Đảm bảo tính chính xác

Một phần của tài liệu đổi mới việc ra đề văn ở trường trung học phổ thông từ góc độ đổi mới kiểm tra đánh giá (Trang 63)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Đảm bảo tính chính xác

Ra đề văn là hoạt động chuyên môn thường nhật, thường niên của GV Ngữ văn, một việc đòi hỏi sự công phu, vất vả và nó thể hiện phần nào năng lực sư phạm của chính người ra đề. Một đề văn tốt phải “có tác dụng định hướng tư tưởng, tư duy, phạm vi vấn đề, tri thức, tư liệu, thao tác lập luận và cũng có tác dụng gây hứng thú viết văn đối với học sinh” [57,17 ]. Để soạn được một đề Ngữ văn tốt, GV cần đảm bảo những yêu cầu cơ bản cần có của một đề kiểm tra đồng thời chú ý đến tính đặc thù của môn học. Trong đó, yêu cầu đòi hỏi trước tiên, cơ bản nhất phải kể đến là tính chính xác của đề: chính xác về nội dung khoa học, chính xác về hình thức, chính xác về phát ngôn yêu cầu của đề bài và chính xác về cách diễn đạt cũng như cách dùng từ trong đề.

Đề kiểm tra phải chính xác về nội dung khoa học có nghĩa là phải dùng kiến thức chính xác, trọng tâm, cơ bản trong chương trình, việc trích dẫn ở phần cung cấp dữ kiện làm bài phải đảm bảo chính xác về nguồn gốc, chặt chẽ, không dông dài, tránh mập mờ để HS hiểu sai dẫn tới lạc đề. Vì vậy, GV không được chủ quan và thiếu cẩn trọng khi chọn ngữ liệu ra đề nhất là những đề dùng tuyển sinh đại học, thi tuyển học sinh giỏi. Tuy nhiên, thực tế vẫn không tránh khỏi. Đơn cử, đề thi Đại học năm 2009 môn Ngữ văn khối C (xem phần phụ lục đính kèm), câu 2 (3đ) dù ngữ liệu ra đề được trích hẳn trong SGK nhưng nguồn gốc ý kiến được trích dẫn không phải là câu nói của Tổng thống Abraham Lincoln. Sai sót của câu này không ảnh hưởng đến việc chấm thi, kết quả bài làm nhưng không khỏi gây hoang mang và thiếu niềm tin về chất lượng đề trong HS, GV và cả phụ huynh HS.

“Cùng bộc lộ về nỗi nhớ Tây Bắc, trong bài Tây Tiến, Quang Dũng viết:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

(Văn học 12, Tập một, Nxb Giáo dục, 2005, tr.76)

Trong bài Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên viết: Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương? Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!

(Văn học 12, Tập một, Nxb Giáo dục, 2005, tr.121)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên.”

Đề ra như vậy là chưa chặt chẽ, chưa chuẩn bởi trong hai đoạn thơ trên, nhất là đoạn thơ trích từ bài Tây Tiến, mà chỉ bảo là bộc lộ nỗi nhớ về Tây Bắc là chưa hợp lí.

Đối với đề thi chọn HS giỏi, người ra đề cần hết sức lưu ý đến cách diễn đạt câu hỏi. Đề thi học sinh giỏi quốc gia năm 2012 vừa qua vẫn có sai sót trong cách dùng từ, diễn đạt: “Là thanh niên thế hệ hôm nay, anh/chị hãy suy nghĩ và phác họa

một châm ngôn sống cho chính mình”. “Châm ngôn” xưa nay thường là những gì có

sẵn, đã được định hình nhưng đề lại yêu cầu HS “phác họa” (tạo ra, vẽ ra sơ lược những nét chính, chưa hoàn thiện). Cách diễn đạt phi lôgic, dùng từ chưa chính xác này sẽ làm HS lúng túng, hiểu một cách mơ hồ về yêu cầu của đề. Có thể chỉnh lại câu này như sau: “Là thanh niên thế hệ hôm nay, anh/chị hãy suy nghĩ và lựa chọn

một phương châm sống cho chính mình”.

Đề văn của chúng ta lâu nay được cho là mòn sáo theo một khuôn mẫu, ít gây hứng thú và sáng tạo cho HS khi làm bài. Vì thế, những đề văn phá cách, mới mẻ, khác lạ, ra đề theo hướng mở,…là rất cần thiết. Đề mở có tác dụng cho HS được tự mình chủ động lựa chọn, gây hứng thú, phát huy sở trường và cá tính

nhưng không có nghĩa là loại đề “ra mệnh lệnh” không còn ý nghĩa nữa. Tuy nhiên, dù mới mẻ, khác lạ, mở,…đến đâu vẫn phải có tính giáo dục, đảm bảo tính chính xác, tính định hướng, tránh diễn đạt một cách mập mờ, tối nghĩa.

Việc GV đặt ra câu hỏi: “Theo anh hoặc chị, qua truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân muốn gửi đến người đọc những ý tưởng gì?” (Câu 2 (2đ) của đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm học 2003 - 2004) là thiếu tính chính xác, chưa khoa học bởi trên thực tế ý tưởng mà tác giả Kim Lân gửi gắm chưa chắc đã trùng với sự tiếp nhận của người đọc và lý luận văn học hiện đại đã khẳng định điều đó.

Trong đề thi đại học môn Ngữ văn năm 2012 (xem phần phụ lục đính kèm), sự chính xác trong đề cũng còn có phần hạn chế. Cách đặt câu hỏi có phần hơi vụn và áp đặt. Câu 3.b đề đại học khối C nêu yêu cầu cảm nhận về hai đoạn thơ trong hai bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ(Hàn Mặc Tử) và Tương tư(Nguyễn Bính) làm HS lúng túng. Do hai đoạn thơ thuộc hai bài thơ với cảm hứng sáng tác khác nhau nếu viết cảm nhận về từng đoạn thơ thì chắc chắn đã hiểu sai ý người ra đề nhưng nếu viết trên nền so sánh hai đoạn thơ với nhau thì có phần khiên cưỡng. Trong văn chương, một chi tiết nhỏ có thể làm nên tác phẩm lớn nhưng việc câu 3.a đề đại học khối D yêu cầu HS nêu cảm nhận về ý nghĩa của hai cách kết thúc truyện của truyện Chí

Phèo và Vợ nhặt có phần áp đặt và chưa xứng tầm với câu 5 điểm của đề tuyển

sinh.

Để ra được đề văn “mở” GV cần dựa trên “bước đệm” của PPDH. GV phải dạy các em cách nhận diện, cách làm bài trước khi ra đề theo dạng mở này. GV ra đề văn mở phải hướng đến mở cả câu NLVH, không dừng lại ở câu NLXH. Việc gắn những vấn đề trong văn học với các hiện tượng trong đời sống xã hội cần đảm bảo yêu cầu thẩm mĩ, tính giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ tránh trường hợp xuất hiện nhiều “đề văn lạ”, “bài viết lạ”.

Ở nước ta hiện nay, nhiều đề văn mở, sáng tạo cũng đã xuất hiện như “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em”, “Nêu quan điểm của anh/chị về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống” được đông đảo GV, HS hưởng ứng. Đây là những tín hiệu đáng mừng trên bước đường đổi mới việc ra đề. Tuy

nhiên, tính chính xác trong việc ra đề theo hướng mở luôn được đòi hỏi ở mức cao, nhất là đề bài phải được định hướng rõ ràng, không đánh đố và không được hiểu theo kiểu nước đôi.

Gần đây nhất, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn của thành phố Hồ Chí Minh năm học 2012 – 2013 được dư luận đánh giá cao là “mở hết cỡ”, nhất là câu 3 và câu 4 của đề.

Câu 3: (3 điểm)

Trong loạt bài trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật bàn về Thế hệ gấu bông, có đề cập hai hiện tượng:

1. Cô bé 15 tuổi, được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp, còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con ly chè!”.

2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ cậu, cậu ta ấp úng không trả lời được.

Là người con trong gia đình, em hãy trình bày suy nghĩ về hai hiện tượng trên qua một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi).

Nhiều GV, HS tỏ ra thích thú vì đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức giáo khoa mà còn đòi hỏi HS phải có sự cọ xát với thực tế và qua đó giáo dục, định hướng lại cho HS về lối sống trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, khi xem xét kĩ đề thi, chúng ta nhận thấy dù là đề mở nhưng về hình thức đề trong yêu cầu của đề vẫn còn xuất hiện những mệnh lệnh như hãy trình bày suy nghĩ, hãy chọn và phân tích. Câu 3 của đề có sự đổi mới rõ rệt, không nêu sẵn chủ đề mà đòi hỏi HS tự rút ra luận điểm rồi sau đó mới bàn luận. Đề bài đưa ra hai ngữ liệu nhưng thực chất chỉ có một vấn đề. Đó là sự vô cảm trong giới trẻ ngày nay. Nhưng với cách đưa ngữ liệu và yêu cầu trình bày suy nghĩ về hai hiện tượng, kèm theo lời định hướng “là người

con trong gia đình” HS khó có thể rút ra được chính xác vấn đề chính cần bàn. HS

cha mẹ, thậm chí có thí sinh làm cả hai chủ đề cùng lúc. Đối với đề mở, việc đưa ngữ liệu để HS tìm ra luận điểm cần bàn qua đó đánh giá kĩ năng giải quyết vấn đề của HS là cần thiết nhưng đưa ra hai hiện tượng (hai ngữ liệu) là quá dài, gây “choáng” trong tâm lí khi HS đọc đề, mất hứng thú sáng tạo khi làm bài và vấn đề trước mắt là HS chưa xác định đúng chủ đề mà người ra đề hướng tới, vẫn nhầm hiểu là hai vấn đề nghị luận tách riêng. Điều đó cho thấy ta cần phải có cách đưa vấn đề thật gãy gọn và đề càng mở thì càng phải được định hướng rõ ràng hơn.

Câu 4 (5 điểm) trong đề thi yêu cầu “Hãy chọn và phân tích một hoặc hai

khổ thơ trong các bài thơ của chương trình văn học Việt Nam hiện đại lớp 9 để nêu bật vẻ đẹp con người Việt Nam” cũng cho thấy đề đã có sự đổi mới so với trước đây

là không trích dẫn nguyên văn đoạn thơ cụ thể mà để HS lựa chọn và sáng tạo tùy khả năng của từng người. HS có thể chọn một hoặc hai khổ thơ trong một bài thơ, hoặc chọn hai khổ thuộc hai bài thơ khác nhau, thậm chí hai khổ thơ của hai bài thơ thuộc hai thời kì khác nhau của văn học hiện đại Việt Nam để làm nổi bật vấn đề mà đề bài yêu cầu. Tuy nhiên, tính định hướng trong đề vẫn còn mập mờ, nhiều HS thấy rất khó trong việc chọn bài thơ nào, sử dụng bao nhiêu bài thơ thì mới đúng ý người ra đề và nếu dạng đề “mở hết cỡ” này năm nào cũng lặp lại chắc chắn không ổn vì với đề kiểu này HS không cần học hết các tác phẩm trong chương trình mà chỉ cần tủ một hoặc hai bài thì cỡ nào cũng “trúng”.

Một phần của tài liệu đổi mới việc ra đề văn ở trường trung học phổ thông từ góc độ đổi mới kiểm tra đánh giá (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)