Một số nước phát triển

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức hợp tác côngtư (PPP) ở Việt Nam (Trang 27)

a. Australia

Là nước có nhiều kinh nghiệm thành công về triển khai hình thức PPP trong những năm qua. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2013, Australia là 1 trong 10 nước có đầu tư PPP hiệu quả nhất trong tổng số gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ (Việt Nam đứng thứ 134 thế giới). Cơ sở thành công của nước này là do:

Một là, Chính phủ Australia đã xây dựng được khung chính sách vững chắc về PPP; đặc biệt là quy trình dự thầu đối với dự án PPP rất chặt chẽ, góp phần tối ưu hóa hiệu quả kinh tế cho các dự án.

Hai là, khuyến khích cắt giảm chi phí chuẩn bị đấu thầu. Để tăng cường hiệu quả kinh tế cho các dự án PPP, trước khi thực hiện bất kỳ một dự án PPP nào, Chính phủ Australia khuyến khích các sáng kiến, để cắt giảm chi phí chuẩn bị đấu thầu dự án PPP, tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ cho dự án PPP (tiết kiệm từ 0,5% - 1,5% giá trị phí dự án).

Ba là, các dự án PPP của Australia đều phải tuân thủ chặt chẽ quy định về thời gian (thời gian dự thầu trung bình cho một dự án PPP về hạ tầng xã hội ở Australia là 17 tháng, thấp hơn nhiều so với ở Anh (34 tháng).

Bốn là, quá trình thực hiện các dự án PPP tại nước này cũng được chuẩn hóa thông qua hợp đồng và giảm số lượng tài liệu hồ sơ cần nộp khi tham gia đấu thầu các dự án PPP.

Năm là, để tối đa hóa hiệu quả dự án PPP, Australia cũng chuẩn bị nguồn dự án PPP lớn; thực hiện bồi hoàn một số chi phí đấu thầu bên ngoài nhất định.

Sáu là, rút ngắn danh sách nhà thầu trước khi thực hiện đấu thầu dự án PPP. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về dự án và mời gọi các nhà thầu khác tham gia.

b. Mỹ

Là nước triển khai hình thức hợp tác công tư (PPP) từ những năm 1980, đến nay, nước này có trên 450 dự án đầu tư theo hình thức PPP với kinh phí triển khai lên tới hàng trăm tỷ USD. Theo đánh giá của Chính phủ Mỹ, hình thức PPP đã thực sự mang lại hiệu quả đối với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng và các dịch vụ công cộng của nước này trong bối cảnh kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái những năm gần đây. Các chuyên gia kinh tế nhận định, hình thức PPP của Mỹ vẫn là một giải pháp quan trọng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng nước này đáp ứng sự phát triển của xã hội tương lai.

Để triển khai hiệu quả hình thức PPP, Mỹ đã thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, về xây dựng cơ chế chính sách và luật pháp, chính quyền liên bang một mặt chủ động xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách và các công cụ điều hành hướng dẫn triển khai hình thức này trên phạm vi toàn nước Mỹ, mặt khác phân quyền cho các bang tự quyết định việc tổ chức và triển khai hình thức PPP. Hiện nay, ở Mỹ đã có 36 bang ban hành luật và các cơ chế chính sách thực thi hình thức này, các bang đi đầu trong triển khai hình thức này là Florida, California và Texas.

Thứ hai, xác định cụ thể các lĩnh vực và hình thức đầu tư. Về lĩnh vực đầu tư, hiện nay, tại Mỹ, PPP được áp dụng chủ yếu trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, nhà ở, trường học và bệnh viện (chiếm từ 85% - 90%). Từ năm 1985 đến nay, Mỹ đã triển khai khoảng 450 dự án theo hình thức PPP, chiếm 10% tổng vốn đầu tư các cơ sở hạ tầng (so với các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) là 45%). Về các hình thức đầu tư, Mỹ cho phép triển khai đa dạng các hình thức như: Thiết kế xây dựng; thiết kế, xây dựng, tài trợ, vận hành; thiết kế, xây dựng, tài trợ…

Thứ ba, các dự án PPP phải là trọng điểm, có lợi ích về kinh tế - xã hội lâu dài, quá trình tổ chức triển khai chú trọng đến chất lượng hơn là số lượng. Trên thực tế, hầu hết các dự án PPP ở Mỹ đều là những công trình lớn, quan trọng tác động lâu dài đến đời sống - xã hội của Liên bang hoặc các bang.

Thứ tư, đối với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tham gia dự án PPP tại Mỹ, chính quyền nước này một mặt khuyến khích đối tượng DN này tham gia nhằm thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm, nhưng mặt khác cũng có những quy định mang tính đặc thù nhằm hạn chế rủi ro... Vì vậy, các dự án PPP của DN nước ngoài tham gia phải có sự phê chuẩn và cấp phép của chính quyền Liên bang.

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức hợp tác côngtư (PPP) ở Việt Nam (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w