Sự cần thiết phải phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp huyện phú lương tỉnh thái nguyên (Trang 51)

5. Bố cục của luận văn

3.2.2.Sự cần thiết phải phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện

3.2.2.1. Phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của huyện

Các điều kiện thuận lợi về giao thông, tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động phù hợp cho phát triển một ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi. Chính vì vậy, để khai thác triệt để, có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh của huyện thì cần có các phương án, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội như: việc làm, nghèo đói, an sinh xã hội...

Hiện nay, UBND huyện đã phối hợp với các ngành, các cấp ban hành nhiều chính sách nhằm phát huy lợi thế nông nghiệp của huyện như: đa dạng hóa cây trồng vật nuôi; hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu... cho người dân; mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người nông dân, đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, tưới tiêu nội đồng; xây dựng hệ thống đường giao thông theo chương trình xây dựng nông thôn mới... Tuy nhiên để các chính sách này tiếp tục phát huy hiệu quả và được áp dụng rộng khắp trong toàn huyện thì cần có sự tham gia của các ngành, các cấp và sự ủng hộ của người dân địa phương.

3.2.2.2. Phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện

Trong giai đoạn 2008 - 2012 tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá cao, bình quân 10%/năm. Trong đó ngành nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo và đóng góp phần lớn vào GDP. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện có thương hiệu và được xuất ra các huyện và tỉnh lân cận như: Chè Trại Cài, Chè Thác Dài, Vô Tranh, Tức Tranh, Gạo nếp vải Ôn Lương...

Ngành nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp. Sản phẩm của ngành nông nghiệp là đầu vào quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến như: thực phẩm, nước giải khát…

Tích lũy vốn cho nền kinh tế: Sản xuất nông sản, đáp ứng nhu cầu của địa phương và các tỉnh lân cận. Nguồn lợi tài chính thu về được sử dụng đầu tư mua máy móc, thiết bị, cải tiến công nghệ sản xuất. Từ đó sẽ tác động trở lại, thúc đầy ngành nông nghiệp phát triển hơn nữa. Trong lịch sử, quá trình phát triển cho thấy nguồn vốn nguồn vốn được tích lũy trong giai đoạn đầu là từ phát triển nông nghiệp.

Quy mô dân số nông nghiệp tại địa phương rất lớn nên nông nghiệp nông thôn là thị trường rộng lớn cho sản phẩm hàng tiêu dùng của ngành công nghiệp. Công nghiệp cung cấp tư liệu sản xuất như máy móc, thiết bị, phân bón, thuốc trừ sâu… cho ngành nông nghiệp. Do đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp.

3.2.2.3. Phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần giải quyết việc làm và giảm tỷ lệ đói nghèo của huyện

Dân số trung bình của huyện Phú Lương tương đối lớn. Năm 2009 có khoảng 105 nghìn dân, đến năm 2012 có khoảng 107 nghìn dân. Tuy nhiên, số lao động được tạo việc làm mới trong năm chưa cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do lao động của huyện chủ yếu xuất phát từ nghề nông, có trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa cao. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn cho người nông dân, giảm tỷ lệ thời gian nhàn rỗi ở khu vực nông thôn.

Nghèo đói cũng là vấn đề đáng quan tâm của huyện. Năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 23,55% đến năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo là 13,89%. Nguyên nhân của tình trạng này một là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, điểm xuất phát thấp. Mặt khác là do người lao động trình độ kỹ thuật canh tác còn thấp nên khả năng sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, rủi ro do thiên tai, dịch bệnh cao. Do đó, để giảm tỷ lệ hộ nghèo cần đào tạo, tập huấn cho người nông dân về phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, theo hướng hiện đại. Đồng thời, đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng xã.

Nông nghiệp cung cấp lương thực thực phẩm cho tiêu dùng, tạo nên sự ổn định, đảm bảo an toàn cho phát triển.

Như vậy, vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội của huyện. Do đó, cần có sự đóng góp, ủng hộ của các cơ quan chính quyền và người dân nhằm đưa ngành nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ngày càng phát huy các tiềm năng của huyện.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp huyện phú lương tỉnh thái nguyên (Trang 51)