Huyện Bố Trạch nằm ở trung tâm tỉnh Quảng Bình, phía Bắc giáp huyện Quảng Trạch, phía Tây - Bắc giáp huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, phía Nam giáp huyện Quảng Ninh và thành phố Đồng hới, phía Tây là biên giới Việt- Lào, phía Đông giáp biển Đông. Trước kia là châu Bố Chính, sau đó là huyện Bố Chính, năm 1831 lấy tên là huyện Bố Trạch.
Bố Trạch có diện tích tự nhiên là 2.123,1 km2,tiềm năng về tự nhiên khá lớn. Nằm ở vị trí trục đường giao thông Quốc lộ 1A, là huyện có di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, có bãi biển Đá Nhảy.
Huyện Bố Trạch có 30 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã miền núi và 2 xã vùng núi rẻo cao, có 24 km bờ biển và trên 40 km đường biên giới Việt Lào. Huyện còn có quốc lộ 12 A, nhánh Đông và Tây đường Hồ Chí Minh, đường sắt dọc tuyến đường quốc lộ 15A, tỉnh lộ 2, 2B, 3, tỉnh lộ 20 nối liền các tuyến đường dọc huyện, có cửa khẩu Kà Roòng – Noọng Ma (Lào) tạo điều kiện thuận lợi giao lưu buôn bán giữa các vùng miền.
Bố Trạch có diện tích đất rừng khá lớn, 175893,63 ha, trong đó rừng đặc chủng 91743,90 ha mà đặc biệt là núi đá vôi Phong Nha- Kẻ Bàng với nhiều loại gỗ quí và động vật quý hiếm. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 932,19 ha với nhiều hải sản quý. Điều kiện tự nhiên vừa có biển, núi, đồng bằng tạo thuận lợi cho huyện Bố Trạch phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, nông, lâm, ngư nghiệp...
Hiện nay, dân số toàn huyện Bố Trạch là 183.370 người, trong đó lực lượng lao động 91.083 người, chiếm tỷ lệ 49.6%, phân bố đều 30 xã và thị trấn.
Nhân dân Bố Trạch qua bao đời đã tích lũy được kinh nghiệm quý báu trong lao động sản xuất chống thiên tai, bắt thiên nhiên phục vụ con người. Người Bố Trạch đã xây dựng nên một phương thức canh tác phù hợp với khí hậu, đất đai ở địa phương, từ đó làm ra nhiều của cải vật chất, không chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân trong huyện, mà còn cung cấp cho nhu cầu ngoài huyện.
Điều kiện địa lý, hoàn cảnh lịch sử và quá trình đấu tranh chống thiên tai, địch họa đã hun đúc nên bản sắc con người Bố Trạch: cần cù, yêu lao động, chịu đựng gian khổ, hy sinh, thông minh, sáng tạo, sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, đậm đà tình làng, nghĩa xóm, thủy chung, son sắt với bạn bè, giàu lòng yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, giàu đức tính hy sinh, có tinh thần đoàn kết cộng đồng cao.
Nhân dân Bố Trạch mặc dù kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, ngư nghiệp và nghề rừng, cuộc sống vật chất gặp không ít khó khăn, túng thiếu nhưng nhân dân Bố Trạch rất hiếu học. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi nhận nhiều người con Bố Trạch say mê học tập, nghiên cứu khoa học, thi đỗ đạt cao. Truyền thống hiếu học được phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Kinh tế hàng năm tăng trưởng 10,18%, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá. Những chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế đã kéo theo sự phát triển không ngừng trong văn hoá xã hội. Trên lĩnh vực văn hoá giáo dục tiếp tục đạt nhiều tiến bộ cả về quy mô, chất lượng và đa dạng về hình thức đào tạo, CSVC được quan tâm đầu tư, chất lượng dạy và học được nâng lên, số HS giỏi tỉnh ngày một tăng. CSVC cho giáo dục được UBND huyện Bố Trạch thường xuyên quan tâm đúng mức. Hệ thống
trang thiết bị, văn phòng làm việc, nhà ở GV, hệ thống mầm non đang từng bước được đầu tư xây dựng. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện nhà trong thời gian tới.
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015:
Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Quảng Bình lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định "Đổi mới và phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ; chăm lo phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chú trọng giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”. [17, tr.30].
Trong thời gian tới, Nghị quyết cũng khẳng định: Tiếp tục nâng cao chất lượng GD và ĐT, đặc biệt là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh xã hội hóa để tiếp tục xây dựng hệ thống trường lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ GV; phấn đấu đến năm 2015, có 40-50% trường THCS và THPT đạt và giữ vững trường chuẩn quốc gia, 98% trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào mầm non, 98% trẻ em trong độ tuổi vào cấp tiểu học, 98% vào trung học cơ sở, 80% vào THPT và bổ túc THPT; tiếp tục thực hiện phổ cập THCS ở 100% xã, phường, thị trấn và phổ cập trung học phổ thông ở những nơi có điều kiện. Công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đúng mức. Có thể khẳng định rằng: “Chất lượng giáo dục có tiến bộ, hiệu quả được nâng lên. CSVC trường, lớp học được đầu tư, đội ngũ GV đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng". [17; tr.9].