7. Ý nghĩa của đề tài
1.1.3. Hiện trạng áp dụng SXSH và chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm
năm 2020 ở Việt Nam
Chương trình SXSH do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) khởi xướng được một số doanh nghiệp ở Việt Nam áp dụng đã mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và môi trường. SXSH đã trở thành một trong 36 chương trình ưu tiên của chiến lược quốc gia về BVMT của Việt Nam; lĩnh vực công nghệ môi trường nói chung cũng đang được nhà nước Việt Nam ưu tiên kêu gọi hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, để nhân rộng chương trình này, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Cho đến nay mối quan tâm chính của đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam là thu hút đầu tư nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua nâng cao hiệu quả đầu tư vào sản xuất, trong đó có tính đến yếu tố môi trường vẫn chưa phổ biến. Mặt khác, suy nghĩ truyền thống về BVMT thường chỉ tập trung vào để xử lý các chất thải và khí thải đã được phát sinh ra, đó là kiểm soát ô nhiễm hay xử lý cuối đường ống. SXSH là khái niệm mới đối với ngành công nghiệp nước ta. SXSH hạn chế hay giảm thiểu các chất thải và ô nhiễm trước khi chúng được sinh ra. Thông qua giảm thiểu các chất thải và ô nhiễm tại nguồn, tiếp cận này còn giảm tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất. SXSH nhằm đạt hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu sao cho cao nhất có thể được.
Sau khi áp dụng chương trình SXSH, rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã tiết kiệm được một khoản chi phí lớn cho công tác xử lý BVMT hay đầu vào nguyên nhiên liệu. Thời gian vừa qua, nhờ chương trình SXSH mà ngành giấy chỉ mới đầu tư hơn 766.000 USD nhưng đã tiết kiệm hằng năm hơn 3,2 triệu USD; ngành dệt nhuộm đầu tư 506.000 USD, tiết kiệm được 2 triệu USD; ngành vật liệu xây dựng đầu tư 593.000 USD, tiết kiệm được 1,08 triệu USD; ngành thực phẩm đầu tư 174.000 USD đã tiết kiệm được 797.000 USD; ngành kim khí đầu tư 307.000 USD đã tiết kiệm 503.000 USD...
Tuy ngành sản xuất sữa nước ở Việt Nam cũng mới bước đầu áp dụng chương trình SXSH nhưng cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, điển hình như
nhà máy sữa Ba Vì chỉ mới đầu tư 1,5 tỷ đồng cho việc thực hiện SXSH nhưng đã tiết kiệm được 600 triệu đồng mỗi năm.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chọn một số doanh nghiệp thực hiện thí điểm chương trình dán nhãn sinh thái sản phẩm hàng hóa, công bố cho người tiêu dùng biết là sản phẩm sạch. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 100% hàng hóa xuất khẩu và ít nhất 50% hàng hóa nội địa được dán nhãn sinh thái.
Dù chương trình mang lại nhiều kết quả khả quan, song còn nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà vì đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam là nhỏ và vừa, thiếu vốn để thay đổi công nghệ sản xuất thân thiện môi trường.
Theo số liệu thống kê hiện nay, hơn 80% doanh nghiệp áp dụng công nghệ BVMT lạc hậu, 76% áp dụng công nghệ những năm 1950 – 1960 và 75% thiết bị sản xuất đã qua thời kỳ khấu hao. Chỉ có 10% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng máy móc, thiết bị mới. Bên cạnh đó, hiện ở Việt Nam không có cơ quan quản lý nào hướng dẫn công nghệ phù hợp cho các ngành nghề khác nhau.
Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt ngày 07 tháng 9 năm 2009 với mục tiêu phổ biến rộng rãi công cụ này vào các cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất công nghiệp, đồng thời giảm thiểu chất thải và tác động của các cơ sở sản xuất đến môi trường và sức khỏe con người.
Sản xuất sạch hơn (SXSH) đang là một xu hướng tại nhiều nước phát triển và đang phát triển hiện nay. Đối với Việt Nam đây là một định hướng xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ nay đến năm 2020.
Mục tiêu cụ thể mà chiến lược này đặt ra là đến năm 2015 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 25% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và những cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH sẽ tiết kiệm được từ 5 đến 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 70% các sở công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH trong công nghiệp.
Giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của chiến lược là đưa 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp. Đồng thời, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và những cơ sở áp dụng SXSH sẽ tiết kiệm được từ 8 đến 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu/đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 90% doanh nghiệp vừa và lớn sẽ có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn. Đồng thời, 90% các sở công thương sẽ có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả khảo sát mới đây cho thấy: mục tiêu trên sẽ khó thực hiện được do mức độ nhận thức về SXSH tại các cơ sở công nghiệp trên toàn quốc vẫn rất thấp và hầu như không đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa áp dụng quá trình SXSH vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sản xuất sạch hơn đã được phổ biến tại Việt Nam từ những năm 90 của thập kỷ trước bằng sự thành lập của Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam và nỗ lực của nhiều nhà tài trợ như Thụy Điển, Canada, Đan Mạch, v.v... Tuy nhiên mặc dù đã được trình diễn tại hàng trăm cơ sở sản xuất và lợi ích của nó đã được chứng minh trên thực tế, được truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mức độ lan tỏa của SXSH đã không được như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn xa lạ, chưa hiểu và chưa áp dụng công cụ này.
Các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài nước đã có một số nghiên cứu đánh giá về những yếu tố có thể được coi là rào cản của SXSH tại Việt Nam. Những rào cản này có thể được phân thành 04 loại hình chính: (1) chính sách của nhà nước, (2) động lực của cơ sở sản xuất, (3) rào cản về kỹ thuật và (3) rào cản về quản lý.
Về vấn đề chính sách, mặc dầu đã có nhiều cố gắng và đã xây dựng được hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường tương đối toàn diện, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế tuân thủ đối với các quy định của nhà nước do vậy nhiều cơ sở sản xuất còn chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ môi trường. Ngoài ra nhiều nguồn lực đầu vào sản xuất (đặc biệt là nước và nhân công) của chúng ta còn
quá rẻ so với nhiều nước nên các doanh nghiệp chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Rào cản thứ hai là rào cản liên quan đến động lực của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa quán triệt quan điểm người gây ô nhiễm phải trả tiền trong chính sách bảo vệ môi trường của nhà nước và cho rằng bảo vệ môi trường là việc của nhà nước. Quan điểm chờ đợi hỗ trợ của nhà nước trong các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có áp dụng sản xuất sạch hơn còn tương đối phổ biến. Các doanh nghiệp cũng chưa thực sự hiểu lợi ích của sản xuất sạch hơn đối với tính kinh tế của doanh nghiệp mà đơn thuần cho rằng SXSH cũng tương tự như việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thường gây chi phí tăng thêm.
Về mặt kỹ thuật, nhiều cơ sở sản xuất của ta còn tương đối yếu về kiểm toán và hạch toán nội bộ nên không đo đếm được mức chi phí của mình mất đi theo chất thải. Do vậy không nhận thấy sự cần thiết áp dụng sản xuất sạch hơn để giảm chất thải đồng thời giảm chi phí sản xuất. Việc phổ biến sản xuất sạch hơn thường dựa trên mạng lưới các nhà tư vấn nhưng ngay cả các chuyên gia tư vấn của ta cũng thiếu về số lượng và chất lượng. Đặc biệt thiếu là các chuyên gia sản xuất sạch hơn chuyên ngành.
Mặc dù các rào cản trên là tương đối quan trọng, nhưng đã phần nào được xác định, nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra có tác động khắc phục tích cực. Ví dụ, đối với rào cản chính sách, các cơ quan quản lý ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều nỗ lực trong việc cưỡng chế tuân thủ với pháp luật về bảo vệ môi trường, giá năng lượng và các tài nguyên khác cũng dần tăng lên khiến các doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc nâng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Bộ Công Thương thông qua dự án ODA do Đan Mạch tài trợ cũng đang thực hiện nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ sở sản xuất và tăng cường bổ sung các chuyên gia tư vấn về SXSH sạch hơn.
Loại hình rào cản từ trước đến nay chưa được chú ý nhiều đó là các rào cản mang tính quản lý bao gồm: (1) văn hoá doanh nghiệp, (2) sự phù hợp của SXSH đối với phương thức quản lý của Việt Nam, và (3) kỹ năng quản lý của các chủ
doanh nghiệp. Một cuộc điều tra đối với 04 nhóm đại diện bao gồm nhóm chuyên gia tư vấn về SXSH, nhóm cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến SXSH, nhóm doanh nghiệp đã áp dụng sản xuất sạch hơn và nhóm doanh nghiệp chưa áp dụng sản xuất sạch hơn để xác định đây có thực sự là rào cản và nếu là rào cản thì cần phải có những giải pháp gì để khắc phục đã được tiến hành.
Qua lăng kính của các chuyên gia ngoài nước, người Việt Nam có quan điểm ngại thay đổi, do vậy các doanh nghiệp do họ quản lý cũng phải chịu văn hoá quản lý "tĩnh", kém linh hoạt trong việc đưa các công cụ quản lý mới vào áp dụng nếu thực sự không có áp lực từ bên ngoài hoặc động lực về lợi ích kinh tế, đặc biệt là với các công cụ môi trường. Kết quả điều tra cho thấy đây là một nhận định có nhiều phần đúng, và để khắc phục được rào cản này, nhà quản lý cần phải kết hợp giải pháp tăng áp lực từ cơ quan quản lý đồng thời tăng cường tuyên truyền về lợi ích của sản xuất sạch hơn không chỉ trên phương diện môi trường mà quan trọng hơn đó là lợi ích kinh tế đối với doanh nghiệp khi áp dụng SXSH.
Nhận định về tính phù hợp của SXSH đối với phương thức quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng SXSH là một giải pháp có tính quy trình, hệ thống, chủ động và liên tục trong khi các doanh nghiệp Việt Nam quen thuộc hơn với các giải pháp có tính nhiệm vụ, một lần, thiếu chủ động và ngắn hạn. Kết quả điều tra cho thấy nhận định trên phần nào có cơ sở, và để SXSH phù hợp với Việt Nam, các hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cần được Việt Nam hoá như điều chỉnh thuật ngữ cho gần gũi hơn với ngôn ngữ điều hành sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam; cách mô tả các bước thực hiện cần đơn giản hoá. Đặc biệt kết quả điều tra cho thấy cần có hướng dẫn riêng và cụ thể hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đối với rào cản là kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp, tỷ lệ lớn những người tham gia điều tra đồng ý đây là một rào cản lớn. Sản xuất sạch hơn là một công cụ quản lý, để áp dụng doanh nghiệp trước hết cần phải có hệ thống quản lý tối thiểu, mặt khác để đo được lợi ích của SXSH, chủ doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các dữ liệu sản xuất của mình, trong khi đó nhiều doanh nghiệp đặc
biệt là các doanh nghiệp nhỏ không có hệ thống lưu giữ dữ liệu sản xuất. Do vậy việc nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất nói chung cho các doanh nghiệp là rất cần thiết để giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với các phương thức quản lý mới, bao gồm cả SXSH.
Như vậy qua nghiên cứu cho thấy, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến các rào cản mang tính quản lý từ đó có biện pháp khắc phục nhằm phổ biến thành công sản xuất sạch hơn tại Việt Nam, thực hiện mục tiêu của Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020.