Latinh – Pháp – Anh.
Qua khảo sát ngữ liệu, chúng tôi nhận thấy rằng: Những từ ngữ Thiên Chúa giáo
có nguồn gốc La tinh – Pháp – Anh được du nhập vào tiếng Việt bằng cách phiên âm
theo cách đọc ngoại ngữ; phiên âm bằng từ Hán Việt lấy âm đọc không lấy nghĩa. Ngoài ra còn xuất hiện những mẫu tự viết tắt từ tiếng Latinh – Pháp – Anh.
a.Những từ ngữ phiên âm theo cách đọc ngoại ngữ và phiên âm bằng từ Hán- Việt lấy âm đọc, không lấy nghĩa.
-Tên gọi người nước ngoài:
Các tên gọi người nước ngoài trở nên rất quen thuộc đối với người Việt theo đạo Thiên Chúa vì những tên gọi này xuất hiện nhiều trong kinh sách, Kinh Thánh, giáo
lý, lịch sử đạo Thiên Chúa. Trong đó có các nhóm tên gọi người là:
+ Tên gọi Thiên Chúa, tổ tông, tổ phụ, ngôn sứ, tiên tri như: Gia vê, Giêsu, Ky tô, A đam, Aharon, Amot, Apraham, Mô sê, Isaia…
+ Tên gọi các Thánh người nước ngoài như: Maria, Têrêsa, Anna, Mat ta, Xêxilia, An nê, Phêrô, Phao lô, Gioan, Mát thêu, Mác cô, Lu ca,Phanxicô, Đaminh…Tên các thánh nam, nữ được người Việt chọn đặt tên Thánh khi lãnh nhận bí tích rửa tội. Khi một người chọn một vị thánh để đặt tên Thánh thì vị Thánh đó trở
thành Thánh bổn mạng của người đó. Khi lãnh nhận các bí tích, khi xướng danh ở
nhà thờ thường gọi tên Thánh trước và họ tên sau.
Ví dụ: Giuse Phạm Văn Kiên
AnnaPhạm Thị Nhạn
Hoặc là dùng hai tên Thánh, tên Thánh thứ hai thường là Maria.
Ví dụ: Anphongxo Maria Nguyễn Văn Phượng.
Phê rô MariaVũ Tiến Phúc
Khi một người Theo đạo Thiên Chúa qua đời, người ta sẽ gọi tên người đó bằng tên Thánh.
Ví dụ : Linh hồn Giu se; Linh hồn Anna; Linh hồn Anphongxo Maria; Linh hồn
Phêrô Maria; Linh hồn Têrêsa Maria…
-Tên gọi các địa danh nước ngoài:
Đó là những địa danh đã gắn với lịch sử đạo Thiên Chúa. Những địa danh được nhắc đến trong kinh Thánh, trong những bài hát, và trở nên gần gũi với những người theo đạo Thiên Chúa (Công giáo, tín hữu).
Ví dụ:
Ê đen: Vườn địa đàng, nơi Thiên Chúa tạo nên cho Adam và Eva
Canve: địa danh Chúa chết – chịu đóng đinh trên Thánh giá.
Ghiêtsêmani: Vườn Chúa Giê su bị bắt.
Giêrusalem (Gia Liêm): thành đô gắn bó với quãng đời rao giảng của Chúa Giê su.
Bê lem : nơi Chúa Giê su được sinh ra.
Israel: đất nước gắn với lịch sử Chúa Giê su.
Galile:nơi gắn bó với quãng đời rao giảng của Chúa Giê su.
-Tên gọi những dòng tu ở Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài: + Cát Minh: phiên âm từ địa danh Carmel, còn có tên gọi là Các men.
+ Câu rút – Cu rut: tên gọi cổ của dòng Mến Thánh giá. Phiên âm từ Cruz trong tiếng Bồ Đào Nha hay Crux trong tiếng La tinh, nghĩa là Thánh giá.
+ Đa Minh: phiên âm tên riêng Dominic – Đấng sáng lập dòng.
+ Biển Đức: phiên âm tên riêng Benedicti trong tiếng La Tinh hay Benedict trong tiếng Anh – Đấng sáng lập dòng.
+ La San: Phiên âm tên riêng La salle – tên họ của đấng sáng lập dòng, người Pháp.
+ Phan Sinh: phiên âm từ Franciscain (Pháp ngữ) – Franciscan (Anh ngữ). Từ này do từ tên riêng của Thánh Francisco mà ra. Nó có nghĩa là đệ tử của Thánh Francisco. Người Việt phiên âm tên Thánh là Phanxicô, tên dòng là Phan Sinh.
+ Xi Tô: Phiên âm từ tiếng La tinh Cistercianus trong tên của hội dòng là Santus ordo Cistercianus.
+ Xuân Bích: phiên âm của địa danh Saint Sulpice – Một giáo xứ ở Pháp, nơi linh mục Oliver sáng lập tu hội Compagnie des Pretres de Saint Sulpice.
-Tên gọi áo lễ của hàng giáo sĩ:
+ Anba: phiên âm của từ Alba trong tiếng Latinh có nghĩa là áo dài trắng để Giám mục, linh mục mặc trong khi cử hành phụng vụ.
+ Cappa: Phiên âm của từ Cappa trong tiếng Latinh – Cappa là áo choàng để linh mục mặc khi chầu Thánh thể, đi kiệu, cử hành nghi thức phụng vụ. Tiếng Anh gọi là Cope.
+ Sutan: phiên âm từ tiếng Soutane trong tiếng Pháp, có nghĩa là áo dài đen trùm từ cổ đến chân mà hàng giáo sĩ mặc hàng ngày. Các đại chủng sinh cũng được mặc áo Sutan.
+ Supli: phiên âm của tiếng Latinh Superpellicum, áo trắng mặc tới đầu gối bên ngoài áo Sutan để cử hành nghi thức phụng vụ.
-Các từ phiên âm khác:
+ Alleluia: bắt nguồn từ tiếng Do Thái Hallel – Yahweh nghĩa là hãy ngợi khen
Giave. Sau này các bản văn La tinh – Hy Lạp đã viết từ này ở nhiều dạng: Halleluiah,
Hallelujal, Allelụa, Alleluya, Halleluia. Trong các văn bản kinh tiếng Việt thường dùng ở hai dạng: Alleluia, Halleluia.
Ví dụ:
+ Amen: nguồn gốc từ Hipri, có nghĩa đen chỉ cây cọc đóng sâu xuống đất để giữ lều. Nghĩa bóng chỉ sự thật và trung tín. Trong phụng vụ từ Amen dùng với nghĩa xác nhận: đúng như thế, quả thực xin được như thế. Trong giao tiếp hàng ngày giữa những người Công giáo, Amen dùng với nghĩa là chấm dứt.
Ví dụ: Thôi rồi, thế là Amen.
+ Misa: phiên âm từ từ Missa chỉ thánh lễ ngày thường. Giáo dân hay gọi là lễ ngày thường, lễ thường.
+ Rosa: nguồn gốc từ Rosarium trong tiếng Latinh nghĩa là “hoa hồng”. Chỉ chuỗi kinh mân côi hoặc lễ mân côi.
Ví dụ trong ca dao đạo Thiên Chúa có câu:
“ Lễ Rosa (7/10) thì tra hạt bí
Lễ Các Thánh thì đánh bí ra” [18: 58] ( Nói về việc đúc kết kinh nghiệm sản
xuất, gieo trồng).
+ Lâm bô: phiên âm từ Limbus trong tiếng Latinh. Lâm bô tiền nhân là nơi các
Thánh thời Cựu ước ở cho tới khi Đức Ky tô đến. Lâm bô của trẻ em là nơi ở vĩnh
viễn của những ai chết mà còn mắc tội tổ tông.
Từ điển P. de Beshaine giải thích lâm bô là “ nơi giam cầm hết các tổ phụ trước
khi Đức Ky tô tới”; còn Paulus Của giải thích lâm bôlà “chỗ giam cầm hồn con nít”.
Hai định nghĩa trên làm đầy nghĩa từ lâm bô. Ngày nay, người Công giáo gọi là ngục
tổ tông.
Ngày lễ vọng Phục sinh còn có tên gọi cổ là lễ lửa lâm bô– nghĩa là Chúa Giê
su sống lại đã mang ánh sáng xuống ngục tổ tông để giải thoát những linh hồn còn mang tội tổ tông truyền.
+ Ave Maria: xuất hiện nhiều trong kinh nguyện, trong lời hát, mang ý nghĩa chúc tụng Đức mẹ Maria.
+ Xơ là từ để gọi chung các nữ tu là phiên âm từ Ma Soeur của tiếng Pháp.
b. Những mẫu tự viết tắt tên nước ngoài trong từ Thiên Chúa giáo.
-A và Ω: A là Anpha chữ cái đầu, Ω là Omega chữ cái cuối trong bảng mẫu tự
Hy Lạp. A và Ω tượng trưng cho ý nghĩa Đấng vô thủy vô chung. Do vậy, A và
Ωđược Tân Ước dùng để chỉ Chúa Ky tô vừa là khởi nguyên vừa là cùng tận. A và Ω
thường được viết trên cây nến Phục Sinh, được thắp lên từ nghi thức trong đêm lễ
vọng Phục Sinh. Cây nến sáng có mẫu tự A và Ω, là biểu tượng cho Ánh sáng – Sự
Hình 1: Mẫu tự A và Ω
-A.D: từ viết tắt của tiếng Latinh Anmo: năm và Domini: của Chúa. Anmo Domini: năm thứ nhất kỷ nguyên Ky tô giáo, tính từ năm Chúa Giêsu Giáng sinh. Từ
A.D có liên hệ đến Ky tô giáo nên nhiều tác giả không dùng từ này mà dùng từ công
nguyên dịch từ tiếng Anh Common Era. Người Việt và người Tàu đều dùng Công
nguyên để làm mốc tính thời gian. Ý nghĩa của Công nguyên và A.D giống nhau: đều
chỉ thời gian bắt đầu, tính từ năm thứ nhất Chúa Giáng sinh.
-INRI là mẫu tự viết tắt từ câu viết bằng tiếng Latinh IESOUS NAZRENUS REX IUDAEORUM, nghĩa là Giêsu Nazaret Vua dân Do Thái. Nhiều tượng thánh
giá có tấm bảng hay tấm giấy ghi mẫu tự INRI, thỉnh thoảng mẫu tự này được khắc
trực tiếp trên Thánh giá. Thông thường, mẫu tự INRI được viết bên trên tượng Chúa
Giêsu chịu đóng đinh.
Trong kinh thánh Tân Ước, Thánh sử Gioan đã lý giải về việc này như sau: “ Ông Phi la tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi : “Giê su Na da rét, Vua dân Do Thái…tấm bảng này được viết bằng tiếng Híp ri, La tinh và Hy Lạp” [76: 354].
Hình 2: Mẫu tự INRI trên Thánh giá
-IHS – JHS: mẫu tự viết tắt này xuất hiện trên bánh lễ, áo lễ của linh mục, bàn thờ hay nhà tạm Thánh Thể.
JHS, là mẫu tự viết tắt của "Jesus Hominum Salvator" (tiếng Latinh). Dịch ra
tiếng Anh là, "Jesus, the Saviour of men". có nghĩa là Giêsu, Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại.
Đại Tự Điển Công Giáo (Catholic Encyclopedia) đã cho biết về lịch sử của mẫu tự này : "Từ thế kỷ thứ III, các tên gọi về Đấng Cứu Thế đôi khi được rút ngắn, cách riêng trong ngành điêu khắc Kitô giáo. IH viết tắt cho Jesus/Giêsu, XP viết tắt cho Christus/Kitô. Tuy nhiên, ngay từ đầu trong ngành điêu khắc Kitô giáo, danh thánh Giêsu Kitô đã được viết tắt bằng tiếng Hy lạp: IC và XC hoặc IHS và XPS viết tắt cho Iesous Christos, và được tiếp tục dùng mãi cho đến thời Trung Cổ. Dần dần ý nghĩa này đã bị mất, và người ta đã cắt nghĩa sai IHS là "Jhesus". IHS trở nên phổ thông sau thế kỷ XII khi thánh Bênađô nhấn mạnh đến lòng sùng kính Thánh Danh
Chúa Giêsu, và chân phước John Colombini (1367) là vị sáng lập Jesuati thường đeo
trước ngực. Đến cuối thời Trung Cổ, IHS trở thành một biểu tượng, giống như biểu tượng chi-rho thời Constantinô. Đôi khi phía trên chữ H có một thánh giá và phía dưới có 3 cây đinh, và được bao quanh bởi những tia sáng. IHS trở nên ảnh tượng được chấp nhận của Thánh Vincentê Ferrer (1419) và thánh Bênađinô Siena (1444).
Thánh Ignatiô Lôyola đã nhận IHS trong dấu ấn của ngài, và trở nên biểu tượng của Dòng Tên (1541).[ 84]
Hình 3: Mẫu tự IHS trên mặt nhật.
Hình 4: Mẫu tự JHS trên cửa nhà chầu
-Các mẫu tự viết tắt của các dòng tu. Những người đi tu dòng thường thêm
những mẫu tự viết tắt sau tên Thánh và họ tên của mình.
+ O.S.B (Biển Đức): Viết tắt từ tên gọi quốc tế của đan viện là Ordo Sancti
Benedicti hay Order of St. Benedict. Ví dụ: Đan sĩ, Phê rô Hoàng Đình Trương,
O.S.B.
+ O.C.D ( Cát Minh): Viết tắt từ tên gọi tiếng Pháp của đan viện là: Ordre des
Carmes Deschaux. Ví dụ: Đan sĩ Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh, O.C.D.
+O.P (Đa Minh): Viết tắt từ tên gọi quốc tế của dòng là Ordo Praedicatorium hay Order of Preachers. Ví dụ: Lm, Giacôbê Trần Đức Anh, O.P.
+ F.S.C (La San): Viết tắt từu tên quốc tế của dòng là Fratres Scholarum
Christianarum – Brother of the Christian Schools. Ví dụ: Sư huynh Phê rô Nguyễn
Văn Tân, F.S.C.
+ C.M.C ( Đồng Công): Viết tắt từ tên gọi của hội dòng là Congregatio Matris
Coredemptricis – Congregation of Mother Conredemptrix. Ví dụ: Lm, Gioan Mạnh
Thư, C.M.C.
+ S.V.D (Ngôi Lời): Viết tắt từ tên quốc tế của hội dòng là Societas Verbi Divini
– Society of the Divine Word. Ví dụ: Lm, Giuse Nguyễn Trung Tây, S.V.D.
+ D.C (Nữ Tử): Viết tắt từ tên tiếng Pháp của hội dòng là Les Filles de la Charité de Saint Vincent de Paul – Daughters of Charity of St. Vincent de Paul.
+ O.F.M (Phan Sinh): Viết tắt từ tên gọi quốc tế của dòng là Ordo Fratrum
Minor – Order of Frirs Minor. Ví dụ: Lm, Phao lô Vương Đình Khởi, O.F.M.
+ S.D.B ( Salesien): Viết tắt từ tên chính thức của dòng là Societas Salesiana
Sancti Joannes Don Bosco – Salesians of St. John Don Bosco. Ví dụ: Lm. Tôma
Nguyễn Hữu Quảng, S.D.B.
+ S.J ( Dòng Tên): Viết tắt từ tên quốc tế của dòng là Societas Jesu hay Society
of Jesus. Ví dụ: Lm Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
+ O.H (Trợ Thế): Viết tắt từ tên của hội dòng Ordo Hospitalis – Brothers of the
Hospitaller Order of St. Jonh of God. Ví dụ: Lm Savio Trần Ngọc Tuyên, O.H.
+ C.M (Vinh Sơn): Viết tắt từ tên quốc tế của tu đoàn là Congregation
Missionis. Ví dụ: Lm Phanxico Nguyễn Viết Chung, C.M.
+ S.O.C (Xi Tô): Viết tắt từ tên hội dòng là Santus Ordo Cistercianus – St.
Order of Cistercians. Ví dụ: Viện phụ Đa Minh Phan Bảo Luyện, S.O.C.
+ P.S.S (Xuân Bích): Viết tắt từ tên gọi tu hội là Compagnie des Prêtres de Saint
Sulpice. Ví dụ: Lm Vicent Bùi Đoàn, P.S.S.
+ M.E.P là mẫu tự viết tắt của danh xưng tiếng Pháp Société des Missions Esttrangères de Paris. Nghĩa là Hội Thừa Sai Hải Ngoại Pari, gọi tắt là Hội Thừa Sai Pari.
Nhìn chung, những từ Thiên Chúa giáo du nhập vào Việt Nam có nguồn gốc Latinh, Pháp, Anh rất đa dạng và phong phú. Những từ ngữ trực tiếp phiên âm từ tiếng Latinh, phần nhiều là những danh từ riêng. Điều này rất hợp lý trong cách vay mượn ngôn ngữ. Còn những danh từ chung, thường phiên âm ở giai đoạn đầu như : Câu Rút…rồi sau đó đổi sang dịch ý. Cách vay mượn của người Việt với những từ này cũng rất đa dạng. Điều này làm cho từ Thiên Chúa giáo trong tiếng Việt trở nên phong phú và đa dạng.