Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, trong đó có Thiên Chúa giáo.Thiên Chúa giáo là tôn giáo mới du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVI và phát triển cho đến hiện nay. Lịch sử phát triển của Thiên Chúa giáo tại Việt Nam có nhiều bước thăng trầm.
Chúng tôi xin được ghi nhập lại chặng đường du nhập và phát triển đó như sau:
Vào thế kỷ XVI, Thiên Chúa giáo truyền vào Việt Nam do các giáo sĩ Bồ Đào
Nha, Tây Ban Nha và sau là Pháp. Sự truyền đạo giai đoạn đầu ít gặp trở ngại do tính
khoan dung của người Việt Nam và tính không đối dầu của tôn giáo bản địa nhưng sự truyền đạo đạt kết quả không cao. Sau đó, Pháp vận động Giáo Hoàng cho phép độc quyền truyền đạo tại Việt Nam. Hội truyền giáo Pa-ri được thành lập năm 1660 cùng nhà nước Pháp tuyển chọn, đào tạo giáo sĩ, cử sang hoạt động ở Việt Nam và một số nước khác. Theo lịch sử truyền giáo thì Thiên Chúa giáo được truyền sang Việt Nam một cách liên tục và có hệ thống là từ đầu thế kỷ thứ XVII. Theo “ Khâm định Việt sử thông giám cương mục” khi nói về lệnh cấm đạo Da tô năm 1663, có chú thích về
đạo Da tô như sau: “ Theo Dã lục, thì vào khoảng tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), đời Lê Trang Tôn, có người Tây phương tên là I-nê-xu lên đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh, huyện Nam Chân và xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy truyền bá đạo Da tô”. Điều chắc chắn là đạo Thiên Chúa đã hiện diện một cách liên tục tại Việt Nam và được chứng minh bằng các tư liệu đầu tay là từ năm 1615.
Ngày 18.1.1615 một số linh mục và tu sĩ dòng Tên thuộc các quốc tịch Ý, Bồ và Nhật, thuộc tổ chức dòng ở Bồ Đào Nha, tới Hội An chăm lo việc tôn giáo cho một số người Nhật Công giáo đang lánh nạn và làm ăn tại đây, đồng thời bắt đầu truyền đạo cho người Việt Nam. (Lúc này Việt Nam bị chia thành hai, đàng Ngoài dưới quyền chúa Trịnh, đàng Trong dưới quyền chúa Nguyễn, chiến tranh sắp sửa diễn ra giữa hai miền Nam Bắc.) Mười năm sau, tức khoảng 1626, Thiên Chúa giáo được truyền bá ở Đàng Ngoài.
Theo các bản tường trình của các thừa sai dòng Tên để lại, thì họ đã bắt đầu công việc truyền đạo của mình bằng cách học tiếng Việt, để có thể truyền đạo bằng tiếng Việt. Họ tìm hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Việt Nam để “ thích nghi” công cuộc truyền giáo của mình. Họ thành lập đội ngũ các “Thày giảng” người Việt Nam để hợp tác trong công cuộc truyền giáo, tổ chức những người đã nhập đạo sống theo họ đạo có người phụ trách.
Đối tượng được nhắm đến là quần chúng. Nhưng để tạo ảnh hưởng “dây chuyền”, các thừa sai cũng quan tâm giảng đạo cho các nho sĩ, các quan trong triều đình, giới thân cận, họ hàng của vua, chúa với hy vọng một khi những người này nhập đạo, sẽ dùng ảnh hưởng của mình mà lôi cuốn người khác tin theo đạo. Linh mục Buzomi, khi tới truyền đạo tại Quy Nhơn, đã tổ chức các cuộc trao đổi, tranh luận về tôn giáo tại tư gia của một số nho sĩ hay quan lại hoặc tại đình làng. Các bản tường trình của một số thừa sai như Alexandre de Rhodes về công cuộc truyền giáo giai đoạn này, có nhắc đến tên tuổi của một số “cụ nghè” hay một số nhân vật trong giới quan lại, hoặc họ hàng của chúa Nguyễn hay chúa Trịnh đã gia nhập đạo Thiên Chúa và trở thành những tín đồ sùng đạo và có sức lôi cuốn người khác theo đạo, như cụ nghè Giuse ở Quảng Nam, cụ nghè Phêrô, cụ nghè Emmanuel, bà Minh Đức Vương thái phi, dì của chúa Sãi, hay bà Catarina, chị của chúa Trịnh…tuy nhiên, vào
giai đoạn này, Bồ Đào Nha đã không còn đủ tài chính để cáng đáng công việc truyền giáo tại Việt Nam. Và Rôma đã giao công việc truyền giáo tại Việt Nam cho các thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (M.E.P) từ năm 1659.
Các thừa sai người Pháp tiếp tục và mở rộng công việc truyền giáo mà các Linh mục thừa sai Dòng Tên đã bắt đầu. Rôma cũng đã chỉ định hai thừa sai người Pháp làm Giám mục giám quản tông tòa là Francois Pallu, phụ trách Đàng Ngoài và Lambert de la Motte phụ trách Đàng Trong. Ngoài công việc truyền giáo, các Giám mục này còn có nhiệm vụ xây dựng Giáo hội Công giáo tại Đàng Trong và Đàng Ngoài. Các thừa sai đã thiết lập hàng giáo sĩ người Việt bằng cách phong Linh mục cho người Việt Nam, thành lập Dòng Mến Thánh giá, quy tụ các nữ tu người Việt. Các nữ tu này đã tích cực giúp công cuộc truyền giáo, nhất là trong thời kỳ cấm đạo vốn bắt đầu từ khá sớm, tức là từ năm 60 của thế kỷ XVII. Cuối thế kỷ XVIII, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có ba địa phận (Đàng trong, Đàng ngoài và Tây đàng ngoài) với khoảng 3 vạn giáo dân và 70 linh mục Việt Nam. Dưới triều Nguyễn, lúc đầu sự truyền giáo được nhà Nguyễn tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng sau đó thấy những hoạt động của giáo sĩ vừa truyền đạo vừa phục vụ cho âm mưu xâm lược của thực dân Pháp nên nhà Nguyễn đã cấm đạo nhất là từ khi thực dân Pháp bộc lộ rõ ý đồ thôn tính Việt Nam. Việc cấm đạo gay gắt tạo sự chia rẽ nhất định trong nhân dân. Việc cấm đạo lúc đứt lúc nối này kéo dài tới khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước chấm dứt.
Trong hơn 100 năm dưới chế độ thực dân. Pháp luôn lợi dụng Thiên Chúa giáo để xâm lược và duy trì sự thống trị. Chúng luôn lợi dụng Thiên Chúa giáo để chèn ép các tôn giáo khác gây chia rẽ giữa các tín đồ Thiên Chúa giáo với tín đồ các tôn giáo
khác hoặc với người không có đạo. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, Giáo hội
Thiên Chúa giáo được nhiều đặc quyền đặc lợi. Những tổ chức, giáo sĩ theo chúng được ưu đãi. Tuy thế , Giáo hội Thiên Chúa giáo ở Việt Nam vẫn bị coi là giáo hội thuộc địa. Có thể thấy điều đó rất rõ sau gần 400 năm truyền đạo vào nước ta, mãi đến năm 1933 mới có một giáo sĩ Việt Nam được phong làm giám mục. Do sự thao túng bởi các thế lực bên ngoài, trong cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân, đế quốc giáo hội đã đứng về phía xâm lược. Năm 1951 Hội nghị các giám mục Đông Dương
đã họp và đã đưa ra thư chung cấm người Thiên Chúa giáo tham gia kháng chiến. Năm 1960, Hội nghị các giám mục miền Nam ra thư mùa chay, nhắc lại thư chung năm 1951 ngăn cản đồng bào Thiên Chúa giáo tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mặc dù vậy, một bộ phận chức sắc đã dung hoà được quyền lợi của dân tộc với tôn giáo và đông đảo tín đồ với ý thức dân tộc và lòng yêu nước đã đứng về phía kháng chiến và đã đóng góp không chỉ vật chất, tinh thần mà còn cả xương máu cho cách mạng.
Cùng với việc Việt Nam từng bước tiến vào xã hội hiện đại, Thiên Chúa giáo đã có những điều kiện phát triển mới và khẳng định vị trí của mình trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Điều đó được thể hiện qua sự phát triển của Thiên Chúa giáo ở nước ta hiện nay.