7. Cấu trúc của luận văn
2.2.6. Đảm bảo tính hệ thống, toàn diện
Để đề kiểm tra thực sự được đổi mới, GV cần đảm bảo tính hệ thống, toàn diện từ khâu ra đề, soạn đáp án, chấm bài, trả bài kiểm tra.
Có thể nói đáp án đề văn hiện nay vẫn là một thách thức đối với người ra đề. Nếu như trước đây mỗi đề thi có một đáp án, đáp án nào cũng chỉ cho phép HS phân tích áng văn, đoạn thơ theo một cách hiểu duy nhất thì ngày nay dù đề đóng hay mở đáp án cần phải được soạn theo hướng “mở”. Nghĩa là, đáp án không quá chi tiết, cho phép ghi nhận những sáng tạo thích hợp, không ràng buộc người viết vào một số ý nào có sẵn, cho trước mà chỉ đưa ra những tiêu chí, yêu cầu về nhận thức, kĩ năng, thái độ để định hướng cách giải quyết vấn đề được đặt ra. Đáp án cần có hướng dẫn chấm rõ ràng, biểu điểm phù hợp cho từng phần, không coi nhẹ những phần vận dụng và đẩy nó xuống hàng thứ yếu kèm số điểm hạn chế.
Chất lượng của bài viết cũng không câu nệ vào dung lượng ngắn, dài mà điều quan trọng là HS phải xác định đúng và trúng trọng tâm vấn đề cần trình bày và thể hiện nó một cách rõ ràng, linh hoạt, logic, có chủ kiến, có sức thuyết phục. GV khi chấm bài cũng phải thật sự “vững tay” để không bỏ qua những suy nghĩ sáng tạo, những ý tưởng, lập luận độc đáo vượt ra ngoài khuôn khổ định hướng của đáp án thể hiện trong bài viết của HS. GV không nên bó hẹp ý tưởng, gò ép lập luận của HS vào một khuôn mẫu nhất định.
Hiện nay, đề tuyển sinh đại học, cao đẳng được ra nghiêng về vận dụng, đòi hỏi kĩ năng tổng hợp, so sánh khi làm bài thì đáp án phải được đổi mới, có sự phân hóa để bắt kịp sự đổi mới của đề. Ví dụ câu III.a (5đ) của đề tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 khối C yêu cầu nêu “Cảm nhận của anh/chị về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt (Vợ nhặt - Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)” thì đáp án ngoài việc làm rõ hai đối tượng, so sánh sự tương đồng và khác biệt trên cả bình diện nội dung và nghệ
thuật cần nâng cao đòi hỏi HS lí giải nguyên nhân sự khác biệt đó để xứng tầm đáp án của một đề văn tuyển sinh khối C.
Khi làm đáp án theo hướng mở, GV cần đưa ra các tiêu chí: 1) Yêu cầu về nhận thức, kiến giải về vấn đề, đối tượng được nêu trong đề bài. Với đề bài có sẵn ý chính hoặc không có sẵn ý chính, GV cần gợi nội dung chính của bài làm với một số ý chính, chung nhất cần có. 2)Yêu cầu về việc bộc lộ cá tính, tình cảm, thái độ, quan niệm của người viết trước đối tượng và vấn đề nêu trong đề bài. 3)Yêu cầu về năng lực tổ chức, trình bày diễn đạt.
Đáp án phải thể hiện cách đánh giá HS ở nhiều góc độ, trân trọng những sáng tạo của họ. Tiêu chí đánh giá phải có tác dụng kích thích, gợi mở sự sáng tạo của người học làm cho họ trở thành người chủ động, người đồng cảm, có bản lĩnh trình bày một cách thuyết phục những vấn đề mà họ quan tâm, hiểu biết với chính kiến của mình từ những vấn đề được đặt ra ở đề bài.
Bên cạnh việc đổi mới việc ra đề kiểm tra, soạn đáp án, GV dạy văn cũng cần có cái nhìn đổi mới trong việc chấm bài kiểm tra, có sự tinh nhạy và tinh thần trách nhiệm cao.
Đối với đề NLXH, khi chấm bài, GV không quá coi trọng lí lẽ, lập luận mà cần chấm cả dẫn chứng (số lượng, phạm vi) bởi dẫn chứng đôi khi lại là những lí lẽ hùng hồn nhất tạo sức thuyết phục và điểm nhấn cho bài viết. Việc yêu cầu rõ ràng và chấm điểm cả dẫn chứng như vậy sẽ hướng HS quan tâm đến kiến thức xã hội, những điều xảy ra xung quanh mình, có ý thức bồi dưỡng vốn sống cho bản thân.
GV chấm bài tuyệt đối không đếm ý cho điểm mà phải chú ý đến tư duy của HS khi làm bài. Mạnh dạn đổi mới hướng đến chấm 50% nội dung, 50% kĩ năng trong bài làm của HS bắt đầu từ đối tượng HS giỏi, HS thi tuyển,…và có thể chấm tay đôi với HS nếu thấy cần thiết. Trong khi chấm bài, GV không nên xem nhẹ điểm số của môn Ngữ văn, cần có điểm khuyến khích cho sự sáng tạo của HS. GV
cần mạnh dạn trong việc cho điểm ở những thang điểm cao, để HS nhìn thấy mục tiêu phấn đấu khi học tập môn Ngữ văn.
Với hình thức đề “mở”, khi chấm bài GV nên lấy HS làm trung tâm, phải biết lựa chọn và chấp nhận những suy tưởng của HS, đánh giá cao sự sáng tạo của người học. GV cần phát huy chức năng giáo dục của đánh giá bằng điểm số, kèm theo những sai sót cụ thể của người học nhằm thông báo cho họ một cách chính xác về khoảng cách giữa việc học và mục tiêu cùng với những thiếu sót, khó khăn gặp phải trong tiến trình học, giúp người học tự đánh giá, tự kiểm tra, tự sửa sai và điều chỉnh; đồng thời cũng nhằm thông tin cho GV những điểm còn tồn tại trong việc học và dạy để điều chỉnh tiến trình dạy học của mình.
Khi chấm bài, GV cần bám sát thang điểm và hướng dẫn chấm để hạn chế tối đa yếu tố chủ quan, cảm tính. Đặc biệt, trong mỗi bài kiểm tra, GV phải ghi rõ lời phê (lời nhận xét) về ưu điểm, khuyết điểm và thái độ làm bài của HS. Nhận xét là những phân tích hoặc những phán đoán về học lực hoặc hạnh kiểm của người học được rút ra từ quá trình quan sát các hành vi hoặc sản phẩm học tập của HS theo những tiêu chí được cho trước. Đây là một trong những phương tiện quan trọng nhằm động viên HS phấn đấu học tập thành công hơn, đồng thời hướng dẫn các em điều chỉnh việc học tập. Một nhận xét tốt phải bảo đảm các đặc điểm như: hiện thực, cụ thể, cá nhân hóa, chia sẻ, thông cảm và kịp thời. Điểm số và sự nhận xét, phân loại trong KTĐG vừa là mục đích vừa là động lực thúc đẩy hoạt động học tập của HS.
GV khi chấm bài cần có một thái độ khách quan, vô tư, công bằng và bình tĩnh để đánh giá đúng chất lượng bài làm của từng HS. Điểm số chính xác, công bằng, khách quan sẽ có tác động tích cực đối với hoạt động học tập của HS; ngược lại, sẽ tác động tiêu cực đối với hoạt động học tập thậm chí có hại đối với quá trình phát triển nhân cách của HS.
Cùng với đổi mới việc ra đề, làm đáp án thì GV cần đổi mới cả tiết trả bài kiểm tra. GV không được xem đây là những giờ “đệm” mà tiến hành một cách tùy tiện, qua loa. Mỗi lần trả bài kiểm tra là mỗi lần HS nhận lại mình trong kĩ năng làm văn, trong sự tiến bộ hay chưa tiến bộ trong học tập. Trong tiết học này, GV có dịp củng cố lại kiến thức làm văn, chỉ ra những hạn chế, khuyến khích, động viên những cố gắng của các em trong học tập. Để học tốt tiết trả bài viết, GV và cả HS phải có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo.
Tiết trả bài viết Tập làm văn là một trong những tiết học khó dạy. Nó đòi hỏi thông qua tiết học HS nhận ra được nguyên nhân của những thành công, hạn chế trong bài viết của mình để có hướng phát huy và khắc phục ở những bài viết tiếp theo. Để dạy tốt tiết trả bài kiểm tra, GV phải làm tốt từ khâu chấm bài, ghi lời nhận xét, đặc biệt là tìm được các lỗi, chỉ ra nguyên nhân và cách sửa cho từng bài, biết khái quát các loại lỗi của HS, chọn và chữa các lỗi cần thiết trong tiết trả bài trên lớp. GV không nên trông chờ vào ý thức và hoạt động sửa bài của HS mà phải chủ động chuẩn bị các tình huống, các cách chữa lỗi từ trước.
Khi thực hiện tiết trả bài, GV tiến hành công việc sau: yêu cầu HS nhắc lại đề bài đã làm; xác định nội dung yêu cầu của đề (thể loại, phương pháp làm bài, phạm vi tư liệu); yêu cầu HS lập dàn ý cho đề văn (trên cơ sở đã làm bài kiểm tra, lập lại dàn ý đề văn trong vở bài soạn ở nhà), GV chỉnh sửa đưa ra dàn ý chuẩn; nhận xét, đánh giá kết quả bài làm (nhận xét chung ưu điểm, khuyết điểm về nội dung, hình thức bài làm; nhận xét riêng đối với những bài thật xuất sắc hoặc thật kém); chọn những đoạn văn hay, bài viết xuất sắc làm ngữ liệu mẫu đọc trước lớp để cả lớp rút kinh nghiệm sau đó trả bài cho HS; yêu cầu HS đối chiếu bài làm với dàn ý, xem nhận xét của GV để sửa lại bài làm cho hoàn chỉnh. GV có thể ra thêm những đề văn khác cho HS luyện tập ở nhà đối với các đối tượng HS lớp chuyên, năng khiếu.
Cũng cần lưu ý khi trả bài, GV không nên nhận xét một cách căng thẳng, gay gắt đối với những bài làm yếu kém, không có những lời nói nặng xúc phạm đến
nhân cách HS. GV cần phải động viên, khuyến khích HS qua những lời nhận xét, đánh giá của mình. Ở trường phổ thông, trong một kì kiểm tra, đề bài có thể không phải là một mà có thể hai hoặc hơn nữa vì nhiều lí do chủ quan và khách quan chi phối. Để sửa hết những đề văn đó trong thời lượng tiết trả bài là không thể vì vậy, GV phải cân nhắc, cùng HS lựa chọn một đề để trên cơ sở đó các em có thể giải quyết các đề còn lại.