Điều kiện tự nhiên tỉnh Nghệ An

Một phần của tài liệu Hoàn thiện quản lý chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh nghệ an (Trang 56)

Tỉnh Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung bộ, trên tuyến giao lưu kinh tế - xã hội Bắc - Nam, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hoá, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Đông giáp Biển Đông với chiều dài 82 km bờ biển và phía Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào với chiều dài biên giới 419 km. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 16.498,5 km2, gồm thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hoà, 17 huyện với 479 xã, phường, thị trấn.

Về địa hình: Địa hình của tỉnh được phân thành 4 vùng rõ rệt có cả đồng bằng, ven

biển, trung du và núi thấp, núi cao. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế công nông lâm ngư nghiệp, dịch vụ, du lịch, ... đa dạng, có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các vùng và tạo ra khả năng đáp ứng sự biến động của thị trường. Vùng miền núi nằm phía Đông Bắc dãy Trường Sơn có đồi núi nhiều (chiếm 83% diện tích của tỉnh), địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dòng sông gây nhiều trở ngại cho phát triển mạng lưới giao thông nhưng tạo tiềm năng lớn để phát triển thuỷ điện và kinh tế rừng. Khu vực đồng bằng, ven biển có diện tích nhỏ, đồi núi xen kẽ nên hạn chế canh tác nông nghiệp. Hiện nay đã hình thành các vùng chuyên canh trồng lạc, vừng, ngô, mía, ... để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tỉnh có nhiều điều kiện phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên các hồ đập, diện tích nước mặn, lợ ở các vùng ven biển.

Về khí hậu: Nghệ An nằm trong vùng khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền

Nam nên mang tính đặc thù, thuận lợi cho nhiều loại cây trồng phát triển song có phần khắc nghiệt, có gió Tây Nam (gió Lào), mưa bão và lũ lụt làm ảnh hưởng đến đời sống và SXKD trong tỉnh.

50

Về tài nguyên:

- Tài nguyên đất: Sự đa dạng đất đai của Nghệ An thích hợp với một số loại cây trồng chủ yếu như cây chè, cà phê, cao su, mía, lạc, cây lương thực ngắn và dài ngày, cây ăn quả, ... Cơ cấu quỹ đất như sau: đất nông nghiệp chiếm khoảng 11,9% đất tự nhiên của tỉnh, đất lâm nghiệp có rừng chiếm 41,58%, đất chưa sử dụng chiếm 42%, diện tích đất còn lại là đất chuyên dùng, đất ở và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.

- Tài nguyên rừng: Nghệ An có diện tích lâm nghiệp lớn, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất lâm nghiệp, có Vườn quốc gia Pù Mát diện tích 91.113 ha, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống diện tích 50.000 ha. Quỹ đất có thể dùng trong lâm nghiệp là 1.180 ngàn ha, với độ che phủ rừng 53%, tăng đáng kể so với những năm trước đây. Các loại tài nguyên rừng Nghệ An vẫn còn là nguồn nguyên liệu khá lớn cho khai thác lâm nghiệp và phát triển các ngành công nghiệp dựa trên tài nguyên rừng. Tổng trữ lượng gỗ hiện còn khoảng 50 triệu m3 trong đó có tới 425 ngàn m3 gỗ pơmu. Trữ lượng tre, nứa, mét có khoảng trên 1 tỷ cây. Các loại lâm sản quý khác như song, mây, quế, cánh kiến đỏ... là nguồn nguyên liệu quý cho phát triển sản xuất và xuất khẩu.

- Tài nguyên biển và thuỷ sản: Biển Nghệ An có trữ lượng hải sản khoảng 80.000 tấn cho khả năng khai thác 35.000-37.000 tấn/năm với các loài cá, tôm, mực, ... Biển Nghệ An có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng, khai thác phục vụ chế biến thuỷ sản, phát triển du lịch và vận tải biển. Nói chung, nguồn hải sản lớn nhưng khai thác khó khăn do thường xuyên bị gió bão, hải triều, thiếu địa điểm trú ẩn.

- Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản của Nghệ An đa dạng về chủng loại, phân bố rộng khắp, nhưng phần lớn trữ lượng nhỏ và có khó khăn trong việc khai thác với quy mô công nghiệp. Riêng đá vôi để sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng tốt và có trữ lượng lớn (trên 600 triệu m3). Các loại khoáng sản khác có trữ lượng công nghiệp gồm: thiếc (82.000 tấn), đá sét (18,6 triệu tấn), đất sét, cao lanh (trên 9 triệu tấn), cuội sỏi xây dựng (trên 97 triệu m3), đá bazan (trên 400 triệu tấn). Ngoài ra, Nghệ An còn có đá quý, vàng, quặng bôxít, nước khoáng, than đá,...

- Tài nguyên du lịch: Nghệ An có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, lịch sử văn hoá và du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài tiềm năng du lịch biển, Nghệ An có nhiều danh

51

lam thắng cảnh, điển hình là Vườn quốc gia Pù Mát, rừng nguyên sinh Pù Huống, Pù Hoạt, thác Khe Kèm, thác Sao Va... Tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch nhân văn (có 101 di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng quốc gia), điển hình là Khu di tích lịch sử - văn hoá Kim Liên, Nam Đàn; Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Khu miếu mộ đền thờ Mai Hắc Đế... và nhiều lễ hội (Đền Cờn - Quỳnh Lưu, Đền Cuông - Diễn Châu, Đền thờ Nguyễn Xí - Nghi Lộc, hang Thẩm Bua, Thẩm ồm, Thẩm Voi - Quỳ Châu, ...). Đây còn là quê hương của các điệu hò ví dặm, hát phường vải.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện quản lý chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh nghệ an (Trang 56)