Để hiểu rõ năng lực cạnh tranh của dịch vụ NHBL, trước tiên ta cần tìm hiểu khái niệm năng lực cạnh tranh của một sản phẩm hàng hoá thuần tuý.
Một sản phẩm hàng hoá được coi là có năng lực cạnh tranh khi nó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về chất lượng, giá cả, tính năng, kiểu dáng, tính độc đáo hay sự khác biệt, thương hiệu, bao bì… hơn hẳn so với những sản phẩm hàng hoá cùng loại. Nhưng năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá lại được định đoạt bởi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Sẽ không có năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá cao khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm đó thấp.
Ở đây cũng cần phân biệt năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đó là hai phạm trù khác nhau nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau. Năng lực cạnh tranh của hàng hoá có được do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tạo ra; nhưng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ do năng lực cạnh tranh của hàng hoá quyết định mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của hàng hoá có ảnh hưởng rất lớn và thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Năng lực cạnh tranh của sản phẩm được đo bằng thị phần của sản phẩm đó. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm phụ thuộc vào chất lượng, giá cả, tốc độ cung cấp, dịch vụ đi kèm, uy tín của người bán, thương hiệu, quảng cáo, điều kiện mua bán, v.v...
Dựa vào những đặc điểm của dịch vụ NHBL, và các khái niệm về năng lực cạnh tranh của sản phẩm đã nói ở trên, tác giả cho rằng: năng lực cạnh tranh dịch
vụ ngân hàng bán lẻ tại một NHTM là sự thể hiện khả năng vượt trội của một ngân hàng về các điều kiện, nguồn lực mà ngân hàng có trong quá trình cạnh tranh để tạo ra sự khác biệt hoá về giá cả, chất lượng dịch vụ, thương hiệu … trong hoạt động dịch vụ NHBL của mình so với các đối thủ khác trong lĩnh vực ngân hàng.
Năng lực cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ NHBL không tách rời năng lực cạnh tranh của ngân hàng, năng lực cạnh tranh của ngân hàng tạo ra và định đoạt năng lực cạnh tranh của dịch vụ NHBL
Micheal Porter, người được coi là cha đẻ của lý thuyết cạnh tranh cho rằng thách thức lớn nhất trong cạnh tranh không phải là trở thành tốt nhất mà phải trở nên khác biệt. Các ngân hàng, cũng như các doanh nghiệp muốn thành công phải làm những việc độc đáo, cung ứng những giá trị khác biệt cho khách hàng. Tuy nhiên, khi nhận định về thị trường Việt Nam, ông cho rằng tất cả các công ty trong cùng một ngành đang sao chép và làm những việc giống nhau. Cách làm này sẽ không mang lại hiệu quả nếu ngân hàng, các doanh nghiệp muốn đạt được hiệu quả và vươn đến một vị trí cạnh tranh cao hơn.
1.2.4 Các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng thương mại