Theo thống kê của Bộ Khoa học - công nghệ và Môi trường Việt Nam, nếu tính theo tổng số nhân lực, tính đến cuối năm 2000 Việt Nam có tới 2 triệu người làm công tác kỹ thuật, 1,3 triệu người có trình độ đại học và cao học, 130.000 người có học vị tiến sĩ hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và tỷ lệ 190/10.000 người dân là cán bộ khoa học công nghệ. Việt nam có khoảng 30.000 cán bộ tham gia vào hoạt động nghiên cưú - triển khai (R&D), bao gồm cán bộ thư viện, kỹ thuật viên và đội ngũ cán bộ khác. Trong số đó có khoảng 22.000 người đang làm việc tại các Trung tâm nghiên cứu- triển khai quốc gia, các Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ và các cơ quan Chính phủ. Phần còn lại hiện đang nghiên công tác tại các Trường Đại học hoặc Cao đẳng có tham gia các hoạt động nghiên cứu. Chỉ có một phần nhỏ cán bộ kỹ sư nghiên cứu trực tiếp tại các doanh nghiệp. Ngày nay, các kỹ sư phải nhìn thấy vai trò của khoa học, phải làm việc cùng các cán bộ khoa học ở các Trường đại học và các Viện nghiên cứu về những vấn đề cụ thể và bản thân mỗi kỹ sư phải là một nhà nghiên cứu (*)
Việc xây dựng tổ chức nói chung cho Nghiên cứu - triển khai (R&D) có thể phân thành 3 bộ phận chính:
- Các phòng thí nghiệm và các đơn vị R&D thuộc các Bộ của Chính phủ hoặc dưới sự quản lý của các cơ quan Chính phủ: Khoảng 180 đơn vị có hoạt động R&D được xây dựng ở nhiều miền khác nhau trên phạm vị toàn quốc, nhưng phần lớn tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá của Việt Nam trước đây, nguyên tắc là Chính phủ chịu trách nhiệm về thay đổi kỹ thuật và hiện đại hoá công nghiệp, còn các ngành công nghiệp chỉ thực hiện sản xuất theo đúng kế hoạch đã đề ra. Vì vậy, các doanh nghiệp công nghiệp rất hiếm khi xây dùng cho mình năng lực R&D. Đến nay, sau nhiều năm thực hiện đổi mới và mở cửa nhưng tình trạng yếu kém về năng lực khoa học của các doanh nghiệp
vẫn chưa được cải thiện. Hiện nay mới chỉ có Tổng công ty dầu khí quốc doanh Việt Nam là đã lập được 4 phòng thí nghiệm trực thuộc để tiến hành công tác R&D. Ở những nước công nghiệp phát triển, nhiều đơn vị R&D được chuyên môn hoá cao thường được đặt ngay trong các doanh nghiệp công nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh.
- Các trường Đại học thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ chính (đào tạo và nghiên cứu khoa học). Tuy nhiên, chỉ có các Trường đại học cấp Quốc gia như Đại học tổng hợp Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đại học nông nghiệp 1 Hà Nội, Đại học kinh tế quốc dân, Đại học sư phạm 1 Hà nội và một số Bộ môn và khoa trong các trường đại học khác mới thật sự có đội ngũ cán bộ khoa học, thư viện, thiết bị và các nguồn lực khác để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng và tiến hành triển khai thử nghiệm. Việc huy động hệ thống các trường Đại học vào hoạt động nghiên cứu còn hạn chế và kém hiệu quả do nhiều nguyên nhân.
- Các tổ chức nghiên cứu quốc gia không trực thuộc các Bộ hoặc cơ quan Chính phủ: Các tổ chức này được thiết kế để phục vụ mạng lưới quốc gia về khoa học và công nghệ, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Trong số những tổ chức này, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia là có qui mô lớn nhất, với hai chi nhánh đặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số cơ sở đặt tại một số tỉnh khác. Trung tâm này tiến hành nghiên cứu cơ bản chủ yếu thuộc hai lĩnh vực là Toán học và Vật lý lý thuyết. Ngoài ra còn có Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia có cơ cấu tổ chức cơ bản tương tự, song số lượng cán bộ nghiên cứu chỉ bằng một nửa Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia.
Chức năng chủ yếu của ba loại bộ phận R&D nói trên có khác nhau. Các phòng thí nghiệm và các đơn vị R&D trực thuộc các Bộ chủ yếu nghiên cứu ứng dụng và thực nghiệm, các Trường Đại học là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước,
trong đó có nhân lực cho công tác nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học; còn Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia chịu trách nhiệm chính về các công trình nghiên cứu có trình độ cao.