7. Cấu trúc của luận văn
2.1. Mục đích đổi mới việc ra đề kiểm tra mônNgữ văn
Bất kì một hoạt động nào muốn biết đạt kết quả đến đâu cũng phải kinh qua quá trình đánh giá. KTĐG nhằm mục đích làm rõ mức độ hoàn thành mục tiêu dạy học, phát hiện nguyên nhân, điều chỉnh quá trình dạy học. Như vậy, cơ sở để KTĐG là xuất phát từ mục tiêu.
Mục tiêu cuối cùng của việc dạy học Ngữ văn trong suốt bậc học phổ thông là giúp cho HS khi ra trường có những kiến thức cơ bản về văn hóa, văn học, có khả năng cảm thụ và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật; có khả năng hiểu mình, hiểu người, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau để chung sống, chung làm trong cộng đồng. HS được hoàn thiện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết từ đúng đến hay, biết mạnh dạn giao tiếp có hiệu quả trước công chúng, biết soạn thảo các loại văn bản cần thiết trong cuộc sống và trong công việc. Nói chung, việc dạy học môn Ngữ văn phải hướng tới mục tiêu chung của giáo dục thế giới mà trong một phúc trình của Ủy ban Quốc tế về Giáo dục cho thế kỉ 21 của UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
Tuy vậy, để đáp ứng mục tiêu trực tiếp của môn Ngữ văn, trước đây trong quá trình dạy học, GV đơn thuần chỉ cung cấp kiến thức văn học, các thao tác làm bài văn nghị luận mà chưa chú ý hình thành và rèn luyện cho HS năng lực đọc - hiểu cũng như tạo lập các loại văn bản. Điều đó cho thấy GV chỉ mới hướng đến mục tiêu “học để biết” mà chưa chú ý đến những mục tiêu khác cao hơn, dẫn đến đề kiểm tra Ngữ văn đơn thuần yêu cầu tái hiện kiến thức. HS làm bài một cách thụ động, chưa biết cách khám phá, giải mã văn bản, tranh luận, phản biện vấn đề. Ngày nay, dạy văn không chỉ dạy những tri thức về ngôn ngữ, về lí luận và lịch sử văn chương mà quan trọng là hình thành cho HS năng lực đọc - hiểu, kĩ năng làm bài. Những tri thức văn học dần trở thành “công cụ” giúp HS giải mã và tạo lập văn bản. Dạy văn thực chất là dạy cách đọc, cách giải mã văn bản. Thông qua những ngữ
liệu mẫu, GV một mặt giúp HS khám phá vẻ đẹp của văn bản văn chương, mặt khác hình thành cho các em cách thức khám phá, cách đọc một kiểu văn bản - một thể loại nhất định, năng lực thích ứng, năng lực giao tiếp,... Chính sự thay đổi này của mục tiêu môn học đòi hỏi cách KTĐG (trong đó có thay đổi cách ra đề kiểm tra) cũng phải thay đổi theo để đáp ứng tình hình mới.
Mục tiêu dạy học mới của chương trình Ngữ văn THPT gợi ra hướng xác định nội dung của đề văn trong tình hình thực tại. Đề văn sẽ hướng tới kiểm tra HS toàn diện ba mặt: kiến thức (kiến thức văn học), năng lực tạo lập văn bản (năng lực tư duy, năng lực diễn đạt), quan điểm, thái độ tình cảm (thường được lồng ghép chung vào mặt kiến thức và kĩ năng). Đề kiểm tra Ngữ văn đổi mới ra theo hướng suy luận, đòi hỏi HS nghĩ và làm, tạo điều kiện để HS bày tỏ tình cảm, thái độ, nói lên chính kiến của cá nhân trước những vấn đề của văn học và xã hội. Đây là một xu hướng tất yếu để chuẩn bị hành trang cho các em bước vào cuộc sống.
Chương trình và SGK Ngữ văn THPT trước đây được chia làm ba phân môn tách biệt: Văn học - Tiếng Việt - Làm văn. Các phân môn này không gắn bó và không hỗ trợ nhau để tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Hiện nay, ba phân môn này đã được gắn kết và tích hợp trong một môn học thống nhất, môn học Ngữ văn. Trong đó, tiếng Việt là nền tảng của văn học, làm văn là thực hành của tiếng Việt, phần văn học là tinh hoa của tiếng Việt do các bậc thầy văn chương thực hiện. Chính tên gọi của môn học nhắc nhở mục tiêu dạy học toàn diện, không chỉ dạy chữ (ngôn ngữ) mà còn dạy người (văn chương). Vì thế, mục đích đổi mới việc ra đề môn Ngữ văn không những đáp ứng sự đổi mới của mục tiêu môn học mà còn nhằm đáp ứng sự thay đổi của cấu trúc môn học, đảm bảo tính tích hợp này.
Đặc biệt, việc dạy học Ngữ văn theo hướng tích hợp và tích cực như hiện nay đặt ra yêu cầu đòi hỏi GV không chỉ dạy bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng mà còn phải đào tạo HS thành những bạn đọc sáng tạo, có trình độ cảm thụ văn học nhất định, có kĩ năng tạo lập văn bản, có những kiến thức xã hội cơ bản. GV dạy cho HS
không những biết “nghĩ” mà còn biết “làm”. Và để KTĐG được thành quả dạy học đó, đề kiểm tra môn Ngữ văn phải giúp đánh giá được những nội dung này.