6. Cấu trúc luận văn
2.1. Tiền đề cho phát triển phê bình thời kì đổi mới
Đại hội 6 Đảng cộng sản (1986) đã xác định đường lối đổi mới toàn diện, mở ra một thời kì mới cho đất nước vượt qua khủng hoảng để bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật, đường lối của Đảng thể hiện trước hết ở đổi mới tư duy, nhận thức. Điều này được thể hiện ở việc quán triệt đề cao thái độ và tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, phát huy tinh thần dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, chống sức ỳ, tính bảo thủ của quan niệm cũ, mở ra một bối cảnh mới cho sáng tạo. Đổi mới về tư duy là tư tưởng cốt lõi, là khẩu hiệu của toàn bộ hệ thống chính trị của thời kì đổi mới và hội nhập. Phê bình văn học thời kì này cũng được đổi mới về tinh thần dân chủ, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật trên cái nhìn và phương diện mới. Điều này cũng đã giúp cho lĩnh vực phê bình có cơ hội đổi mới và phát triển.
Đồng thời, Ban Bí thư cũng ra chỉ thị về công tác tư tưởng (15/4/1986) mở rộng dân chủ, thông báo tuyên truyền trên báo chí về phê bình, tự phê bình (20/5 – 21/6/1986). Bên cạnh đó, Nghị quyết 05 của Bộ chính trị (28/11/1987) Nghị quyết đã nêu yêu cầu: Để thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng trong hoàn cảnh cách mạng khoa học kĩ thuật đang diễn ra với quy mô, tốc độ chưa từng có, nền văn học nước ta phải đổi mới tư duy, cách nghĩ và cách làm. Văn học nghệ thuật của chủ nghĩa xã hội phải thực hiện tiếng nói đầy trách nhiệm, trung thực, tự do, sự thật của lương tri: “Đảng khuyến khích văn nghệ tìm tòi sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và rộng rãi trong sáng tạo nghệ thuật trong phát triển các
loại hình và thể loại nghệ thuật, các hình thức biểu hiện”. Chỉ thị số 52 Ban Bí thư ( 5/6/1989) đặt ra vấn đề nhanh chóng đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn nghệ, trong đó ghi rõ: Các hội văn học nghệ thuật cần khắc phục rõ thái độ coi nhẹ công tác lí luận phê bình, cơ quan báo chí, thông tấn, các nhà xuất bản, các chương trình phát thanh truyền hình tạo điều kiện cho các ý kiến khác nhau về văn học nghệ thuật được trình bày một cách dân chủ, công khai. Chỉ thị 61 (1/6/1990) Ban Bí thư tiếp tục khẳng định quan điểm, nguyên tắc tự do sáng tác đi đôi với tự do phê bình nhằm đảm bảo cho quyền tự do sáng tác đồng thời đảm bảo cho sự hình thành dư luận xã hội đúng đắn đối với các tác phẩm và khuynh hướng văn học nghệ thuật.
Có thể khẳng định, đây là nghị quyết cởi mở nhất từ trước đến nay về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong đó có lĩnh vực phê bình. Bởi vậy, nó đã thúc đẩy văn học và phê bình phát triển theo tinh thần đổi mới.
Tiếp đó cuộc gặp gỡ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với đại diện các văn nghệ sĩ cùng bài báo của ông năm 1987 đã được nhiều người đón nhận. Nguyễn Văn Linh hô to cởi trói văn nghệ, tự cứu lấy mình. Từ đây, các khái niệm tự do, dân chủ, đổi mới,… xuất hiện nhiều trong các cuộc tranh luận và ngày càng trở nên phê biến trong đời sống văn học, trong đó có phê bình.
Cùng với tinh thần dân chủ, cởi mở ấy, nước ta đã mở rộng giao lưu với các nước trên thế giới tạo nên quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về văn hóa – văn học. Toàn cầu hóa là xu thế nổi bật và tất yếu của tất cả các nước trên thế giới. Xu thế này diễn ra mạnh mẽ, sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội – giáo dục. Tuy nhiên, quy mô của nó đã khác trước, lớn hơn, tính chất cũng khác hơn, tốc độ nhanh hơn trên mọi mặt, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá. Đây là xu hướng, kết quả của quá trình phát triển, tiến bộ khoa học kĩ thuật, kết quả của quá trình nhận thức các giá trị, kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn văn hóa – văn học thế giới.
Song song quá trình giao lưu kinh tế thì giao lưu văn hoá là một phương thức tồn tại của mọi nền văn hoá, là quy luật tồn tại và phát triển của mọi nền văn hoá từ trước tới nay. Quá trình này đã làm xích lại, gần nhau, xóa đi dị biệt giữa phương Đông – phương Tây, giữa các quốc gia châu Âu và châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh để tạo lập một hệ giá trị văn học phổ quát mang ý nghĩa nhân loại. Qua giao lưu, tiếp xúc, văn học và văn hóa các dân tộc vừa có cơ hội để phát huy ảnh hưởng, tiếp thu, tiếp biến, trao đổi, tiếp thu chọn lọc cái hay, cái đẹp, tiến bộ, những giá trị tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu thêm nền văn hoá nước nhà, vừa có cơ hội để gia nhập, đồng hành với tiến trình chung của văn học thế giới. Các quốc gia trên thế giới gặp gỡ nhau ở giá trị nhân bản, chân lý với sự tôn trọng hiểu biết và hướng tới mục tiêu dân tộc, thời đại. Đồng thời, ý thức tự tôn và mặc cảm tự ti đã được điều chỉnh, tạo ra những quan hệ tương thích, hài hòa khiến cho diện mạo văn học và văn hóa thế giới ngày càng có xu hướng đạt sự thống nhất trong đa dạng. Văn hóa và văn học là sản phẩm tinh thần độc đáo của mỗi dân tộc trên thế giới. Nhờ quá trình giao lưu mà các dân tộc trên thế giới dần xóa đi ranh giới, có sự hiểu biết, cảm thông với nhau hơn. Hơn thế, quá trình này còn mang đến những thay đổi và biến đổi trong cấu trúc cũng như phẩm chất của nền văn học.
Không chỉ đem lại cơ hội mà giao lưu văn hoá cũng đem đến cả những thách thức. Quá trình đó đang tiềm ẩn nguy cơ làm nhòe mờ các đường biên văn hóa, xáo trộn, mai một các giá trị tinh thần thuần khiết của mỗi dân tộc. Các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, thậm chí bị hòa tan, không giữ được bản sắc riêng độc đáo vốn có của dân tộc mình trước sự du nhập, tấn công của các yếu tố văn hóa mới lạ từ bên ngoài vào. Như vậy, văn hóa có thể sẽ trở thành một sản phẩm lai tạp, hỗn loạn, không còn cơ sở để nhận diện và mất đi yếu tố làm căn cứ xác định văn hóa của dân tộc. Vấn đề tín ngưỡng của
dân tộc đang bị lợi dụng và tự phát. Nhiều hủ tục đã có khả năng phục hồi. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng tín ngưỡng và tâm linh đã hành nghề mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của con người. Thậm chí nó có ảnh hưởng tới sáng tác văn học trong đó có phê bình văn học.
Trong thực tế, văn hóa – văn học dân tộc ta thời kì đổi mới vừa qua, chúng ta đã tận dụng được nhiều cơ hội để giới thiệu nền văn hóa – văn học của dân tộc ta với thế giới và ngược lại. Cùng với sự giúp đỡ của các phương tiện truyền thông, khoa học và công nghệ,… Việt Nam đã có bước phát triển trong quá trình hội nhập, mở cửa về các lĩnh vực thuộc văn hóa. Văn học là một bộ phận quan trọng của văn hoá. Chính vì thế, nó không nằm ngoài sự tác động của quá trình ấy. Phê bình văn học lại có mối quan hệ mật thiết với văn học nên cũng chịu tác động của quá trình này. Trước đổi mới, các lí thuyết hiện đại phương Tây được giới thiệu vào Việt Nam nhưng được đón nhận với thái độ kì thị, phiến diện. Nhưng sau đổi mới, các lí thuyết đó được tiếp nhận với thái độ khách quan, khoa học và đầy đủ hơn. Đây là kết quả của việc tự chiếm lĩnh, trang bị điều kiện cần vào nước ta. Điều này khiến cho phê bình nâng lên tầm mới, cập nhật và đối thoại với các nước trong khu vực và trên thế giới, rút ngắn khoảng cách, nối dài khả năng của con người nhờ công nghệ thông tin phát triển. Các lí thuyết phương Tây, châu Âu được dịch, giới thiệu làm cho nhà phê bình tiếp cận được hệ tiêu chí mới trong việc thẩm định giá trị văn học. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, nước ta chủ yếu tiếp thu lí thuyết của Nga và Đông Âu. Các công trình tiêu biểu: Những vấn đề tiểu thuyết Đôxtôiepxki của Bakhtin – Trần Đình Sử dịch, Lí luận phê bình văn học phương tây thế kỉ XX – Phương Lựu (NXb Văn học, 2001),.... Đặc biệt là các lí thuyết Âu – Mĩ, Tây Âu tiền hiện đại và hiện đại như thi pháp học, phân tâm học, cấu trúc luận, tự sự học, kí hiệu học,… Những lí thuyết này tạo nên diện mạo phê bình cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI. Các nhà phê bình vận dụng
trong công trình nghiên cứu của mình góp phần thay đổi tư duy lí luận phê bình, thay đổi tập quán nghiên cứu, tác động tích cực đến thực tiễn sáng tác, khiếu cảm thụ và tâm lí tiếp nhận của công chúng. Hơn nữa, các lí thuyết này giúp nhà phê bình nhận thức đúng vai trò của hình thức trong quá trình tổ chức văn bản nghệ thuật trước đó từng bị xem nhẹ. Nó giúp họ đánh giá, lí giải tác phẩm văn học có cơ sở hơn, chính xác hơn. Tư duy và khả năng phê bình của các nhà phê bình được nâng cao và hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, việc tiếp thu và vận dụng các lí thuyết trên còn hạn chế nhất định. Tóm lại, sự phát triển phê bình văn học luôn gắn liền với lí thuyết hiện đại phương Tây, Châu Âu tạo quy luật tất yếu trong vận động phát triển của phê bình văn học dân tộc trong quá khứ – hiện tại – tương lai khi đất nước vận hành trong xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, sau 1986, nền kinh tế nước ta có sự chuyển biến tích cực, rõ rệt. Kinh tế thị trường đã làm thay đổi căn bản hoạt động sản xuất và tiêu dùng văn học. Nó chi phối đến đời sống văn hoá, văn học nói chung và phê bình nói riêng. Bởi lẽ, kinh tế thị trường và văn học nghệ thuật có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Đó là vấn đề lí luận cơ bản và có tính thời sự hiện nay cần được các nhà nghiên cứu, nhà phê bình quan tâm. Tác động của kinh tế thị trường đối với phê bình thông qua hoạt động xuất bản báo chí. Nó tác động theo 2 hướng:
Tích cực: Các nhà phê bình có động lực để sáng tạo nghệ thuật, có thu nhập.
Tiêu cực: Tuy nhiên, các nhà phê bình dễ chạy theo lợi nhuận nên chất lượng phê bình chưa cao. Phê bình gần đây rơi vào tình trạng thiếu trung thực, thiếu lành mạnh, a dua dẫn tới hiện tượng phê bình cánh hẩu, xu phụ, vụ lợi… Tóm lại, kinh tế thị trường và hoạt động báo chí là một trong những yếu
tố kích thích cho sáng tạo nghệ thuật trong đó có lĩnh vực văn học và phê bình văn học. Tuy nhiên, nó cũng đem lại những mặt trái cho lĩnh vực này.
Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ với các phương tiện kĩ thuật thời kì đổi mới cũng tác động không nhỏ tới sự phát triển của phê bình. “Phê bình là một dạng hoạt động sáng tạo và thông tin bằng ngôn từ hướng đến việc hiểu biết và đánh giá các sáng tác văn học. Phê bình gắn liền với tư chất chủ thể tức gu thẩm mĩ, thế giới quan, tài năng thể hiện ngôn ngữ, cá tính của nhà phê bình với tính chất là hoạt động sáng tạo ngôn từ. Với tư cách hoạt động thông tin, phê bình liên quan đến cách thức phương tiện thông tin và đối tượng mà thông tin hướng tới tức là người tiếp nhận. Trong khi đó cách thức, phương tiện và chủ thể tiếp nhận lại bị quy định bởi thời đại, tức trình độ xã hội, đặc biệt là trình độ công nghệ khoa học” [33].
Trước hết, thời hiện đại là sự bùng nổ khoa học công nghệ – thông tin điện tử. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại xuất hiện ở giữa thế kỉ XX đã tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế – chính trị – xã hội. Nó làm thay đổi tồn tại xã hội, ý thức xã hội, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, khiến cho giáo dục phải cấu trúc lại, tác động đến thế giới quan, nhân sinh quan, cách thức tiến hành cuộc sống, quan niệm về giá trị, đạo đức, tôn giáo nghệ thuật, môi trường cũng như quan niệm về vị trí và vai trò của con người đều trong thế giới. Nó hình thành nên một “nền văn hoá mới” đó là văn hoá số. Nó cũng tác động tới đời sống văn học của mọi quốc gia thông qua hệ thống viễn thông, thông tin đại chúng toàn cầu “xuất – nhập khẩu sản phẩm văn hoá, phương tiện vật chất kĩ thuật để sáng tạo, truyền dẫn, …văn hoá” [33].
Tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ tới phê bình văn học thông qua sự phát triển của công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông phát triển như vũ bão, loại hình thông tin bùng phát, cạnh tranh quyết liệt. Sự
phát triển của công nghệ thông tin đã thúc đẩy sự phát triển, mở rộng văn học nói chung và phê bình nói riêng. Mạng internet sử dụng rộng rãi nên việc tiếp xúc lí thuyết phê bình không còn phụ thuộc vào tình trạng xuất bản sách báo trong nước nữa. Trước đây, việc lưu giữ thông tin tri thức bằng cách ghi chép thành văn bản hoặc bằng hình vẽ mô phỏng đơn giản. Song điều đó gây khó khăn khi truyền tải thông tin tới bạn đọc. Ngày nay, với những phương tiện kĩ thuật hiện đại, người đọc đã tiếp cận thông tin linh hoạt và phong phú hơn. Internet ngày càng trở nên phổ biến, quen thuộc trong đời sống. Máy tính, Ipad,… xuất hiện nhiều. Nó đã góp phần rút ngắn khoảng cách sự hiểu biết giữa các không gian địa lý, không gian văn hóa. Cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin làm biến đổi diện mạo thế giới, nối dài khoảng cách, rút ngắn khoảng cách giữa con người – con người, con người – thế giới.
Đối với phê bình văn học, nó tác động rất lớn. Nó có khả năng chi phối, quyết định chất lượng, chiều hướng phát triển, làm thay đổi hệ chuẩn khoa học và thẩm mĩ của người viết và người đọc, ảnh hưởng tới quá trình sáng tạo diễn giải văn hoá nghệ thuật.
Số lượng thông tin được cung cấp, tốc độ cập nhật tăng nhanh. Trước đây một tác phẩm văn học và phê bình văn học nước ngoài ra đời nhưng một thời gian sau mới được giới thiệu và dịch ở Việt Nam. Công trình Lí luận văn học – R.Wellek, A.Waren là ví dụ tiêu biểu (1949) đến năm 2009 được dịch sang Việt Nam. Tác phẩm đạt giải Nobel văn học trên thế giới cũng được giới thiệu ở nước ta. Thời kì đổi mới đến nay, với sự phát triển của phương tiện kĩ thuật, internet cùng xu thế toàn cầu hoá kinh tế – chính trị đã giúp nền văn hoá Việt Nam xích lại gần văn hoá thế giới. Các sự kiện văn hoá được cập nhật hàng ngày hàng giờ. Cùng đó sự nhanh nhạy của hoạt động xuất bản, in ấn thì các ấn phẩm lí luận phê bình văn học đặc sắc đã nhanh chóng được
chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam. Chẳng hạn như: Thi pháp của huyền thoại (E.M.Melentinsky),Những huyền thoại(R.Barthes), Hoàn cảnh hậu hiện đại(J.F. Lyotard),…
Đối với nhà phê bình văn học, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã giúp họ tiếp cận với lí thuyết phương Tây, phương pháp phê bình mới một cách nhanh chóng và được sống trong không khí thời đại. Trước đây, họ chỉ tiếp cận với lí thuyết văn học nước ngoài bằng hai con đường: báo chí in