Bên cạnh cơ chế chính sách cũng như cơ chế thu phí hoàn vốn và sinh lời…thì các nhà đầu tư tư nhân cũng rất quan tâm đến tín dụng ưu đãi; bảo lãnh tín dụng khi tham gia PPP.
Ưu đãi tín dụng, có thể là ưu đãi trong thủ tục vay vốn, lãi suất, thời hạn trả nợ, hình thức trả lãi… điều này sẽ khuyến khích tư nhân mạnh dạn hơn khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ - lĩnh vực đầu tư cần vốn lớn, thời gian dài, nhiều rủi ro.
Nhà đầu tư cần cơ chế bảo lãnh doanh thu, nhiều nhà đầu tư cho biết, hạ tầng giao thông là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi quy mô vốn rất lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài, thông thường trên 15 năm. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận còn khá thấp so với các kênh đầu tư khác nên rất cần sự quan tâm, tháo gỡ về cơ chế, chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nguồn vốn này.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM cho biết, với khung thời gian rất dài, sẽ có nhiều biến động, tương ứng với nhiều rủi ro mang tính vĩ mô, ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, với tỷ suất nội hoàn thấp, trong khi quy mô vốn đầu tư lớn, chỉ cần một sai lệch nhỏ trong tính toán tiền khả thi so với thực tế, hoặc rủi ro bất khả kháng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả dự án. “Để bù đắp rủi ro, các nhà đầu tư mong đợi tỷ suất nội hoàn dự án khá lớn. Điều này đi ngược với quan điểm của các cơ quan quản lý Nhà nước.Từ đó khiến việc thương thảo hợp đồng gặp nhiều khó khăn. Điều này lý giải vì sao vẫn có ít nhà đầu tư tham gia trực tiếp vào các dự án BOT hoàn vốn bằng thu phí giao thông”, ông Bình cho hay.
Là một trong những nhà đầu tư tiên phong tham gia các dự án xã hội hóa hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng Giám đốc Cienco 4 cho hay, khi tham gia vào lĩnh vực này, phương án tài chính luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. “Vì sử dụng nguồn vốn lớn, nhà đầu tư rất cần có cơ chế bảo lãnh về doanh thu của cơ quan quản lý Nhà nước.Hiện nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định trình Chính phủ trong thời gian tới.Chúng tôi đang rất trông chờ Nghị định sẽ sớm được ban hành”, ông Huỳnh nói.
Cũng theo ông Huỳnh, đến thời điểm này các ngân hàng trong nước đang cho vay tối đa 15 năm. Do vậy, Bộ GTVT cần tính toán, phân đoạn hợp lý các dự án để thời gian hoàn vốn không quá 15 năm. Việc này sẽ thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư tham gia bỏ vốn vào hạ tầng giao thông thời gian tới.