về tầm quan trọng của công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Kết quả ở bảng 2.9 cho ta thấy 84% những người được điều tra khẳng định công tác GD kỹ năng sống cho học sinh ở 6 trường THPT huyện Bố Trạch là quan trọng, điều đó chứng tỏ rằng cán bộ quản lý, cán bộ đoàn và giáo viên ở các trường đã nhận thức một cách tương đối đầy đủ, đúng đắn tầm quan trọng của công tác GD kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường. Tuy nhiên vẫn còn 16% ý kiến chưa hoàn toàn coi trọng công tác giáo dục kỹ năng sống, vì vậy tiếp tục nâng cao nhận thức tư tưởng là một vấn đề hết sức quan trọng. Bởi vì có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng. Nhận thức, ý thức trách nhiệm có ý nghĩa quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình hoạt động. Do đó việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên đóng một vai trò hết sức quan trọng, có tác dụng tích cực đến
việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm góp phần quyết định vào công tác giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Ban giám hiệu nhà trường cần phải có biện pháp tốt nhất để tăng cường việc nhận thức đúng đắn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
3.2.1.1. Mục tiêu
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ giáo viên, các tổ chức Đoàn thể nhà trường về công tác giáo dục kỹ năng sống cho HS, làm cho họ thấy rõ tầm quan trọng và sự cấp thiết của sự quản lý hoạt động GDKNS cho HS trong giai đoạn hiện nay. Từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng GD kỹ năng sống cho HS nói riêng và chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường nói chung.
3.2.1.2. Nội dung
Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho tất cả cán bộ, giáo viên trong nhà trường về tầm quan trọng của công tác GD kỹ năng sống cho HS trong giai đoạn hiện nay.
Vai trò của cán bộ quản lý: Phải nắm chắc mọi chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy chế của Bộ Giáo Dục và Đào tạo, kế hoạch hoạt động của Sở Giáo Dục và Đào tạo về mục tiêu giáo dục toàn diện trong đó chú trọng đến công tác GD kỹ năng sống cho học sinh.
Cán bộ quản lý phải ý thức sâu sắc: hoạt động giáo dục đạo đức nhân cách và rèn kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường là bộ phận quan trọng trong toàn bộ hệ thống kế hoạch quản lý trường học.
Vai trò của cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh-Hội liên hiệp thanh niên: Phải nắm bắt mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính quyền, để có
định hướng hoạt động xuyên suốt trong năm học với nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực, có tinh thần trách nhiệm cao nhằm GD kỹ năng sống cho HS.
Vai trò của giáo viên bộ môn: Chất lượng giáo viên là nhân tố quyết
định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh. Lao động của người giáo viên mang tính đặc thù về đối tượng, phương tiện, thời gian và sản phẩm. Học sinh THPT là học sinh ở lứa tuổi 15 - 19, đây là lứa tuổi có sự phát triển mạnh về tâm sinh lý, học sinh có nhu cầu cao về trí tuệ và tình cảm của người giáo viên. Nhân cách của người thầy có vai trò cực kỳ quan trọng, người thầy tác động đến học sinh bằng lời nói, bằng hành động, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bằng sự thuyết phục, cảm hoá, bằng sự rèn luyện. Vì vậy người giáo viên cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình, không ngừng học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đặc thù của người giáo viên vừa là nhà sư phạm, vừa là nhà tổ chức, vừa tham gia các hoạt động chính trị xã hội. Phẩm chất nhân cách và trí tuệ tạo nên sức mạnh, niềm tin và lý tưởng nó thấm nhuần vào từng bài giảng, từng cử chỉ, hoạt động giáo dục của họ. Để giáo dục kỹ năng sống, nhân cách cho học sinh trước hết người quản lý cần bồi dưỡng lòng nhân ái sư phạm cho giáo viên. Lòng nhân ái, tình yêu thương con người là cái gốc của đạo lý làm người, tình yêu thương học sinh là xuất phát điểm của sự sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Tình yêu thương học sinh là cơ sở xuất phát của tình yêu nghề nghiệp, ý thức thái độ và tình yêu nghề nghiệp thể hiện ở việc không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, tạo niềm tin, uy tín trước học sinh và nhân dân:Mỗi thầy giáo thực sự là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Chính vì vậy người giáo viên phải có lòng yêu nghề, sự say sưa hứng khởi, sự kiên trì, khắc phục khó khăn trong học hỏi rèn luyện, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp giáo dục, tất cả vì học sinh thân yêu.
Vai trò của giáo viên chủ nhiệm: Là lực lượng nòng cốt trong công
tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm trực tiếp quản lý học sinh, gần gũi gắn bó với lớp, với học sinh, nắm được tâm tư nguyện vọng và hoàn cảnh của các em, là người mà các em thấy thân thiết như người bạn lớn, người mẹ, người chị để có thể thổ lộ giãi bày, sẻ chia. Bởi vậy người cán bộ quản lý phải chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm làm tốt các công việc: nắm vững lý lịch, hoàn cảnh của từng học sinh để từ đó có kế hoạch, biện pháp giáo dục phù hợp, giúp các em rèn luyện, học tập và phấn đấu để đáp ứng với yêu cầu của xã hội.
Giáo viên chủ nhiệm cộng tác chặt chẽ với cha mẹ học sinh, chủ động phối hợp với các giáo viên dạy bộ môn, Đoàn thanh niên, các lực lượng giáo dục khác có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh. Nhận xét, đánh giá và xếp loại học sinh. Xây dựng tập thể lớp thành một tập thể phát triển toàn diện, tự quản để trở thành phương tiện giáo dục KNS cho học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm giáo dục cho các em động cơ học tập đúng đắn, chăm chỉ, say mê học tập, biết trân trọng những kiến thức được tiếp thu, không ỉ lại, có nghị lực vượt qua mọi khó khăn, có thái độ trung thực trong học tập. Giáo dục các em đức khiêm tốn, tinh thần tập thể, tình đoàn kết thương yêu, giúp đỡ, tôn trọng nhau trong học tập và trong cuộc sống. Giáo viên chủ nhiệm phải vận dụng nhiều biện pháp tâm lý để tạo cho các em một niềm tin, một tinh thần phấn đấu. Đặc biệt rèn cho học sinh đức kiên trì, tính tự giác, chủ động sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Giáo dục cho các em quan điểm học tập tiến bộ và đúng đắn: Học để biết, học để làm, học để làm người, học để chung sống.
Giáo viên chủ nhiệm phải tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp do nhà trường tổ chức. Giáo viên chủ nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá học sinh từng tháng để kịp thời điều chỉnh các biện pháp giáo dục phù hợp.
Người quản lý cần chú ý những vấn đề sau:
- Phân công giáo viên chủ nhiệm cần phải cân nhắc chọn lựa phù hợp với từng khối lớp và đặc trưng mỗi lớp. Khi phân công chủ nhiệm cần chú ý sao cho các giáo viên có thể học hỏi lẫn nhau, bổ trợ cho nhau trong công tác đồng thời người quản lý cần chú ý đến những lớp cuối cấp, lớp có điều kiện hoàn cảnh đặc biệt hơn các lớp khác (lớp có học sinh gặp khó khăn trong học tập và rèn luyện, lớp có nhóm bạn học tốt...).
- Thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giúp họ nắm vững nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình, những kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm đồng thời động viên, khuyến khích, giúp đỡ họ học tập, trau dồi kinh nghiệm nâng cao năng lực và nghiệp vụ công tác chủ nhiệm qua đồng nghiệp và học hỏi ở trường bạn.