- Sự tự tu dưỡng của sinh viên
1.3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lí công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm
nghiệp cho sinh viên sư phạm
Sinh viên là đối tượng nhanh nhạy với cái mới nhưng lại bồng bột, sôi nổi và thiếu kinh nghiệm nên dễ bị tác động bởi ngoại cảnh, dễ bị tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường hơn các thế hệ khác. Mặt trái của kinh tế thị trường có thể tác động một cách trực tiếp đến đạo đức của thanh niên do quy luật thị trường xâm nhập vào hoạt động học tập, sinh hoạt, lao động hàng ngày nhưng phần lớn là tác động một cách gián tiếp thông qua gia đình, nhà trường và các thiết chế văn hóa - xã hội.
1.3.4.1. Về tâm sinh lý sinh viên
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định rằng, mọi sự vật đều tồn tại trong không gian và thời gian nhất định và mang dấu ấn của không gian và thời gian đó. Trong khoảng không gian, thời gian khác nhau sự vật hiện tượng bộc lộ những thuộc tính khác nhau nên khi xem xét và giải quyết mọi vấn đề do thực tiễn đặt ra cần có quan điểm lịch sử - cụ thể. Việc xây dựng đạo đức cũng cần quán triệt quan điểm này. Đối với mỗi đối tượng khác nhau, ở không gian, thời gian khác nhau có những đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, những biểu hiện đặc thù về đạo đức khác nhau nên việc xây dựng đạo đức cũng không giống nhau mà phải có nội dung và phương pháp phù hợp với từng đối tượng.
Lứa tuổi sinh viên là một giai đoạn của đời người với những thuộc tính riêng biệt, khác với tuổi nhi đồng và tuổi thiếu niên và tuổi trung niên. Chẳng hạn, về sinh lý, tuổi sinh viên là lứa tuổi có sự phát triển hoàn thiện về thể chất; về tâm lý, tuổi sinh viên là lứa tuổi đang dần trưởng thành, những yếu tố tâm lý ổn định hơn thiếu niên nhưng còn rất mới mẻ, non nớt và có những biểu hiện phức tạp và mâu thuẫn như rất nhiệt tình, hăng say, ý chí tiến thủ nhưng cũng dễ chán nản, thất vọng, hoài nghi, mất niềm tin; về đạo đức, sự hiểu biết của thanh niên về hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của thanh niên khá đầy đủ và dần được hoàn thiện, tình cảm đạo đức của thanh niên rất phong phú, sâu sắc và có cơ sở lý tính khá vững vàng; thường chịu ảnh hưởng của các giá trị hiện đại hơn các giá trị đạo đức truyền thống, và rất hăng hái, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm, dám xả thân vì nghĩa lớn. Việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên phải dựa trên những đặc điểm này mới có thể đạt hiệu quả cao.
Hơn nữa sinh viên hiện nay sống trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Họ là sản phẩm của thời kỳ đổi mới, cách xa với quá khứ lịch sử, với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với chủ nghĩa xã hội thời kỳ trước đổi mới và là lớp người sinh ra, lớn lên trong một xã hội đã khởi động sự đổi mới tư duy, chuyển đổi mô hình kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế hàng hóa với cơ chế thị trường, dân chủ hóa, mở cửa, hội nhập và giao lưu quốc tế. Do điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội quy định nên sinh viên Việt Nam hiện nay có những đặc điểm tâm sinh lý và đạo đức khác với thế hệ sinh viên trước đây.
Lứa tuổi sinh viên là giai đoạn các em đang phát triển hoàn thiện về thể chất, tinh thần và tình cảm, dễ bị kích động, lôi kéo, ... Có nhu cầu giao tiếp rất lớn đặc biệt là sự giao tiếp với bạn bè, từ đó mà hình thành lên các nhóm bạn cùng sở thích. Nếu không được giáo dục dễ bị sai lệch.
1.3.4.2. Về phía gia đình
Nhiều cha mẹ do nhận thức chưa đúng, thiếu tri thức về giáo dục con cái; sự quan tâm, nuông chiều thái quá trong việc nuôi dạy; sử dụng quyền uy của cha mẹ một cách cực đoan; tấm gương phản diện của cha mẹ, người thân; có các hoàn cảnh éo le hoặc hay bị sử dụng bằng vũ lực... đã tác động không nhỏ đến sự hình thành và phát triển nhân cách cho sinh viên.
Kinh tế thị trường kích thích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng làm suy yếu các chuẩn mực đạo đức gia đình nhất là quan hệ cha mẹ, con cái. Trong hôn nhân không ít người lấy nhau, bỏ nhau vì động cơ tiền tài danh vọng. Tỷ lệ ly hôn, ly thân của các gia đình ở nước ta có xu hướng tăng lên hàng năm. Trong gia đình không ít hiện tượng cha mẹ bị cuốn theo nhịp sống vội vã của nền kinh tế thị trường, thờ ơ với việc nuôi dạy con cái, không gần gũi, chăm lo về mặt tinh thần cho con cái một cách đầy đủ. Trong khi đó, thanh niên đang trải qua giai đoạn biến chuyển rất phức tạp về tâm sinh lý, đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên của cha mẹ, thầy cô, ... Do thiếu sự quan tâm, khuyên răn nhiều thanh niên cảm thấy cô đơn trong chính căn nhà của mình dẫn đến những hành vi tiêu cực hoặc tìm tới tình yêu nam nữ như một cứu cánh duy nhất dễ dẫn tới phạm sai lầm do sự nông nổi, thiếu kinh nghiệm. Mặt khác, nhiều bậc cha mẹ quá dễ dãi trong việc đáp ứng nhu cầu vật chất, tiền bạc cho con cái nhưng lại không chú ý đến việc xem con sử dụng đồng tiền như thế nào. Ngoài ra, sự phát triển
của dịch vụ xã hội khiến cho các gia đình ở đô thị xuất hiện xu hướng "dịch vụ hoá các công việc gia đình", đến mức nhiều gia đình không còn phải làm công việc gia đình ngoài những việc liên quan đến vệ sinh cá nhân. Hiện tượng "lười hóa" này không những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn tác động xấu đến con cái trong việc hình thành nhân cách, trong việc giáo dục lòng yêu lao động, tạo nên một thế hệ chỉ quen hưởng thụ mà không làm việc. Tệ hại hơn khi cha mẹ không là tấm gương đạo đức cho con mà còn có hành vi thiếu văn hóa, lối sống vô đạo đức và thậm chí có cả những hành vi phạm tội. Trong trường hợp này, các em dần nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi dẫn tới đồng lỏa với hành vi phạm pháp. Kết quả điều tra của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng chứng tỏ điều ấy: 68% giáo viên và 42% học sinh cho rằng các em vi phạm kỷ luật là do bố mẹ thiếu gương mẫu trong cuộc sống.
1.3.4.3. Về phía nhà trường
Một số CBQL, giảng viên và bạn bè thường có những định kiến, thiếu thiện cảm; sử dụng các biện pháp hành chính thái quá; đôi lúc còn lạm dụng quyền lực của các thầy cô giáo, nhà quản lý; sự thiếu gương mẫu trong mô phạm giáo dục; việc đánh giá kết quả, khen thưởng, kỷ luật thiếu khách quan và không công bằng; sự phối hợp không đồng bộ giữa các lực lượng giáo dục đều có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên.
Trong bối cảnh hiện nay không ít nhà trường chủ yếu chú trọng trang bị tri thức mà coi nhẹ giáo dục đạo đức, nhất là đạo đức nghề nghiệp. Thêm vào đó, những tiêu cực của bản thân ngành giáo dục - thương mại hóa giáo dục, xem nhẹ các môn khoa học xã hội và nhân văn, học thêm, dạy thêm tràn lan, chạy điểm, chạy bằng, bằng giả,... làm hạn chế chức năng giáo dục đạo đức nghề nghiệp của nhà trường, ảnh hưởng xấu đến đạo đức của sinh viên.
1.3.4.4. Về phía xã hội
Trong môi trường xã hội, uy lực đồng tiền và sự cạnh tranh không lành mạnh phá hoại những mối quan hệ tinh thần, đạo đức giữa người và người, hiện tượng hàng giả, hàng kém phẩm chất ngày một gia tăng, tinh thần giúp đỡ nhau, kính già yêu trẻ, thấy việc nghĩa không từ nan của mọi người ngày càng mờ nhạt, lòng yêu nghề, đạo đức nghề nghiệp – nhà giáo cũng hạn chế gây ảnh hưởng xấu đến việc hình thành đạo đức của thanh niên, sinh viên. Vì thanh niên, sinh viên là giai đoạn mà những tri thức, tình cảm, lý tưởng đạo đức,... đang trong quá trình trải nghiệm, dần hoàn thiện; những
nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cá nhân đang định hình dựa vào những khuôn mẫu có sẵn, những mẫu người lý tưởng nên cách sống, và xử thế không gương mẫu của người lớn, nhất là của những người được coi là tiêu biểu cho đạo đức cao cả, đạo đức xã hội chủ nghĩa, dễ tạo ra tình trạng "thần tượng sụp đổ" làm cho thanh niên mất phương hướng, mất niềm tin vào đạo đức của con người, hình thành lý tưởng sống thực dụng, ích kỷ, thậm chí đi vào con đường lầm lạc.
Môi trường văn hóa - xã hội đã thực sự bị ô nhiễm do những sản phẩm xấu độc hại cũng hàng ngày, hàng giờ hủy hoại, bào mòn lối sống đạo đức, nhân cách của thanh niên. Vì lợi nhuận, doanh thu, một số nhà xuất bản, nhà làm phim, nhà sản xuất không ngại ngần tung ra thị trường những loại sách, phim và các trò chơi vi tính, gameonline khiêu dâm, bạo lực. Đặc biệt, trong điều kiện xã hội hóa truyền hình hiện nay, nhiều chương trình truyền hình: phim ảnh, ca nhạc, game show vì lợi nhuận, chạy theo thị hiếu thấp kém mang đến cho khán giả những chương trình không đảm bảo chất lượng, thậm chí trái với thuần phong, mỹ tục, cổ súy cho văn hóa, lối sống lai căng, lối sống tuyệt đối hóa vật chất - kỹ thuật, lối sống gấp gây ảnh hưởng xấu đến việc hình thành lý tưởng đạo đức đúng đắn cho thanh niên, sinh viên.
Tác động của kinh tế thị trường đến đạo đức của thanh niên Việt Nam không chỉ do bản chất của kinh tế thị trường quy định mà còn do các thể chế có liên quan như thể chế kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật và việc thi hành pháp luật, hoạt động của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế và thông qua môi trường gia đình, nhà trường, xã hội. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, nguyên nhân của thực trạng đạo đức của thanh niên, sinh viên hiện nay chủ yếu là do thể chế kinh tế, chính trị và môi trường gia đình, nhà trường và xã hội tác động. Để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường đến đạo đức của thanh niên, chúng ta không thể không quan tâm đến những yếu tố quan trọng đó.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong chương này, chúng tôi đã hệ thống hóa và làm rõ các khái niệm liên quan đến đề tài. Đặc biệt làm rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp GDĐĐNN cho sinh viên sư phạm và các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí công tác GDĐĐNN cho sinh viên sư phạm.