6. Cấu trúc luận văn
2.3.2 Phê bình đã phát hiện và đánh giá kịp thời các hiện tượng văn học
mới xuất hiện đồng thời đánh giá lại văn học quá khứ
Phê bình văn học có nhiệm vụ thẩm định các giá trị tích cực của tác phẩm văn học. Muốn làm được nhiệm vụ đó các nhà phê bình phải tiếp cận và đi sâu vào tác phẩm hoặc hiện tượng văn học đương đại. Trước đổi mới, việc khẳng định, phát hiện các tác phẩm, tác giả có thành tựu to lớn trong nền văn học nước nhà là một công việc khó. Bởi lẽ, một số quan niệm và chuẩn mực đánh giá không phù hợp khi những tìm tòi đổi mới chưa tạo ra thay đổi cơ bản trong sáng tác văn học (trừ trường hợp Nguyễn Minh Châu cùng với nhiều truyện ngắn của ông). Nhưng thời kì đổi mới, văn học thời kì này đã phát triển vượt bậc với một số hiện tượng văn học nổi bật. Phê bình thời kì này đã phát hiện và khẳng định tác phẩm – tác giả tiêu biểu như Thời xa vắng – Lê Lựu, kịch Lưu Quang Vũ, Thiên sứ – Phạm Thị Hoài, Mảnh đất lắm người nhiều ma – Nguyễn Khắc Trường,… Hầu như các hiện tượng văn học trên
đều được các nhà phê bình đánh giá tương đối giống nhau. Tuy nhiên, một số hiện tượng văn học khác như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Đỗ Hoàng Diệu,… lại xuất hiện những ý kiến trái chiều khá gay gắt.
Công trình tiêu biểu Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp – Phạm Xuân Nguyên (2001) đã tập hợp nhiều bài phê bình, ý kiến của các nhà phê bình, nhà văn trong và ngoài nước đánh giá về Nguyễn Huy Thiệp. Có người khẳng định nhà văn là người có tài nhưng có người lại cho rằng sáng tác Nguyễn Huy Thiệp là hình thức giải thiêng lịch sử, tiểu biểu là nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu. Hay như sáng tác của Phạm Thị Hoài sự khen chê đối lập gay gắt: một là khẳng định sự đóng góp của nhà văn trong việc hiện đại hóa ngôn ngữ văn học, hai là sự phá hủy tiếng Việt, đem đến ý thức trò chơi trong sáng tạo nghệ thuật, triệt hủy ý nghĩa văn chương, giá trị văn chương.
Với Thân phận của tình yêu – Bảo Ninh cũng chính là thành tựu của phê bình thời kì này. Phê bình đã phát hiện và lí giải tác phẩm theo cách thức tiếp cận mới để khẳng định giá trị của tác phẩm khi viết về chiến tranh và thân phận con người trong và sau chiến tranh.
Phê bình thời kì này còn phát hiện ra những hiện tượng mới mẻ khác trong đời sống được thể hiện qua các tác phẩm của nhà văn Lê Lựu, Nguyễn Ngọc Tư, thơ Vi Thùy Linh, Lê Đạt,... Đó là hiện thực thể xác, vấn đề đạo đức tinh thần, đạo đức tính dục,...
Có thể nói, phê bình thời kì này đã kịp thời phát hiện và lí giải,đánh giá và khẳng định các hiện tượng văn học mới có đóng góp trong sự phát triển của văn học dân tộc, đồng thời tự bồi dưỡng cho tư duy phê bình. Sự phát triển của phê bình văn học thông qua các hiện tượng văn học, các cuộc tranh luận nảy sinh bởi các hiện tượng đó đã góp phần không nhỏ cho chuyển biến tư duy nghệ thuật của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
Bên cạnh đó, bối cảnh mới văn học nước ta đã đặt ra nhiệm vụ mới, đó là nhìn nhận lại văn học thời quá khứ với tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Tuy nhiên, đây là việc làm không dễ dàng. Nhiều nhà phê bình đã chỉ ra và phê phán văn học minh họa, chủ nghĩa hiện thực phải đạo, văn học tuyên truyền. Có thể nói, thời kì này các nhà phê bình dường như đã phủ nhận hoàn toàn thành tựu, đóng góp của văn học 1945 – 1975 đối với nền văn học nước nhà.
Nhưng từ sau đổi mới, văn học trước 1975 đã được đánh giá khách quan, khoa học hơn. Việc đánh giá văn học luôn gắn liền với việc tìm hiểu mối trường văn hóa – xã hội và những điều kiện lịch sử của thời kì ấy. Vì thế, văn học trước 1975 được đánh giá trong việc tìm hiểu trong đặc trưng loại hình của nó, đó là nền văn học theo khuynh hướng sử thi, chịu sự chi phối của tư duy sử thi. Từ đó, những hạn chế cũng như thành tựu của văn học cũng được xem xét trên phương diện đó. Văn học thời kì đó đã chỉ ra mặt tiêu cực, mặt trái của xã hội lúc bấy giờ nên đã bị phê phán và phủ nhận. Đến nay, khi đất nước bước vào thời kì đổi mới với tinh thần dân chủ mới, tinh thần nhìn thẳng sự thật thì các hiện tượng văn học đó đã được đánh giá lại. Có hai ý kiến đối lập nhau về văn học trước 1975, cụ thể là văn học từ 1945 – 1975 (theo Hà Công Tài trong Đánh giá thành tựu văn học cách mạng Việt Nam trong lí luận phê bình văn học thời kì đổi mới):
Coi văn học thời kì này phát triển rực rỡ, không có vấn đề gì nghiêm trọng cần xem xét và đánh giá lại. Thiếu sót hạn chế có, nhưng chỉ là nhất thời cục bộ hoặc chỉ thuộc trách nhiệm một số cá nhân. Những người bảo vệ ý kiến này dương lên lá cờ chống phủ nhận nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Coi văn học từ sau cách mạng tháng Tám tuy có nhiều thành tựu đáng quý nhưng cần xem xét lại cho chính các, đúng mức trên tinh thần đổi mới tư
duy để rút kinh nghiệm cho ngày hôm nay. Bên cạnh đó, những đóng góp không nhỏ, thời kì văn học này đã có những hạn chế lớn, một phần do hoàn cảnh khách quan của lịch sử, một phần do thiếu sót chủ quan của chỉ đạo, quản lý văn nghệ: thiếu dân chủ, bao cấp tư tưởng cơ chế quản lý trói buộc sáng tạo của nghệ sĩ.
Như vậy, văn học thời kì này đã được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan trên cơ sở tính thống nhất của nó trong toàn bộ quá trình phát triển lịch sử văn học Việt Nam. Đồng thời, văn học thời kì này cũng được nhìn nhận đánh giá: “Những quy luật riêng trong tư duy sáng tạo của nó bên cạnh các giai đoạn khác, tính chất khác biệt, đặc thù của nó.
Các sáng tác của Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Hà Minh Tuân, Hoàng Cầm,… là ví dụ điển hình. Có thể chỉ ra một số công trình tiêu biểu như: Một thời đại văn học mới (Nguyễn Đăng Mạnh – Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo), 50 năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng tám (nhiều tác giả), Nửa thế kỉ văn học Việt Nam sau 1945 (nhiều tác giả), Văn học Việt Nam trong thời đại mới (Nguyễn Văn Long),… Có thể nói, các công trình này đã có đóng góp tích cực trong việc khẳng định thành tựu văn học 1945 – 1975 đối với nền văn học Việt Nam.
Không chỉ thế, các hiện tượng văn học trước 1945 chưa được đánh giá đúng mức do hoàn cảnh lịch sử và quan niệm văn chương đương thời. Đến nay, việc đánh giá các di sản văn học này là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Hàng loạt các vấn đề và hiện tượng văn học thời kì trước đó đã được đánh giá lại với nhiều cuộc hội thảo và công trình nghiên cứu. Thơ mới là hiện tượng đầu tiên được đem ra đánh giá lại. Trước đó, thơ mới được coi là văn học lãng mạn tiêu cực. Hoài Thanh, nhà phê bình đầu tiên ủng hộ cho phong trào này và khẳng định sự ra đời của thơ mới “một thời đại thi ca” đã bị phê phán là nghệ thuật vị nghệ thuật. Nay ông được tôn vinh trở lại, thơ Mới cũng được
đánh giá đúng vị trí của nó trong nền văn học dân tộc. Tiếp đó là văn chương Tự lực văn đoàn và vụ án Vũ Trọng Phụng, cuộc tranh luận văn học 1935 – 1939 cũng được nhìn nhận đánh giá thỏa đáng. Các tác giả như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, tạp chí Nam Phong cùng với công cuộc hiện đại hóa đầu thế kỉ XX cũng được nhìn nhận lại.