Trong cơ chế thị trường, đặc biệt là hiện nay khi ngành công nghiệp đóng tàu đang đẩy nhanh đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp, các hình thức cổ phần hoá và chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình Công ty mẹ, Công ty con đã làm thay đổi căn bản về quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, kể cả trong các đơn vị doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước đều có điểm chung đó là chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường lấy mục tiêu kinh tế, mục tiêu lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Các nhà máy đóng tàu ở Hải Phòng cũng không nằm ngoài quy luật ấy, mỗi nhà máy đều có quyền tự chủ trong quá trình sản xuất kinh doanh và ký kết các hợp đồng tuyển dụng và sử dụng lao động theo các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, đều dựa trên cơ sở 2 bên tự thoả thuận là chính nên việc ký hợp đồng lao động cũng diễn ra thông thoáng hơn trên nguyên tắc việc cần người và người cần việc.
Trong quy trình sản xuất đóng mới và sửa chữa tàu ngày càng thể hiện sự phân công lao động có tính chuyên môn hoá cao: các hợp đồng đóng mới tàu sau khi được ký kết với các đối tác thì được phân và bàn giao từng phân đoạn, tổng đoạn bộ phận gia công, chế tạo, lắp ráp về các xưởng sản xuất theo nguyên tắc khoán sản phẩm và chịu trách nhiệm; quyền lợi của người công nhân gắn liền với các sản phẩm tàu nhất định. Người lao động có tay nghề kỹ thuật chuyên môn cao được coi trọng, người lao động làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít điều đó kích thích được tinh thần thái độ nhiệt tình cao trong công việc của người công nhân hơn. Đồng thời nó góp phần thúc đẩy người lao động phải học tập nâng cao trình độ tay nghề chuyên môn nghiệp vụ của mình. Hơn nữa, do các đơn vị nhà máy sản xuất đóng mới và sửa chữa tàu ở Hải Phòng đều nằm cạnh nhau một mặt nó tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu trao đổi học hỏi kinh nghiệm và phối hợp với nhau trong phân công lao động sản xuất trong đội ngũ công nhân giữa các nhà máy. Nhưng mặt khác, nó cũng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về thu hút nguồn nhân lực lao động có tay nghề kỹ thuật cao, có nhiều kinh nghiệm. Các nhà máy bằng các chế độ chính sách ưu đãi đặc biệt của mình để thu hút người lao động có chất lượng cao, điều đó dẫn đến các hiện tượng tranh chấp lao động giữa các nhà máy thường xuyên diễn ra.
Qua sự khảo sát thực tiễn một số nhà máy đóng tàu lớn ở Hải Phòng về cơ bản mối quan hệ người sử dụng lao động và người lao động được giải quyết khá tốt. Vấn đề này theo ông Lê Nhân Phùng - Bí thư Đảng uỷ - Phó chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty
công nghiệp tàu thuỷ Nam Triệu nói: "Chúng tôi là một Công ty lớn, làm ăn lớn để bảo đảm hoàn thành được các lô đơn đặt hàng trị giá hàng triệu USD với các đối tác nước ngoài. Vấn đề quan tâm hàng đầu của chúng tôi đó là việc đào tạo người lao động và sử dụng người lao động đúng công việc để họ phát huy được tính sáng tạo của mình trong lao động. Mục tiêu của nhà máy xem người lao động cũng là một “đối tác" chứ không phải là người lao động “làm thuê”. Giữa Ban giám đốc - Đảng uỷ - Công đoàn công ty là một khối thống nhất, làm cầu nối phân công trách nhiệm và phối hợp giải quyết đúng, đầy đủ mọi chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của Nhà nước đề ra. Bên cạnh đó Công ty còn có nhiều chế độ chính sách xã hội khác chăm lo đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người lao động, làm cho họ tự hào là người của nhà máy, xem nhà máy là nhà của mình”. Có thể nói, chính cách nghĩ và việc làm trên là một điểm mạnh chung của các nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu ở Hải Phòng hiện nay. Chính mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động được giải quyết tốt nên mọi bất đồng, khó khăn tạm thời trước mắt trong nhà máy đều được công nhân thông cảm, chia sẻ cùng giải quyết.
Tuy nhiên, nhìn chung mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động ở trong các cơ sở sản xuất đóng mới và sửa chữa tàu ở Hải Phòng hiện còn tồn tại một số yếu tố bất cập trong tranh chấp quyền lợi giữa một số bộ phận người lao động. Đối với các giới chủ trong một số vấn đề sau còn diễn ra gay gắt: Cải thiện điều kiện việc làm giữa bộ phận công nhân gián tiếp và công nhân trực tiếp quá chênh lệch, các chế độ chính sách BHXH, BHYT giữa bộ phận công nhân hợp đồng ngắn hạn chưa thực sự được quan tâm bảo đảm về mặt luật pháp và còn có sự phân biệt đối xử; các chế độ phúc lợi xã hội khác do các xưởng lao động khoán theo sản phẩm nên lợi nhuận ngoài lương cho công nhân được hưởng trong cùng một nhà máy chưa hợp lý còn thiếu sự công bằng. Tình trạng đó đã làm ảnh hưởng không tốt mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động ở một số nơi trong các nhà máy đòi hỏi chung ta cần phải nghiêm túc xem xét giải quyết.