Đội ngũ phê bình thiếu chuyên nghiệp

Một phần của tài liệu Phê bình văn học thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay (LV01394) (Trang 71)

6. Cấu trúc luận văn

2.4.1 Đội ngũ phê bình thiếu chuyên nghiệp

Đội ngũ phê bình ở nước ta hiện nay đông đảo nhưng vẫn thiếu chuyên nghiệp. Sự thiếu hụt những người phê bình văn nghệ chuyên nghiệp chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự rối loạn, tụt hậu trong việc đánh giá, thẩm định các tác phẩm văn học, nghệ thuật.Lực lượng đã ít, mặt khác, ít viết,ngại đọc, sợ va chạm, muốn yên thân và sợ ảnh hưởng tới uy tín cá nhân là tâm lý chung của những người làm phê bình. Nó tạo ra một không khí tẻ nhạt, nhàm chán trong lĩnh vực phê bình. Các nhà phê bình bằng lòng với những giá trị trung bình đang làm cho sáng tác văn học ít có khả năng vươn đến những đột biến [101]. Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh cũng chỉ ra tình trạng né tránh của phê bình văn học: “Công tác lí luận phê bình văn học nghệ thuật những năm qua tuy có cố gắng nhưng bất cập chưa

phát huy vai trò thẩm định tác phẩm, hướng dẫn dư luận. Tình trạng né tránh, ngại đụng chạm, giữ thái độ trung dung trong lí luận phê bình văn học nghệ thuật còn phổ biến”(Báo Nhân dân, 2002) [102].

Những người làm phê bình có tài có tâm trước đây bây giờ chuyển sang những lĩnh vực khác như khảo cứu, dịch thuật, làm sách tư liệu, viết về các vấn đề văn hóa… Lớp nhà phê bình trẻ từ các viện nghiên cứu, các trường đại học ra đời tự phát và công việc chính của họ không phải là phê bình. Họ coi công việc phê bình là nghề tay trái. PGS.TS Trần thanh Hiệp (Giảng viên Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội) cho biết: “Số lượng thí sinh thi vào chuyên ngành lí luận phê bình văn học nghệ thuật nói chung càng ngày càng ít đi, thậm chí năm 2013 chúng ta không có nguồn thí sinh để tuyển cho chuyên ngành này… Thực tế nhiều nhà lí luận phê bình không sống bằng nghề này. Đây chỉ được xem là nghề phụ, là đam mê khác của họ bên cạnh nghề nghiệp mà họ đang làm (Để nền lí luận phê bình đồng hành cùng sáng tạo văn học nghệ thuật, 26/ 12/ 2013). Vì thế, đội ngũ phê bình này còn mang tính nghiệp dư. Giáo sư La khắc Hòa: “Nhìn vào đội ngũ những người cầm bút với thay đổi thăng trầm của nó, tôi có cảm giác hình như nền phê bình văn học của chúng ta ngày càng phát triển theo hướng nghiệp dư” [44]. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay phê bình báo chí đang phát triển khá mạnh. Các nhà phê bình làm việc trong các tờ báo, tạp chí tuy nhanh nhạy, nắm bắt dư luận song còn thiếu kiến thức chuyên môn. Hơn nữa, các nhà phê bình chủ yếu viết theo cảm tính, chủ quan.

Trong thực tế, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy đội ngũ phê bình xuất hiện sự lúng túng trong tư duy lí luận về văn nghệ. Nhiều nhà phê bình không xác định cho mình cơ sở lí luận để thẩm định, đánh giá từ đó dẫn tình trạng nhiều bài còn mơ hồ về chuẩn mực chính trị xã hội và thẩm mĩ.

Như vậy, thiếu đội ngũ phê bình chuyên nghiệp sẽ làm cho phê bình khó định hướng dư luận, định hướng sáng tác.

2.4.2 Thực trạng yếu kém của phê bình văn học thời kì đổi mới

Theo giáo sư Trần Đình Sử nhận định thì phê bình thời kì này thiếu tính nhân văn, dân chủ. Điều đó được biểu hiện ở việc phê bình thời gian qua phê phán nhiều, sáng tạo ít, công kích nhiều, thừa nhận ít, thù hận nhiều, khoan dung ít. Nhìn vào thực tế phê bình trước đổi mới, chúng ta thấy đã xuất hiện những cuộc tranh luận phê phán phong trào Thơ mới, Tự lực văn đoàn, Nhân văn giai phẩm, chủ nghĩa xét lại hiện đại,… diễn ra gay gắt. Hầu hết cuộc thảo luận ấy mang tính quy chụp, áp đặt một cách hiểu duy nhất, tổ chức cuộc tranh luận có tính đấu tố, quy chụp tác giả cũng như tác phẩm văn học một cách thiên kiến khiến cho nó lâm vào bi kịch, chịu số phận hẩm hiu. Những giá trị tích cực của tác phẩm, những đóng góp của tác giả đối với nền văn học nước nhà chưa được thừa nhận và nếu được thừa nhận thì cũng chưa toàn diện. Bên cạnh đó, những giá trị mới cũng chưa được phát hiện, lí giải. Những giá trị tiêu cực chưa được ngăn chặn kịp thời và còn ảnh hưởng xấu trong đời sống sáng tác. Những công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du – Phan Ngọc, công trình Nghiên cứu Nho giáo – Trần Đình Hượu, Phê phán chủ nghĩa xét lại hiện đại – Hoàng Xuân Nhị, Phê phán chủ nghĩa hiện sinh – Đỗ Đức Hiểu đều bị quy chụp nên thành tựu đóng góp của nó không được công nhận. Vì thế, Trần Đình Sử đã kêu gọi: “đã đến lúc lấy tinh thần đối thoại mà xây dựng tinh thần nhân văn, học đối thoại để nuôi lấy tinh thần nhân văn có như thế nước ta mới có ngày được phát triển phong phú thực sự” [91].

Hơn nữa, những hiện tượng né tránh, ngại đụng chạm, giữ thái độ trung dung, khen chê một chiều theo chủ quan, cảm tính kiểu “cánh hẩu” phổ biến trong phê bình. Trong các cuộc tranh luận, chúng ta chưa tạo được không khí dân chủ, bình đẳng mang tính xây dựng, tính chiến đấu cao về nhiều vấn đề

của văn hóa nghệ thuật đã và đang phát sinh cần được giải quyết kịp thời, đúng đắn. Các nhà phê bình ngại lên tiếng, ngại bày tỏ thái độ của mình với tác phẩm văn học, với công trình nghiên cứu có vấn đề, mặc cho dư luận khen, chê tùy hứng, áp đặt. Vì thế, phê bình chưa có tính chiến đấu cao và cần cổ vũ khuyến khích tiếng nói phê bình thẳng thắn, trung thực, khách quan và trong sáng của quần chúng nhân dân với tác giả, tác phẩm cụ thể.

Trong khi đó, thực tiễn sáng tác văn học và phê bình thời gian qua đã có nhiều vấn đề bức xúc cần quan tâm, tranh luận nghiêm chỉnh, khoa học, đề xuất biện pháp giải quyết hiệu quả nhưng lại xuất hiện khuynh hướng lệch lạc về quan điểm xem xét lịch sử, đánh giá thành tựu cách mạng, kháng chiến, nhìn thấy xã hội toàn tiêu cực. Đáng ra phê bình phải lên tiếng kịp thời song lại im hơi lặng tiếng, không dám nói thẳng. Một số nhân danh nhà nọ nhà kia rao bán hộ thơ văn làm rối loạn thị hiếu thẩm mĩ độc giả. Nguyễn Hòa, báo Nhân dân 16752, 28/5/2001 nhận định: “Một vài cây bút phê bình tự lĩnh lấy trách nhiệm phải đỡ đầu cho cái mới và trong trạng thái bốc đồng đã tung hô một cách quá đà đối với sáng tác vốn tồn tại một cách gần như vô danh bên lề đời sống văn chương…” [102].

Bên cạnh đó,chúng ta đang ở trong một thời điểm mà sự tác động của cơ chế thị trường đang đến mức dữ dội chưa từng thấy, mặt trái của cơ chế thị trường và sự khó khăn về kinh tế đã kéo theo những suy thoái nghiêm trọng trên nhiều phương diện của đời sống. Nền tảng đạo đức có nguy cơ lung lay, những giá trị truyền thống và nhân văn có nguy cơ mai một, niềm tin bị thử thách mãnh liệt, sự phân tầng xã hội ngày càng rõ rệt, những hệ giá trị có nguy cơ bị đảo lộn, những tệ nạn xã hội chưa có hồi kết… Tất cả những biểu hiện tiêu cực đó diễn ra trong toàn bộ mọi lĩnh vực đời sống xã hội đã tác động to lớn đến văn học. Trong khi đó, văn học vừa có sứ mệnh chiếm lĩnh,

nhận thức, cải tạo mọi phương diện đời sống. Vì thế, văn học cũng đang có những cố gắng tìm cách để vượt lên.

Như một quy luật tất yếu, hiện thực đời sống càng phức tạp, càng kích thích sự sáng tạo của nhà văn. Bên cạnh đó, sự thay đổi điểm nhìn nghệ thuật hình thành từ sau Đổi mới đang bắt rễ sâu sắc trong đời sống văn nghệ hiện tại thể hiện trong việc chiếm lĩnh hiện thực, áp sát cuộc sống, đi sâu vào cái đời thường thế sự, phát hiện vấn đề ngay trong bản thân mình, người bên cạnh mình, những con người cùng với những điều đang ngổn ngang bề bộn hôm nay, đặc biệt là đi sâu vào những biểu hiện của cái cá thể, phát hiện trong con người bình thường những nét tích cực và tiêu cực, lương tâm và vô lương tâm, nhân tính và phi nhân tính, những dấu hiệu của sự phân hóa của con người trong xã hội hiện tại với tư cách là nhân vật của văn học. Về thủ pháp nghệ thuật, bước đầu trong một số tác phẩm đã có dấu hiệu của đa giọng điệu, đa thanh, nhiều lớp nghĩa; có sự hiện diện của bút pháp giễu nhại, huyền ảo, có sự mờ hóa mang ý nghĩa nghệ thuật, đã có những biểu hiện của lối viết hậu hiện đại giễu nhại, phân mảnh, gián đoạn, dòng ý thức…) [66]. Đã có sự thay đổi trong diễn ngôn nghệ thuật: linh hoạt hơn, mờ đục hơn, trần trụi hơn, trần tục hơn, suồng sã hơn, đời hơn… [66].

Bên cạnh đó, các lí thuyết phê bình hiện đại ở phương Tây cũng đã được dịch giới thiệu và vận dụng rộng rãi ở nước ta. Vì thế, phê bình xuất hiện các phương pháp phê bình mới (như thi pháp học Nga, chủ nghĩa hình thức Nga, phê bình mới, cấu trúc luận, ký hiệu học, phân tâm học…) đã được ít nhiều vận dụng để giải mã những đóng góp nghệ thuật của sáng tác văn học. Tuy nhiên, nhìn chung việc dịch, giới thiệu và vận dụng còn sơ sài, chưa có hệ thống và chưa đạt được nhiều thành tựu đang kể ngoại trừ thi pháp học. Bên cạnh đó, sách lí luận văn học đã có nhưng chủ yếu là những tư tưởng, quan niệm cũ chưa được đổi mới, chưa được cập nhật lí luận văn học hiện đại

thế giới. Sự thiếu hụt về lí luận văn học đã tác động không nhỏ đến phê bình văn học.

Phê bình dường như đứng ngoài cuộc cho nên không bao quát được tình hình sáng tác đang có nhiều thay đổi. Thiếu những công trình nhìn nhận kịp thời cái đang diễn ra của đời sống văn học, từ đó thiếu những nhận định khoa học về một thực tiễn xã hội đang biến đổi từng ngày. Cái tích cực chưa được khẳng định mạnh mẽ, cái tiêu cực ngăn ngừa kịp thời. Mặt khác, phê bình đôi khi tỏ ra lúng túng trước cái mới. Từ việc không bao quát được hết thực tế sáng tác, đến lúng túng và ngộ nhận trước những biểu hiện khác biệt của thực tế sáng tác văn học, phê bình chưa thật sự đáng tin cậy. Có thể thấy, phê bình đứng ngoài cuộc sự vận động của văn học. Đúng như nhà phê bình Dương Trọng Dật nhận định: “Trong khi sáng tác hăng hái xông vào vùng đất mới, thể nghiệm sáng tạo thì phê bình tỏ ra thờ ơ với những điểm nóng sáng tác đa chiều, đa sắc của văn học. Phê bình có vẻ không mặn mà với những vấn đề mới mẻ mà phong trào sáng tác đã đặt ra, nhiều vấn đề gai góc, hóc búa của sáng tác không đề cập. Một số lệch lạc về tư tưởng không phù hợp với thuần phong mĩ tục của dân tộc chưa được mạnh dạn mổ xẻ phân tích. Những thể nghiệm nghệ thuật chưa được xem xét một cách khoa học và từ đó cổ vũ đúng mức” [18]. Nhà phê bình Phan Trọng Thưởng cũng nhận định: “Hình như giữa hoạt động phê bình và thực tiễn sáng tác chưa đạt sự tương thích cần có. Trước những hiện tượng mới xuất hiện không chỉ thiếu vắng những cây bút phê bình mới mà còn thiếu vắng cả kĩ năng, phẩm cấp và bản lĩnh phê bình. Không khí phê bình ảm đạm là do thực tiễn sáng tác thiếu các yếu tố kích thích, mời gọi thậm chí thách đố phê bình. Ngay cả các giải thưởng phê bình cũng không tạo được hấp dẫn… Sự lúng túng của phê bình thể hiện ở việc phát hiện, thẩm định, đánh giá các giá trị văn học, ở khả năng hướng dẫn thị hiếu thẩm mĩ cho công chúng” [22].

Như chúng ta đã biết, phê bình văn học có vai trò định hướng thẩm mĩ, định hướng dư luận và sáng tác, đồng thời phát hiện, khẳng định các giá trị tiêu biểu của văn trong từng thời kì khác nhau. Nhưng trong đời sống phê bình của chúng ta hiện nay đã xuất hiện nhiều sự kiện, hiện tượng thiếu lành mạnh. Đời sống văn học phát triển mạnh mẽ với nhiều xu hướng, nhiều hiện tượng mới xuất hiện. Phê bình lại tỏ ra lúng túng trước các hiện tượng mới ấy. Các bài phê bình không xác định rõ chuẩn mực khách quan, khoa học, vô tư đánh giá, khen – chê tùy hứng. Những biểu hiện chủ quan tùy tiện, cảm tính trong phê bình xuất hiện. Điều đó khiến cho công chúng phê bình mất niềm tin vào các nhà phê bình. Cả người đọc và người phê bình có vẻ như đang quay lưng với phê bình. Như vậy, phê bình đã không làm tròn bổn phận của mình đối với đời sống văn nghệ đó là thẩm định, định hướng dư luận và sáng tác.

Nhìn chung, nền phê bình văn học của ta còn phức tạp. Sự phức tạp trong hoạt động phê bình nước ta thể hiện ở các tiêu chí đánh giá, các chuẩn mực văn học còn chưa thống nhất thậm chí còn mâu thuẫn, đối lập nhau khiến cho nhà phê bình bối rối. Trong bối cảnh đổi mới, đất nước văn học nước ta đa dạng và phong phú trong quá trình sáng tác. Nhiều khuynh hướng, trường phái văn học phương du nhập vào làm cho văn học luôn vận động và có sự phân hóa về tư tưởng. Đồng thời, sau đổi mới, tâm lí xã hội có sự chuyển biến rõ nét: các hiện tượng tiêu cực trong nhiều lĩnh vực xuất hiện đặc biệt là lĩnh vực văn hóa phê bình. Điều đó đã tác động lớn tới tâm lí chung và niềm tin của công chúng với hoạt động phê bình. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lại ra sức phá hoại nền tảng tinh thần của ta bằng nhiều cách. Vì thế, khi một tác phẩm xuất hiện, độc giả tiếp nhận theo những cách thức khác nhau tùy theo quan điểm, thái độ chính trị. Hơn thế, ở nước ta cái mới có giá trị đích thực và cái lai căng thì chưa có sự phân biệt rõ ràng. đó làm xuất hiện tình trạng

những cá nhân tự đề cao tên tuổi của mình. Một số nhà phê bình cũng đề cao những thứ văn hóa lai tạp đó do thiếu trình độ,…

Xuất hiện các khuynh hướng phê bình tiêu cực như:

- Phê bình chủ quan, võ đoán, độc tôn, đao to búa lớn, lăm lăm quy chụp nặng nề về tư tưởng – chính trị, thổi phồng cái được gọi là cách tân hình thức nghệ thuật.

- Phê bình cơ hội, tùy thời hay mị người đọc dễ dãi để khuyến khích tác phẩm nhạt nhẽo, kéo thị hiếu thẩm mĩ của độc giả giảm xuống.

- Phê bình tầm phào, kể lể tràng giang đại hải, ăn xổi ở thì thiện cận, ba phải và nhàm chán.

- Phê bình vị kỉ, cánh hẩu, chiều nịnh không nhằm vào tác phẩm mà cả tin theo tác giả, căn cứ vào vị trí và mối quan hệ của họ, tin vào tuyên bố, giải thích của tác giả về ý đồ nghệ thuật, dụng tâm sử dụng các thủ pháp nghệ thuật để nhận định, khen – chê này nọ.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện trên tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam đã khẳng định hiện tượng này: “Vẫn tồn tại lối phê bình đao to búa lớn, quy chụp động cơ chính trị nặng nề với tác giả, độc tôn một kiểu sáng tác, một kiểu tư duy nghệ thuật làm chuẩn mực cao nhất. Bên cạnh đó, phê bình nói ngược, lợi dụng dân chủ, nhân danh khuyến khích sự tìm tòi cái mới, cổ động cho lối sáng tác tuyên truyền tư tưởng lệch lạc. Hay nói cách khác nhiều ngời làm phê bình đã thực hiện công việc này theo những cách thức ít nhiều cảm tính hơn là tiến hành thao tác khoa học dựa trên nền tảng của lí luận”.

2.5. Nguyên nhân của thực trạng phê bình văn học từ năm 1986 đến nay

Một phần của tài liệu Phê bình văn học thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay (LV01394) (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)