- Vấn đề đặt ra đối với nâng cao năng lực công nghệ, cập nhật công nghệ hiện đại và làm chủ sáng tạo công nghệ Việt Nam
3.2.6. Thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp, nhà máy đóng tàu hiện nay nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ công nhân
ngành công nghiệp đóng tàu.
Quyền làm chủ của công nhân trong các cơ sở sản xuất, xí nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuỷ ở Hải Phòng là thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của ngành, phát huy tốt theo phương châm: công nhân biết, công nhân bàn, làm và công nhân kiểm tra mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời phải tạo ra những điều kiện cần thiết để công nhân làm chủ doanh nghiệp.
Thực hiện quyền dân chủ của công nhân trong các nhà máy đóng tàu ở Hải Phòng là điều kiện cơ bản để nâng cao nhận thức, ý thức kỷ luật của đội ngũ công nhân. Quyền dân chủ ở các nhà máy đóng tàu là thực hiện quyền làm chủ của đội ngũ công nhân ngành công nghiệp đóng tàu trong các nhà máy, nghĩa là công nhân có quyền tham gia vào quá trình tổ chức, sản xuất và phân phối các phúc lợi xã hội, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy. Công nhân phải gắn quyền lợi với nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong phát triển nhà máy, vì lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của chính bản thân công nhân và của nhà máy trong ngành công nghiệp đóng tàu.
Trong đó việc nâng cao ý thức, năng lực làm chủ cho công nhân dựa trên cơ sở bồi dưỡng nâng cao kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hoá, đặc biệt là nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp cho công nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó cần có cơ chế đảm bảo cho công nhân tham gia quản lý doanh nghiệp, kiểm tra giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp một cách công khai minh bạch hoá trong thực hiện chế độ khen thưởng và các chính sách xã hội khác của Đảng, Nhà nước và Tổng Công ty CNTT đối với công nhân.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc kỷ luật lao động và Luật doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của công nhân. Công nhân thực hiện quyền làm chủ của mình khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm chủ thông qua các tổ chức đoàn thể đại diện cho mình mà trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức Công đoàn trong các Xí nghiệp, Nhà máy. Ngày 19/8/1997 Thường trực Bộ chính trị đã ra thông báo số 88 TB/TW về việc tổ chức nghiên cứu xây dựng các quy chế dân chủ ở cơ sở. Ngày 18/2/1998 Bộ Chính trị ra chỉ thị số 30 CT/TW về xây dựng thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Chính phủ đã thể chế hoá tư tưởng chỉ đạo của các văn bản nói trên và chính thức ban hành 3 văn bản pháp quy về "Quy chế dân chủ cơ sở" trong đó có nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày
13/12/1999 về ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở các doanh nghiệp Nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở là nhằm phát huy cao nhất vai trò làm chủ của nhân dân lao động trong xây dựng Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân, vì dân, trong các cơ sở doanh nghiệp Nhà nước.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ sẽ giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa các cấp uỷ Đảng - Ban Giám đốc - Công đoàn nhằm phát huy quyền làm chủ của công nhân, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức ấy trong việc chăm lo đời sống vật chất và đời sống tinh thần của đội ngũ công nhân.
Để giải quyết được những nội dung nêu trên đòi hỏi phải tổ chức tốt Đại hội công nhân viên chức. Vì đây là hình thức dân chủ trực tiếp để công nhân tham gia vào quản lý doanh nghiệp và qua đây công nhân xây dựng các thoả ước lao động tập thể, thảo luận thông qua quy chế làm chủ và sử dụng các quỹ có liên quan đến lợi ích của người lao động, cải thiện điều kiện việc làm, vệ sinh môi trường...
Cần tạo ra môi trường dân chủ, công bằng thực sự tránh tình trạng dân chủ hình thức tạo điều kiện cho sự phát triển của đội ngũ công nhân ngành công nghiệp đóng tàu. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm khắc mọi hiện tượng vi phạm quyền dân chủ, làm chủ của công nhân; đấu tranh chống bệnh quan liêu, tham nhũng làm trong sạch và lành mạnh các mối quan hệ xã hội trong nhà máy.