Hướng dẫn học sinh xác định những nét tiêu biểu của thi pháp văn học

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ sư phạm ngữ văn vận dụng thi pháp văn học trung đại vào dạy học thơ nôm đường luật ở lớp 10 trung học phổ thông (Trang 65)

trung đại liên quan đến tác phẩm

Để học sinh hiểu thấu đáo, sâu sắc về các tác phẩm thơ Nôm Đường luật trong chương trình người dạy cần từng bước hướng dẫn các em tìm hiểu về đặc trưng của thi pháp thơ trung đại để học sinh nắm bắt được vấn đề và có sự chủ động, sáng tạo trong việc tiếp cận, khám phá tác phẩm. Ở chương trình Ngữ văn lớp 10 THPT chỉ có hai bài thơ tiêu biểu của hai nhà thơ cũng rất tiêu biểu của nền văn học trung đại là Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây chỉ là hai bài thơ nhỏ trong một mảng thơ Nôm khá lớn của hai nhà thơ nổi tiếng trong văn học trung đại. Vì vậy nếu không tiếp cận với văn học trung đại một cách khái quát thì dễ rơi vào tình trạng "Thầy bói xem voi". Khi dạy những bài thơ này, dù thời lượng hạn hẹp, chúng ta cũng không thể bỏ qua việc giới thiệu một cách khái quát nhất về một số phương diện như thi pháp văn học trung đại (giới thiệu một số nội dung liên quan như đề tài, bút pháp, thi liệu, quan niệm về thiên nhiên,…). Với cách dạy từ hướng vận dụng thi pháp thì

việc giúp học sinh nắm được những đặc điểm cơ bản về thi pháp thời đại chính là chìa khóa để giải mã những bài thơ cụ thể sau này.

* Với bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu một số đặc điểm thi pháp sau:

+ Đề tài: Đề tài về mùa hè là một trong những đề tài ít gặp trong thơ ca, nhất là thơ ca trung đại. Vì thế chọn một bức tranh cảnh ngày hè đã cho thấy được nét độc đáo trong tâm hồn và thơ ca của Nguyễn Trãi.

+ Thể thơ: Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi được viết theo thể thơ Nôm thất ngôn bát cú đường luật nhưng đã được phá cách độc đáo bằng việc chen thêm những câu lục ngôn vào phần đầu và phần cuối của bài thơ. Với lối viết giản dị, dễ hiểu ngôn ngữ mộc mạc của thể thơ thì bài thơ đã tạo được những nét độc đáo cho

thơ ca trung đại nói chung và thơ ca Nguyễn Trãi nói riêng. Điều này tạo cho bài thơ mang được âm hưởng và tiếng nói rất riêng của người Việt.

+ Bút pháp: bài thơ cũng sử dụng những bút pháp quen thuộc của văn học trung đại như tả cảnh ngụ tình, bút pháp điểm xuyết, tượng trưng với những nét chấm phá, chớp lấy cái hồn của tạo vật.

+ Thi liệu: thơ viết về mùa hè thường ít gặp trong văn học Trung đại Việt Nam. Vì thế có thể nói bức tranh ngày hè của Nguyễn Trãi khá mới mẻ, hấp dẫn và rực rỡ sắc màu. Cảnh ngày hè ở đây không vắng vẻ, đìu hiu, u buồn như một số bài thơ trung đại khác mà ngược lại rất đẹp, rất tươi mới, sinh động.

+ Âm hưởng: âm hưởng chung của bài thơ là bức tranh ngày hè tươi mát, giàu màu sắc, hình ảnh, đường nét, âm thanh, hình khối với không khí tươi vui rạng rỡ, với vẻ đẹp tâm hồn của thi nhân hòa cùng thiên nhiên tràn đầy sức sống và cuộc sống sôi động, náo nhiệt của mọi người. Bài thơ mang một âm hưởng hoàn toàn khác với nhiều tác phẩm của thơ ca trung đại.

Với bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm dấu ấn của thi pháp thơ trung đại lại được thể hiện trên các bình diện sau:

+ Đề tài: Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại thể hiện được một đề mang đậm chất

triết lí về lẽ sống nhàn tản của một số nhà thơ trung đại khi họ lánh đục về trong để giữ mình, giữ khí tiết. Với họ cuộc sống nhàn tản không vướng vòng danh lợi được sống hòa mình vào với thiên nhiên, đất trời trong cái thú

tự do, tự tại như những nhà hiền triết.

+ Thể thơ: Nhàn là một bài thơ Nôm được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú

Đường luật tuân thủ chặt chẽ theo bố cục đề, thực, luận, kết, bình đối của thơ ca truyền thống. Tuy nhiên ở đây lại có những nét khác biệt độc đáo so với thơ Đường luật thông thường, đó là thơ Đường luật bốn câu đầu nghiêng về cảnh, bốn câu sau nghiêng về tình thì ở Nhàn lại có sự đan xen giữa cảnh và tình xuyên suốt bài thơ.

+ Thi liệu: thơ viết về cảnh vui thú điền viên, ung dung tự tại của các nhà Nho về ở ẩn để lánh đời thoát tục, không vướng bụi trần, không màng danh lợi cũng

được khá nhiều nhà thơ trung đại lựa chọn để gửi gắm tâm tư, tình cảm, gửi gắm những tâm sự của mình về nhân tình thế thái.

+ Âm hưởng: âm hưởng chung của bài thơ là âm hưởng của một cuộc sống tự do, nhàn tản, thảnh thơi, thư thái, được sống với những gì mình có, những gì mình thích, không phải vội vã, bon chen, không lo toan, tính toán, lại được sống hòa hợp với thiên nhiên, đất trời, cỏ cây hoa lá.

+ Ngôn ngữ: về ngôn ngữ trong Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng giản dị, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ gần gũi với ngôn ngữ của cuộc sống đời thường.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ sư phạm ngữ văn vận dụng thi pháp văn học trung đại vào dạy học thơ nôm đường luật ở lớp 10 trung học phổ thông (Trang 65)