạ một đời giống hệt như chồng Hình hài ngàn năm làm nhục cho phụ nữ) Đồng trụ cận năng khi Việt nữ

Châu xa tất cánh lụy gia nhi

(Giáp thành Mã phục ba miếu)

(Cột đồng trụ chỉ có thể lừa được đàn bà đất Việt Xe ngọc châu rốt cuộc làm lụy con cái trong nhà)

Hai thái cực tình cảm yêu ghét luôn được nhà thơ đẩy đến tận cùng, bởi con người ấy không có trạng thái nửa vời. Ông sống hết mình, yêu hết mình và ghét cũng đến tận tâm can.

Dường như con người ấy không bao giờ cảm thấy thanh thản, không vướng bận mối sầu này thì lại vướng nợ kia. Bởi ông “nhất phiến tài tình” nên “thiên cổ lụy”. Lúc xa quê, sống nơi đất khách thì u sầu vì thất chí, vì nợ bút nghiên chưa trả, đến khi ra làm quan cho nhà Nguyễn, cái nợ văn chương tạm gọi là đã trả thì lại đau đáu tấm lòng hướng về quê nhà, về với thiên nhiên, muốn ẩn cư, lại thẹn với núi xanh. Có lẽ đặt Nguyễn Du vào hoàn cảnh nào đi nữa ông cũng sẽ không nguôi day dứt, không bớt sầu lo. Nhà Nho Nguyễn Du khi “xuất” thì thẹn vì nợ đời, nhưng khi “nhập” thì lại hổ với tâm, dù thế nào Nguyễn Du đều cảm thấy không trọn vẹn, ông cứ bị giằng xé giữa hai lẽ sống ấy đến cuối đời.

Con người trong thơ Nguyễn Du là con người của tư tưởng, luôn luôn đi tìm lời giải đáp cho thế thái nhân tình, cho những câu hỏi về cuộc đời, về số mệnh. Nhưng câu trả lời vẫn là một ẩn số, thế nên Nguyễn Du mải miết suy tư, đánh giá, khắc khoải trong bế tắc, tất cả dồn lại trong thơ. Với một tâm hồn đa cảm như Nguyễn Du, mọi âm vang của cuộc đời đều có tác động, ảnh hưởng đến ông. Thử hỏi một con người như thế làm sao có thể thoát tục, làm sao có thể “tự nhàn”? Chính Nguyễn Du nhiều phen ao ước về cuộc sống nhàn dật ấy đã bỏ cuộc, ông nhận ra bản thân mình không thể vượt nổi chữ “đời”:

Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại Thiên tuế trường ưu vị tử tiền

(Mộ xuân mạn hứng)

(Tấm thân không thể ra ngoài vòng hữu hình Trước khi chết còn lo mãi chuyện ngàn năm)

Chữ “đời” ấy sẽ còn đeo theo Nguyễn Du không buông cũng như nỗi u sầu còn mãi, buông làm sao được khi ông luôn nhìn đời với đôi mắt dạt dào cảm xúc và tâm hồn tỉnh táo mà luôn đa sầu đến vậy:

(Bát muộn)

(Trăm nỗi u buồn chưa một lần được giải thoát)

Ở đây chúng tôi xin trở lại để so sánh hai bài thơ về hái sen của Vương Duy và Nguyễn Du để làm rõ thêm về sự khác biệt giữa họ. Trong bài Liên hoa Vương Duy thể hiện sự nâng niu, trân trọng cũng như hứng thú khi hái sen. Con người ấy không có gì phải bận tâm mà chỉ chuyên chú vào hoa nên quên cả thời gian. Trong khi đó Nguyễn Du thì mong hái sen trong mộng, bởi thực tế có khi nào nhà thơ được thong dong đến vậy. Bài thơ như sau:

Kim thần khứ thái liên Nãi ước đông lân nữ Bất tri lai bất tri

Cách hoa văn tiếu ngữ

(Mộng đắc thái liên 3)

(Sáng nay đi hái sen

Nên mới hẹn với cô láng giềng Chẳng biết đến lúc nào không biết Cách khóm hoa nghe tiếng cười nói)

Ô hay đây là mộng sao? Mộng được nhà thơ tái hiện sinh động thế này ư? Sáng sớm có hẹn với cô hàng xóm đi hái sen. Chờ người đến nhưng lại không biết người đến bao giờ, cách khóm hoa chỉ nghe tiếng cười nói. Sao Nguyễn Du không thấy người mà lại chỉ nghe tiếng người vọng lại từ khóm hoa? Giọng thơ mang lại cảm giác như nhà thơ đang trẻ lại, tâm trạng bớt u buồn so với những bài thơ trước. Chúng ta cảm nhận được sự hăng hái, bồn chồn, nao núng của người đang chờ đợi cô hàng xóm, đợi rất lâu rồi bất ngờ nghe thấy tiếng người truyền lại từ khóm hoa. Cả hoa và người cùng hòa giọng để mang lại tiếng cười sảng khoái khiến thi nhân say mê thế này ư? Và đây chính là một khoảnh khắc hiếm hoi mà Nguyễn Du tạm quên những mối lo âu, những tâm sự mà vui cùng hoa, cùng thiếu nữ. Nhưng sự thật quay lại nhanh chóng, đây là một giấc mộng, buồn hơn nữa là chính trong giấc mộng hái hoa ấy thi nhân vẫn:

Cộng tri liên liên hoa Thùy giả liên liên cán Kỳ trung hữu chân ti Khiên liên bất khả đoạn

(Mộng đắc thái liên 4)

(Mọi người đều biết yêu thích hoa sen Nhưng ai là kẻ yêu thân cây sen Trong thân cây sen rõ có những sợi tơ Vấn vương không thể dứt được)

Con người ấy ngay cả trong mộng vẫn còn phải bận lòng. Người thưởng hoa mấy ai như ông thương xót cho cả thân cây. Rằng khi hoa ngắt đi từ thân những sợi tơ ấy không dứt được ngay mà còn bám víu, vấn vương mãi thân cây. Sen vấn vương hay chính tâm hồn thi nhân vấn vương với điều gì mà mãi không dứt được? Sao Nguyễn Du lại cứ đa cảm đa sầu đến thế? Ông không thể trút bỏ tất cả dù chỉ một chút thôi để thanh thản được, thế nên ngay cả mộng Nguyễn Du cũng vẫn còn phải lo. Tâm hồn ấy nhạy cảm quá đỗi, mỏng manh quá đỗi nên bất cứ âm vang nào của cuộc đời đều nhận lấy để rồi thành tâm sự, thành nỗi niềm chồng chất, khiến cho tâm hồn thi nhân không bao giờ tự do, thanh nhàn được.

Như vậy, cảm hứng về hình tượng con người trong thơ Vương Duy phản ánh con người Vương Duy, hình tượng con người trong thơ Nguyễn Du cũng là dáng dấp của nhà thơ. Hai con người với hai tư thế khác nhau, hai trạng thái khác nhau. Một người nhàn tản, một người sầu lo. Vương Duy thấm đạo, “thân tại thế gian” nhưng “tâm thì đã vượt thoát khỏi thế gian”, còn Nguyễn Du thì mãi không giải thoát được khỏi cõi trần, đó cũng chính là nỗi niềm riêng không dễ gì lý giải được khi nghiên cứu về Nguyễn Du. Tất cả đều chỉ là tương đối, cái chủ quan của ông vẫn luôn là câu hỏi khó với chúng ta khi đọc thơ chữ Hán của ông và băn khoăn, bối rối đi tìm lời giải mà vẫn chưa trọn vẹn bao giờ.

Một phần của tài liệu thơ chữ hán nguyễn du và thơ vương duy dưới góc nhìn so sánh (Trang 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)