7. Cấu trúc của luận văn
2.2.4. Đảm bảo tính tích hợp
Tích hợp là “sự liên kết các đối tượng nghiên cứu, học tập cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học” [21, 383]. Tích hợp có nhiều hình thức, mức độ, có thể được thực hiện theo nhiều hướng và nhằm nhiều mục đích khác nhau. Việc đảm bảo yêu cầu tích hợp trong KTĐG là một định hướng quan trọng thể hiện sự thống nhất của việc đánh giá với mục tiêu, nội dung chương trình, PPDH bộ môn.
Tích hợp trong môn Ngữ văn có ba xu thế chính là tích hợp nội dung kiến thức, kĩ năng ba phân môn; tích hợp kiến thức văn với kĩ năng nghe, nói, đọc, viết;
tích hợp liên môn, liên ngành. Quan điểm tích hợp làm nguyên tắc chỉ đạo tổ chức nội dung chương trình, biên soạn SGK và lựa chọn các PPDH. Môn Ngữ văn với đặc trưng riêng của mình cho phép thực hiện tích hợp như một yêu cầu tự thân. Cả ba nội dung văn học, tiếng Việt và làm văn của môn Ngữ văn trong bộ SGK hiện hành đều có chung mục đích hình thành năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ trong việc tiếp nhận và tạo lập văn bản; nâng cao năng lực phân tích, bình giá, cảm thụ văn học; hình thành năng lực tư duy và giao tiếp bằng tiếng Việt. Với tinh thần trên thì việc dạy nội dung kiến thức luôn gắn với rèn luyện kĩ năng, nội dung ba phân môn được kết hợp một cách nhuần nhuyễn. Quan điểm tích hợp được thể hiện rõ nhất trong SGK là cách cấu tạo đơn vị bài học: đưa ngữ liệu, hướng dẫn tìm hiểu ngữ liệu, ghi nhớ, luyện tập. Điều này cho thấy nội dung kiến thức không chỉ tích hợp ba phân môn với nhau mà còn tích hợp trong bản thân từng phân môn.
Việc dạy từng phân môn trong SGK Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu đặc thù của phân môn mà luôn hướng vào mục tiêu chung của môn học. Vì vậy, khi tiến hành kiểm tra chúng ta cần chú ý đến tính tích hợp trong kiểm tra ở các phân môn. Chẳng hạn, ngay khi kiểm tra năng lực đọc - hiểu của HS ta phải chú ý tích hợp kiểm tra cả văn, tiếng Việt và làm văn; khi kiểm tra đọc - hiểu, tiếng Việt trong tập làm văn ta cần gắn với việc trình bày cảm nhận, suy nghĩ về văn bản dưới góc độ kiểu loại, phương thức biểu đạt, nội dung, nghệ thuật thể hiện tính chất thực hành tổng hợp của phân môn,…
Ngữ văn là môn học thuộc nhóm khoa học xã hội. Nó có vai trò quan trọng trong sự phát triển tư duy của con người, đồng thời có tầm quan trọng trong việc giáo dục quan điểm, tư tưởng, tình cảm cho HS. Dạy học tích hợp tạo điều kiện rèn luyện tư duy tổng hợp cho HS. Điều đó đặt ra yêu cầu trong đề văn cần tăng cường tính tích hợp, giảm lí thuyết, gắn kiến thức văn học với thực tiễn hết sức phong phú, sinh động của cuộc sống nhằm giúp HS hình thành kiến thức, kĩ năng một cách toàn diện, có kĩ năng sống, có những hiểu biết xã hội nhất định.
Trục tích hợp ở bậc THPT là các thể loại tác phẩm được đặt ra ở từng giai đoạn của lịch sử văn học. Thông qua việc đọc hiểu từng tác phẩm cụ thể, HS hình thành công cụ khám phá và tiếp nhận tác phẩm theo các thể loại nhất định, tự mình có thể khám phá những tác phẩm tương tự. Chính nguyên tắc tích hợp của chương trình Ngữ văn tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra dạng đề tổng hợp trong tình hình mới là có cả trắc nghiệm khách quan và tự luận, bao quát được cả ba phần văn học, tiếng Việt và làm văn đồng thời tạo điều kiện để HS có thể vận dụng kiến thức liên ngành, liên môn để làm bài. Khi ra đề kiểm tra, GV sẽ căn cứ vào mục đích kiểm tra, chuẩn kiến thức, kĩ năng, tính tích hợp của môn học để lựa chọn ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra. Ngữ liệu có thể là những văn bản được học trong SGK, có thể là những ngữ liệu ngoài SGK nhưng có nội dung và thể loại tương đương với văn bản HS được học.
Bên cạnh việc đa dạng hình thức đề, với tính tích hợp này, chúng ta có điều kiện nhìn nhận lại sự hợp lí trong cấu trúc đề kiểm tra hiện nay và có những điều chỉnh nhất định. Do chương trình môn Ngữ văn được soạn và dạy theo hướng tích hợp ba phân môn nên hiển nhiên đề kiểm tra cũng phải đảm bảo tính tích hợp đó. Cấu trúc đề có thể chỉ có một câu tự luận, không nhất thiết phải có đủ ba câu, mỗi câu kiểm tra một mảng kiến thức riêng biệt nhất định. Sự tích hợp trong đề kiểm tra môn Ngữ văn hiện nay chưa thể hiện đúng tinh thần đó. Nhiều GV cho rằng muốn đảm bảo tính tích hợp trong đề hiện nay cần đưa phần tiếng Việt vào câu tái hiện kiến thức để đề bài kiểm tra được cả kiến thức văn, tiếng Việt và làm văn. Cách nhìn nhận này chưa thật đúng đắn và chỉ đổi mới bề nổi của vấn đề. Đổi mới cấu trúc đề thực sự là quay về cấu trúc đề truyền thống trước đây, đề chỉ gồm một câu tự luận yêu cầu nghị luận về một vấn đề nhất định. Trong câu tự luận đó, chúng ta sẽ kiểm tra HS cùng lúc cả kiến thức văn học, cách dùng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, cả kĩ năng làm văn và mức độ cảm thụ cũng như kĩ năng giải quyết vấn đề.
Theo tác giả luận văn, tùy mục đích kiểm tra mà cấu trúc đề có thể điều chỉnh cho phù hợp cho từng loại đề:
Đề kiểm tra thường xuyên (15 phút) có cấu trúc như sau: nếu ra đề theo hình thức trắc nghiệm thì đề thường gồm 20 câu; nếu theo hình thức tự luận sẽ ra 1 câu tự luận ngắn hoặc cũng có thể kết hợp 8 – 10 câu trắc nghiệm và 1 câu tự luận ngắn. Đối với đề kiểm tra định kì cấu trúc đề chỉ nên có 1 câu tự luận (NLVH hay NLXH tùy yêu cầu) đối với đề 45 phút; 1 câu tự luận hoặc 8 - 12 câu trắc nghiệm kết hợp 1 câu tự luận đối với đề 90 phút. Đề thi học kì hướng đến cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT.
Đề thi tốt nghiệp THPT gồm 2 hoặc 3 câu, có phần tự chọn cho HS hai ban: 1 câu tái hiện kiến thức SGK (dần tiến tới bỏ câu này), 1 câu NLXH, 1 câu NLVH.
Đề thi tuyển sinh 10, tuyển sinh đại học không nhất thiết phải có câu hỏi tái hiện kiến thức, không có phần tự chọn, gồm 2 câu tự luận và đảm bảo cân đối tỉ lệ giữa NLVH và NLXH. Đề thi tuyển HS giỏi cần có độ phân hóa cao hơn, vẫn gồm 2 câu tự luận: 1 câu NLVH, 1 câu NLXH nhưng có thể chia thành hai bài thi riêng biệt để HS phát huy tối đa năng lực làm văn ở từng kiểu bài.