- Chiến lược mở rộng thị trường
3.2.1.2. Chiến lược quản trị chất lượng
Xây dựng chính sách giá cả trong thu mua sản phẩm: chất lượng cà phê được quyết định từ những người sản xuất, từ khâu chọn giống đến chăm sóc, thu hái, chế biến, những hiện nay do các doanh nghiệp vẫn mua bán theo kiểu “có gì mua đấy”, mức độ chênh lệch giá giữa chất lượng tốt với xấu không đủ
kích thích người sản xuất đầu tư nâng cao chất lượng. Để giải quyết vấn đề này, cần phải xây dựng một chính sách giá cả hợp lý trong thu mua cà phê. Nguyên tắc chung là cà phê quả tươi có tỉ lệ chín cao, ít tạp chất thì mua với giá cao; quả xanh chiếm tỉ lệ cao, nhiều tạp chất thì giá thấp hoặc không thu mua. Có như vậy mới khuyến khích những người làm ra sản phẩm có chất lượng cao và ràng buộc những người làm ra sản phẩm kém chất lượng.
Xây dựng và ban hành hệ thống quy chuẩn chất lượng cho cà phê: cà phê Robusta của cao nguyên Bo La Vên Pắc Xong vốn có chất lượng cao, thậm chí cao hơn hẳn cà phê cùng chủng loại của nhiều nước, nhưng trong quan hệ mua bán cà phê với nhà nhập khẩu, hầu hết các doanh nghiệp thu mua vẫn áp dụng bộ tiêu chuẩn cũ 4193:93. Cụ thể, các chỉ tiêu đó bao gồm: cỡ hạt, tỉ lệ tạp chất, tỉ lệ hạt đen, sâu, nâu, vỡ tính theo % khối lượng. Cái lợi từ việc áp dụng tiêu chuẩn này là đơn giản, chi phí thấp. Tuy nhiên cách phân loại này là quá sơ sài, không đánh giá đầy đủ chất lượng của cà phê và đồng nghĩa với việc chấp nhận cả những hạt cà phê còn xanh (cà phê quả xanh được thu hoạch và chế biến, nếu không bị đen, vỡ thì không ảnh hưởng đến kết quả phân hạng theo tiêu chuẩn này). Trong khi đó, theo ICO thu hái quả xanh được xem là lỗi rất nặng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hoạch quả xanh vẫn tiếp diễn, làm cho chất lượng cà phê không được cải thiện và khiến cho cà phê thô của cao nguyên Bo La Vên luôn trong tình trạng bị ép giá nặng. Do vậy, để đem về giá trị xuất khẩu ngày càng cao, Nhà nước cần giúp ngành cà phê ban hành những quy định chuẩn về chất lượng cà phê thô và cà phê đã chế biến, để tạo ra thước đo đánh giá chất lượng sản phẩm của từng trang trại, từng hộ làm cà phê và từng doanh nghiệp chế biến. Việc đưa ra bộ tiêu chuẩn sản phẩm cà phê sẽ là điểm tựa quan trọng để thay đổi cách làm hiện nay, giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giúp người sản xuất xây dựng uy tín của mình.