6. Cấu trúc luận văn
2.2.1 Nhận thức lại các giá trịvăn học
Sự đổi mới tư duy phê bình được thể hiện trước hết qua việc nhận thức lại giá trị văn học thời kì trước như Thơ mới, Tự lực văn đoàn, Nhân văn giai phẩm, văn học đô thị miền Nam trước 1975, văn học miền Bắc những năm 60
thế kỉ XX. Các tác phẩm trong những phong trào này trước đây đều bị phê phán và phủ nhận sạch trơn các thành tựu, đóng góp vì đã đề cập đến những cái mới, vì đã động đến chính trị.
Về Thơ mới: Năm 1992, Viện văn học đã tổ chức cuộc hội thảo về phong trào thơ Mới. Hội thảo đã thu hút được giới phê bình, nghiên cứu cả nước. Thơ mới thời kì trước đã được nhiều nhà phê bình đem ra tranh luận. Thơ mới là phong trào ra đời năm 1932 với nhiều tên tuổi lớn như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử,… Song số phận của phong trào này khá thăng trầm bởi sự đánh giá trái ngược nhau của các nhà phê bình cũng như của công chúng qua từng thời kì lịch sử. Người đầu tiên chịu sự đánh giá công kích chính là Tản Đà –
Thề non nước. Phan Khôi cho rằng Tản Đà là nhà thơ cản trở sự phát triển của thơ Mới với tư tưởng của mình. Những sáng tác của Tản Đà được coi là sáng tác của phong trào thơ cũ và không còn phù hợp với tinh thần thời đại. Nhưng sau đó, nhà phê bình Hoài Thanh đã khẳng định lại thành công đóng góp của thơ Tản Đà. Ông nhận định Tản Đà là chiếc cầu nối giữa hai thế kỉ, giữa hai phong trào thơ cũ và mới. Những sáng tác của nhà thơ ít nhiều có những dấu hiệu đổi mới cách tân về tư tưởng, nghệ thuật thúc đẩy cho thơ Mới hình thành và phát triển. Sau đó, thơ mới lại tiếp tục bị tấn công. Mặc dù thơ Mới có một số đóng góp về một số phương diện như thể cách, ngôn ngữ, phẩm chất cách tân theo hướng hiện đại đã được khẳng định song những hạn chế của nó bị lên án [109]. Đó là thơ Mới đề cao cái tôi cá nhân quá mức, cái tôi ấy luôn chìm đắm trong tình yêu gắn với xác thịt, thái độ con người thời đại này “thờ ơ, trốn tránh thực tại” cuộc sống, mong muốn thoát li đến “chốn bồng lai tiên cảnh” – nơi không có nỗi buồn đau, nơi chỉ có niềm vui, hạnh phúc và những cảnh đẹp tuyệt vời. Trong thời đại mới đất nước đang đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, con người trong thời đại này phải dũng cảm và sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, thực tại, sẵn sàng hi sinh vì độc
lập dân tộc thì thơ Mới không còn giá trị cũng như không còn phù hợp thực tiễn lịch sử. Lúc này, các nhà thơ mới cũng đã chuyển sang sáng tác phục vụ cách mạng. Thậm chí một số nhà thơ mới còn tuyên bố li khai với sáng tác của mình. Có lẽ vì thế, Thơ mới bị coi là “một thứ tàn dư văn học cũ, văn học lảng tránh hiện thực, đề cao cái tôi cá nhân, trốn vào tháp ngà nghệ thuật”
trong một thời gian dài. Thơ Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Sanh,… bị coi là thơ bí hiểm, bế tắc. Thơ Hàn Mặc Tử là thơ tượng trưng siêu thực. Những giá trị tích cực của nó dần bị con người lãng quên. Trong khi cái tiêu cực lại ngày càng tỏ ra ám ảnh đến nỗi hiện tượng thi ca lớn của thế kỉ chỉ còn là một quá khứ văn học ít giá trị, chỉ được lưu giữ trong kí ức của một số ít người [109]. Nhưng đến thế kỉ XX, đặc biệt sau chiến tranh chống Mĩ kết thúc thắng lợi, thơ mới lại được đánh giá lại khách quan, khoa học hơn. Thơ mới trước đó chỉ được đọc cho vui, đọc trộm, không công khai nhưng nay giá trị của nó được khôi phục. Thơ mới được in ra công khai và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Những ý kiến sai lệch, cực đoan về thơ mới đã được điều chỉnh. Một số nhà thơ trước đây xa lánh thơ mới, nay lại công khai thừa nhận vinh quang của mình và công khai thừa nhận ảnh hưởng của thơ Mới với đời sống con người. Nhà phê bình Hoài Thanh được coi như nhà phê bình của mọi thời đại, còn Thi nhân Việt Nam của ông giữ vị trí độc tôn. Nguyễn Đình Chú đã khẳng định: “Thi nhân Việt Nam là một kiệt tác phê bình thơ tính đến nay có thể nói là vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam mà xem ra trên thế giới không dễ gì có nhiều” [32]. Công trình đánh giá thơ Mới sau 1986 tiêu biểu: Nhìn lại cuộc cách mạng thơ ca (Hà Minh Đức và Huy Cận biên soạn).
Về Tự lực văn đoàn:Năm 1989, hội thảo về Tự lực văn đoàn do khoa văn trường Đại học tổng hợp tổ chức. Trước đổi mới, Trương Chính coi Tự lực văn đoàn là “thứ văn chương đồi trụy, phản động thậm chí còn bị cho là sách cấm”
[ 31]. Cũng giống như thơ mới, Tự lực văn đoàn là văn học lảng tránh hiện thực, đề cao cái tôi cá nhân, trốn vào tháp ngà nghệ thuật [108]. Các giá trị tích cực của Tự lực văn đoàn và văn chương lãng mạn những năm 30 thế kỉ XX về cả nội dung và nghệ thuật chưa được đánh giá đầy đủ nhưng cái hạn chế, tiêu cực lại bị nhấn mạnh quá mức, thậm chí bị cường điệu hóa làm lu mờ giá trị văn học khách quan của nhiều tác phẩm. Vì thế, các tác giả tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn đều bị các nhà phê bình phê phán, phủ định những đóng góp của nó vào nền văn học nước nhà. Tiêu biểu những đóng góp của Nhất Linh bị bác bỏ. Nhà phê bình Vũ Đức Phúc cho rằng ở Nhất Linh “chỉ có những tư tưởng viển vông về chủ nghĩa anh hùng cá nhân và một sự hành lạc ích kỉ… Những tác phẩm của Nhất Linh từ năm 1937 trở đi đều dở cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật” [31]. Nhưng đến thời kì đổi mới, phong trào này mới được nhìn nhận đánh giá lại khách quan khoa học hơn. Nhà phê bình Trương Chính đã viết: “Ngày nay trong phong trào đổi mới tư duy, chúng ta thử nhìn lại xem trong những điều viết về họ đã thật thở đáng chưa? Lịch sử sang trang rồi. Sau bao nhiêu năm đấu tranh gian khổ, chịu đủ mọi thứ hi sinh, chúng ta mới giành được độc lập hoàn toàn. Những nhà văn trong Tự lực văn đoàn phần lớn đã là người thiên cổ . “Cái quan định luận”
chúng ta có thể trầm tĩnh hơn, không để một tình cảm nào kích thích làm cho cán cân trở nên tròng trành, nặng mặt này nhẹ mặt kia, dù muốn công bằng, khách quan cũng không công bằng, khách quan được” ( tạp chí Văn học số 4, 1988) [109]. Bên cạnh đó, nhà thơ Tú Mỡ – thành viên còn lại của Tự lực văn đoàn: “Ôi! Tự lực văn đoàn! Nay đã thuộc về dĩ vãng. Nhiều anh đã là người thiên cổ… Kể về công, anh em thực hiện được mục đích của đoàn, điều chính là làm giàu thêm văn sản trong nước; đã đóng góp đáng kể vào văn học Việt Nam, tạo cho đoàn một tiếng tăm vang dội một thời, một thánh tích mà các văn đoàn khác ra đời sau không đạt được, một chân giá trị riêng trong
một giai đoạn nhất định mà giới văn học ngày nay và ngày mai phải công nhận” (Tạp chí văn học số 7, 1988) [108].
Có thể nói, cho đến nay, những ngộ nhận, định kiến về hai phong trào này đã được giải tỏa. Những đóng góp của chúng cho văn học nước nhà đã được nhà phê bình thời kì này đánh giá lại một cách toàn diện và chính xác hơn và được ghi nhận. Các sách Tổng tập về Thơ mới và Tự lực văn đoàn đã được xuất bản, những nhà văn bị kì thị như Nhất Linh đã được tìm hiểu, nghiên cứu trong nhà trường. Đỗ Lai Thúy, Đỗ Đức Hiểu,… là những nhà phê bình đã nghiên cứu về hai phong trào này. Nhà phê bình Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định vai trò của phong trào Tự Lực văn đoàn “phong trào quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại”. Dương Quảng Hàm cũng khẳng định thành tựu của Tự lực văn đoàn với xã hội và văn học nước ta: “ tạo ra phong trào thơ mới làm cho tiểu thuyết đắc thắng, làm cho văn quốc ngữ trở nên sáng sủa, bình dị khiến nhiều người thíchđọc” [96]. Huệ Chi cũng nhấn mạnh: “Trong lĩnh vực văn học đóng góp của Tự lực văn đoàn có vai trò đáng kể. Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học hiện đại thực sự hình thành và ghi được những thành tựu cơ bản nhất thông qua hoạt động của văn đoàn này. Phải bắt đầu từ đây, thơ và tiểu thuyết mới đi vào thế giới bên trong nhân vật, giúp người đọc khám phá trực diện vẻ đẹp của cái tôi và tạo ra cách đọc phản tỉnh tức là nhìn sâu vào cõi lòng mình. Về hình thức, tiểu thuyết của văn đoàn đã vượt ra khỏi phạm trù văn học giao thời, có cấu trúc mới mẻ, trong đó quy luật tâm lí thay cho lối trần thuật một giọng của người kể chuyện. Câu văn trong văn xuôi trở nên trong sáng, chuẩn mực, giàu khả năng biểu cảm tuy có lúc còn đơn điệu. Cùng với việc đào sâu tâm lý nhân vật, thiên nhiên cũng trở thành đối tượng thẩm mĩ”… [96]. Công trình tiêu biểu đánh giá về Tự lực văn đoàn được Hà Minh Đức tập hợp trong Tự lực văn đoàn, trào lưu và tác giả.
Không chỉ thế, một số hiện tượng văn học trong văn học đô thị miền Nam trước 1975, văn học miền Bắc đầu những năm 60 của thế kỉ XX, và đặc biệt là một số tác giả từng tham gia nhóm Nhân văn giai phẩm cũng được đánh giá, nhìn nhận lại với tinh thần cởi mở và thỏa đáng hơn. Trước đổi mới, phong trào Nhân văn giai phẩm bị coi là có nhân tố chính trị, phản động. Song cũng có ý kiến lại đề cao quá mức, coi đó là đỉnh cao của nền văn học mấy chục năm qua, các nhà văn trong phong trào là những chiến sĩ đấu tranh cho tự do, mở đường cho văn học hướng đến cách tân [74]. Các tác giả tham gia phong trào này cũng như các nhà nghiên cứu phê bình về phong trào này vì thế mà cũng chịu số phận lao đao. Nhưng từ năm 1990, khi tinh thần dân chủ, cởi mở và đổi mới về tư duy đã trở nên phổ biến trong đời sống xã hội và đời sống văn học thì các hiện thơ Lê Đạt, Trần Dần, các nghiên cứu Trần Đức Thảo, Trương Tửu cũng có bước đổi mới. Năm 2000, các văn nghệ sĩ thuộc phong trào này được tặng thưởng Hồ Chí Minh như Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Nguyễn Bính, Đào Duy Anh và Giải thưởng Nhà nước như Quang Dũng. Có thể nói, năm 2000 chính là một đấu mốc quan trọng đối với phong trào Nhân văn giai phẩm và các văn nghệ sĩ của phong trào này. Đến năm 2007, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán và Yến Lan cũng đã được khôi phục và tặng giải thưởng nhà nước. Hiện nay, các tác phẩm của các nhà thơ này đều được xuất bản công khai, được nghiên cứu đánh giá đúng mức. Đặc biệt, Trần Dần, Phùng Cung được Hội nhà văn trao giải Thành tựu trọn đời năm 2012. Sách của Trương Tửu được in lại gần như toàn bộ.
Bên cạnh đó, trước đổi mới, các tác phẩm văn học đô thị miền Nam viết trước 75 đều bị coi là thiếu tính Đảng, có khuynh hướng xét lại, có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng. Hiện nay, một số nhà nghiên cứu đã cố gắng sưu tập lại những tư liệu để khôi phục lại bức tranh đời sống văn học đô thị miền Nam. Tuy nhiên, sự đánh giá vẫn theo quán tính cũ. Thời gian gần đây, nhờ
sự phát triển của công nghệ khoa học, đặc biệt là internet cùng với sự nghiên cứu tích cực của các nhà nghiên cứu ở hải ngoại nên việc phục hồi văn học miền Nam trước 1975 diễn ra tích cực hơn. Thụy Khuê và Võ Phiến có ảnh hưởng đến các nhà phê bình trong nước. Công trình của Võ Phiến – Văn nghệ Miền Nam tổng quan nhằm khôi phục nền văn học có nguy cơ thất lạc. Năm 1999, ông đã hoàn thành bộ Văn học miền Nam gồm 7 tập. Cuốn sách được công chúng hải ngoại đón nhận nhiệt tình, một số được trên mạng điện tử,… [31]. Các công trình của các nhà phê bình Miền Nam như Nguyễn Sa, Bình Nguyên Lộc, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Ngyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Trung, Đặng Tiến được tái bản lại. Những đóng góp của học đối với văn học dân tộc đã được đánh giá lại. Mặc dù chưa thực sự đầy đủ nhưng cũng thể hiện sự cởi mở khách quan. Không chỉ vậy, một số tác phẩm thời kì này cũng được nhìn nhận đánh giá lại khách quan hơn.
Hơn thế, một số hiện tượng văn học miền bắc những năm 60 thế kỉ XX cũng được quan tâm. Mai Ngữ nhận thấy tác phẩm Mười năm của Tô Hoài là
tác phẩm có giá trị nhưng chỉ với hai bài phê bình thì tác phẩm đã bị chìm vào quên lãng. Hay như tác phẩm Phá Vây của Phù Thăng “chỉcó một câu nói không đúng quy cách mà tác giả của nó phải chịu lao đao khi anh cũng muốn đổi mới ít cách nghĩ của mình về chiến tranh” [8]. Dư luận cho rằng tác phẩm còn thiếu sót, lệch lạc tư tưởng, đại diện cho chủ nghĩa nhân đạo chung chung. Tác phẩm Những người thợ mỏ của Võ Huy Tâm cũng bị phê phán gay gắt. Bởi lẽ, lối viết trần trụi, tự nhiên chủ nghĩa, biểu hiện suy nghĩ tâm trạng, hành động của người thợ mỏ không đi đúng quỹ đạo tuyên truyền của Đảng. Những tác phẩm này giờ đây đã được khẳng định đóng góp trong nền văn học nước nhà. Trong thời kì đổi mới, các tác phẩm trước đó như Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan, Vào đời– Hà Minh Tuân, Sương tan – Hoàng Tiến, Mầu tím hoa sim– Hữu Loan, Con nai đen – Nguyễn Thi đã thu hút sự
chú ý của nhà phê bình và dư luận. Trước hết, tác phẩm Vào đời viết về công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc. Tác phẩm mô tả hiện thực chiến tranh ngổn ngang, bề bộn với mối quan hệ phức tạp, đa chiều, cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái xấu – cái tốt. Nhân vật trong tác phẩm phải đấu tranh với hoàn cảnh, với cái ác cái xấu để vươn lên hoàn thiện nhân cách. Đây chính là cái nhìn mới về hiện thực, con người trong chiến tranh của nhà văn. Thế nhưng, tác phẩm lại bị phê phán nặng nề bởi các nhà phê bình. Họ cho rằng: “tác phẩm xuyên tạc sự thật chế độ, không phản ánh đúng hiện thực chiến tranh tốt đẹp năm 1956 – 1960. Xã hội trong tác phẩm hỗn độn phức tạp và đầy ung nhọt” [98].
Như vậy, các giá trị văn học trong quá khứ đã được nhìn nận, đánh giá lại một cách khách quan, khoa học hơn dưới tinh thần cởi mở và dân chủ.