Để xây dựng một tổ chức biết học hỏi, các nhà quản lý phải xây dựng tổ chức với 5 yếu tố kỹ thuật (hay 5 kỹ năng) quan trọng sau đây:
1.3.3.1. Tư duy hệ thống
Tư duy hệ thống đòi hỏi khi xem xét, nghiên cứu, giải quyết vấn đề phải có quan điểm toàn thể, nghĩa là có căn cứ khoa học, hiệu quả và hiện thực.
Theo tư duy hệ thống thì một tổ chức được xem như một tổng thể bao gồm những phần tử phụ thuộc lẫn nhau. Trong tổ chức biết học hỏi, mỗi thành viên phải hiểu rõ tổ chức của mình hoạt động như thế nào, có được bức tranh tổng quát về tổ chức, hiểu được công việc của bản thân cũng như bộ phận công tác của mình. Nhờ đó, mỗi cá nhân hoạt động theo những phương hướng hỗ trợ cho sự phát triển, cho công việc của toàn bộ tổ chức.
1.3.3.2. Xây dựng được quan điểm, tầm nhìn
Tổ chức phải xây dựng được tầm nhìn chung, sự cam kết chung, một kế hoạch tổng thể mà mọi thành viên đều đồng thuận.
Sự hợp tác sáng tạo có tầm quan trọng đặc biệt trong tổ chức biết học hỏi vì tầm nhìn chung chỉ có thể được xây dựng trên ý tưởng của từng cá nhân, khi công việc xuất hiện từ tầm nhìn này không bị các thành viên trong tổ chức xem
là xa cách với cái tôi của họ. Khi có một tầm nhìn chung thì các thành viên sẽ vươn lên và học hỏi, không phải vì bắt buộc mà vì chính người ta muốn làm vậy. Việc xây dựng tầm nhìn chung bao gồm những kỹ năng khám phá ra "hình ảnh về tương lai" mà mọi người cùng chia sẻ, đưa người ta đến sự cam kết và tham gia tự giác thật sự chứ không phải chỉ là sự tuân thủ làm theo.
Khi người ta trao đổi với nhau thì tầm nhìn sẽ trở nên rõ ràng hơn. Khi tầm nhìn rõ ràng thì nhiệt tình để đạt lợi ích của tầm nhìn đó cũng sẽ tăng và sự cam kết sẽ lan truyền sang mọi thành viên trong tổ chức.
1.3.3.3. Các mô hình tinh thần có tính thách thức
Các mô hình tinh thần là những điều giả định, những điều khái quát hoá đã hình thành sâu sắc trong chúng ta, hoặc những hình ảnh có ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu về thế giới như thế nào và cách chúng ta hành động ra sao.
Yếu tố này về thực chất đề cập đến động lực của các giá trị và nguyên tắc cơ bản của tổ chức.
Mỗi mô hình tinh thần là một hệ quy chiếu nên mô hình tinh thần ảnh hưởng nhiều đến cách hành xử của chúng ta. Những người có cùng hệ quy chiếu thì có thể hiểu nhau. Nếu không cùng hệ quy chiếu thì cùng một sự vật, người này đánh giá là đúng, người kia đánh giá là sai.
Nếu các tổ chức muốn phát triển năng lực làm việc với những mô hình tinh thần có tính thách thức thì các thành viên cần học những kỹ năng mới và phát triển các hướng tư duy mới, làm việc để vượt khỏi khuôn khổ chính sách nội tại và luật lệ truyền thống đang khống chế tổ chức. Cần đặt câu hỏi về cách thức tư duy hiện tại, phát hiện ra những định kiến ngăn cản sự chấp nhận những hành vi tiến bộ.
1.3.3.4. Học hỏi theo đội, nhóm
Quy tắc học tập theo nhóm bao gồm hai hành động: đối thoại và thảo luận. Đặc điểm của đối thoại thể hiện bản chất thăm dò, còn đặc điểm của
thảo luận là quá trình thu hẹp phạm vi của lĩnh vực đang quan tâm để có được sự lựa chọn tốt nhất cho những quyết định cuối cùng. Hai hành động này bổ sung cho nhau. Việc học tập theo nhóm bắt đầu bằng sự đối thoại và suy nghĩ cùng nhau, nó cho phép phát hiện ra những kiến thức sâu mà từng cá nhân thì không thể đạt được.
Khi đối thoại được kết nối với tư duy hệ thống thì sẽ có khả năng tạo ra một ngôn ngữ phù hợp để xử lý những vấn đề phức tạp và có khả năng tập trung vào các vấn đề có cấu trúc sâu, hơn là bị phân tán bởi những vấn đề thuộc về nhân cách và phong cách lãnh đạo.
Việc học tập như vậy là quá trình cùng hợp lại với nhau và phát triển các kỹ năng của nhóm, nó có thể tạo ra những kết quả mà các thành viên thực sự mong muốn. Điều này có thể xây dựng trên việc làm chủ bản thân và tầm nhìn chung. Song chỉ như thế thì chưa đủ, người ta còn phải cùng nhau hành động. Mỗi thành viên làm việc hăng hái để giúp cho nhóm, đội thành công và làm việc tập thể để đạt tầm nhìn chung, mục tiêu chung. Khi các nhóm học tập cùng nhau thì không chỉ tổ chức có thể có những kết quả tốt mà từng thành viên cũng sẽ tiến bộ nhanh hơn.
1.3.3.5. Làm chủ bản thân
Trong tổ chức biết học hỏi, mỗi thành viên phải hiểu một cách sâu sắc công việc, con người và các quá trình mà họ chịu trách nhiệm. Họ phải gắn bó với công việc, không thờ ơ làm cho qua chuyện.
Làm chủ bản thân là sự luyện tập liên tục làm sáng tỏ và sâu sắc thêm tầm nhìn của cá nhân mình, tạo ra sự xung đột sáng tạo, giải quyết khoảng cách giữa tầm nhìn và thực tiễn, xác nhận những mâu thuẫn và bất cập về khả năng của bản thân để giải quyết chúng. Để làm chủ bản thân phải nhìn vào bối cảnh thực tế xem cái gì đã tốt? Ta cần làm cái gì? Mục tiêu của ta là gì? Ta có những khả năng gì?...
Những người có khả năng làm chủ bản thân cao sẽ sống theo cách luôn luôn học hỏi. Làm chủ bản thân là một quá trình, là sự rèn luyện suốt đời. Những người có trình độ làm chủ bản thân cao biết rất rõ họ yếu kém, bất lực hay có thế mạnh ở những lĩnh vực nào. Do đó họ trở nên rất tự chủ, tự tin.
1.4. Trung tâm GDTX và tập thể sƣ phạm của Trung tâm GDTX
1.4.1. Trung tâm GDTX
Trung tâm giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên của hệ thống giáo dục quốc dân. Trung tâm giáo dục thường xuyên bao gồm trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trung tâm giáo dục thường xuyên có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
1.4.2. Tập thể sư phạm Trung tâm GDTX
TTSP trong trường học là tổ chức của những người lao động sư phạm, đứng đầu là Giám đốc. TTSP liên kết các giáo viên, cán bộ, nhân viên thành một cộng đồng giáo dục có tổ chức có mục đích giáo dục thống nhất, có phương thức hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục của trung tâm.
Đội ngũ giáo viên là lực lượng chủ yếu, quan trọng nhất trong TTSP trung tâm, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong trung tâm, là người quyết định chất lượng đào tạo trong trung tâm.
Một trong những đặc điểm khác biệt của tập thể sư phạm với các tổ chức khác, đó là: các nhà chuyên môn chiếm tuyệt đại đa số trong các thành viên của tổ chức. Người giáo viên và người quản lý ở trường học đều được đào tạo và có những kinh nghiệm tương tự nhau. Với tư cách là những nhà chuyên môn, người giáo viên đòi hỏi có một mức độ tự chủ trong lớp học, họ có xu thế tìm kiếm các biện pháp kiểm soát môi trường làm việc của chính mình, họ không thể bị quản lý bằng những thứ bậc tôn ti quá cứng nhắc. Giáo viên phải tham gia vào quá trình ra quyết định của trường học, bởi lẽ sự cam kết của họ trong việc thực hiện các quyết định đó là rất quan trọng.
1.4.3. Xây dựng tập thể sư phạm
Theo từ điển tiếng Việt, xây dựng là làm nên công trình kiến trúc theo kế hoạch nhất định, hoặc làm cho hình thành một tổ chức hay một chỉnh thể xã hội, chính trị , kinh tế, văn hoá theo một phương thức nhất định, hoặc tạo ra, sáng tạo ra các giá trị tinh thần có ý nghĩa trừu tượng.
Như vậy, xây dựng tức là phải sáng tạo nên cái mới, có thể là bắt đầu từ số không hoặc trên nền cái đã có, nhằm thay đổi cả lượng và chất của sản phẩm. Muốn xây dựng phải có nguồn lực, bao gồm: con người, cơ sở vật chất, cơ chế chính sách, tài chính.
Xây dựng tập thể sư phạm là một khái niệm liên ngành tâm lý- xã hội- giáo dục- quản lý, phản ánh một hoạt động quản lý giáo dục - đó là hoạt động phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hình thành một tổ chức xã hội nhất định trên cơ sở thống nhất mục đích hoạt động của tổ chức là giảng dạy- giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ.
1.4.4. Những đặc điểm cơ bản của tập thể sư phạm Trung tâm GDTX
1.4.4.1. Đặc điểm về mục tiêu
Mục tiêu của TTSP hoàn toàn thống nhất với mục tiêu giáo dục của Trung tâm GDTX: "giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học tập, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội". Trong quá trình hoạt động thực hiện mục tiêu đó, TTSP trung tâm đảm bảo được sự thống nhất giữa nhu cầu lợi ích của từng thành viên với mục tiêu của tập thể và mục tiêu xã hội. Sự thống nhất và hài hoà ba lợi ích đó là điều kiện tiên quyết trong sự tồn tại và phát triển của tập thể. "Trong thực tiễn của TTSP, mỗi bước đi đều có sự đối chọi giữa mục tiêu cá nhân và mục đích tập thể và vấn đề hoà hợp các mục đích đó. Nếu trong một tập thể còn cảm thấy mâu thuẫn giữa mục đích chung
có nơi nào mục đích chung và mục đích riêng hoà hợp, nơi nào không có sự lạc điệu thì ở đấy tập thể là tập thể vững mạnh"(Makarencô)
1.4.4.2. Đặc điểm về cơ cấu tổ chức
TTSP trung tâm GDTX cấp tỉnh đa dạng về cơ cấu tổ chức, bao gồm: Các tổ chức hành chính, tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể.
a. Tổ chức hành chính trong trung tâm GDTX cấp tỉnh là các phòng chuyên môn, hội đồng giáo dục và các hội đồng khác.
* Giáo viên trong trung tâm GDTX được tổ chức thành tổ chuyên môn theo môn học hoặc nhóm môn học, mỗi tổ chuyên môn có một tổ trưởng và một hoặc hai tổ phó do Giám đốc chỉ định và giao nhiệm vụ. Tổ trưởng và tổ phó chuyên môn có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ, hướng dẫn xây dựng và quản lý kế hoạch của từng giáo viên trong tổ theo kế hoạch dạy học, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ của GV, đề xuất khen thưởng hoặc kỷ luật đối với những giáo viên có thành tích hoặc vi phạm kỷ luật. Tổ trưởng sử dụng các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ quản lý của mình * Các nhân viên hành chính, lưu trữ, kế toán, thủ quỹ, thư viện, thí nghiệm, y tế học đường, bảo vệ và phục vụ được tổ chức thành phòng Tổ chức - Hành chính có một Trưởng phòng do Giám đốc chỉ định. Nhiệm vụ của Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính là quản lý các thành viên trong tổ thực hiện các nhiệm vụ và chức năng của mình.
* Hội đồng giáo dục là tổ chức tư vấn cho Giám đốc trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm do Giám đốc thành lập vào đầu năm học. Hội đồng giáo dục bao gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc, Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch công đoàn giáo dục trung tâm, Bí thư đoàn TNCS HCM, các tổ trưởng chuyên môn, một số giáo viên có kinh nghiệm và Trưởng Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh.
* Các hội đồng khác như HĐ thi đua và khen thưởng, Hội đồng kỷ luật được thành lập và hoạt động theo quy định của Bộ GD& ĐT, làm tư vấn cho Giám đốc về công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật trong trung tâm.
Ngoài ra, do yêu cầu cụ thể của từng công việc, nhiệm vụ và thời điểm, Giám đốc có thể tổ chức các tổ chức khác như: Ban tổ chức lễ khai giảng, lễ bế giảng, Ban chỉ đạo đợt thi đua chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam ...
b. Đảng viên Đảng CSVN trong trung tâm GDTX được tổ chức thành chi bộ. Chi bộ Đảng lãnh đạo trung tâm và hoạt động theo điều lệ Đảng trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.
c. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ban nữ công là những tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật giáo dục, điều lệ trường phổ thông, điều lệ Công đoàn, điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh nhằm phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục (điều 55, 56, 57- Luật Giáo dục ).
Mỗi tổ chức, tập thể trong trung tâm GDTX đều có chức năng, nhiệm vụ cụ thể và có một sức mạnh riêng. Người quản lý có nhiệm vụ là khai thác các tiềm năng của từng tổ chức đó để tạo nên sức mạnh tổng hợp của TTSP.
1.4.4.3. Đặc điểm về lao động sư phạm
Con người là lực lượng sản xuất chủ yếu nên nghề dạy học- lao động sư phạm của người giáo viên có quan hệ chặt chẽ đến việc xây dựng lực lượng lao động dự trữ cho xã hội, đến việc tăng năng suất lao động. Người giáo viên phải tham gia vào vận mệnh tương lai của dân tộc. Việc làm đúng hay không đúng của người giáo viên sẽ góp phần đưa xã hội tiến lên hay cản trở xã hội.
Lao động của người giáo viên, lao động sư phạm là loại hình lao động đặc biệt, nó có những đặc điểm chung của lao động trí óc nhưng lại có những nét đặc thù riêng như sau:
* Đối tượng lao động của người giáo viên là con người, là thế hệ trẻ đang lớn lên cùng với nhân cách của nó. “Một hạt kim cương lớn nhất cũng không thể quý hơn một con người. Làm hư một con người là một tội lớn, một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được”, vì vậy đòi hỏi người thầy giáo phải lao động nghiêm túc, không được phép có phế phẩm. Đối tượng này rất nhạy cảm với những tác động của môi trường bên ngoài theo hướng tích cực và cả hướng ngược lại. Như vậy người giáo viên phải lựa chọn và gia công lại những tác động xã hội và tri thức loài người bằng lao động sư phạm của mình nhằm hình thành con người đáp ứng yêu cầu của xã hội. Đối tượng đó vừa là khách thể vừa là chủ thể của quá trình giáo dục.Tác động lên đối tượng đó không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả như nhau. Hiệu quả đó cũng không tỷ lệ thuận với số lần tác động. Do đó trong tay người giáo viên phải có vô số phương án để tác động đến đối tượng, không thể dập khuôn máy móc như lao động khác.
Bản thân đối tượng lao động đã quyết định tính đặc thù của lao động sư phạm. * Công cụ lao động sư phạm không chỉ có kiến thức. Đó mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ bởi vì trong xã hội ta ngày nay con người mới phải phát triển toàn diện chứ không chỉ có kiến thức đơn thuần. Công cụ chủ yếu của lao động sư phạm là người giáo viên với toàn bộ nhân cách của mình. Nhân cách đó bao gồm tâm hồn, tư tưởng, phong cách sống cũng như sinh hoạt của người giáo viên. Nếu người giáo viên thiếu nhân cách thì không thể giáo dục nhân cách cho học sinh.
* Thời gian lao động sư phạm không chỉ đảm bảo đúng quy trình trong chương trình đào tạo và chế độ lao động mà cần mang tính năng động, sáng