2.4.2.1. Nguyên nhân khách quan
Xã hội ngày một phát triển thì đồng nghĩa với nó là các mối quan hệ xã hội cũng ngày càng phức tạp hơn kéo theo đó là sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường nên một số học sinh đã có những quan niệm, những suy nghĩ lệch lạc. Nhiều em sớm có biểu hiện của lối sống buông thả, ham chơi, thực dụng, một số học sinh có hiện tượng bỏ giờ để đánh bi a, chơi điện tử, ham mê tìm cảm giác khác lạ, có học sinh lại luôn muốn tỏ ra mình là người hiểu biết, thích tự khẳng định mình thậm chí có em còn tự cho mình là có đủ tự tin để bước vào cuộc sống…Song trong thực tế rất ít em khi gặp phải biến cố xảy ra như gia đình bị phá sản, người thân mất, bố mẹ ly hôn, bạn bè phản bội... mà biết tự mình gượng dậy vượt qua được giai đoạn khó khăn đó. Nhiều em khi không may gặp phải các sự cố còn tỏ ra bi quan, chán chản tinh thần mệt mỏi, uể oải, mất niềm tin vào cuộc sống… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các em không được trang bị đầy đủ các kiến thức về kỹ năng sống từ phía gia đình, nhà trường và xã hội, đây có thể nói là kẽ hở để các em dễ bề bị lôi cuốn vào việc tìm cái mới, cái lạ... Một số em do không có bản lĩnh còn bị kẻ xấu rủ rê làm các việc phi pháp, thậm chí là phạm tội khi đang ở lứa tuổi vị thành niên. Mặt khác trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, Internet có nhiều bài báo đang cổ suý lối sống coi trọng giá trị tiền bạc, giá trị bề ngoài hào nhoáng thiếu định hướng giáo dục.
Tài liệu về công tác giáo dục KNS cho học sinh hầu như chưa được phổ biến một cách chính quy nên các trường và thậm chí là các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện công tác giáo dục kỹ năng sống.
Hơn nữa trong thực tế là do thiếu sự chỉ đạo từ trên xuống, do thiếu văn bản pháp quy nên công tác quản lý GDKNS cho học sinh chưa được coi là một tiêu chí quan trọng, chưa được đặt ngang hàng với giáo dục văn hóa.