Chất lượng nguồn nhân lực hiện tại là một trong những trở ngại lớn nhất để phát triển hoạt động của các quỹ tín dụng, đặc biệt các bộ phận quản lý. Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chủ yếu thông qua phát triển cơ sở hạ tầng cho đào tạo nghiệp vụ và quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng.
Các đối tượng được đào tạo nên tập trung vào (i) các cán bộ liên quan trực tiếp tới các dịch vụ tài chính ở tất cả các cấp (như cán bộ tín dụng, kế toán, cán bộ huy động vốn…), và (ii) đội ngũ lãnh đạo, tập trung vào ban giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị.
Cần thường xuyên đưa cán bộ nhân viên quỹ tín dụng tham gia các lớp đào tạo của ngân hàng nhà nước/ ngân hàng hợp tác để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Đối với nhân viên mới cần hướng dẫn cho họ nắm vững mục tiêu, quy trình hoạt động của quỹ tín dụng. Các nhân viên cũ cũng cần được tham gia các lớp đào tạo. Hình thức đào tạo sẽ chú trọng theo từng chuyên ngành, kết hợp vừa học vừa làm vừa đi tham quan học tập ở một số QTDND điển hình. Thời gian học tập mỗi đợt từ 1-2 tháng. Các QTDND xây dựng chế độ tự kiểm tra, kiểm soát cơ sở, cán bộ kiểm soát phải là người có năng lực chuyên môn và được hưởng lương như cán bộ điều hành, phải liên đới chịu trách nhiệm về tổn thất.
Bộ phận quản lý điều hành phải xây dựng được cơ cấu tổ chức, xác định vai trò, chức năng của từng bộ phận, từng nhân viên của quỹ tín dụng, bố trí công việc cụ thể cho từng cá nhân theo năng lực của từng người. Việc bố trí đúng người đúng việc và phân quyền rõ ràng sẽ đạt được chất lượng, kết quả cao trong công việc và có cơ sở để xử lý trách nhiệm cá nhân.
Mỗi quỹ nên có chính sách nhân sự phù hợp khuyến khích thúc đẩy nhân viên trong công việc phát huy được hết khả năng, có chính sách khen thưởng kịp thời đối với những thành tựu của nhân viên đồng thời phải có những chính sách kỷ luật, nguyên tắc và quy chế để nhân viên tuân theo.
Đối với những nhân viên thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, cần có yêu cầu cao về thái độ và năng lực chăm sóc khách hàng.