6. Cấu trúc luận văn
3.1.3 Phê bình xã hội học mác xít
Phê bình xã hội học là một phương pháp ngoại quan lấy cái xã hội như một nguyên nhân để giải thích văn học như một kết quả. Phương pháp này tìm hiểu, phân tích tác phẩm dựa trên tìm hiểu, phân tích, lí giải vấn đề, hiện
tượng xã hội hoặc liên quan tới xã hội ở mỗi thời đại nhất định. Nó cũng nghiên cứu sự tác động của văn học tới công chúng, độc giả.
Phê bình xã hội học có cội nguồn từ thời Aristote nhưng đến năm 1836 thì mới được A. Comte đặt tên. Sau đó H. Taine khẳng định mọi nhà văn đều ảnh hưởng các yếu tố như chủng tộc, môi trường xã hội, lịch sử thời đại, tâm – sinh lí nhà văn, yếu tố hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội. Từ đó tác động đến tình cảm, giá trị tác phẩm. Đây chính là mầm mống của phương pháp xã hội học hiện đại. Phê bình xã hội học vào Việt Nam là phê bình xã hội học mác xít.
Phê bình xã hội học vận dụng nguyên lý mác xít: Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, quyết định giai cấp luận, xem văn học là công cụ phục vụ chính trị, đấu tranh giai cấp, đấu tranh ý thức hệ, đối lập tư sản – vô sản, địch – ta, tập thể – cá nhân, văn học là tuyên truyền, quan hệ văn học với hiện thực là phản ảnh phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc tính Đảng, nhà văn là chiến sĩ, phê bình là vũ khí đấu tranh. Mục đích của phê bình là lấy cán bút làm đòn xoay chế độ, đánh giá tác phẩm theo nhu cầu, lợi hại đối với chế độ xã hội. Phê bình xã hội thích dùng bạo lực để đánh địch tạo thói quen quy chụp, suy diễn để quy đối tượng vào kẻ thù của chế độ.
Phê bình xã hội học phát triển ở Pháp nhưng phồn thịnh ở Nga. Ở Việt Nam, nó ra đời khi có khoa học thực chứng và dòng văn học tả chân năm 30 thế kỉ XX. Nó lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng soi chiếu, cắt nghĩa và đánh giá các hiện tượng văn học. Hải Triều nhà phê bình đầu tiên vận dụng phương pháp phê bình này vào nghiên cứu văn học trong cuộc tranh luận nghệ thuật 1935 – 1939 “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Với việc thông qua Kép Tư Bền – tập truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, nhà phê bình đã
trình bày quan niệm của mình về văn học và đặt viên gạch đầu tiên cho phương pháp phê bình mác xít.
Sau đó, Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa vận dụng trong một số công trình về Nguyễn Du, Truyện Kiều đặc biệt trong Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ. Năm 1945, đặc biệt là 1954, phê bình xã hội học mác xít đã trở thành khuynh hướng phổ biến và độc tôn ở miền Bắc và có ảnh hưởng đáng kể đến nhiều cây bút và công trình văn học sử ở miền Nam. Sau Nhân văn, phê bình xã hội học có hệ thống hơn, có lý luận chặt chẽ hơn nhất quán hơn. Nó coi văn học là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, chịu sự quy định của kinh tế như là hạ tầng cơ sở. Các nhà văn tiếp thu thêm lí luận văn hóa chính thống Liên Xô và Trung Quốc, phê bình xã hội học Việt Nam có hệ thống hơn, lí luận chặt chẽ và nhất quán hơn. Phương pháp này chú trọng đến phân tích giai cấp, đặc biệt là ở hiện tượng văn học quá khứ: Thơ mới, Tự lực văn đoàn. Nó đã phân chia văn học 1945 rõ ràng thành: văn học cách mạng của giai cấp vô sản, văn học hiện thực phê phán của tiểu tư sản lớp dưới, văn học lãng mạn của tiểu tư sản lớp trên và tư sản.
Từ 1986 trở đi, văn học là sản phẩm của văn hóa. Văn học có nhiệm vụ đánh giá, xếp hạng tác phẩm kinh điển của nền văn học, xây dựng hệ thống quy phạm của nó. Đồng thời, văn học đánh giá lại di sản văn hóa dân tộc theo quan điểm mác xít, khẳng định thành tựu, truyền thống đấu tranh đáng tự hào, phê phán tàn dư phong kiến, tư sản còn lại, tác hại trong đời sống tinh thần. Phê bình xã hội học có đóng góp vai trò trung tâm, chủ lực chính thống của nền văn học. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ quan tâm đến nội dung mà ít quan tâm đến hình thức, tác giả, phẩm chất, tính cách. Vì thế, sự đánh giá của nó còn phiến diện. Phê bình xã hội học không còn giữ vị trí độc tôn mà cùng tồn tại với những khuynh hướng khác và có thể giao thoa tiếp nhận một số yếu tố của
những phương pháp khác để mở rộng khả năng và hạn chế bớt nhược điểm của phê bình xã hội học.
Văn học Việt Nam hiện thực là nguyên nhân, kết quả của công việc mở rộng nội hàm khái niệm cái đẹp. Phê bình xã hội học ở Việt Nam trừu xuất mối quan hệ tác phẩm – hiện thực thành lí thuyết phản ảnh, đồng thời cụ thể hóa, hiện đại hóa chức năng văn dĩ tải đạo của văn học Nho giáo trước đó thành vai trò phục vụ của văn học. Nó ít chú ý đến cái cá nhân, riêng biệt mà chú ý đến cái điển hình có tính xã hội. Nó có khả năng giải thích quan hệ tương hỗ giữa tác phẩm – hiện thức bên ngoài chỉ ra sự đối thoại giữa tác giả
– thực tiễn. Nó đẩy nguyên tắc riêng thành nguyên tắc chung phổ quát, coi một bình diện của văn học thành hệ thống. Vì vậy, nó bỏ qua tính tượng trưng, tính thơ, tính nghệ thuật của tác phẩm – văn học. Vì thế, nó không đặt cho mình nhiệm vụ tìm hiểu hình thức của tác phẩm văn học.
Như vậy, chúng ta thấy phê bình xã hội học có ưu thế trong phát hiện phương diện xã hội, tư tưởng các hình tượng văn học nhưng bộc lộ hạn chế, giới hạn của nó. Nó bỏ qua hoặc xem nhẹ phương diện nghệ thuật của tác phẩm, không quan tâm đúng mức bình diện chủ quan và tính tích cực của chủ thể sáng tạo.
Phê bình xã hội học là phương pháp khách quan khoa học thuộc dòng ngoại quan, phát sinh học. Một mặt, nó lấy yếu tố kinh tế xã hội, tiểu sử tác giả như là cái đã biết để làm xuất phát điểm nghiên cứu và lí giải tác phẩm như là cái chưa biết, bất định. Mặt khác, thông qua nội dung tác phẩm, có thể hiểu rõ hiện trạng xã hội, con người tác giả. Nó có nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm là khi tuyệt đối hóa thì nó nghiêng về nghiên cứu xã hội được phản ánh trong tác phẩm hơn là bản thân tác phẩm, tác giả được nhìn nhận như con người giai cấp chứ không phải chủ thể sáng tạo. Như vậy, văn học không phải hiện tượng nghệ thuật, sự kiện thẩm mĩ mà
là tài liệu để tìm hiểu xã hội mà nhà văn sống. Vì thế, nhà phê bình thường chú ý tới cái điển hình, phổ biến để tạo nên phong cách riêng của nhà văn qua tác phẩm họ viết.
Là người đi sau nhưng nhà phê bình Nguyễn Bách Khoa lại là ngời thnhf công khi vận dụng phương pháp phê bình này. Công trình đầu tiên Chuyên khảo Nguyễn Du và Truyện Kiều(1941), nhà phê bình đã đề xuất phương pháp phê bình mới: đó là phê bình tìm hiểu cá tính nhà văn. Theo ông, cá tính là “thể cách riêng của một nhà văn. Nhờ cá tính mà mỗi người chúng ta có cảm xúc suy nghĩ, suy nghĩ, hành động một cách khác nhau, không ai giống ai” [33]. Đồng thời, ông nhận định cá tính là một “kiến trúc”
bao gồm nhiều yếu tố hóa hợp nhau, kết tinh lại bởi yếu tố sinh lí di truyền, địa lí tự nhiên và điều kiện xã hội. Nhà phê bình cho rằng: “Nghiên cứu một văn phẩm mà không tính đến cá tính nhà văn và hoàn cảnh xã hội đương thời với nhà văn phản chiếu trong tác phẩm ấy là không hiểu gì về nghệ thuật phê bình hết” [33]. Từ đó, chúng ta hiểu được cá tính Nguyễn Du là sự kết hợp giữa huyết thống họ Nguyễn với địa phương Nghệ Tĩnh, huyết thống học Trần và địa phương Bắc Ninh. Đó là sự kết tinh của lòng ham sống say sưa, khí phách hiên ngang không chịu khuất phục của giống nòi với mảnh đất của ái tình, tinh thần mẫu hệ. Đặc biệt Trương Tửu thành công hơn cả với công trình Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ. Đây làcông trình toàn bích khi vận dụng phê bình xã hội học mác xít vào nghiên cứu. Ông đã ảnh hưởng của lí thuyết nhân học, xã hội học H.Taine, tâm lý học của J.Piaget, lí thuyết xã hội học lịch sử của Plekhanov và phân tâm học của S.Freud và vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong nghiên cứu tác phẩm văn học. Ông đã tìm hiểu về thời đại nhà thơ sống với các tầng lớp xã hội như: nho sĩ – tầng lớp bị suy vong đến đầu Nguyễn thì mới phục hưng, phú thương, địa chủ. Đồng thời, ông cũng nghiên cứu số phận đẳng cấp sĩ phiệt Nho giáo. Đây là cơ sở nhà phê bình
giải thích vấn đề của hiện tượng Nguyễn Công Trứ: thái độ với cái nghèo, hành lạc, ngông và chí nam nhi. Nó phù hợp với cá tính và chí hướng của ông Đặc biệt bài thơ Hàn Nho phong vị phú, nhà phê bình nhận định tác phẩm không là sự thi vị hóa cuộc sống thiếu thốn, giễu nhại cái nghèo vốn quen thuộc với nhà nho để hiểu biết hết cái phong vị của nó. Tác phẩm có tinh thần chống phú hộ, phong vị chua chát, căm hận và buồn thảm ở bài phú.. Thông qua công trình, nhà phê bình hình thành nguyên tắc phương pháp luận: đời sống tinh thần con người là sản phẩm của đời sống sinh lý và xã hội, bản chất (sinh – tâm lý) con người thay đổi theo hoàn cảnh xã hội, con người sau khi bị xã hội quyết định ảnh hưởng trở lại xã hội nhưng sự ảnh hưởng vẫn bị những điều kiện xã hội quy định.
Có thể nói phương pháp xã hội học mác xít trong thời đại này đã phát huy tác dụng trong việc nghiên cứu, đánh giá tác phẩm văn học.
3.1.4 Phê bình tiểu sử học
Phê bình tiểu sử học hình thành nửa đầu thế kỉ XIX với tên tuổi Sainte – Beuve (1804 – 1869). Công trình tiêu biểu của ông như: Tổng quan lịch sử và phê bình thơ ca, sân khấu Pháp thế kỉ XVI (1826), Những chân dung phê bình văn học (1836 – 1839),… Ông cho rằng văn học gắn liền với bản tính của nhà văn, “toàn bộ lịch sử một nhà văn gắn với các tác phẩm của anh ta”. Vì vậy, khi tìm hiểu tác phẩm văn học các nhà phê bình phải tìm hiểu con người nhà văn về các yếu tố: dòng dõi, thân hữu, môi trường sống và sáng tác, quan điểm tư tưởng và nghệ thuật. Có thể thấy, sự ra đời của phê bình tiểu sử như để chống lại mĩ học của Aristote coi cái đẹp là sự mô phỏng tự nhiên, hiên thực, các trước tác mẫu mực. Sau đó, phê bình tiểu sử du nhập vào Việt Nam những năm 30 thế kỉ XX.
Phê bình tiểu sử là phương pháp lấy chủ thể nhà văn làm dữ liệu cắt nghĩa tác phẩm. Vì thế, phương pháp này mang tính khách quan. Nó có sự
khác biệt với phương pháp phê bình ấn tượng. Bởi lẽ, phê bình ấn tượng lấy chủ thể làm thước đo thẩm định tác phẩm nên nó mang tính chủ quan. Nhà văn ở đây được hiểu là một con người cụ thể, cái tôi sống động, hấp dẫn. Nhà phê bình lấy con người đó làm hứng thú nghiên cứu trực tiếp soi vào tác phẩm tìm thấy mối thống nhất giữa văn và người, từ đó khắc họa chân dung tư tưởng nhà văn trong thế giới nghệ thuật của họ, lấy cuộc đời cắt nghĩa tác phẩm. Có thể nói, phương pháp này đã xây dựng chân dung nhà văn thông qua khắc họa vài nét chấm phá do trực tiếp quan sát, nghe nói lại hoặc khám phá hệ chủ đề tác giả thể hiện thành hệ thống hình tượng.
Trong hệ thống văn học, tác giả – tác phẩm – người đọc, phê bình tiểu sử chú trọng đến mối quan hệ tác giả – tác phẩm, coi tác giả là yếu tố quy định tác phẩm theo nguyên lí nhân quả, vị trí tác phẩm rơi xuống hàng thứ hai. Phê bình tiểu sử coi trọng các tính nhà văn, giá trị thẩm mĩ tác phẩm.
Phương pháp này dựa vào môi trường xã hội trước hết là gia đình, bạn bè để xác định con người nhà văn với tư cách là một tác giả của tác phẩm. Vì thế, con người nhà văn chủ yếu là con người xã hội, con người hữu thức. Phê bình tiểu sử học chú ý đến con người trưởng thành, gia đình hữu thức, xã hội của con người trong khi đó, phê bình phân tâm học chú ý tới giai đoạn ấu thời của con người. Tuy nhiên, phê bình tiểu sử học chưa phân biệt được con người đó với con người sáng tạo tức tác giả tiểu sử và tác giả – chủ thể nhận thức được hiện thân thành văn bản. Đúng như Sainte – Beuve, người sáng lập ra phê bình tiểu sử đã chỉ ra rằng để tìm hiểu một tác giả phải tìm hiểu: người thân của nhà thơ, những người có quan hệ máu mủ như cha mẹ, ông bà, anh chị em, bạn bè thời đi học, trưởng thành đi làm, thầy giáo, người yêu, vợ, bệnh tật, tôn giáo… Phê bình tiểu sử học chỉ chú ý tới con người xã hội, hữu thức nên nó thu hẹp kích thước tác phẩm văn chương. Mỗi tác phẩm văn học có hai phần: chủ ý của tác giả và không chủ ý của tác phẩm. Phần không chủ
ý là sáng tạo vô thức của nhà văn. Phê bình tiểu sử chỉ kiểm soát được phần nổi của tác phẩm. Vì thế, muốn hiểu phần chìm, nó phải sử dụng đến phương pháp phân tâm học.
Tuy ảnh hưởng của tinh thần khoa học phương Tây nhưng phê bình tiểu sử Việt Nam có nguồn gốc ở phê điểm trung đại. Văn học truyền thống với quan niệm thi văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí nên các nhà nghiên cứu phải chú ý tới tiểu sử nhà văn để hiểu tác phẩm. Coi con người là sản phẩm của giáo dục, là sản phẩm của Nho giáo nên họ quan tâm quan hệ làm nên tác giả: quan hệ với gia đình, làng xóm, bạn bè… Từ đó, các yếu tố thân thế, tiểu truyện, tự ngôn, giai thoại ở phê điểm trung đại trở thành bộ phận hữu cơ của phê bình tiểu sử học. Nó quan tâm đến tác giả trước rồi mới đến tác phẩm. Tác giả là một con người cụ thể, có tiểu sử độc đáo, mỗi sự kiện trong cuộc đời đều ảnh hưởng tới sáng tạo nhà văn, là ccon người có tư tưởng, tình cảm đặc biệt. Bên cạnh thành tựu, phê bình tiểu sử học có những hạn chế riêng. Đó là lấy yếu tố đã biết – tác giả để tìm hiểu yếu tố chưa biết, phê bình gặp nhiều khó khăn là cái tưởng chừng như đã nắm được nhiều khi lại là cái chưa nắm được bởi tư liệu về tác giả cũng khó chính xác. Kể cả khi chính xác thì cách lí giải của mỗi người cũng khác nhau. Điều này có thể dẫn tới tình trạng phê bình từ khách quan khoa học sang phê bình chủ quan ấn tượng. Hai là, quy luật nhân quả chưa chắc đã chính xác. Với những nhà văn, việc tìm những sự kiện tiểu sử ảnh hưởng đến tác phẩm không dễ dàng. Vì thế, phê bình tiểu sử quy tất cả các nguyên nhân vào nguyên nhân duy nhất vào tâm lí tác giả. Đó là tâm lí bất biến nằm ngoài không gian, thời gian chi phối sát sườn tác phẩm. Phê bình tiểu sử không biết tâm lí con người rất dễ thay đổi theo thời đại,môi trường địa lí và theo khí chất đặc trưng cho mỗi người. Điều đó dẫn tới việc nảy sinh phương pháp mới là phê bình văn hóa – lịch sử.