Các nhóm giải pháp SXSH

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cải thiện môi trường cho ngành sản xuất sữa nước-trường hợp điển hình tại công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam (Trang 26)

7. Ý nghĩa của đề tài

1.1.2. Các nhóm giải pháp SXSH

Các nhóm giải pháp SXSH có thể tóm tắt theo sơ đồ trong hình 1.2.

Hình 1.2: Các nhóm giải pháp của SXSH

Quản lí nội vi: là một giải pháp đơn giản nhất, thường không đòi hỏi chi phí đầu tư và có thể được thực hiện ngay sau khi xác định giải pháp. Nhóm giải pháp này chủ yếu là cải tiến thao tác công việc, giám sát vận hành, bảo trì thích hợp, cải tiến công tác kiểm kê nguyên vật liệu và sản phẩm.

Thay đổi nguyên liệu đầu vào: Là việc thay thế các nguyên liệu đang sử dụng bằng các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn. Đó còn có thể là việc mua nguyên liệu với chất lượng tốt hơn để đạt hiệu suất sử dụng cao hơn.

Cải tiến kiểm soát quá trình: Là việc kiểm soát các thông số của quá trình sản xuất như nhiệt độ, thời gian, áp suất… để đảm bảo các điều kiện sản xuất được tối ưu hóa về tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng và phát sinh chất thải.

Cải tiến thiết bị: Là những thay đổi dựa trên những thiết bị hiện có nhằm giúp quy trình sản xuất hoạt động hiệu quả hơn, tổn thất nguyên liệu ít hơn và giảm thiểu chất thải.

Thay đổi công nghệ: Là chuyển đổi sang công nghệ mới hiệu quả hơn, giúp giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm thiểu chất thải. Đây là giải pháp yêu cầu chi phí đầu tư cao, do đó cần phải được nghiên cứu cẩn thận. Tuy nhiên, tiềm năng tiết kiệm nhiên liệu, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm phát sinh chất thải là rất lớn.

Tuần hoàn tại chỗ: Là việc tận dụng chất thải để tiếp tục sử dụng cho quá trình sản xuất.

Tạo các sản phẩm phụ có ích: Là việc tận dụng chất thải để tiếp tục sử dụng cho mục đích khác.

Thay đổi sản phẩm: Thay đổi các tính chất đặc trưng của sản phẩm, nhằm giảm thiểu tác động độc hại của sản phẩm đó đối với môi trường, cả trước và sau khi sản phẩm được đưa vào sử dụng, hoặc làm giảm thiểu ảnh hưởng của việc sản xuất loại sản phẩm đó đối với môi trường.

Sử dụng năng lượng có hiệu quả: Năng lượng là nguồn đầu vào có khả năng gây ra các tác động môi trường rất đáng kể. Việc khai thác các nguồn năng lượng có thể gây tác hại đối với đất, nước, không khí, và đa dạng sinh học, hoặc là nguyên nhân làm phát sinh một số lượng lớn chất thải rắn. Những tác động môi trường phát sinh từ việc sử dụng năng lượng có thể được giảm bớt bằng cách sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn, hoặc bằng cách thay thế nguồn năng lượng sạch hơn như mặt trời, năng lượng gió.

Nghiên cứu và đề xuất giải pháp SXSH cho hoạt động sản xuất sữa nước nhằm tiết kiệm nước và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu là nghiên cứu các công đoạn từ quá trình sản xuất cho đến thải bỏ và xử lý các chất thải. Từ xem xét và phân tích các công đoạn này cho phép đánh giá được những cơ hội SXSH có thể áp dụng để thực hiện mục tiêu tiết kiệm nước và nguyên nhiên vật liệu, đồng thời giảm thiểu chất thải.

Để áp dụng được SXSH cần phải phân tích một cách chi tiết về trình tự vận hành của quá trình sản xuất cũng như thiết bị sản xuất hay còn gọi là đánh giá về SXSH. Đánh giá SXSH là một công cụ hệ thống có thể giúp phân tích và nhận dạng các công đoạn sử dụng nguyên liệu không hiệu quả, việc quản lý chất thải kém, và các rủi ro về bệnh nghề nghiệp bằng cách tập trung chú ý vào các khía cạnh môi trường và các tác động của các quá trình sản xuất công nghiệp [17].

Năm 1993, Ủy ban Năng suất quốc gia Ấn Độ thực hiện dự án “Trình diễn giảm chất thải tại các ngành công nghiệp nhỏ” (DESIRE = Desmontration in Small Industries of Reducing Waste). Phương pháp luận DESIRE gồm 6 bước và 18 nhiệm vụ như sau:

BƯỚC 1: BẮT ĐẦU

Nhiệm vụ 1: Thành lập nhóm SXSH

Nhiệm vụ 2: Liệt kê các bước công nghệ

Nhiệm vụ 3: Xác định các công đoạn gây thải

BƯỚC 2: PHÂN TÍCH CÁC BƯỚC CÔNG NGHỆ

Nhiệm vụ 4: Lập sơ đồ công nghệ sản xuất

Nhiệm vụ 5: Xây dựng cân bằng vật chất và năng lượng

Nhiệm vụ 6: Tính tóan các chi phí dòng thải

Nhiệm vụ 7: Xác định nguyên nhân gây thải

BƯỚC 3: ĐỀ XUẤT CÁC CƠ HỘI SXSH

Nhiệm vụ 8: Hình thành các cơ hội SXSH

Nhiệm vụ 9: Lựa chọn các cơ hội SXSH

BƯỚC 4: LỰA CHỌN CÁC GIẢI PHÁP SXSH

Nhiệm vụ 10: Đánh giá khả thi về kỹ thuật

Nhiệm vụ 11: Đánh giá khả thi về kinh tế

Nhiệm vụ 12: Đánh giá các khía cạnh môi trường

Nhiệm vụ 13: Lựa chọn các giải pháp

BƯỚC 5: THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP SXSH

Nhiệm vụ 14: Chuẩn bị thực hiện

Nhiệm vụ 15: Thực hiện các giải pháp SXSH

Nhiệm vụ 16: Giám sát và đánh giá kết quả

BƯỚC 6: DUY TRÌ SẢN XUẤT SẠCH HƠN

Nhiệm vụ 17: Duy trì các giải pháp SXSH

Nhiệm vụ 18: Lựa chọn các công đoạn tiếp theo

Các giải pháp SXSH phải được xây dựng theo 6 bước như hình 1.3 và 18 nhiệm vụ như hình 1.4 [12].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cải thiện môi trường cho ngành sản xuất sữa nước-trường hợp điển hình tại công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)