2.1.3.1 Khái niệm rau an toàn
Theo cách hiểu thông thường hiện nay thì rau an toàn là loại rau được sản xuất trong điều kiện bình thường, có thể sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu nhưng phải đảm bảo thời gian cách ly để tránh gây độc khi sử dụng.
- Theo quyết định số 67/ 1998/QĐ - BNN - KHCN ngày 28/04/1998 về các quy định tạm thời về sản xuất rau an toàn của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn thì:
“Những sản phẩm rau tươi bao gồm tất cả các loại rau ăn củ, thân, lá, hoa, quả có chất lượng đúng với đặc tính giống của chúng, hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các vi sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, an toàn cho người tiêu dùng và môi trường thì được coi là rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gọi tắt là: Rau an toàn ”.
- Theo Trần Khắc Thi, sản phẩm rau được xem là an toàn khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
+ Sạch, hấp dẫn về hình thức: tươi, sạch bụi bẩn và tạp chất, thu và đóng gói đúng độ chín, không có triệu chứng bệnh, có bao bì vệ sinh hấp dẫn.
+ Sạch, an toàn về chất lượng: Khi sản phẩm rau chứa dư lượng thuốc BVTV, dư lượng nitrat, dư lượng kim loại nặng và lượng vi sinh vật gây hại không vượt quá ngưỡng cho phép của tổ chức Y tế thế giới.
2.1.3.2 Những nguyên nhân gây ô nhiễm trên rau trồng
- Do sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV)
Việc sử dụng nhiều loại thuốc BVTV một mặt có tác dụng tiêu diệt được các loại sâu bệnh hại, bảo vệ được năng suất cây trồng đồng thời tiết kiệm được chi phí công lao động. Chính vì vậy mà ngày nay con người đang sử dụng thuốc BVTV quá mức cho phép, gây nên các tác động xấu cho sức khỏe con người cũng như môi trường sống.
Theo Viện Bảo vệ thực vật năm 1998 đến nay nước ta đã và đang sử dụng khoảng 270 loại thuốc trừ sâu, 216 loại thuốc trừ bệnh, 160 loại thuốc trừ cỏ, 12 loại thuốc diệt chuột và 26 loại thuốc kích thích sinh trưởng với khối lượng ngày càng gia tăng .
Một điều đáng lo ngại hiện nay nữa đó là thời gian cách ly thuốc BVTV còn chưa được đảm bảo.
- Hàm lượng NO3- quá cao
Nguyên nhân làm dẫn đến hiện tượng này đó là do việc sử dụng các loại phân bón hoá học nhất là đạm, mặc dù theo một số nhà khoa học thì lượng phân hoá học được sử dụng trong trồng trọt ở nước ta thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
NO3 vào cơ thể ở mức độ bình thường không gây độc nhưng khi hàm lượng đã vượt quá mức cho phép thì lại gây nguy hiểm. Trong hệ thống tiêu hóa NO3 bị khử thành NO2, là một chất chuyển biến oxyheamo - globin thành chất không hoạt động được gọi là Methaemoglobin. Ở mức cao NO2 sẽ làm giảm hô hấp của tế bào, ảnh hưởng tới họat động của tuyến giáp gây ra đột biến và phát triển các khối u. Đây là những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với con người.
- Tồn dư kim loại nặng trong sản phẩm rau
Việc lạm dụng hoá chất BVTV cùng với các loại phân bón hoá học đã làm cho một lượng N, P, K và hoá chất BVTV bị trôi xuống các con mương và ao hồ, chúng xâm nhập vào mạch nước ngầm gây ra ô nhiễm.
- Vi sinh vật gây hại trong rau xanh.
Nguồn vi sinh vật chủ yếu được sinh ra từ tập quán dùng nước phân để tưới rau của nông dân.
Những nguyên nhân trên đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên rau trồng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như đến môi trường sản xuất, môi trường sống.
2.1.3.3 Các quy trình công nghệ sản xuất rau an toàn
Hiện nay ở nước ta đang áp dụng nhiều quy trình sản xuất rau an toàn như: quy trình IPM, quy trình rau hữu cơ... và gần đây nhất Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất rau.
Quy trình này đã được áp dụng từ khá lâu trong sản xuất rau an toàn ở nước ta. Quản lý dịch hại tổng hợp là một hệ thống điều khiển dịch hại bằng cách sử dụng hài hoà những biện pháp kỹ thuật một cách thích hợp trên cơ sở phân tích hệ sinh thái đồng ruộng một cách hợp lý để giữ cho chủng quần dịch hại luôn ở dưới ngưỡng gây hại kinh tế.
IPM trong sản xuất rau an toàn được biểu hiện dưới 3 hình thức cơ bản đó là: Trồng rau an toàn ngoài đồng ruộng, trồng rau trong điều kiện có che chắn và cuối cùng là trồng rau trong dung dịch (phương pháp thủy canh).
+ Trồng rau an toàn ngoài đồng ruộng là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Với đặc điểm là quá trình sản xuất diễn ra hoàn toàn ngoài điều kiện tự nhiên nên phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu và thường bị các loại sâu bệnh phá hại nhưng do chi phí sản xuất thấp nên đây vẫn là hình thức được người nông dân áp dụng rộng rãi.
+ Trồng rau an toàn trong điều kiện có che chắn (trong nhà lưới, màng P.E...). Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế được sâu bệnh hại, cỏ dại nên ít phải sử dụng thuốc BVTV đồng thời rút ngắn được thời gian sinh trưởng của rau, mang lại năng suất cao. Nhược điểm của phương thức này đó là chi phí đầu tư lớn, giá thành sản xuất cao nên chưa được sản xuất trên diện rộng.
+ Phương pháp thủy canh trong sản xuất rau an toàn mới được áp dụng những năm gần đây. Phương pháp này có ưu điểm là có thể sản xuất rau sạch, rau an toàn trong điều kiện thiếu đất, nước hoặc là nguồn đất, nước bị ô nhiễm, giảm được công lao động do ít phải chăm sóc, ít sâu bệnh và năng suất cao. Hiện nay đầu tư cho hình thức sản xuất này còn khá cao và còn nhiều vấn đề cần bàn về dung dịch trồng rau nên trồng rau trong dung dịch chưa được phát triển.
Quy trình sản xuất rau hữu cơ
Dự án trồng rau hữu cơ do Hội Nông Dân Việt Nam kết hợp với tổ chức ADDA ( Đan Mạch ) triển khai tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay.
Cách trồng rau hữu cơ này khác với cách trồng các loại rau sản xuất theo quy trình an toàn hiện nay ở chỗ: rau an toàn tuy sản xuất theo một quy trình nghiêm ngặt, nhưng vẫn có thể sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm... nếu cần, và chỉ cần đảm bảo đủ thời gian cách ly nhưng rau hữu cơ là rau trồng với 3 điều kiện cơ bản: không phân bón - hóa chất; không phun thuốc trừ sâu độc hại, và không có tồn dư chất kháng sinh.
Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)
Là quy trình do Bộ nông nghiệp và nông thôn ban hành vào tháng 1 năm 2008 về các quy định trong sản xuất rau an toàn từ sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến và vận chuyển rau quả nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu đến mức tối đa những mối nguy tiềm ẩn về hóa học, sinh học và vật lý.
Những yêu cầu chất lượng của “ rau an toàn ”: - Chỉ tiêu nội chất quy định cho rau tươi gồm: Dư lượng thuốc BVTV
Hàm lượng NO3
Hàm lượng một số kim loại nặng chủ yếu như Cu, Pb, Hg...
Mức độ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh và ký sinh trùng đường ruột - Tiêu chuẩn về hình thái
Sản phẩm phải được thu hoạch đúng độ già kỹ thuật hay thương phẩm theo yêu cầu của từng loại rau, không dập nát, hư hỏng, không lẫn tạp chất, sâu bệnh và có bao gói thích hợp.
2.1.3.4 Những điều kiện cơ bản để sản xuất rau an toàn
(Theo quyết định số 04/2007/QĐ- BNN ngày 19/01/2007 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về quản lý sản xuất và chứng nhận rau an toàn)
a. Quy định về rau rau an toàn (RAT)
Các chỉ tiêu đánh giá mức độ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm rau đặt ra như sau :
•Chỉ tiêu hình thái :
Sản phẩm phải được thu hoạch đúng thời điểm, đúng yêu cầu của từng loại rau, đúng độ chín kỹ thuật (hay thương phẩm); không dập nát, hư thối, không sâu bệnh và có bao gói thích hợp.
•Chỉ tiêu nội chất :
- Dư lượng các loại hoa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau. - Hàm lượng Nitrate (NO3-) tích luỹ trong sản phẩm rau.
- Hàm lượng tích luỹ của một số kim loại nặng chủ yếu như chì (Pb), thuỷ ngân (Hg), asen (As), cadimi (Cd), đồng (Cu) …
- Mức độ ô nhiễm các vi sinh vật gây bệnh ( E.coli, Samollela, trứng giun, sán …).
Sản phẩm rau chỉ được coi là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi hàm lượng tồn dư của các chỉ tiêu không vượt quá giới hạn tiêu chuẩn quy định cho phép.
b. Quy định về điều kiện sản xuất rau an toàn
Điều kiện sản xuất RAT: là hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm các tiêu chí về điều kiện môi trường và qui trình sản xuất của các cơ sở sản xuất để đảm bảo sản xuất ra các sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn an toàn.
Bao gồm các điều kiện sau: * Nhân lực:
- Tổ chức sản xuất RAT phải có cán bộ kỹ thuật chuyên ngành hoặc hợp đồng thuê cán bộ chuyên ngành về trồng trọt hoặc BVTV từ trung cấp trở lên để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất RAT.
- Người sản xuất RAT phải qua lớp huấn luyện kỹ thuật sản xuất RAT.
* Đất trồng:
- Đất quy hoạch để trồng RAT phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
+Có đặc điểm lý, hoá, sinh học phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây rau.
+Không bị ảnh hưởng trực tiếp các chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư, bệnh viện, các lò giết mổ gia súc tập trung và từ các nghĩa trang, đường giao thông lớn.
+Đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đất trồng trọt theo Tiêu chuẩn TCVN 5941: 1995, TCVN 7209 : 2000
- Đất ở các vùng sản xuất RAT phải đựơc kiểm tra mức độ ô nhiễm định kỳ hoặc đột xuất.
* Phân bón:
- Chỉ sử dụng các loại phân bón trong Danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, phân hữu cơ đã qua xử lý và ủ hoai mục bảo đảm không còn nguy cơ ô nhiễm hoá chất và vi sinh vật có hại.
- Không sử dụng các loại phân có nguy cơ ô nhiễm cao như: phân chuồng tươi, nước giải, phân chế biến từ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp để bón và tưới trực tiếp cho rau.
- Sử dụng hợp lý và cân đối giữa các loại phân (hữu cơ, vô cơ) số lượng phân dực trên tiêu chuẩn cụ thể quy định trong các quy trình của từng loại rau, đặc biệt với rau ăn lá phải kết thúc bón trước thu hái ít nhất là 14-15 ngày. Có thể sử dụng bổ sung phân bón lá (trong danh mục cho phép ở Việt Nam) và phải theo đúng hướng dẫn sử dụng.
- Hạn chế tối đa sử dụng các hóa chất kích thích và điều hòa sinh trưởng cây trồng. Chỉ sử dụng phân bón qua lá, thuốc kích thích sinh trưởng của các cơ quan đơn vị được phép sản xuất, đã được đưa vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, dùng đúng liều lượng và kỹ thuật hướng dẫn.
- Tất cả các loại phân không bón gần thời điểm thu hoạch.
- Chỉ dùng nước giếng khoan, nước từ các sông suối, hồ lớn... Nước tưới cho rau phải lấy từ nguồn không bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật và các hoá chất độc hại, phải đảm bảo chất lượng nước tưới theo tiêu chuẩn TCVN 6773: 2000.
- Không sử dụng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc, nước phân tươi, nước giải, nước ao tù đọng để tưới trực tiếp cho rau.
- Nguồn nước tưới cho các vùng RAT phải được kiểm tra định kỳ và đột xuất.
* Kỹ thuật canh tác RAT :
- Luân canh: Khuyến khích bố trí công thức luân canh hợp lý giữa các loài rau, giữa rau với cây trồng khác.
- Xen canh: Việc trồng xen giữa rau với các cây trồng khác không tạo điều kiện để sâu bệnh phát sinh, phát triển.
- Vệ sinh đồng ruộng:
+Khu vực trồng RAT cần được thường xuyên vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn sâu bệnh hại và ô nhiễm khác.
+Đối với rau trồng theo công nghệ cao cũng phải thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc và đảm bảo thời gian cách ly hợp lý giữa các trà, vụ gieo trồng.
+Chọn giống rau: không được sử dụng các giống rau biến đổi gen (GMO) khi chưa có giấy chứng nhận an toàn sinh học.
+Bón phân: sử dụng đúng chủng loại, liều lượng, thời gian bón và cách bón theo quy trình trồng trọt RAT cho từng loại rau; riêng phân đạm phải bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch ít nhất mười ngày và ít nhất bảy ngày đối với phân bón lá.
* Phòng trừ sâu bệnh:
- Thực hiện triệt để các biện pháp phòng trừ tổng hợp trên cơ sở áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (I.P.M) chính trong hệ sinh thái ruộng rau. Bên cạnh các biện pháp giống và canh tác, coi trọng biện pháp đấu tranh sinh học (vai trò của các sinh vật có lợi).
- Khuyến khích xây dựng nhà lưới, nhà màn cách ly côn trùng phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của mỗi loài rau và điều kiện sinh thái của từng vụ, từng vùng, đặc biệt với các loại rau có giá trị kinh tế cao, rau trồng trái vụ.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tựơng sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời.
- Áp dụng biện pháp phòng trừ thủ công, đặc biệt là biện pháp bắt sâu, bắt bướm và diệt ổ trứng sâu vào thời điểm thích hợp, tiêu huỷ các cây, bộ phận của cây bị bệnh.
- Sử dụng thuốc trừ sâu bệnh nguồn gốc sinh học, biện pháp phòng trừ sinh học, nhất là đối với các loại rau ngắn ngày. Bảo vệ, nhân nuôi và phát triển thiên địch trong các vùng trồng rau.
- Chỉ được dùng các loại thuốc hóa học ít độc hại và phân giải nhanh khi cần thiết, sử dụng đúng liều lượng, đảm bảo thời gian cách ly cho phép theo hướng dẫn của ngành BVTV.Tuyệt đối không được dùng những thuốc BVTV đã cấm sử dụng, các loại thuốc chưa có danh mục BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hoá học để phòng trừ sâu bệnh cho rau. Trường hợp cần thiết phải sử dụng thuốc hoá học tuân thủ nguyên tắc 4 đúng :
+Đúng chủng loại: chỉ sử dụng các loại thuốc thuộc Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
+Đúng liều lượng: sử dụng đúng nồng độ và liều lượng hướng dẫn trên bao bì cho từng loại thuốc và từng thời gian sinh trưởng của cây trồng .
+Đúng cách: áp dụng biện pháp phun xịt, tung vãi hoặc bón vào đất theo đúng hướng dẫn của từng loại thuốc để đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người và môi trường.
+Đúng thời gian: Sử dụng thuốc đúng thời điểm theo hướng dẫn để phát huy hiệu lực của thuốc và tuân thủ thời gian cách ly được quy định cho từng loại thuốc, từng loại rau.
* Thu hoạch và bảo quản RAT:
- Thu hoạch: Rau an toàn phải thu hoạch đúng kỹ thuật, đúng thời điểm để đảm bảo năng suất chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm;