Cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam đã được cải thiện rất rõ rệt và đạt được nhiều thành tựu trong những năm gần đây.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa có Báo cáo xúc tiến thương mại toàn cầu (Enabling Trade Index - ETI) năm 2014 thực hiện tại 138 nước cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2014 tăng 16 bậc, đứng ở vị trí 74 so với vị trí thứ 90 năm 2012 và 103 năm 2010.
Trong số 8 nước ASEAN được WEF lựa chọn để so sánh, thứ hạng của Việt Nam cao hơn 4 nước là Campuchia (113), Myanmar (đứng cuối 138), Philippines (96), Lào (91). Điều này cho thấy những nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã có kết quả tích cực, được thế giới ghi nhận. và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế.
Trong ba năm gần đây, hạ tầng giao thông ở nước ta đã có những tiến bộ vượt bậc, số lượng công trình cũng như tiến độ và chất lượng được nâng lên nhiều. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, góp phần nâng cao tốc độ khai thác trên các tuyến đường bộ; rút ngắn thời gian trên các tuyến đường sắt, đường sông; tăng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển; tăng lưu lượng hành khách và hàng hóa thông qua các cảng hàng không. Giao thông đô thị được mở mang một bước. Giao thông địa phương phát triển góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn rộng lớn.
Cụ thể trong một số lĩnh vực đã đạt được một số kết quả
Theo Bộ GTVT, về kết cấu hạ tầng đường bộ, trong những năm qua, ngành GTVT đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ chính, các tuyến quốc lộ hướng tâm (QL 2, 3, 5, 6, 32, 13, 51, 22,...), hệ thống đường vành đai biên giới phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ (QL 279, 4A, 4B, 14, 14C, …), các tuyến quốc lộ nối đến các cửa khẩu quốc tế, các vùng kinh tế trọng điểm,...
Đặc biệt, hàng loạt tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành, Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Hà Nội - Thái Nguyên,… Các dự án này đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả cao, không những giảm áp lực cho giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc, mà còn thúc đẩy KT-
XH các địa phương phát triển.
Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt đã từng bước nâng cấp, hiện đại hóa các tuyến đường sắt hiện có, đồng thời triển khai dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân và nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Ở lĩnh vực hàng hải, ngành GTVT đã hoàn thành nâng cấp giai đoạn 1 các cảng biển tổng hợp quốc gia chủ yếu như các cảng: Cái Lân, Hải Phòng, Cửa Lò, Vũng Áng, Tiên Sa, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ,… đồng thời đang triển khai các dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện,…
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam có quy mô nhỏ bé, hầu hết chưa đạt chuẩn kỹ thuật, chưa tạo được sự kết nối liên hoàn. Mạng đường đô thị ở các thành phố lớn chưa được quy hoạch kết nối với mạng giao thông chung của quốc gia, còn thiếu cảng nước sâu và đường cao tốc đủ tiêu chuẩn. So với các nước tiên tiến trong khu vực, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của nước ta chỉ ở mức dưới trung bình. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta vẫn còn trong tình trạng lạc hậu, tiêu chuẩn kỹ thuật ở mức thấp và lạc hậu, tốc độ phát triển chậm, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết giữa các chuyên ngành, thậm chí trong cùng chuyên ngành; các tuyến đường liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế chưa hoàn chỉnh; mạng đường cao tốc còn sơ khai.
Trên thực tế, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đang là một trở lực lớn cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện qua các mặt sau:
Trong hệ thống giao thông đường bộ, cùng với quá trình phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều “nút thắt cổ chai”, dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên, đặc biệt tại các đô thị lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; hệ thống đường giao thông ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các địa phương và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Nhiều con đường xuống cấp nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đang ở vào thế độc tuyến, chưa tạo được các liên kết dạng mạng, còn thiếu những tuyến đường sắt dẫn đến các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển... Chất lượng đường sắt hiện nay quá kém, đường sắt khổ hẹp không thể chạy tàu với tốc độ cao, giao cắt với đường ngang dân
sinh nhiều, tai nạn thường xuyên xảy ra dọc uyến.
Hệ thống cảng biển được phân bố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mặc dù đã có những hải cảng quốc tế lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, song dịch vụ của các cảng này chưa đáp ứng được yêu cầu, chi phí dịch vụ cao, thời gian thông quan lâu, chưa có cảng công-ten-nơ trung chuyển quốc tế.
Hệ thống cảng hàng không đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế quá tải, khả năng tiếp nhận hành khách thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao, các chuyến bay nội địa thường bị trễ giờ.