7. Cấu trúc của luận văn
1.1.2.2. Đổi mới phương pháp dạy học
Việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đòi hỏi phải được tiến hành khẩn trương và đổi mới đồng bộ các yếu tố, các khâu trong đó khâu đột phá là đổi mới PPDH.
Đổi mới PPDH là cải tiến những hình thức và cách thức làm việc kém hiệu quả của GV và HS, sử dụng những hình thức và cách thức hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phát huy tính tích cực, tự học và sáng tạo, phát triển năng lực của HS.
Định hướng đổi mới PPDH đã được thể chế hóa trong Luật Giáo dục 2005. Cụ thể, điều 28.2 đã ghi rõ “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”[1].
Trong nhà trường phổ thông, đổi mới PPDH được đặt trong mối tương quan với đổi mới mục tiêu dạy học - nội dung dạy học - PPDH - đổi mới KTĐG. Cốt lõi của đổi mới PPDH là hướng tới hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo của HS, chống lại thói quen học tập thụ động. Đổi mới PPDH bao gồm đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động của GV và HS, đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới hình thức tương tác xã hội trong dạy học, đổi mới kĩ thuật dạy học.
Các hoạt động đổi mới phương pháp rất đa dạng, nhưng nhìn chung diễn ra theo ba hướng lớn: hướng tiếp cận theo quan điểm tâm lí - giáo dục, hướng tiếp cận theo quan điểm điều khiển học, hướng tiếp cận theo quan điểm công nghệ. Ba hướng này luôn gắn bó chặt chẽ, phối hợp với nhau trong quá trình hoạt động thực tiễn.
Hướng tiếp cận theo quan điểm tâm lí - giáo dục là vô cùng quan trọng. Nó phù hợp với việc đổi mới PPDH theo hướng “lấy học sinh làm trung tâm”. Bản chất của quan điểm này là tìm mọi cách phát huy năng lực nội sinh của người học, phát triển sức mạnh trí tuệ, tâm hồn, ý chí của họ thông qua các hoạt động kích thích hứng thú, phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của người học; tổ chức cho HS làm việc độc lập, cá nhân hóa quá trình học tập; hình thành ở HS động cơ học tập lành mạnh, phát huy tính tự lực, tự cường, phát huy ý chí học tập. Như vậy, rèn luyện năng lực tư duy, khả năng tưởng tượng, sáng tạo, phát triển trí thông minh là nhiệm vụ chủ yếu của quá trình dạy học hiện đại. PPDH phải dần đổi mới theo hướng bám sát vào mục tiêu, phù hợp với nội dung môn học, với đặc điểm tâm lí lứa tuổi HS. Theo hướng tiếp cận này, chất lượng giảng dạy phụ thuộc phần lớn vào hoạt động nhận thức của HS. HS học phương pháp chứ không học dữ liệu. GV chỉ đóng vai trò hướng dẫn, tổ chức nhằm tăng cường hiệu quả dạy học. Việc đổi mới PPDH nhằm hướng đến việc tăng cường các PPDH sáng tạo, nhằm đổi mới tính chất hoạt động nhận thức của HS trong quá trình học tập.
Hướng tiếp cận theo quan điểm điều khiển học chủ trương giải phóng người học, điều khiển mối quan hệ thầy - trò, chuyển từ việc truyền thụ tri thức thụ động, thầy giảng trò ghi sang hướng dẫn người học chủ động tư duy trong quá trình tiếp cận tri thức; dạy cho người học phương pháp tự học, tự thu nhận thông tin một cách có hệ thống và có tư duy phân tích, tổng hợp; phát triển năng lực của mỗi cá nhân; tăng cường tính chủ động, tính tự chủ của HS trong quá trình học tập. Với hướng tiếp cận này, lối dạy học truyền thụ được thay thế bằng dạy học nêu vấn đề, dạy học hợp tác, dạy học theo dự án, dạy học theo tình huống…tạo điều kiện kích thích tư duy, đòi hỏi tính năng động sáng tạo, tạo nhiều cơ hội học tập hơn cho HS. PPDH đổi mới trên cơ sở kết hợp giữa việc tiếp thu và sử dụng có chọn lọc, có hiệu quả các PPDH tiên tiến, hiện đại với việc khai thác những yếu tố tích cực của các PPDH truyền thống.
Một hướng khác của việc đổi mới PPDH được xây dựng trên cơ sở đưa công nghệ mới vào nhà trường, cung cấp cho người dạy những công cụ lao động mới. Điều đó đồng nghĩa với khi đổi mới PPDH cần tăng cường sử dụng các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng phải lưu ý sao cho phù hợp với cơ sở vật chất, các điều kiện dạy học cụ thể của nhà trường.
Các quan điểm dạy học mới “lấy học sinh làm trung tâm”, dạy học theo hướng “hoạt động hóa người học” là những quan điểm dạy học tiến bộ bởi nó giải phóng năng lực sáng tạo của người học.. Tóm lại, đổi mới PPDH là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách nhưng đổi mới PPDH không có nghĩa là người GV phải từ bỏ đi PPDH truyền thống, hoặc độc tôn một phương pháp nào đó. Đổi mới PPDH chính là vận dụng các PPDH đó một cách phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ, nhằm phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS trong học tập, góp phần đổi mới KTĐG, nâng cao chất lượng dạy học.